Dễ thương như người Sài Gòn, ngọt như "Sài Gòn, Anh Yêu Em"

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Sài Gòn, Anh Yêu Em...dễ thương và đầy vị ngọt

Mình biết dự án này từ lúc mới bắt đầu casting, nhưng từ đó đến khi Sài Gòn, Anh Yêu Em công bố poster mình vẫn không thấy hứng thú là mấy. Nhưng đến khi xem trailer chính thức thì bắt đầu có cảm tình chút chút, đặc biệt là ở đoạn cuối trailer khi cô Ngọc Giàu và chú Thanh Nam hát trích đoạn Thoại Ba Công Chúa. Mình rất thích những đạo diễn, biên kịch đưa chất liệu truyền thống vào phim. Trước giờ hầu như chỉ có đạo diễn Hàm Trần làm tốt điều này (dựng lại Lữ Bố hí Điêu Thuyền trong Âm Mưu Giày Gót Nhọn, dùng đạo Mẫu ở Châu Đốc làm mạch dẫn trong Đoạt Hồn, phân đoạn tuồng cổ trên sân khấu trong Siêu Trộm), thành thử khi xem trailer của Sài Gòn Anh Yêu Em (SGAYE) mình khá là hào hứng, hy vọng phim sẽ khai thác nhiều hơn về cải lương. Và kết quả vượt ngoài sự mong đợi, SGAYE là bộ phim quá sức tuyệt vời đối với bộ môn cải lương tuồng cổ. Phải mà đến cuối phim có ghi thêm dòng "Tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Tòng" - thống soái của cải lương tuồng cổ thì tuyệt hơn nữa.

Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, lưu ý trước khi xem tiếp

Chuyện tuồng tiếc để đó, lát bàn sau. Quan trọng hơn phải nói đó là khâu kịch bản của SGAYE rất đúng chất Sài Gòn. Mà "chất" của cái thành phố hơn 8 triệu dân người ra kẻ vào theo những cuộc mưu sinh này là gì? Là ồn ào, tạp nham, thất thường nhưng cũng rất ngọt, rất lãng mạn và rất tình người. Đó cũng là những thứ đã cấu thành nên những câu chuyện đan xen trong SGAYE. Là đủ mọi loại người từ cô bán bánh mì đanh đá đến bà chủ tiệm "xa lông he" ra rả nhưng tốt tánh, từ cô phát thanh viên yêu Sài Gòn đến đôi nghệ sĩ cải lương già bán nhang ở đình, từ gã Việt kiều về nước tìm cha đến anh doanh nhân thành đạt làm mọi cách để cưa lại người yêu cũ. 5 tuyến truyện cùng xuất hiện trong một bộ phim, nghe có vẻ lộn xộn nhưng thực chất lại đan xen vào nhau nhịp nhàng không dư thừa. Dù có lúc nó hơi ngô nghê và khuôn sáo nhưng mỗi câu chuyện là một màu cảm xúc, có những màu tươi, những màu trầm, cả những màu rất mãnh liệt. Có thể nhiều người sẽ thấy vẫn còn thiếu màu đen, vì Sài Gòn cũng tàn nhẫn và đau thương lắm, nhưng thiết nghĩ với một phim thiên về cảm xúc như SGAYE, phần thực tế cũng không cần quá trần trụi.

Tất nhiên, cùng lúc điều khiển nhiều tuyến truyện sẽ khiến đạo diễn bị đuối sức. Điển hình nhất là tuyến truyện của Tôn Nữ Như Khuê (Đoan Trang) và người chồng Tây làm việc ở Đại sứ quán (Johan Wicklund - cũng là chồng Đoan Trang ngoài đời). Câu chuyện này chưa đẩy được nhiều cảm xúc, phần kịch tính cũng không ép phê nên có lẽ sẽ khiến mọi người dễ quên nhất. Diễn xuất của Đoan Trang ở một vài chỗ hơi thái quá khiến phim bị giả ở một số đoạn. Với lại, câu chuyện này lại toát lên một sự lãng mạn tinh tế theo kiểu... Hà Nội, có lẽ vì vậy mà nó dễ bị chìm giữa những câu chuyện khác.

Thật đáng mừng khi mối tình của hai chàng trai Khánh (Cường Đinh) và Đức (Brian Trần) không phải là "mồi câu khách" như nhiều người lầm tưởng trước đó. Không có cảnh nóng hay những đoạn nhạy cảm để mọi người phải nghĩ "lại một phim đồng tính". Tình yêu của Khánh và Đức diễn ra tự nhiên như những cuộc tình dị tính còn lại, thậm chí còn chẳng ai phải nói ra câu "Tôi là gay và tôi này kia kia nọ". Cuộc tình của họ là cuộc tình không đầu không cuối, chẳng day dứt mà cũng không quá nồng nhiệt, cả hai đến với nhau như những kẻ vô tình chạm nhau giữa Sài Gòn, bị hấp dẫn bởi một mùi hương hay một chiếc khăn tay. Họ yêu chẳng rõ ràng và xa nhau cũng không rơi nước mắt. Câu chuyện này có một cái chất rất Sài Gòn, nơi mà nhiều người tìm đến những mối quan hệ không sợ bị ràng buộc, nhưng được diễn giải theo một cách nhẹ nhàng hơn. Hai diễn viên cũng không quá khó khăn để nhập vai.

Câu chuyện của Việt Phương (Huy Khánh) và Thiên Kim (Maya) thì là một câu chuyện lãng mạn, đại diện cho sự hiện đại và mơ mộng. Họ là hai kẻ giàu có, thành đạt, lý ra đã là người dưng nhưng lại cố gắng dính vào nhau một lần nữa bởi cái cớ "thành phố này nhỏ thật" nhưng có tình cờ hay không thì chả biết. Có thể với nhiều người câu chuyện này hơi xa hoa và thiếu thực tế, nhưng chả sao cả. Vì đó chính là ước mơ của những kẻ có cả tình lẫn tiền giữa thành phố đông đúc này mà. Ai mà chẳng muốn được người yêu thắp sáng cả một cây cầu để tỏ tình hay làm tuyết rơi cả một khoảng sân để cầu hôn? Mình không nhìn nhầm khả năng diễn xuất của Maya, ở Scandal hay SGAYE đều vậy, Maya có cách biểu đạt cảm xúc rất chừng mực, không hề lên gân nhưng vẫn ăn điểm. Cả tính cách của nhân vật Thiên Kim cũng được xây dựng khá nhất quán dù nội tâm của cô này đầy mâu thuẫn. Một số chỗ giải quyết vấn đề còn dễ dàng nhưng vì tổng thể phim quá tốt nên chẳng đáng bận tâm lắm.

Tuyến truyện của mẹ con của Mỹ Tuyền (Phi Phụng) và Mỹ Mỹ (Huỳnh Lập) ồn ào nhưng cũng dễ thương nhất. Cách đây không lâu mình vừa chê cô Phi Phụng được giao một vai không hợp trong Cô Hầu Gái, làm cô lộ khá nhiều khuyết điểm thì nay với bà chủ "xa lông he" Mỹ Tuyền, cô đã lấy lại phong độ. Cùng với Huỳnh Lập và Duy Khánh Zhou Zhou (xuất hiện 2 cảnh), cả ba tạo nên những tiếng cười hào sảng và lô lố rất Sài Gòn. Hơi tiếc vì thoại vẫn còn khá an toàn, hầu như không có câu chửi bậy nào nên khán giả vẫn chưa thể vỗ đùi đen đét vì tâm đắc. Nhưng thật sự là cô Phi Phụng với Huỳnh Lập đài từ quá tốt (diễn viên kịch mà) nên những đoạn mà hai mẹ con đôi co hay tâm sự mình rất ưng, rất dễ thương. Nhưng chắc chắn những người không phải người Sài Gòn gốc sẽ thấy hơi um sùm.

Cuối cùng, quan trọng nhất, đặc biệt nhất và cũng là linh hồn của bộ phim: tuyến truyện của đôi tri kỉ cải lương ông Sáu bà Ba. Đây là câu chuyện tuyệt vời nhất dù nó được kể bằng chất liệu sân khấu nhiều hơn điện ảnh. Nhưng vì nó khai thác quá tốt chất liệu truyền thống dân tộc là cải lương lẫn những trăn trở và đam mê của người nghệ sĩ nên nó tạo được vô vàn cảm xúc. Đạo diễn và biên kịch chắc chắn phải là một người yêu và hiểu Sài Gòn từ gốc rễ mới dám đào sâu về loại hình nghệ thuật đang dần mai một này. Phải, Sài Gòn là cái nôi của cải lương, nếu mang tiếng làm một phim về Sài Gòn mà bỏ mất cải lương thì quá thiếu sót. Hầu hết những cảnh quay đắt giá nhất đều thuộc về tuyến truyện "già" này. Mình đã nổi da gà với cảnh ông Sáu (chú Thanh Nam) nhìn tấm hình hồi trẻ của mình rồi quẹt từng lớp phấn lên mặt, như để sống lại cái quá khứ huy hoàng thuở nào khi có ai đó vô tình khơi lại trong ông tình yêu sân khấu. Ở cái tuổi xế bóng đó, sân khấu của ông đâu còn là những gánh hát tấp nập bà con mà chỉ đơn giản là ngôi nhà vắng lúc đêm khuya. Ông cùng với "cô đào" của mình hát lại trích đoạn Tiếng Trống Mê Linh dù không có ai ngồi xem, nhưng lại lấy nước mắt của vô vàn khán giả ngoài màn hình. Cái tri kỉ của họ không chỉ tạo nên từ sự cảm thông mà còn từ lòng yêu nghệ thuật. Chắc chắn, càng về cuối phim, bạn sẽ càng cảm thấy rúng động vì những tinh hoa nghệ sĩ và cái tình người son sắc thấm đượm trong cả vai diễn lẫn trong cốt cách hai nghệ sĩ tài hoa này. Cảnh gần cuối phim, khi tấm rèm sân khấu chia không gian thành hai nửa đối lập sẽ khiến nhiều người tâm đắc. Nhưng cảnh mình thích nhất lại là cảnh hai con người của hai thế hệ bước đi giữa hàng nhang đỏ, một bên với đôi dép tổ ong lẹp xẹp còn một bên là giày tây bóng loáng. Theo mình đây là một phân đoạn cực kì đắt giá vì nó như tiếng lòng của Sài Gòn ngày nay khi phải cố gắng giao thoa giữa những cái tân thời và những điều cũ xưa, nhưng dường như bên "cổ" đang lép vế bên "tân". Thành thử sự xuất hiện của hai gạo cội Thanh Nam - Ngọc Giàu trong phim chẳng khác nào một cốc nước tưới lên sa mạc truyền thống đang dần cằn cỗi không chỉ trong điện ảnh. Càng đáng quý hơn khi họ được xuất hiện để mọi người tôn vinh và trân trọng chứ không phải gia vị đưa vào cho mặn.

Ngoài nội dung, SGAYE còn khéo léo đưa vào gần như đầy đủ những hình ảnh tạo nên Sài Gòn như cơm tấm, bánh mì, bột chiên, lẩu dê, kem trộn, kẹt xe, mưa nắng, v.v... thậm chí cả những lúc người này chửi người kia, người kia chặn đường đánh người nọ. Những con hẻm nhỏ người ra kẻ vào với những cảnh rộng từ trên cao cũng thể hiện tốt sự đối lập về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, ngoài một số đoạn có bố cục đắt giá kể bên trên thì vẫn có những cảnh quay mà theo mình thấy là có hơi hướm "Vũ Ngọc Đãng". Ví dụ như cảnh ông Sáu lật đật đạp xe về gặp con giữa đường sá tấp nập, lúc ông chạy song song với xe lửa trên đường ray làm mình nhớ đến Vừa Đi Vừa Khóc hay Hot Boy Nổi Loạn. Những cảnh đặc tả lúc phơi nhang thì lại theo style của Cường Ngô (cụ thể là đoạn con Hương phơi nhang trong Hương Ga). Dù không phải copy mà chỉ là thừa hưởng những điều hay từ những người kinh nghiệm hơn nhưng nếu có được nhiều cảnh sáng tạo hơn nữa thì vẫn tốt. Thêm một điều mình thấy tiếc nữa đó là ở đoạn sân khấu cuối cùng, nếu lúc ông Sáu bà Ba đang diễn Tiếng Trống Mê Linh được lồng vào song song bằng khung cảnh sân khấu xưa, như một hiện thực chưa bao giờ thành hình của cả hai, thì sẽ giá trị hơn rất nhiều.

Phần âm nhạc trong phim cũng được sử dụng khá tốt. Đặc biệt những ca khúc xưa như Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Đời Tôi Cô Đơn được đưa vào những khoảnh khắc rất đúng trọng tâm. Cộng hưởng với phần cổ nhạc quá lừng lẫy qua giọng ca ngọt bùi của cô Ngọc Giàu và chú Thanh Nam, âm nhạc của SGAYE như hơi thở của phim luôn chứ không đơn thuần là những bài hát.

Thật sự thì SGAYE chính là phim Việt mình thích nhất từ đầu năm đến giờ. Nó có một tổng thể vừa vặn, lại còn mang được một tinh thần hoài niệm rất đẹp đẽ. Năm ngoái mình từng rất cảm phục đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi đưa được những điều quen thuộc của Sài Gòn xưa vào câu chuyện chuyển thể từ Hàn Quốc trong Em Là Bà Nội Của Anh thì năm nay mình sẽ dành cho đạo diễn Lý Minh Thắng một tràng pháo tay và một cái cúi đầu trân trọng vì anh đã yêu thương cải lương đến như vậy trong phim của mình. Có một câu mà cứ phải nói đi nói lại nhưng không thừa, điện ảnh Việt đang phát triển nhưng quá hỗn mang, thay vì cứ phải chứng tỏ đẳng cấp hay tầm vóc trong khi chưa có nền tảng tốt thì hãy cứ làm cho đàng hoàng những bộ phim đơn giản nhưng không hời hợt như vầy đã. Khán giả tinh ý lắm, mình làm phim bằng tâm hay bằng tiền họ nhận ra hết (ờ mà có phim nào không làm bằng tiền đâu haha). Không cần phải phân bua hay khóc lóc gì cả, tự thức những điều chân thật nhất sẽ khiến người khác yêu thương. Hy vọng SGAYE sẽ được chiếu thật lâu, ở thật nhiều rạp, và các bạn trẻ hay đưa ba mẹ ông bà mình đi xem để họ thấy rằng phim Việt bây giờ vẫn còn những thứ dễ thương như vầy.