I Care a Lot (Netflix), Framing Britney Spears - Kẻ cười, người khóc với một đạo luật thất bại

TV Series · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

I Care A Lot và Framing Britney Spears đều có một điểm chung là đề cập đến quyền giám hộ. Nhưng một phim xoay quanh kẻ nắm quyền, phim còn lại tập trung vào nạn nhân.

Kéo xuống để xem tiếp

I Care a Lot (Netflix) vừa mới hạ cánh xuống Netflix đã nhanh chóng góp mặt vào top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam. Bộ phim này tập hợp yếu tố hành động giật gân của thể loại tội phạm và khiếu hài hước của comedy để khắc họa tình huống kẻ cắp gặp bà già của tay lừa đảo chuyên nghiệp Marla Grayson (Rosamund Pike). Trước đó, vào ngày 5 vừa rồi, bộ phim tư liệu Framing Britney Spears (2021) “bom tấn” về ca sĩ đình đám Britney Spears cũng ra mắt, bóc trần những góc khuất và mối quan hệ giám hộ giữa cô và cha ruột Jamie Spears.

Hai bộ phim khắc họa cùng một vấn đề ra mắt chỉ cách nhau vài ngày có thể là sự trùng hợp, nhưng cùng nhau, chúng đã hợp tấu về thực trạng đen tối của một đạo luật được tạo ra dựa trên một ý tưởng tốt đẹp nhưng thất bại hoàn toàn trong cách thực hiện. 

I Care a Lot – Kẻ cười vào mặt luật pháp Mỹ

Netflix
Netflix

I Care a Lot tập trung vào tay lừa đảo chuyên nghiệp Marla Grayson. Ả chuyên “đi săn” những người già neo đơn giàu có. Sau khi nhắm được con mồi, ả cùng tay bác sĩ đồng bọn sẽ đến trước tòa làm chứng rằng ông ta/bà ta không còn đủ minh mẫn để tự lo cho bản thân hay thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào. Ngay lập tức, tòa sẽ chỉ định Marla thành người giám hộ hợp pháp của nạn nhân.

Bằng cách luồn lách qua các lổ hổng của luật, từ một kẻ ngoài cuộc, Marla giờ đây toàn quyền quyết định tất cả tài sản nạn nhân làm lụng cả đời để tích trữ, quản lý quyền di chuyển, quyết định y tế, thậm chí ngăn cấm cả người nhà đến gặp những người mà ả giám hộ. Trớ trêu hơn là pháp luật bảo vệ ả trong khi tước hết quyền lợi hợp pháp của nạn nhân. Kinh khủng hơn là mọi thứ được thi hành chỉ dựa vào lời nói phiến diện. Nạn nhân chẳng có cơ hội được giải bày trước tòa.

Nghe có vẻ bộ phim đang đưa ra một tiền đề chỉ tồn tại trong tưởng tượng, chứ đời nào mà một nước văn minh như Mỹ có thể đưa ra điều luật kinh khủng đến vậy? Tiền đề của I Care a Lot hoàn toàn có thật và đã diễn ra hàng thập kỷ nay trên đất Mỹ.

Pop Times UK
Pop Times UK

Đạo luật giám hộ ở Mỹ là luật đưa một cá nhân không còn người thân chăm sóc, không thể tự chăm sóc mình vào vòng tay bảo hộ của bang (state). Từ đây, bang đó chỉ định một nhân viên công tác xã hội đảm nhiệm tài sản, quyết định pháp lý và tài sản của người được giám hộ. Khái niệm của luật thoạt nhìn rất cao thượng.

Giám hộ sẽ thay người thân chăm sóc những người già neo đơn, sa sút trí tuệ, bảo trợ họ khỏi những mối nguy hại tài chính, lừa đảo… Chỉ có điều, luật bảo hộ được xây dựng trên cơ sở con người là chủ thể nhân ái bẩm sinh. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Câu chuyện của bà Jennifer Peterson trong đây phản ánh thực tế đó của luật giám hộ. Những người như bà bị tống vào viện dưỡng lão, bị cô lập và ép buộc uống những loại thuốc thần kinh nặng nhằm giữ tâm trí họ khờ khạo, dễ bị ảnh hưởng và hoàn toàn không đủ sức để đấu tranh pháp lý. Còn những kẻ mang danh “người giám hộ” như Marla chẳng khác nào kẻ cướp công khai, được pháp luật trợ giúp nhiệt tình để thực hiện các phi vụ.

Không những thế, nạn nhân còn phải trả tiền cho chúng. Trên thực tế, luật giám hộ lại chẳng quy định hạn mức nạn nhân phải trả cho người giám hộ để chúng làm công tác giám hộ. Mức phí phụ thuộc vào kẻ đi "giám hộ", miễn là nằm trong hạn mức tòa thấy chúng hợp lý (nhưng hợp lý ra sau và thế nào là hợp lý thì họ không nói). Thế là chúng ra sức móc túi họ, đàn áp con mồi mà còn được mang danh người cao thượng bỏ sức lực chăm sóc người dưng.

Out.com
Out.com

Điều đáng nói là hệ thống tư pháp sau khi chỉ định người giám hộ xong thì phủi tay không nhớ gì đến nạn nhân nữa. Các thẩm phán tin lời kẻ “giám hộ” hơn là một người cao tuổi mà họ cho là không còn minh mẫn mà không buồn chỉ định một cuộc giám định tâm thần, mặc dù điều đó được quy định.

Số nạn nhân ngày càng tăng lên, nhưng luật pháp chẳng phát hiện ra điều bất thường. Hơn nữa, tòa án hoàn toàn bỏ mặc yêu cầu của gia đình nạn nhân vì họ tin tưởng người giám hộ hơn, với lý do, bên thứ ba trung lập sẽ không có drama con cái tranh chấp tài sản với người cần giám hộ. Chi như thế thôi đã cho thấy luật pháp ưu ái những kẻ giám hộ này như thế nào, tin tưởng họ mà không cần bằng chứng.

I Care a Lot rất buồn cười, nhưng đó là những tràn cười đắng chát. Bộ phim truyền tải một hiện thực nghiệt ngã về sự thất bại của hệ thống tư pháp nước Mỹ luôn tự hào trong phương diện cơ bản nhất: bảo vệ người vô tội.

Framing Britney Spears – Người khóc với luật pháp Mỹ

ScreenRant
ScreenRant

I Care a Lot ra mắt chỉ vài ngày sau Framing Britney Spears có thể là một sự trùng hợp, nhưng phim đã vẽ nên sự trái ngang trào phúng Britney Spears phải chịu đựng và có thể là lời cảnh báo về thử thách mà giọng ca Baby One More Time đang chống lại.

Cha đẻ của nữ ca sĩ Jamie Spears đã nhận được quyền giám hộ nữ ca sĩ vào năm 2008. Nhiều chi tiết trong Framing Britney Spears chứng tỏ các hành động khác thường của Spears xuất phát từ chứng trầm cảm lâu năm. Trước đó, Spears đã phải trải qua những chấn thương tinh thần dữ dội bắt nguồn từ áp lực ngôi sao và một người cha chỉ biết lợi dụng con gái bắt đầu khi cô chỉ mới 8 tuổi.

Sự lên án mù quáng vô lương tâm của dư luận, tình cảm đổ vỡ càng làm nữ ca sĩ bấp bênh. Báo chí công khai lấy hình ảnh cô làm trò đùa. Các cuộc phỏng vấn chỉ lăm lăm gặn hỏi cô những câu hỏi sặc mùi phân biệt. Trong mắt dư luận và một số đồng nghiệp, cô chỉ đơn thuần là một ngôi sao hư hỏng. Tuy nhiên, chúng không thể chứng minh Britney Spears là người không thể tự chăm sóc bản thân.

Mê Điện Ảnh
Mê Điện Ảnh

Chỉ dựa vào những hành động bộc phát tâm lý được đưa tin trên báo đài, tòa án chấp nhận để cha cô Jamie Spears trở thành người giám hộ hợp pháp của cô, quản lý tài sản $60 triệu, quyền đi lại, chăm sóc con cái, đi biểu diễn, hợp đồng biểu diễn và phát hành album của nữ ca sĩ.

Framing Britney Spears đưa ra một câu hỏi đắt giá là làm thế nào tòa có thể đưa ra các điều luật giám hộ gắt gao như vậy với một phụ nữ trẻ, khỏe và năng động như Britney? Những cuộc lưu diễn sống động của cô sau khi Jamie Spears được chỉ định làm người giám hộ chứng tỏ Britney hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc sống của mình.

Cinema Blend
Cinema Blend

Hậu quả từ luật giám hộ cẩu thả đã khiến Britney trở thành tù nhân trong chính gia đình mình. Từ một người hoàn toàn tự lập, cô giờ đây lại trở thành kẻ phụ thuộc. Điều trái ngang ở đây là Britney phải biểu diễn cực lực để kiếm sống, trong khi Jamie Spears chỉ ngồi không mà hưởng được $130 nghìn chi trả từ túi tiền của nữ ca sĩ, cũng như nắm quyền tài chính với khối tài sản $60 triệu. Nhưng Britney thì lại chịu kiểm soát toàn diện đến mức cha cô có thể biết ngay nếu cô chỉ mua một cốc cà phê.

Và như trong phân cảnh đầu tiên của I Care a Lot, tòa án thường không đứng về phía nạn nhân. Năm 2019, ở tuổi 38, cô đã thất bại trong việc yêu cầu Jamie ra khỏi nhà của cô, giải phóng tạm thời bản thân khỏi người cha độc hại. Không những không thành công, quyền giám hộ còn được gia hạn đến tháng 2.2021.

Medium
Medium

Framing Britney Spear kết thúc với một cuộc đấu tranh cho tự do của Britney. Nhưng điều đó không có nghĩa là chiến thắng của nữ ca sĩ sẽ đến dễ dàng. Theo tờ Insider, để thoát khỏi người giám hộ, cô phải chứng minh mình có thể sống độc lập không cần đến một bên thứ 3 nào.

Theo Vox, lý do mà những năm vừa qua, thành công của Britney không thể được coi là bằng chứng cho sự tự lực của cô vì tòa cho rằng người cần giám hộ vẫn có thể làm tốt ở một số khía cạnh trong cuộc sống. Điều đó không chứng minh được họ có thể sống độc lập hoặc tự đưa ra những quyết định tỉnh táo. Người có bệnh án trầm cảm như Britney lại càng bị đánh giá gắt gao hơn.

Yahoo
Yahoo

Luật giám hộ vốn không xấu, nhưng nó có nhiều khe nứt lớn và trao quyền lực quá nhiều về một phía. Nếu luật pháp không buồn thay đổi những bất cập trong luật giám hộ, mọi thứ đều hầu như thiên vị những giám hộ, ngay cả khi chúng là sói đội lốt cừu. 

I Care a Lot kết thúc trong một bi kịch, dù kẻ phản diện đã nhận được hình phạt xứng đáng. Nhưng phim vẫn kết lại trong một nốt trầm đau lòng: Kẻ phản diện đã kịp để lại di sản. Marla đã kịp biến tướng mạng lưới giám hộ địa phương của mình thành đế chế triệu đô, trực tiếp vươn đến mọi ngỏ ngách của đất nước, và tiếp tục hút máu những người yếu thế một cách hợp pháp. Nhưng sau Framing Britney Spears, quá trình kiện tụng của Britney thì dài đến vô hạn. Những gì Britney Spears có thể làm là tiếp tục đấu tranh.