Hot boy nổi loạn 2 – Không hay, không dở, nhưng lại khiến ta nhớ

Đánh giá phim · Moveek ·

Sau khi bước ra khỏi rạp, chắc hẳn bạn cũng như tôi, đều có chung một cảm giác khó tả, khó nói và khó diễn đạt chạy dọc sống lưng…

Sau khi bước ra khỏi rạp, chắc hẳn bạn cũng như tôi, đều có chung một cảm giác khó tả, khó nói và khó diễn đạt chạy dọc sống lưng… Vì bộ phim này hay? Không, công bằng mà nói Hot boy nổi loạn 2 không hề đủ những yếu tố để gọi là một bộ phim hay, vậy cái gì đã làm chúng ta bối rối như vậy thay vì muốn ‘quên phén đi cho xong’ như những bộ phim Việt mì ăn liền nhan nhản ngoài rạp mà phải ‘canh cánh trong lòng’, buồn man mác và suy nghĩ mãi về cái kết đầy day dứt nhưng rất tròn vẹn ấy?

Tiếp nối chuyện tình dang dở trong phần 1, Hot boy nổi loạn phần hai đề cập đến cuộc đời của Lam (Lương Mạnh Hải), gã trai bao bị cho là đã chết ở cuối phần trước. Anh quay lại nghề đứng đường, đồng thời vẫn tìm kiếm Khôi - người yêu cũ. Long (La Quốc Hùng), chàng trai cùng đi khách với Lam ngày trước, nay đã bỏ nghề và vẫn yêu đơn phương Lam. Cuội (Trần Huy Anh) chàng đồng nghiệp xưởng nước đá thì lại yêu Long nhưng luôn bị anh cự tuyệt. Rồi cái vòng xoáy tình yêu – tình dục – tình bạn trong giới mại dâm đồng tính nam cứ thế lại lộ rõ, sâu và trần trụi hơn cả phần 1…

Phải nói một điều rằng, cảm giác khó chịu chính là thứ đầu tiên Hot boy nổi loạn 2 dành tặng cho chúng ta, nếu như phần một với bố cục rời rạc có chủ đích của đạo diễn, những mảnh đời nhân vật thuộc giai tầng thấp của xã hội được sắp xếp đặt để hợp lý dù hai tuyến truyện không liên quan gì với nhau và ta xem vẫn không bị cảm giác đứt mạch cảm xúc, giống như một tấm gương vỡ còn đặt trên giá thì sang phần 2 này, tấm gương ấy đã rơi xuống đất, vỡ tan nát. Cách sắp xếp tình tiết của Vũ Ngọc Đãng rất dễ khiến người ta thấy bực bội, mọi thứ đều chầm chậm với những đoạn chuyển cảnh lộn xộn và nhanh hết hồn, đang trên đà cảm xúc, thì ngay lập tức ‘tát vào mặt’ người xem một xô nước đá…

Nhưng rồi, khi bạn nhìn lâu vào những mảnh gương vỡ vụn mà Vũ Ngọc Đãng đang cố lắp ghép lại tự dưng những hình thù thú vị lại hiện ra như kính vạn hoa. Bạn quen dần với cái cách ủy mị của Long trước Lam, bạn thấm dần sự gai góc gượng gạo của Lam, bạn đồng cảm với sự mù quáng điên dại của Long,... và cái sự ‘hơi kịch’ ban đầu khiến bạn thương, bạn cảm mến dù phim vẫn tiếp tục chuyển cảnh rất nhanh.

Hot boy nổi loạn 2, thật may mắn khi Vũ Ngọc Đãng đã tiết chế được lời thoại ‘giáo điều’ và như kịch nói ở phần 1 (ví dụ như phân cảnh ‘huyền thoại’ của Khôi với lời thoại như phim ngôn tình “chúng ta sinh ra không có quyền lựa chọn giới tính cho mình…” phim tả thực nhưng thoại ‘đáng yêu’ và giáo điều quá nên thành ra nó hơi sai sai), Hot boy nổi loạn 2 có ngôn ngữ bình dân hơn, chửi thề nói tục nhiều hơn, hợp hoàn cảnh hơn và quan trọng là các diễn viên thoại ổn hơn, tất nhiên vẫn có nhiều pha thoại khiến ta ‘nhăn mặt’ hoặc phá lên cười nhưng tổng thể cũng không gây ra quá nhiều khó chịu.

Điểm sáng chói trong Hot boy nổi loạn 2 không phải là những cảnh nóng ‘không nóng lắm’ và cũng chỉ mới dừng lại ở mức chấp nhận được hay những màn trả thù nhau đúng kiểu ‘em hiền như ma cô’, hay sự cứng đơ của Lương Mạnh Hải được cải thiện đôi chút so với các bộ phim trước đó mà đó chính là diễn xuất của La Quốc Hùng và Phú Hậu, nếu La Quốc Hùng diễn vai Long đạt đến nỗi từng ánh mắt, cử chỉ tiếng thở dài, cắn môi run run hay lúc mắt anh long lanh ần ận nước, khán giả như chúng ta thật chỉ muốn lao ra vỗ về anh chàng ngay mà thôi, đó là đạt quá rồi còn gì. Còn cô diễn viên trẻ Phú Hậu trong vai em gái của Lam chính là mảnh gương sắc nhất cứa thẳng vào tim khán giả dù thời lượng xuất hiện của cô không hề nhiều, và nhân vật Liên do cô thể hiện cũng gây nhiều sự ám ảnh nhất trong cảnh bi kịch nhất của bộ phim, Phú Hậu chắc chắn sẽ còn tiến xa.

Với nhiều điều chưa hoàn thiện như thế từ kịch bản chưa tới, biên tập phim lan man đến cả những yếu tố phụ trợ như âm nhạc còn thiếu đầu tư thì điều gì lại khiến Hot boy nổi loạn 2 trở thành một trong những bộ phim Việt khiến ta ‘vấn vương’ như thế cho đến cảnh phim cuối cùng, chú chó hoang tìm Lam khắp khu chợ và chạy đến trước căn nhà trọ đợi ‘chàng chủ hờ’ khiến một số khán giả bật khóc? Đó chính là… cảm xúc. Thứ cảm xúc “melodrama” mà rất lâu rồi ít có phim điện ảnh Việt nào tạo được, tuy không cao trào bằng nỗi buồn như xát muối vào tim như chuyện thằng Cười, cô gái điếm và con vịt ở phần 1, nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng biết cách làm thế nào để ‘kết thúc’ mớ bồng bông bi kịch không có ngày mai trong cuộc đời bế tắc của Lam, dù có hơi…tàn nhẫn. À không, rất tàn nhẫn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ nhớ mãi.

Tựu chung, Hot boy nổi loạn là một bộ phim đơn giản nhưng không đơn giản, sẽ có người nói hay sẽ có người tặc lưỡi, sẽ có người khóc sẽ có người chê (đó là phong cách của Vũ Ngọc Đãng từ trước đến nay rồi) nhưng tuyệt nhiên hiếm ai cười cợt cái cảm xúc mãnh liệt dù còn dở dang chưa hoàn thiện mà Vũ Ngọc Đãng cài cắm vào đó, và nó chính là cái hay cái thành công đáng ghi nhận so với cái bóng quá lớn của Hot boy nổi loạn, chuyện thằng cười cô gái điếm và con vịt. Và lời cuối, series Hot boy nổi loạn kết thúc ở đây là tròn vẹn và đẹp lắm rồi bác Đãng nhé!

Nguồn: JI