[REVIEW] Joshua: Teenager vs Superpower - Thiếu niên tuổi 17 thách thức siêu cường đại lục

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Với những ai muốn chứng kiến sự phi thường của những người trẻ Hồng Kông, Joshua: Teenager vs Superpower (2017) là bộ phim thích hợp để bắt đầu.

Joshua: Teenager vs Superpower thuật lại quá trình đấu tranh vì lý tưởng tự do và dân chủ của thế hệ trẻ Hồng Kông, những người sinh ra và lớn lên trong một đặc khu Hồng Kông nằm dưới sự quản lí của chính quyền Trung Quốc. Từ Joshua của tên phim chỉ thiếu niên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), thủ lĩnh trẻ của những phong trào chính trị của lực lượng học sinh – sinh viên tại đây.

Phim tài liệu về hành trình đấu tranh của người trẻ Hồng Kông. Nguồn: The Guardian
Phim tài liệu về hành trình đấu tranh của người trẻ Hồng Kông. Nguồn: The Guardian

Là một bộ phim tài liệu lột tả giai đoạn hỗn loạn của Hồng Kông cách đây chỉ mới 7 năm, tính thời đại là cảm giác đầu tiên bộ phim khơi dậy từ người xem, nhất là đối với những ai đang dõi theo tình hình hiện tại ngày một đang nóng lên ở khu vực này.

Những cuộc biểu tình gần đây càn quét qua Hồng Kông khiến nhiều người bắt đầu chú ý đến mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Nhưng trên thực tế, Hồng Kông từ lâu đã dậy sóng về cách Trung Quốc, cụ thể hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc, áp dụng phong cách cai trị mang tính độc tài của họ tại đặc khu này. Và bộ phim tư liệu Joshua: Teenager vs Superpower cho người xem thấy rõ nguyên nhân đằng sau mối bất hòa âm ỉ giữa người dân Hông Kông và chính quyền ở đại lục, cũng như nhắc đến những cột mốc quan trọng thôi thúc tinh thần dân tộc của người Hồng Kông và khát vọng dân chủ chân chính của họ.

Joshua chỉ mới 17 tuổi nhưng đã lãnh đạo phong trào Hồng Kông. Nguồn: The Guardian
Joshua chỉ mới 17 tuổi nhưng đã lãnh đạo phong trào Hồng Kông. Nguồn: The Guardian

Đúng như tên gọi của bộ phim, trung tâm chính của phim là hình ảnh của thiếu niên Joshua Wong/Hoàng Chi Phong. Mọi đoạn khởi đầu-cao trào-kết thúc đều đặt cậu làm trung tâm và khắc họa thế giới quan của thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết khi ấy còn ở độ tuổi học sinh cấp 3. Mở rộng hơn nữa là những người trẻ, những học sinh, sinh viên cảm nhận được sự mất dần nhân dạng của mình với tư cách là một người Hồng Kông kể từ khi nơi đây được Anh Quốc trao trả về Trung Quốc năm 1997.

Joshua: Teenager vs Superpower có đầy đủ yếu tố làm nên một bộ phim tài liệu điển hình. Phim chỉ được gói gọn trong thời lượng 1 tiếng 20 phút (tính luôn cả credit). Những nhân vật trong phim đều là những người có thật, không phải diễn viên. Nên họ không hề “diễn” mà chỉ tập trung nói lên những suy nghĩ, nhận định của bản thân. Những cảnh quay của phim không hề sử dụng bất cứ kỹ thuật dựng cảnh nào, kỹ thuật mà các bộ phim tài liệu lịch sử hay sử dụng nếu sự kiện diễn ra trong thời kì chưa tồn tại các thiết bị ghi hình hoặc không những sự kiện muốn nói đến không được ghi lại đầy đủ, mà hoàn toàn là  những đoạn video thực tế được quay ngay tại những sự kiện đã diễn ra được khắc họa trong bộ phim này.

Bộ phim dựa trên những footage có thật được quay và biên tập lại. Ảnh: Cinema Clock
Bộ phim dựa trên những footage có thật được quay và biên tập lại. Ảnh: Cinema Clock

Chúng được đạo diễn Joe Picatella cùng với khả năng biên tập sao cho phim có được những pha chuyển cảnh nhịp nhàng mà không không làm xáo trộn sự kiện hay làm ảnh hưởng đến độ chân thật của phim. Bên cạnh đó, ông cũng lồng ghép những đoạn phỏng vấn trục tiếp những chuyên gia có cái nhìn sâu sắc về thực trạng của Hồng Kông lúc bấy giờ và đã theo dõi phong trào của Hoàng Chi Phong từ những ngày đầu tiên. Những phân đoạn này đóng vai trò cung cấp thông tin và những cái nhìn khách quan cho người xem.  

Tuy nhiên, ấn tượng sâu sắc nhất mà Joshua: Teenager vs Superpower để lại vẫn là tính hiện thực có sức truyền cảm mạnh mẽ, dai dẳng ngay cả khi bộ phim đã kết thúc. Ở đây, đúng-sai chỉ là một phạm trù tương đối.

Diễn viên trong phim là những người thật nên không hề mang tính diễn. Ảnh: Cinema Clock
Diễn viên trong phim là những người thật nên không hề mang tính diễn. Ảnh: Cinema Clock

Để đảm bảo tính khách quan, một bộ phim tài liệu không thể cưỡng ép hay tuyên truyền một tư tưởng nào đó. Nhiệm vụ của thể loại tài liệu là nói lên sự thật. Do chỉ tập trung quanh thiếu niên Hoàng Chi Phong, nhiều người xem có thể cảm thấy sự thật này trong phim chỉ mang vẻ một chiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là lời chia sẻ của Chi Phong không thể khiến người ta suy ngẫm.

Trước mắt người xem, Chi Phong, chỉ mới 17 tuổi, xuất thân trung lưu, không tiền bạc hay quan hệ, đã lên phố kêu gọi người dân phản ký kiến nghị bãi bỏ chương trình giáo dục bắt buộc được coi là mang yếu tố mị dân đến từ chính phủ đại lục, tổ chức biểu tình và cuối cùng là thách thức cả chính phủ. Đây là hình ảnh chắc chắn sẽ thu hút nhiều ý kiến trái chiều của những khán giả xuất thân từ những nền tư tưởng khác nhau. Nhưng đồng thời, hình ảnh Hoàng Chi Phong được phim thể hiện xuyên suốt hơn 1 giờ đồng hố cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Tại sao một cậu bé có thể làm được những chuyện này? Nguyên nhân nào thôi thúc cậu ấy?

Bộ phim không hề lên gân tuyên truyền, phim truyền tải những sự thật xảy ra ở Hồng Kông. Ảnh: Cinema Clock
Bộ phim không hề lên gân tuyên truyền, phim truyền tải những sự thật xảy ra ở Hồng Kông. Ảnh: Cinema Clock

Ở Chi Phong và những người bạn của cậu, người ta thấy được sự hiện thân của mối mâu thuẫn luôn tồn tại trong xã hội ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào: tư tưởng, giai cấp, thế hệ, tự do và trật tự. Những mối mâu thuẫn này đều là mục tiêu mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Nhiều nơi chọn cách sống trong hòa thuận, nơi khác lại ra sức chối bỏ những hệ tư tưởng mà họ không đồng tình. Đây là mối mâu thuẫn thúc đẩy người dân sở tại phải lựa chọn con đường cho chính họ. Đối với một nơi có lịch sử và vị thế đặc thù như Hồng Kông, những mâu thuẫn này là điều không thể tránh khỏi. Bộ phim đã đưa cách người trẻ nơi đây lựa chọn đối mặt với chúng. Giờ họ chỉ chờ những cá nhân thuộc thế hệ cha ông lựa chọn cho riêng mình.

Joshua: Teenager vs Superpower chỉ đưa ra ý kiến và chủ thể đại diện cho ý kiến đó. Phim tuyệt đối không tuyên truyền sự hỗn loạn hay kích động sự hỗn loạn ấy. Bộ phim để khán giả phải tự đặt câu hỏi bản thân và cung cấp sự thật đằng sau sự giận dữ, tâm huyết, ý muốn, và nỗi sợ ám ảnh của những cá nhân liên quan đến các sự kiện. Đến cuối cùng, sự quyết định luôn được đặt trong tay những khán giả đã lựa chọn xem phim.

Bộ phim giúp khán giả tự tìm cho câu trả lời cho những sự kiện ở Hồng Kông. Ảnh: New Bloom Magazine
Bộ phim giúp khán giả tự tìm cho câu trả lời cho những sự kiện ở Hồng Kông. Ảnh: New Bloom Magazine

Các bộ phim tài liệu (Documentary) có khả năng miêu tả chân thực những sự kiện lịch sử và, qua đó, lay động với những cảm xúc chân thật và lời nói sống động. Joshua: Teenager vs Superpower (2017) là một bộ phim như vậy.