[REVIEW] The Serpent (Netflix) - Câu chuyện tương đối kịch tính nhưng cách hành văn có thể gây khó chịu!

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Lấy cảm hứng từ một những sự kiện có thật, The Serpent là một bộ phim hình sự, tội phạm gay cấn và lôi cuốn, nhưng việc xem phim lại không dễ chút nào.

Trung tâm của The Serpent là tên sát nhân hàng loạt có thật từng gieo rắc kinh hoàng vào thập niên 70 Charles Sobhraj. Hắn và đồng bọn và nhân tình tên Marie-Andree Leclerc chuyên dụ dỗ, đánh thuốc, trấn lột và sát hại dân phượt thời bấy giờ.

Sau đó, hắn sử dụng hộ chiếu và danh tính của họ để đi qua biên giới các nước như một phương thức đánh lạc hướng nhà chức trách. Nạn nhân của Sobhraj nhiều vô số kể. Không ai mảy may nghi ngờ sự biến mất của các du khách và hành tung của hắn, cho đến khi một nhân viên của đại sứ quán Hà Lan Herman Knippenberg nhận ra sự mất tích bất thường trong sự biến mất của 2 đồng bào của anh ta.

IMDb
IMDb

The Serpent chỉ có thể được coi là một nửa phim tư liệu. Các sự kiện trong đây đều có thật, nhưng cách sự kiện đó diễn ra như thế nào và lời thoại trong đây đều là thành phẩm của trí tưởng tượng, nhằm làm phim trở nên kịch tính hơn. Và mục đích đó đã thành công. Thông qua các màn đối thoại, người ta mới hình dung dễ dàng một tên sát nhân hàng loạt có phong cách, điển trai, cách nói chuyện thu hút và tự tin, nhưng tính cách lại vô cùng méo mó và hiểm độc.

Bộ phim này đã thành công tái hiện một kẻ giết người tàn bạo thông minh và quá trình chông gai để bắt hắn. Tiết tấu của phim khá chậm nhưng được nhấn nhá nhiều trường đoạn gay cấn hoặc giật gân. Trên tinh thần của một bộ phim tội phạm và điều tra, The Serpent giữ chân người xem bằng cách vẽ nên một bức chân dung về những phi vụ của Sobhraj và quá trình Herman Kippenberg truy lùng hắn khắp các tụ điểm du lịch từ khắp châu Á và châu Âu.

Vanity Fair
Vanity Fair

Một trong những điều The Serpent đã truyền tải rất trọn vẹn là lý do tại sao Charles Sobhraj được gọi là Con Rắn (The Serpent). Là con của một phụ nữ Việt Nam và một doanh nhân Ấn Độ, Sobhraj đươc sinh ra ở Sài Gòn và dành một thời gian ở đây. Nhưng khi cha hắn bỏ đi, mẹ hắn tái giá với một người Pháp, Sobhraj lại lớn lên ở Paris. Tại đây, hắn bắt đầu trượt dài trong con đường tội phạm với nhiều lần bị bắt rồi trốn thoát. Sau này, khi “săn tìm” các du khách du lịch phượt, hắn lại liên tục thay đổi danh tính.

Đối với Charles Sobhraj, với một tuổi thơ như vậy, nhân dạng là thứ gì đó rất mơ hồ. Cho nên, sau này, hắn không gặp vấn đề gì khi lấy nhân dạng của người khác. Sobhraj thay đổi bản thân hắn như một con rắn độc lột da và khoác lên mình một lớp da mới. Hơn hết, tính cách hiểm độc và cách hắn giữ các nạn nhân trong tầm kiểm soát, làm họ mất hết khả năng phản kháng giống với hình thức một con mãng xà từ từ cuộn thân thể nó quanh những kẻ hắn kiểm soát và sẽ siết chết nếu họ chống cự. Còn đồi với nạn nhân, hắn lại đầu độc họ từ từ cho đến khi họ tắt thở mà không hề hay biết.

Về khía cạnh cảm xúc, phim bắt người xem chứng kiến những phi vụ ghê tởm của Sobhraj trong vô vọng, nhưng cũng để khán giả cảm nhận được một nỗi buồn vô hạn về “những người ra đi với hoài bão lớn nhưng chưa từng trở về nhà”. Các nạn nhân của con rắn này đều là những người đi theo phong trào Hippy phát triển mạnh mẽ trong thập niên 70. Đó là một phong trào đề cao lý tưởng hòa bình, tôn vinh nhân tính, đề cao tâm hồn tự do, cũng như nhấn mạnh về các chuyến hành trình mang đậm tính tâm linh nhằm tìm kiếm một mục đích tồn tại cao cả hơn chủ nghĩa tư bản rỗng tuếch và những cuộc chiến tranh vô nghĩa đang chi phối xã hội bấy giờ.

Sobhraj đã lợi dụng mặc tốt đẹp của phong trào này, sự thờ ơ đến ngu ngốc của giới cầm quyền tinh hoa, lợi dụng sự cởi mở của các du khách Hippy, sự tin tưởng họ dành cho mặc tốt của nhân cách con người, và tồi tệ hơn là giấc mơ an cư của họ để dụ họ vào bẫy. Sau khi hắn cướp sạch tài sản của họ, hắn rũ bỏ họ như rác.

Mặt tích cực của The Serpent là mặt hình ảnh và diễn xuất. Phim đã thể hiện một khía cạnh ấn tượng của thập niên 70 một cách khá mát tay – thời trang với màu sắc sặc sỡ đối lập với bầu không khí nguy hiểm và tăm tối những kẻ như Sobhraj đem đến. Phần còn lại là diễn xuất. Diễn viên Tahar Rahim (Charles Robhja) là một điểm sáng không thể chối cãi. Một điều người viết không hài lòng là phim lại sử dụng một định kiến về dân Hippy là họ là những kẻ mê chất cấm.

Video TapeNews
Video TapeNews

Nhưng quá trình phạm tội và bị bắt của Charles Robhja mới là tiêu điểm của bộ phim. Về mặt này, phim lại bộc lộ điểm yếu. Các tập đầu như một khúc dạo đầu đúng nghĩa, xây dựng một mối mong chờ màn cao trào với những trò mèo vờn chuột, những cú lừa của Sobhraj và cách hắn qua mặt cảnh sát. Người xem được chứng kiến mạng lưới các lời nói dối của hắn, thấy được ma trận mà hắn dàn dựng để bẫy con mồi. Người xem cũng thấy được tài nghệ trong việc dụ dỗ người khác của hắn. Tuy nhiên, The Serpent lại làm điều đó không thuyết phục.

Vấn đề nằm ở kết cấu “nhảy thời gian” của phim. Phim thực hiện câu chuyện này một cách phi tuyến tính nhưng không giúp người xem kết nối những sự kiện đó dễ dàng. Phim hoàn toàn để người xem tự lực cánh sinh trong việc sắp xếp các sự kiện theo một dòng thời gian hợp lý. Việc này dễ làm người xem tụt cảm xúc và có chút khó chịu, vì họ phải nhớ xem sự kiện này phải đặt ở đâu trên dòng thời gian mà họ tưởng tượng trong đầu.

Các “cú nhảy” như thế này lại diễn ra thường xuyên, tạo nên một nhiệm vụ gây xao nhãng không cần thiết và ngăn cản họ hình thành mối liên kết với các nạn nhân, đặt bản thân vào vị trí của nạn nhân và cảm nhận được sự tuyệt vọng của họ trong những phút cuối đời (ngoại trừ nhân vật Teresa Knowlton, người được tiễn ra đi trong những lời lẽ lắng đọng của Tử Thư Tây Tạng). May là màn cao trào ở 2 tập cuối có thể gỡ gạc lại sự khó chịu này.

The Insidexpress
The Insidexpress

Nhìn chung, The Serpent tương đối hay, dù nhiều lúc bộ phim làm người xem cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn tưởng tượng nhưng lắm lúc lại khó mà theo kịp cốt truyện của nó.