Like Someone in Love - Câu chuyện giữa hai ngọn đèn đường

Tin điện ảnh · BaVu ·

Thật sự là tất cả các nguyên tắc để làm một phim “thị trường” đều đã bị Kirostami bẻ cong hết.

Bài viết này, Trí xin dành một khúc đầu để bàn về yếu tố nghệ thuật của phim dưới góc độ một người làm clip, còn lại, Trí sẽ dùng tư cách một người đang yêu - someone in love - để nói lên suy nghĩ của một người in love.

Thoạt đầu, nghe anh Bá Vũ dọa rằng phim này rất chán, Trí cũng nghĩ rằng chuẩn bị tâm lý rồi nhưng quả không thất vọng,...phút đầu phim chán thật. Đó thật sự là một sự thử thách tâm lý của Abbas Kiarostami dành cho khán giả. Thật sự là tất cả các nguyên tắc để làm một phim “thị trường” đều đã bị Kirostami bẻ cong hết.

Một góc gọi là chết khi không có hành động gì đặc biệt xảy ra, hoặc không có chuyển động camera hoặc bất cứ cảm xúc gì đặc biệt trong khoảng thời gian chừng trên 4 khuôn nhạc trong 1 long take không cắt cảnh. Đó là những điều Trí được dạy, tự chiêm nghiệm ra, và xem như chân lý từ khi mới làm clip tới bây giờ. 4 khuôn nhạc khoảng 8 giây, vậy mà cả trường đoạn nói chuyện trong quán bar lúc đầu, Kirostami để cho máy đổi đúng 2 “góc máy chết” trong suốt 12 phút 9 giây (gấp 90 lần). Đó chẳng khác nào là một cực hình, một liều thuốc ngủ dose cao biến cả rạp thành những ông bảo vệ ngồi ngủ gà ngủ gật canh CCTV (Closed-circuit television - máy quay camera an ninh).

“Điện ảnh” khác với “Sân khấu” ở chỗ câu chuyện có thể bị cắt xén, và kể lại ở những góc nhìn khác nhau thông qua cắt cảnh. Vì người xem không được quyền chọn họ muốn xem diễn viên nào, nghe lời thoại nào từ ai, nên các cảnh quay chính là cách đạo diễn hướng dẫn người xem phải xem phim như thế nào, chú ý những gì, bỏ qua những gì cho câu chuyện ngắn gọn và xúc tích nhất. Đó chính là lý do có các góc đặc tả hay thay đổi góc liên tục, để người xem không cảm thấy đạo diễn kể chuyện một cách bàng quan. Kirostami lại làm ngược lại tất cả, không chỉ dùng góc chết, ông còn thu hết tất cả tạp âm, để cả thoại dài lê thê và dư thừa... và mình tin có lý do mà ông ấy mới dám làm như thế.

Người ta thường nói là chơi theo luật, để sau đó “nắm” luật, rồi “phá” luật. Cách để máy chết một chỗ, bàng quan như thế cùng với lối chèn nhạc rất ít, thay vào đó là để nguyên tiếng môi trường; mình tin ấy là ý đồ của Kirostami. Nói cho cùng, câu chuyện này nó rất đời thường, và trong xã hội ngày nay nói chung, hay xã hội Nhật nói riêng, sự bàng quan và thờ ơ với nhau đã như một thói quen của con người. Xa cách nhau, cô đơn chỉ có tiếng xe rú lên giữa đêm, tiếng điện thoại công việc cứ da dẳng,... đó chính là những thứ ta phải đối diện hằng ngày. Chứ không phải là tiếng nhạc êm dịu huyền hoặc chúng ta, bọc một vẻ đẹp đằm thắm lên cuộc sống như các phim “ngôn tình” hằng ngày chúng ta được xem.

Nói như vậy không có nghĩa là các cảnh quay không được chăm chút, mình rất thích cách Kirostami chơi đùa với các mảng màu. Cảnh đầu tiên, một bối cảnh quán bar chật chội, không có nghĩa chật chội là hỗn độn, các nhân vật xếp hình với nhau rất hài hòa. Cảnh ở nhà giáo sư cũng vậy, các cuốn sách, dàn stereo cổ, cách bố trí bếp, phòng ngủ, đèn bàn, đặc biệt hơn là tấm gương đặt ở một góc phòng thể hiện sự ngăn nắp và chu đáo của đạo diễn. Đặc biệt nhất là những cảnh trên xe hơi, các mảnh kiếng màu cứ thay đổi liên tục do bị ánh sáng bầu trời xanh ngắt hắt lên, lần lượt che đi và để lộ ra cảm xúc của hai diễn viên mỗi khi qua hay luồn dưới những chiếc cầu vượt. Thật tuyệt vời!
Và nếu chúng ta để ý kỹ,... thì những góc chết CCTV không đi hết phim, mà càng lúc càng giảm đi, thay bằng những hành động mãnh mẽ hơn, lời lẽ nhịp điệu hơn, và bố cục điện ảnh trong cảnh quay đẹp hơn, dồn dập hơn. Quan sát kỹ những điều này mình cho rằng đến từ kinh nghiệm lâu năm trong đa nghề của Kirostami, khi ông đã kinh qua hết các vị trí từ viết lách đến thiết kế, nhiếp ảnh để nắm được cái cảm xúc của người xem mà tung hứng tài tình đến như vậy. Giả sử không có tăng tiến từ từ bằng những cảnh dài chán ngắt đến cảnh ngắn hơn và hành động mạnh, mình tin là cái kết đột ngột sẽ không làm ta chưng hửng và để lại nhiều cảm xúc mở, rối bời như vậy.

Thôi bàn về vấn đề nghệ thuật đến đây cũng đủ, mình xin được trải lòng một chút, một chút thôi về xúc cảm của mình với phim này.

“Tôi thấy mình trong hình tượng cả hai người đàn ông của phim này...và tôi có chút lo sợ...” - Một bộ phim chắc nó sẽ không hay, nếu ta không thấy được chút hình ảnh của ta dính dấp trong đó.

Ông giáo sư già sống với nhiều triết lý như vậy, được kính trọng như vậy nhưng vẫn cô đơn đến cuối đời, vì càng nội tâm, hiểu biết nhiều, thì sẽ càng khó tìm được một người thấu hiểu được mình và sẽ mãi cô đơn trong cái thế giới mà ít ai hiểu được... loay hoay trong cuộc sống với những giá trị riêng của mình

Nhưng sợ cái sợ xa không bằng sợ cái gần, tôi sợ là tôi sẽ như anh thợ sửa xe kia, thiếu kinh nghiệm trong tình cảm, quá háo hức và lo sợ mất đi một điều tốt đẹp. Có một bạn nữ trong khán phòng đã nói rằng: “cô gái trong phim không phải là một người bạn gái mà anh sửa xe muốn cưới, đó là một điều tốt đẹp nhất mà anh chàng sửa xe này muốn giữ.” Tôi cảm bất giác giật mình và lo sợ khi mình có chút cảm giác ấy.

Khi ta đã loanh quanh với nhiều mối tình gọi là có kinh nghiệm rồi,... bất giác một người nào đó tốt hơn ta mong đợi, tốt hơn những gì ta xứng đáng có xuất hiện trong cuộc đời ta, ta sẽ muốn “có” cô ấy ngay lập tức. Khi yêu, ta luôn bị tình yêu làm cho mờ mắt và cái chuẩn về “đủ kinh nghiệm” bỗng dưng thành vô định... Ta dường như chắc chắn rằng ta đã yêu đủ, đã qua đủ tất cả các tầng cảm xúc của tình yêu, đủ để ta dừng lại bình yên với một người...

Một tối nọ, tôi và người yêu tôi vô tình ngồi trên cầu và nhìn thấy 2 ngọn đèn trên cùng một cây đèn đường, một bóng đã hư và tắt ngúm từ lâu. Cây đèn sáng thì chói lòa, chói đến mức chẳng thấy được hình dạng nó thế nào... trong khi ngọn đèn đã đứt bóng thì được ngọn đèn sáng soi chiếu, soi rõ đến mức ánh sáng hòa quyện lên cho thấy rõ từng đường nét trên cây chiếc chụp đèn đứt bóng ấy. Nếu chiếc đèn sáng cùng tắt, ta sẽ không thể thấy chiếc đèn kia, và ngược lại cả hai ngọn đèn đều sáng thì người xem cũng chóa lòa với ánh sáng mà chẳng thấy được thiết kế đẹp của hai chiếc đèn là thế nào.

Cuộc sống mỗi người đều khác nhau, trình độ hiểu biết dẫn đến suy nghĩ, hành vi với người khác,... ta không thể cứ sống cực đoan, mà cần một khoản thở trong tình yêu.

Hãy sống lúc mãnh liệt như chiếc đèn sáng kia, như giáo sư cho đi tình yêu; lúc lại âm thầm nhận tình yêu chứ không tranh giành chiếm hữu...

Hãy cứ thay phiên nhau làm một chiếc đèn sáng, rồi lại làm chiếc đèn tắt... chẳng phải đó mới là ý nghĩa của tình yêu hay sao???

Nguồn: Nguyễn Đức Trí

Bài viết liên quan