Quyết định sinh thêm con giữa Vùng Đất Câm Lặng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng hay chính là yếu tố nhân văn?

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · VLynd ·

Đứa con chính là yếu tố quyết định bản năng sinh tồn của nhân loại trỗi dậy mạnh mẽ như thế nào.

Kéo xuống để xem tiếp

Đến với Vùng Đất Câm Lặng, không chỉ các nhân vật trong phim phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên mà khán giả cũng phải im thin thít, không được ăn bắp uống nước để tránh làm phiền tới những người xem khác, vậy mà hai vợ chồng nhà Abbott vẫn quyết định sinh thêm một đứa con.

Cả hai vợ chồng đều hiểu, quá trình sinh nở lẫn chăm em bé đều gây ra những tiếng ồn rất kinh khủng nhưng họ đều bất chấp những điều ấy mà vẫn hạ sinh đứa bé. Hơn nữa, trong một môi trường hoàn toàn im lặng, sự sống còn đặt lên hàng đầu, việc đứa bé ra đời là một thiệt thòi cho chính bản thân nó khi bị giới hạn phát triển toàn diện, giống với trường hợp của một bào thai bị chẩn đoán khiếm khuyết, việc hạ sinh đứa trẻ ấy chẳng khác nào đẩy nó vào tình thế bất lợi trước xã hội.

Tuy nhiên, chính tình tiết này mới là yếu tố nhân văn trong kịch bản. Thay vì cho rằng việc sinh nở và nuôi nấng đứa trẻ sẽ gây khó dễ cho sự sống còn của gia đình, đứa trẻ chính là niềm hy vọng cho cả nhà. Trước hết, việc mang thai đứa bé hoàn toàn do tình yêu giữa hai vợ chồng. Xen lẫn những giây phút căng thẳng thần kinh trong xuyên suốt bộ phim, khán giả hoàn toàn thấy được sự tương tác đầy xúc cảm giữa vợ chồng Abbott. Bên cạnh sự thật Emily Blunt và John Krasinski kết hôn với nhau ngoài đời, có những tình tiết thể hiện rõ sự yêu thương giữa hai người như họ cùng nhau chia sẻ tai nghe và khiêu vũ trong đêm lặng, anh Abbott luôn nhắn nhủ các con phải biết chăm sóc cho mẹ và ngược lại, cô vợ luôn có những động thái kết nối các con lại gần chồng như bảo con gái kêu chồng vô ăn tối và dặn dò con trai đi cùng anh. Như một lẽ thường tình giữa các cặp vợ chồng yêu thương nhau, họ đều muốn cùng nhau tạo nên một sinh linh để nuôi nấng, dạy dỗ. Tất nhiên không thể bỏ qua nhu cầu sinh lý giữa hai vợ chồng, có yêu nhau ắt có ham muốn và dù trong tình huống ngặt nghèo cũng không thể ngăn họ đến với nhau. Điện ảnh thế giới có muôn vàn những pha làm tình trong các tình huống dù là khó khăn nhất hay chật hẹp nhất và dù cảnh ái ân giữa hai vợ chồng không được thể hiện cụ thể trong phim không có nghĩa là họ không thể “đơm hoa kết trái”. Hơn nữa, tình yêu của họ cũng tràn đầy hy vọng về một thế giới bình lặng, không còn lũ quái vật ấy nữa khi quyết định sinh thêm con.

Ngoài lý do vì yêu và sinh lý, gia đình Abbott cũng cần thêm một thành viên để có thể chở che, bảo vệ nhau. Còn nhớ khi cô vợ nói với chồng đó là một đứa con trai, cả hai đều trao nhau ánh nhìn nhẹ nhõm một cách kín đáo. Dẫu biết là việc nuôi con mất khá nhiều thời gian và công sức nhưng có thêm một người đàn ông trụ cột trong gia đình vẫn an tâm hơn và cả nhà có thêm một người có khả năng đảm nhận những công việc nguy hiểm như dựng nhà, ra suối bắt cá... Hoặc khi người bố và một cậu con trai phải đi kiếm ăn cả ngày, một người con trai ở lại trông chừng mẹ và chị có thể giúp tâm lý hai người phụ nữ cảm thấy an toàn hơn. Một ngày nào đó, khi thảm hoạ này chấm dứt, con người vẫn cần những thế hệ sau để có thể tái thiết xã hội.

Không thể phủ nhận việc sinh thêm con có thể giúp hai vợ chồng và cả gia đình lấp đầy nỗi nhớ của người con út bị quái vật ăn thịt cách đó gần một năm. Tuy nhiên, đứa con này là một niềm hy vọng mới chứ không thể nào là cái bóng của người con đã mất. Dù là điện ảnh hay thực tế, tâm lý chung của một cặp vợ chồng vừa mất con hay sẩy thai đều mong muốn có một mụn con nữa để bù đắp cho khoảng trống đó và vượt qua nỗi buồn của một gia đình. Biết trước việc sinh nở và quấy khóc của trẻ sơ sinh có thể thu hút quái thú, họ đã chuẩn bị sẵn một chiếc nôi cách âm và cả căn phòng kín đáo hết sức có thể để tránh bọn quái. Đứa bé này chính là niềm hy vọng của cả gia đình và lũ quái vật không có quyền tước đoạt nó. Đối diện với con quái vật ghê gớm, người mẹ không thể bỏ mặt con mà từng bước di chuyển trong im lặng, nghẹt thở mà cứu lấy con mình. Và trong những phút cuối cùng của bộ phim, khi người bố không còn nữa, cả ba mẹ con đều nương tựa vào nhau, đối đầu và tiêu diệt bọn chúng để bảo vệ đứa em bé bỏng. Không biết cả gia đình có thành công hay không nhưng ánh mắt và thái độ đồng lòng che chở cho sinh mạng của đứa trẻ sơ sinh này chứng tỏ rằng họ không muốn sống trong trốn tránh nữa mà phải giành lại mảnh đất mà tạo hoá đã dành cho con người.

Nhìn chung, khán giả hoàn toàn thấy rõ ràng việc sinh thêm con có nguy cơ đẩy cả gia đình vào chỗ chết nhưng nhìn sâu hơn, đứa con chính là yếu tố quyết định bản năng sinh tồn của nhân loại trỗi dậy mạnh mẽ như thế nào, đặc biệt là bản năng của những người làm cha, làm mẹ.