Midsommar và 6 chi tiết thú vị kết hợp từ nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Midsommar được lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng và hệ thống niềm tin... để truyền tải câu chuyện về sự hợp tan của một mối quan hệ và quá trình chữa lành.

Kéo xuống để xem tiếp

Midsommar (đọc trại từ mid-summer, nghĩa là ngày hạ chí, thời điểm diễn ra lễ hội trong phim), bộ phim kinh dị tiếp sau Hereditary của Ari Aster từng làm mưa làm gió một thời trong cộng đồng những người yêu phim kinh dị và phim cult năm 2018. Không ám ảnh và không đáng sợ bằng Hereditary, nhiều khán giả có lẽ sẽ thấy hơi thất vọng với Midsommar. Chính bản thân Ari Aster cũng đã thừa nhận rằng Midsommar là bộ phim tâm lý đội lốt phim kinh dị với các chi tiết xẻ thịt, lột da đủ để khiến nhiều khán giả phải rùng mình. Trọng tâm của Midsommar là câu chuyện ẩn ý về sự hợp tan của một mối quan hệ và sự buông bỏ quá khứ. 

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Midsommar theo chân nhân vật Dani Ardor cùng người yêu là Christian và bạn anh về quê một người trong nhóm ở Thụy Điển để tham gia một lễ hội đặc biệt 90 năm mới diễn ra 1 lần, kéo dài trong vòng 9 ngày. Những tưởng đây sẽ là một trải nghiệm vui vẻ với cả bọn và hàn gắn mối quan hệ vốn từ lâu đã rạn nứt giữa Dani và Christian, thế nhưng họ sớm phát hiện ra những sự việc quái dị diễn ra trong lễ hội.

Chất liệu chính mà Ari Aster dùng để tạo nên các phong tục, lễ hội dân gian và cộng đồng đặc biệt trong phim được lấy cảm hứng từ những câu chuyện, truyền thuyết, pha trộn với các tín ngưỡng, tôn giáo và nghi lễ dân gian. Vậy thì Hårga là gì, những người trong cộng đồng Hårga tại sao có những hành vi man rợ đến thế? Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Midsommar có thể dựa trên một số truyền thuyết, tín ngưỡng và tôn giáo có tồn tại thật ngoài đời, nhưng không đồng nghĩa với tất cả những sự việc ghê tởm xảy ra trong phim đều diễn ra trong thực tế.

1. Một cộng đồng Pagan tin vào đạo Wicca

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Hårga, cộng đồng bí ẩn trong phim vốn theo đạo Wicca (một ngoại giáo vẫn còn tồn tại đến bây giờ, được nhiều người biết đến là tôn giáo của phù thủy). Wicca là một hệ thống niềm tin do nhà huyền bí học, người lập nên hội Bình Minh Vàng Gerard Gardner viết và phổ biến trong những năm từ 1940 – 1950. Các Wiccan (những người theo Wicca) không cho Satan là một trong những vị thần của họ, vốn là điều thường bị các tín đồ tôn giáo chính thống nhầm lẫn. Thay vào đó, họ thường tin vào tự nhiên, sau này Wicca biến thể mà nhiều Wiccan còn theo thuyết đa thần, ngoài ra các Wiccan còn thực hành ma thuật (witchcraft), bói toán. Cổ ngữ Rune là một trong những phương thức bói toán, thực hành ma thuật có thể được các Wiccan sử dụng. Hai yếu tố đặc biệt đáng chú ý trong Wicca là lời răn “Hãy làm những gì bạn muốn, nhưng đừng làm hại ai”. Tuy nhiên, song song với lời răn này là Luật Tam, tức là gieo một quả tốt thì sẽ được đền đáp gấp 3 lần, nhưng nếu tổn hại ai cũng sẽ bị trả lại gấp 3 lần. Đạo Wicca coi chuyện tốt xấu, đôi khi chỉ là thuyết tương đối, miễn sao mọi hành động của cá nhân đều tuân theo lời răn trên và Luật Tam.

2. Nghi thức hiến tế có phải lấy cảm hứng từ nền văn minh Aztec?

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Dựa trên hệ thống niềm tin này, cộng đồng Hårga trong phim có một nghi thức, với mỗi dòng máu mới, mỗi đứa trẻ được sinh ra trong cộng đồng họ, họ sẽ hiến tế một người đã đến độ tuổi nhất định, trả về cho tự nhiên. Wicca không có chuyện hiến tế người bởi việc giết người, dù với mục đích nào cũng đã vi phạm lời răn và Luật Tam. Nghi lễ hiến tế người ở cuối phim, gồm 4 người trong cộng đồng Hårga (2 người tới tuổi và 2 người tình nguyện) cùng 4 người ngoại đạo trong Midsommar được lấy cảm hứng từ nền văn hóa của người Aztec. Người Aztec tin rằng hiến tế người sẽ giữ cho Mặt Trời không bao giờ chết (hình ảnh mặt trời cũng được nhấn mạnh trong Midsommar). Một người tình nguyện của tộc Aztec và một tù binh chiến tranh bị đem ra rạch bụng, moi tim và dâng lên các vị thần. Một trong số những người bị hiến tế là Christian, người được Nữ hoàng Tháng Năm (May Queen) lựa chọn.

3. May Queen và May Day

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Dani được tôn làm Nữ hoàng Tháng Năm vì chiến thắng trong một nghi lễ. Những người phụ nữ tham gia nghi lễ này sau khi uống một loại nước đặc biệt, nọ sẽ cùng nhảy múa cho đến kiệt sức và người cuối cùng trụ lại được sẽ chiến thắng. Các bô lão trong Midsommar đã giải thích rằng nghi lễ này có nguồn gốc từ một truyền thuyết từ xa xưa.

Hårga thực thế là một nơi có thật ở Bắc Thụy Điển và từ lâu được cho là có mối liên hệ với các lực lượng quỷ dữ. Trong phim, vị bô lão giải thích nghi lễ nhảy múa này có nguồn gốc từ một truyền thuyết cổ xưa, khi quỷ giả dạng làm người chơi đàn và ép buộc những người phụ nữ trong vùng nhảy múa đến chết. Truyền thuyết này được lấy cảm hứng từ bài hát Hårgalåten với lời bài hát chính là câu chuyện này. Bài hát dân gian Hårgalåten có vai trò đặt biệt trong văn hóa Thụy Điển. Mỗi năm, người ta sẽ nhảy múa từ thảo điền Hårga đến một thành phố cách đó 3 dặm để tham gia một cuộc thi tên Hälsingehambon và đương nhiên, không có chuyện Hårga ngoài đời thật sẽ giết người để trả về thiên nhiên như trong phim.

Chức danh Nữ hoàng Tháng Năm (May Queen) là một phần của lễ May Day, một lễ hội cổ xưa có nguồn gốc từ Châu Âu, nhằm kỷ niệm mùa màng tốt tươi vụ xuân và chào đón tiết trời ấm áp hơn vào mùa hè. Trong ngày May Day, một người phụ nữ trẻ được chọn làm Nữ hoàng Tháng Năm, mặc một bộ váy trắng và đội vòng hoa. Nữ hoàng Tháng Năm là một biểu tượng sống, đại diện cho trinh nữ, cho khả năng sinh sản của Đất Mẹ, sự trong trắng, nữ thần của mùa xuân và là người đã đánh bại nữ thần mùa đông. Ngày nay, người ta chào mừng May Day vào ngày 1 tháng 5 hằng năm, nhảy múa quanh một cây cột gỗ giống hệt trong phim và có trang trí ruy băng nhiều màu. Có thể thấy rất rõ chi tiết cao trào Dani trở thành Nữ hoàng được lấy cảm hứng từ lễ hội này.

4. Câu chuyện về một mối quan hệ không có sự vun đắp từ hai phía cùng thông điệp hãy nuôi dưỡng chính mình, trước khi chạy theo người khác

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Midsommar tận dụng bối cảnh và tất cả các chi tiết nhỏ trong cốt truyện để truyền tải câu chuyện như hình vẽ, truyện kể, lời bài hát và đặc biệt là Cổ ngữ Rune. Midsommar mở ra cảnh đầu tiên với một tấm tranh dự báo toàn bộ cốt truyện của phim. Cuối tấm tranh, người phụ nữ đội vương miện và đối mặt với một con gấu lớn. Hình ảnh con gấu sau đó xuất hiện khoảng 1-2 lần nữa trong phim. Khán giả vẫn cứ tiếp tục thắc mắc vai trò của con gấu trong phim, cho đến tận giây phút cuối.

Dani mất gia đình vào mùa đông và vì không còn chỗ dựa, cô bám vào Christian – người bạn trai vốn đã không còn mặn mà gì với mình nhưng không có can đảm dứt khoát chia tay. Suốt phim, Dani luôn trong trạng thái kiềm nén cảm xúc trong lòng vì sợ ảnh hưởng đến Christian và bạn bè anh. Nhìn thấy Christian và Maja như giọt nước tràn ly và cảm xúc của Dani bùng nổ. Cô cuối cùng không tìm được sự ủng hộ từ người bạn trai mà từ một gia đình xa lạ đã chào đón cô với vòng tay dang rộng. Cái chết của Christian chính là bước cuối cùng để Dani tự chữa lành bản thân. Ngay từ đầu, ta thấy Dani là người luôn đặt mối quan tâm của người khác lên trên bản thân mình, luôn sợ bản thân ảnh hưởng đến người khác, sợ mình trở thành gáng nặng của người khác. Nhưng chính cộng đồng xa lạ này đã ủng hộ Dani và giúp Dani tự nhận ra rằng, bản thân mình vẫn quan trọng hơn tất cả. Nếu việc yêu Christian khiến cô lúc nào cũng lo sợ rằng mọi lỗi lầm đều do cô gây ra thì tốt nhất Dani nên tự học yêu bản thân mình trước. Dani bắt đầu hành trình bằng cách theo đuôi Christian và bạn anh ta, nhưng kết thúc phim, cô là người đi đầu một bộ lạc của chính mình với tư cách là một Nữ hoàng và hơn hết, là một người tự do.

5. Tín ngưỡng phồn thực và chế độ mẫu hệ

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Nếu nói không ngoa thì Midsommar cũng là một bộ phim đề cao quyền bình đẳng giới, mặc dù không rõ đây có phải là chi tiết cố tình của nhà làm phim hay không. Cộng đồng Hårga vốn tin vào tín ngưỡng phồn thực. Đầu phim, một vài hình ảnh bộ phận sinh dục nam ẩn ý được cài cắm vào bộ phim nhằm cho thấy sự thống trị của tầng lớp nam giới. Như khi đến đến với Hårga, Dani và nhóm bạn bước vào một cộng đồng với số lượng nữ giới áp đảo. Không khó để nhận ra nữ giới đóng vai trò quan trọng và chiếm vị trí cao hơn trong cộng đồng Hårga. Số lượng người hiến tế chỉ có 2 người là nữ, trong khi 4 người còn lại đều là nam, Maja dụ dỗ Christian cũng không nhằm mục đích nào khác ngoài mang thai và đem đến một thế hệ mới cho Hårga.

6. Cổ ngữ Rune 

Cổ ngữ Rune, như đã đề cập, xuất hiện dày đặc trong phim và mang tính báo hiệu cho câu chuyện của Midsommar. Từ “Rune” có nghĩa là “bí mật, hoặc thứ gì ẩn giấu”. Cổ ngữ Rune sử dụng các nét thẳng, không dùng như chữ viết thông thường mà được sử dụng với ý nghĩa biểu tượng trong ma thuật, bói toán. Cổ ngữ Rune được cho là do thần Odin trong thần thoại Bắc Âu tìm thấy trong quá trình khai sáng và mang đến cho con người. Người Viking ở Scandinavia là những người đầu tiên sử dụng cổ ngữ Rune. Cổ ngữ Rune có nhiều hệ thống, nhưng hệ thống được nhắc đến và sử dụng trong phim là Elder Furthark (24 chữ) và Younger Futhark (rút gọn còn 16 chữ). Cổ ngữ Rune trong Midsommar, ngụ ý một thông điệp hoặc tình tiết trong phim, cũng như lời khuyên ẩn ý dành cho nhân vật Dani, mô tả quá trình cô vượt qua mối quan hệ không lành mạnh với Christian. 

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Nhìn chung, bạn có thể tùy ý cho rằng Midsommar là phim kinh dị hoặc xuất sắc hoặc đáng thất vọng. Tuy nhiên, điều thú vị và tính lôi cuốn của câu chuyện trong Midsommar là không thể phủ nhận cũng như dễ đồng cảm với nhiều người.

Nguồn: Tổng hợp