Vỡ như Tấm - Nát như Cám

Tin điện ảnh · Moveek ·

Tôi thích xem phim Việt, nhưng không có nghĩa là phải ủng hộ phim Việt trong mù quáng, không “nâng bi”, không lôi dân tộc tính vào, không ru ngủ lẫn nhau… vì cứ như thế thì biết bao giờ phim Việt mới lớn?

Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, lưu ý trước khi đọc tiếp.

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tấm Cám là truyện tôi ghét nhất, một phần vì nó ngoại lai truyện Lọ Lem của phương Tây. Còn chi tiết có vẻ Việt Nam nhất trong truyện Tấm Cám, lại là chi tiết ghê sợ nhất: Cô Tấm thảo hiền cam chịu từ đầu đến cuối, đến khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, thì đã xuống tay… làm mắm người chị khác mẹ với mình là cô Cám, rồi gửi cho bà mẹ kế của mình ăn. Đã vậy ghê rợn hơn, Tấm còn để lại nguyên cái đầu lâu của Cám trong hũ… Ấy thế mà truyện (theo tôi là kinh dị) này, đã truyền kỳ hết từ đời này sang đời nọ, hết thế hệ này đến thế hệ khác… và rồi hình tượng cô Tấm vẫn tiếp tục lấn sang các loại hình nghệ thuật khác: bài hát, sân khấu, rồi bây giờ là đến phim!

Khi nghe Tấm Cám sẽ lên phim với tên gọi “Chuyện chưa kể”. Tôi rất hào hứng và kỳ vọng qua điện ảnh, câu chuyện xưa giờ sẽ được kể khác… Từ quầy vé bước vào sảnh của rạp tôi hơi mất thiện cảm với cái poster loè loẹt màu sắc theo kiểu Đại nhạc hội, có bao nhiêu diễn viên đưa mặt lên hết trong một tấm hình… thôi thì tặc lưỡi, dù sao đó cũng chỉ là cái hình. Với lại khi tôi xem phim, tôi chỉ chú ý đến nội dung và cách kể chuyện phim mà thôi, những thứ đại loại như cảnh đẹp, quay đẹp, diễn viên đẹp, phục trang đẹp… theo tôi chưa và không bao giờ bảo đảm đó sẽ là một bộ phim hay!

Xem 30 phút đầu, tôi tưởng đây là phiên bản cao cấp của loạt Cổ tích Việt Nam do  Phương Nam phim sản xuất cho trẻ con xem. Câu chuyện Tấm Cám và mụ dì ghẻ vẫn y xì như cũ, vẫn ông bụt, vẫn bống bống bang bang, vẫn xương cá bống bỏ vô bốn cái lọ, vẫn thử hài kén vợ… Tất cả đều được kể lướt lướt để phim bất ngờ chuyển câu chuyện sang trọng tâm mới, và là nhân vật chính yếu của phim: Thái tử! – “Chuyện chưa kể” của Tấm Cám!

Bản thân Thái tử trong truyện gốc là nhân vật rất phụ, do đó các nhà làm phim phải tạo dựng một tuyến truyện khác hoàn toàn, và thử thách này đối với trình độ của các biên kịch Việt Nam hiện tại, có thể nói là còn khó hơn hái sao trên trời. Tóm lại, phim Tấm Cám của Ngô Thanh Vân được chia thành hai phần không đều nhau: Một phần ba đầu là chuyện Tấm Cám, và hai phần ba sau là chuyện Thái tử. Chính do câu chuyện quá yếu, tình tiết quá thiếu, nên mạch phim được kể rất hời hợt, làm nát vụn  cảm xúc của người xem… và bộ phim cứ thế trôi tuột đi, mặc dù kịch bản đã qua tay đến 5 người viết!

Truyện cổ tích là phải có yếu tố kỳ ảo (fantasy), bản thân phần Tấm Cám đã có yếu tố này (ông Bụt). Do đó phần Thái tử cũng được thêm vào fantasy để tăng thêm phần gay cấn – Con quái vật trang bị một “cây hàng” ở đuôi như kiểu phim Alien! Và chính phần fantasy ngoại lai này đã khiến tôi hoàn toàn hụt hẫng bởi ý tưởng, lẫn trí tưởng tượng, lẫn thực hiện ý tưởng đều quá tệ. Phần lớn khán giả trong rạp đều sửng sốt khi đang từ Tấm Cám bỗng chuyển phắt sang… Beauty and the Beast ở đoạn kết!

“Kỹ xảo 3D của Tấm Cám không thua Hollywood” – tôi đã đọc câu này ở đâu đó trong phần chiến dịch PR của Tấm Cám – và sau khi xem xong, tôi xin nói thẳng không chỉ về phim này, mà cho cả những phim Việt nào đang quá hào hứng, và huyễn hoặc về trình độ kỹ xảo của Việt Nam: Cầm 1 triệu USD (hay thậm chí gấp đôi) để làm phim, thì đừng có mơ làm kỹ xảo fantasy cho ra hồn! Ngay đến xoá dây còn chưa sạch (cảnh Tấm ngã cây cau) thì khoan nói đến chuyện gì to tát!

Chẳng cần so với Hollywood làm gì đâu, chỉ so với game Playstation thôi, là đủ thấy đã cách biệt một trời một vực rồi. Xem hai con quái vật tử chiến cuối cùng trong phim Tấm Cám mà cứ lộn cả ruột. Chúng ngây ngô, vô hồn và quê mùa như kiểu kỹ xảo ở thập niên 1970! Ai đó lên tiếng ủng hộ phim Việt xin hãy im lặng mua vé, đừng “nâng bi” mang dân tộc tính ra để khích lệ động viên người xem (kiểu đây là phim Việt, kinh phí Việt…). Cũng xin điện ảnh Việt đừng mang kỹ xảo ra để thử thách sự tưởng tượng của khán giả chúng tôi nữa, bây giờ sắp qua thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi… và giờ đang có cả đống kỹ xảo xem há hốc mồm hoa cả mắt, xuất hiện đầy rẫy ở ngoài rạp mỗi tuần kia kìa!

Niềm hy vọng vào dàn diễn viên trẻ đẹp lẫn gạo cội thì sao? Có vẻ việc chỉ đạo diễn xuất là một công việc quá sức của đạo diễn Ngô Thanh Vân. Tấm (Hạ Vi) hợp vai nhưng diễn vô hồn toàn tập, nụ cười trắng sáng kiểu quảng cáo, lên hình lúc đẹp lúc xấu do đạo diễn chọn góc mặt cô không tốt. Cám (Ninh Dương Lan Ngọc) thì lại diễn quá lố, phần lớn theo kiểu phùng mang trợn mắt. Thái Tử (Isaac) tuy có hơi lên gân, nhưng xem tạm được nhất trong dàn nam.

Dì ghẻ (Ngô Thanh Vân) thực sự là điểm sáng, cô diễn sắc sảo, có nội lực và vẻ mặn mà hấp dẫn hơn hẳn Tấm và Cám. Ba diễn viên gạo cội Ngọc Giàu (bà cụ), Thành Lộc (ông Bụt), Hữu Châu (thừa tướng) diễn tròn vai (đặc biệt là thần thái và lối diễn đầy nội lực của Hữu Châu), nhưng vẫn còn hơi đậm tính sân khấu mà đạo diễn Ngô Thanh Vân chưa tiết chế được. Một điểm lùi khác là ở phần hoá trang rất hời hợt cẩu thả, không thể hỗ trợ được cho diễn viên nào làm bật lên cá tính. Dễ hiểu thôi, đây vẫn là nhược điểm xưa nay của phim Việt Nam mà, nói hoài cũng vậy thôi! (chẳng hạn giờ này mà vẫn còn dán và gắn râu cho các nhân vật theo kiểu sân khấu nhìn rất giả)   

Phần dàn dựng lộ rõ sự non tay thiếu kinh nghiệm của đạo diễn, đặc biệt quá sức ở những đại cảnh chiến trận, và cận chiến. Tiền cảnh thì đánh nhau dữ dội, nhưng toàn bộ hậu cảnh nhìn rõ các diễn viên phụ… khều qua khều lại y như hai con mèo bỡn cợt nhau!. Thái tử tả xung hữu đột như kiểu Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu, hàng hàng lớp lớp người ào vào rồi văng ra cả đống mà chẳng hề hấn gì? Ấy thế mà ngay sau đó thây người cứ gục ngã như ngả rạ khắp nơi… cứ như vùng đó đang bị bệnh dịch chết người nào đó! Bởi tử chiến dữ dội mà không thấy máu chảy đầu rơi, sứt tay gãy gọng, thương tích đầy mình, giáo gãy gươm cong, khiên giáp tơi tả… thế thì chẳng bị chết hàng loạt vì bệnh dịch chứ là gì!? Lẽ ra âm nhạc sẽ góp phần cứu vãn những cảnh như thế này, nhưng hầu như suốt phim nhạc đi một nơi, phim đi một nẻo, giai điệu nghèo nàn không cảm xúc… Có thể nói, âm nhạc (do Đức Trí viết) là một trong những yếu tố gây thất vọng nhất của phim Tấm Cám.

“Bom tấn” lớn thứ hai của phim Việt trong năm, hiện ra trước mắt tôi như vậy đấy! Tôi thích xem phim Việt, nhưng không có nghĩa là phải ủng hộ phim Việt trong mù quáng, không “nâng bi”, không lôi dân tộc tính vào, không ru ngủ lẫn nhau… vì cứ như thế thì biết bao giờ phim Việt mới lớn?

Nguồn: Công Đạo