The Dictator (2012) - Kẻ Độc Tài

Tin điện ảnh · Moveek ·

The Dictator là bộ phim hài gây nhiều chú ý trong dịp hè này của nhà văn, diễn viên nổi tiếng Sacha Baron Cohen – người từng được đề cử giải Oscar và Quả cầu vàng. Tên tuổi của anh gắn liền với show truyền hình Da Ali G với ba nhân vật hài được nhiều người yêu thích: ca sĩ nhạc rap Ali G, phóng viên Kazastan Borat, nhà thiết kế thời trang đồng tính Brüno. 

Bộ phim The Dictator được đạo diễn bởi Larry Charles (trước đây cũng là đạo diễn các bộ phim hài của Baron Cohen là BoratBrüno) có sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh như Anna Faris (vai Zoey), Sir Ben Kingsley (vai Tamir), Jason Mantzoukas (vai Nadal)...

Trong phim, danh hài Sacha Baron Cohen hóa thân vào vai Đại tướng Đô đốc Haffaz Aladeen - nhà lãnh đạo độc tài của nước Cộng hòa Wadiya ở Bắc Phi, người đã dành cả đời mình để đảm bảo rằng nền dân chủ sẽ không bao giờ "có đất dung thân" ở đất nước mà ông cai trị. Aladeen trở thành Nhà lãnh đạo Tối cao của đất nước khi mới 6 tuổi sau cái chết đột ngột của cha ông trong một tai nạn đi săn.

Trước nguy cơ bị Liên Hiệp Quốc can thiệp quân sự vì Wadiya đang theo đuổi chương trình hạt nhân, theo sự cố vấn của Chú Tamir, người mà Aladeen rất tin tưởng nhưng cuối cùng lại là kẻ phản bội, Aladeen dẫn đầu một phái đoàn đến New York để xoa dịu những lo ngại của Liên Hiệp Quốc.

Khi Aladeen, Tamir cùng đoàn tùy tùng đến New York, họ vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng người Wadiya ở Mỹ, những người luôn mong muốn đất nước được giải phóng khỏi sự cai trị của Aladeen. Hơn thế, tại vùng đất tự do này, còn rất nhiều hiểm nguy đang chờ đợi Aladeen...

Bộ phim còn có "sự xuất hiện" của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hilary Clinton trong bài diễn văn phê phán chế độ độc tài. Với tài diễn xuất của Sacha Baron Cohen, nhà độc tài Aladeen xuất hiện với những tình huống vô cùng hài hước trên nền nhạc rap sôi động. Bộ phim hứa hẹn sẽ đem lại cho người xem những trận cười sảng khoái với hình ảnh dị thường của Aladeen khi cưỡi trên lưng một con lạc đà đi dạo trong thành phố New York, xung quanh là những nữ vệ sĩ xinh đẹp cùng với những lời thoại "ngoài sức tưởng tượng" của nhân vật chính.

Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) dán mác R cho bộ phim The Dictator vì một số cảnh khỏa thân và kích động cùng lời thoại có phần thô tục - một điểm không hề ngạc nhiên trong các bộ phim mà chúng ta đã biết trước đây của Sacha Baron Cohen.

Kịch bản phim được lấy cảm hứng từ cuốn sách Zabibah and the King được cho là của cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Với kinh phí 65 triệu USD, quá trình sản xuất bộ phim The Dictator khởi quay tại Brooklyn, New York từ tháng 6 năm 2011. Trong ba tháng, đoàn làm phim đã đặt chân đến 4/5 quận của thành phố New York, gồm Manhattan, Brooklyn, Queens và Đảo Staten. Nhiệm vụ tìm kiếm địa điểm được giao cho nhà thiết kế sản xuất Victor Kempster và Phụ trách trường quay Kip Myers.

Myers cho biết: "Bộ phim này sử dụng nhiều cảnh quay ở những địa điểm khác nhau: trụ sở Liên Hiệp Quốc, công viên trung tâm của thành phố, Đại lộ thứ 5... Ý tưởng tạo ra đất nước Wadiya ở New York gặp khá nhiều khó khăn". Ngoài ra, một số cảnh quay được thực hiện ở quảng trường Plaza de Espanã, thành phố Seville và đảo Fuerteventura, Tây Ban Nha.

Baron Cohen cho biết, Liên Hiệp Quốc đã không cho phép các cảnh quay của bộ phim diễn ra trong trụ sở của họ với lý do: "Chúng tôi tiếp đón nhiều nhà độc tài trên thế giới và họ sẽ rất tức giận với hình ảnh này của họ, vì thế các anh không thể đặt máy quay ở đó". Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chỉ bình luận: "Sacha Baron Cohen có một phong cách hài hước tuyệt vời".

Trong quá trình khảo sát địa điểm quay phim, Kempster đã đặt chân đến Vương quốc Morocco và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất để nghiên cứu và cảm nhận về phong cách của một nhà độc tài vừa cục súc, hung ác, vừa bảnh bao, diêm dúa như Aladeen. Ngoài ra, hình ảnh của những nhà lãnh đạo khác như Muammar Gaddafi – Tổng thống Libya cũng gợi cảm hứng cho việc tạo dựng hình ảnh cho nhân vật chính.

Larry Charles cho biết: "Bộ phim này thực ra được dự định sản xuất từ hơn hai năm trước. Tuy nhiên, phong trào "Mùa Xuân Arab" nổ ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến đoàn làm phim, nhất là địa điểm quay và lịch trình làm phim. Chúng tôi đã rất cố gắng hoàn thành dự án này và việc chứng kiến sự quan tâm của khán giả dành cho bộ phim thật là tuyệt vời".

Khi tìm kiếm diễn viên chính của bộ phim, đạo diễn Larry Charles nhận thấy rằng không ai thích hợp hơn ngoài Sacha Baron Cohen, người ông từng gắn bó trong nhiều bộ phim hài khác. Mặc dù tên tuổi của Sacha Baron Cohen gắn liền với những nhân vật hài quen thuộc nhưng vai Aladeen/Efawadh là một trải nghiệm hoàn toàn khác đối với anh. Điều khó khăn của anh là phải thể hiện được tính cách điển hình của một nhà độc tài, phong kiến khi ứng xử tại mảnh đất của "tự do" và "dân chủ". Nhân vật Aladeen của Baron Cohen dựa trên hình mẫu cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, nhất là hình ảnh đội nữ cận vệ luôn vây quanh nhà độc tài.

Nhà thiết kế sản xuất Victor Kempster đánh giá: "Phong cách của bộ phim quả thực rất thú vị. Đó là sự châm biếm hài hước về chính trị và Baron Cohen đã phải tận dụng mọi kỹ năng vốn có của một danh hài".

Về việc lựa chọn Anna Faris vào vai Zoey. Theo quan điểm của Larry Charles, Zoey không nhất thiết phải là một kiều nữ cực kỳ xinh đẹp, quyến rũ hay hài hước. Vì thế, Anna Faris đã vượt qua hai ứng viên khác là Kristen Wiig và Gillian Jacobs để đảm nhận vai diễn này. Đạo diễn bộ phim cho biết: "Chúng tôi cần một nữ diễn viên có cá tính và sẵn sàng từ bỏ hình ảnh của bản thân để tập trung cho vai diễn. Vai diễn là bức chân dung có nhiều ý nghĩa và chính nó đã thổi vào bộ phim rất nhiều cảm xúc. Cố ấy thực sự ấn tượng - một sự cân bằng cho bộ phim".

Với nhân vật Tamir, các nhà làm phim muốn chọn một diễn viên có thể thoát ra khỏi phong cách diễn hài truyền thống. Charles thổ lộ: "Chúng tôi muốn có một ngôi sao hàng đại thụ luôn biết cách làm mới mình. Sacha và tôi luôn nghĩ rằng thực sự rất tuyệt vời khi mời được Sir Ben Kingsley vào vai này". Ben Kingsley cho biết: "Bạn có thể không tin điều này nhưng khó khăn lớn nhất đối với tôi khi làm việc với Sacha là cố gắng không phì cười và tránh để cho khiếu hài hước của anh ấy ảnh hưởng đến diễn xuất của tôi, nhiệm vụ của tôi khi đứng trước anh ấy là trở thành một tảng đá".

The Dictator sẽ ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 27/7/2012.