Arrival (2016) – Dòng chảy ngược xuôi

Đánh giá phim · Grewi ·

Theo một cái giới hạn nào đó, tôi nghĩ bài viết của mình sẽ làm bạn cảm thấy không thích thú khi coi bộ phim này nữa.

Theo một cái giới hạn nào đó, tôi nghĩ bài viết của mình sẽ làm bạn cảm thấy không thích thú khi coi bộ phim này nữa. Nếu bạn là một người khó tính, hãy bỏ qua nó và trở lại đọc bài viết này sau khi xem. Còn bạn là một người cực khó tính như cá nhân tôi cho là vậy, hãy cứ vô tư đọc những dòng này và rồi sau khi thưởng thức bộ phim này, hãy trở lại nói tôi nghe cảm nghĩ của bạn. 

Trong một cuốn sách của mình, Louise Banks nói về ngôn ngữ như là phát minh vĩ đại nhất của loài người, nhờ nó, người ta có thể giao tiếp với nhau và cũng nhờ nó, nhiều thứ khác đã được sản sinh. Ngôn ngữ giúp con người thấu hiểu kẻ khác, cũng chính nó làm họ chia rời nhau. Khi mỗi nơi sử dụng một tiếng nói riêng, bắt đầu có ngôn ngữ của mình, họ tạo nên một nền tự hào của chính họ, sự tách biệt cũng từ đó mà ra đời. Cuộc sống riêng tư làm con người ta vội quên đi mất rằng mình vẫn còn rất nhiều bạn bè. Mọi người tập trung cho công việc của mình, cho cuộc sống cá nhân, cho gia đình và một số ít bạn bè của họ. Đất nước rộng lớn hơn, quốc gia mang tính khái quát hơn, nhưng nó cũng như một con người, một kẻ đơn độc trong cuộc sống bộn bề này. 

Những người ngoài hành tinh đổ bộ xuống trái đất trong Arrival chọn mười hai nơi trên thế giới làm điểm dừng chân. Tại đó, họ bắt đầu giao tiếp với con người chúng ta, mười hai địa điểm, mười hai điểm cầu phát sóng trong cuộc trò chuyện mà ai cũng muốn giữ cho riêng mình. Mỗi nơi lại có một cách thức khác biệt để tìm hiểu về những vị khách mới đến. Trên mười hai màn hình đó, những phiên dịch viên nói về thứ gì, họ có chia sẻ cho nhau nghe về những gì mà đồng sự của mình vừa biết được.

Trung Quốc cho rằng đó là chiến tranh, thông điệp của họ đã được gửi đến những người bạn ở phía sau tấm kính kia. Một vài quốc gia cũng cho rằng là như vậy, và Mỹ, nơi mà Louise cùng những đồng đội của mình đang cố gắng giải mã những gì mà hai vị khách từ phương xa mang lại, cũng có những cá nhân đồng quan điểm đó. Cảm xúc đan xen của con người đến từ đâu, một vài viên sĩ quan quyết định làm những điều họ cho là đúng. Hậu quả là như thế nào, chính khán giả xem phim là người hiểu rõ nhất. Khi người ta bị đẩy vào một chiến đấu vô nghĩa, họ có thực sự hiểu điều họ đang làm. 

Chiến tranh có tới từ cuộc đổ bộ bất ngờ kia hay nó đã nằm sâu trong lòng những người vẫn luôn coi nhau là bạn bè, hàng xóm hay những vị khách của nhau. Có thể, đâu đó trong mỗi chúng ta hiểu rằng chẳng có điều gì có thể miêu tả chính xác về điều đó. Bởi vốn dĩ, “Chúng ta, những người quan sát chưa hoàn hảo do bản chất loài người, chịu trách nhiệm về sự khác nhau giữa quá khứ và tương lai, được ước định bởi những phép gần đúng mà chúng ta đưa vào khi mô tả thiên nhiên” - Ilya Prigogine đã viết như thế trong cuốn sách “Kết thúc sự bất định. Thời gian, tính hỗn độn và những định luật mới của tự nhiên.”

Và nó là một dòng chảy, tôi cho rằng là như vậy, thời gian hay bất cứ thứ gì khác, ngôn ngữ, quốc gia, chiến tranh, bạn bè, cuộc sống hôn nhân và cả chính con người. Mọi thứ đều có những điểm bắt đầu và kết thúc của chính nó, trôi theo chiều mà nó được định sẵn. Một điểm khởi nguồn cho một điểm khác là đích đến. Thời gian trong Arrival theo cách hiểu của những người ngoài hành tinh có phải là như thế. Một con kiến phải đi từ đầu trang sách tới cuối trang sách mất năm giây nhưng nếu hai đầu trang sách được cuộn tròn, thời gian đó có còn là như vậy dù khoảng cách thực tế vẫn giữ nguyên.  

Những vòng tròn lặp lại vẫn đang là giả thuyết mà chúng ta đưa ra, nhưng hãy thử nghĩ mà xem, trong vòng tròn đó, đâu là điểm mở ra những đường nét, đâu là nơi dấu chấm sẽ được đặt lên. Tất cả là vô nghĩa khi con người chẳng thể lý giải được, chẳng hiểu tại sao lại như thế, và rồi, cũng chính con người đưa ra quyết định khi họ còn chẳng biết tại sao. Tướng Shang nói với Louise, tôi không hiểu bộ não của cô hoạt động ra sao nhưng nhờ nó đã cứu cả thế giới này ấy thôi. Bất ngờ ấy được Denis Villeneuve cài cắm từ đầu bộ phim cho tới khi mọi chuyện thật sáng tỏ, tất nhiên, có những khán giả khi theo dõi đã nhận ra từ một lúc nào đó. Và cũng có những khán giả chẳng cần xem phim cũng có thể biết được điều đó nhờ đọc những bài viết như thế này. 

Louise hỏi Ian vào thời gian cuối của bộ phim: “Nếu anh có thể nhìn thấy cuộc đời mình từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc…Anh có định thay đổi nó không?” Nếu tôi là nhà khoa học kia, chàng trai cho rằng mình vẫn đang độc thân vì không thể hiểu được về ngôn ngữ, về sự giao tiếp giữa người và người, tôi sẽ nói với cô gái ấy, người mà tôi có cảm tình sau một thời gian làm việc cùng nhau. “Anh vẫn sẽ chọn con đường ấy, vì nó là thứ anh đã bắt đầu trước khi gặp em và anh sẽ kết thúc nó sau cuộc đời này.” Tôi không thể cảm nhận được rõ ràng tình cảm của cả hai hay chí ít là Ian dành cho Louise trong bộ phim này, cái mà tôi được nhìn nhiều hơn, rõ hơn và được nhìn từ khi mở đầu bộ phim này, Louise và cô con gái Hannah của mình.

Một vòng tròn nhỏ được lặp lại hay đó chỉ là là việc bắt đầu từ kết thúc, bắt đầu từ khi ta đã biết điểm dừng chân, bắt đầu khi đích đến không còn là mục tiêu nữa. Cuộc sống này thật đẹp tươi biết bao và cứ thưởng thức nó trên cả hành trình của mình, nhìn ngắm nó, yêu thương nó, nghĩ ngợi về nó, bày tỏ những gì mình muốn. Sống ở bên cạnh những người mình yêu thương, làm những việc mình mong ước, trải nghiệm hay là nghĩa vụ, tất cả đều do chính mình quyết định. 

Cũng như chiến tranh, có ai muốn nó xảy ra, nhưng nó vẫn xảy ra ấy thôi. Và chúng ta hiểu rằng, bắt đầu cho một cuộc chiến chính là sự kết thúc của một cuộc chiến trước đó, và khi cuộc chiến đang diễn ra kết thúc là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến khác. Nhưng chiến tranh từ trước tới nay mang lại điều gì, nó sinh ra các quốc gia, sinh ra sự giàu nghèo, sinh ra những đế chế và cũng vùi dập những đế chế đó. Chiến tranh tạo nên nền văn minh hiện nay, là những bước chuyển mình của thời đại và sau chiến tranh, chẳng có ai là kẻ chiến thắng, chỉ có những người góa phụ.