[REVIEW] Lời Nguyền

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · VLynd ·

Lời Nguyền lại lỡ mất cơ hội lấy lòng khán giả.

Là một thương hiệu nổi tiếng, không khó hiểu khi Ju-On được Nhật Bản lẫn Hollywood vắt sữa, sau năm lần bảy lượt bị dời lịch chiếu, Lời Nguyền (Grudge) do Sony reboot đã chính thức được phát hành. Tuy nhiên, bộ phim kinh dị của đạo diễn Nicolas Pesce với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Andrea Riseborough, Demian Bichir, John Cho, Lin Shaye và Jacki Weaver vẫn chưa thật sự thoả mãn những tín đồ kinh dị.

Lời Nguyền bắt đầu khi Fiona Landers (Tara Westwood) mang theo linh hồn gian ác từ Nhật về Mỹ và từ đó, bất kỳ ai đặt chân vào căn nhà số 44 đường Reyburn đều bị ám và gặp phải cái chết kinh hoàng. Bất chấp những lời cảnh báo của đồng nghiệp, nữ cảnh sát Muldoon (Andrea Riseborough) vẫn quyết tâm điều tra về những cái chết liên quan đến căn nhà này để rồi chuốc hoạ vào thân. Để tránh nhàm chán, Lời Nguyền cũng đan xen vào đó tuyến truyện của các nhân vật phụ, giúp người xem thấy được bi kịch của các gia đình.

Có thể nói, phần nội dung được chăm chút hơn một số bộ phim kinh dị gần đây là điểm sáng hiếm hoi của Lời Nguyền, tránh được lối mòn căn nhà bị ám truyền từ đời này sang đời kia. Được gắn mác kinh dị với phân loại độ tuổi NC-18 nhưng mức độ gây ám ảnh, sợ hãi của phim chẳng để lại ấn tượng gì với người xem. Thứ nhất là tạo hình của ác linh, vì Ju-On là một thương hiệu nổi tiếng, độ phổ biến của ma nữ rộng rãi tới mức nhìn riết quen mắt, không còn đáng sợ nữa. Phần tạo hình xơ xác, kỳ lạ của người sống xem chừng còn ám ảnh hơn.

Những cảnh kinh dị trong Lời Nguyền cũng quanh đi quẩn lại là hù doạ, dập người xem hết hồn bằng âm thanh lớn tiếng. Ít ra thì phim cũng kéo dài khoảnh khắc hồi hộp thay vì jump-scare liên tục như Annabelle. Dĩ nhiên không thể thiếu điểm trừ lớn nhất khiến phim bớt hay là cục kiểm duyệt điện ảnh Việt Nam. Bản thân bộ phim đã không quá ghê nhưng vì những đoạn cắt thô thiển, chất kinh dị, máu me trong phim trở nên nhạt toẹt, trẻ em trên 13 tuổi chưa chắc gì sợ hãi huống chi khán giả trên 18 tuổi. Thậm chí đoạn kết phim cũng bị cắt một cách chưng hửng, không hiểu là phim kết thúc có hậu hay không.

Dàn diễn viên của Lời Nguyền có phần diễn xuất tròn vai, tạo hình phù hợp với diễn biến, đủ giữ chân khán giả theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lin Shaye vẫn chứng minh được bà là cái tên thích hợp với phim kinh dị, những cảnh của bà tuy ít nhưng chất lượng, đủ cho người xem thấy rợn. Tuy nhiên, phần cảm xúc của phim vẫn chưa được đẩy lên tột độ, bi, hài, sợ sệt... tất cả đều dừng ở mức an toàn, không lên được đỉnh điểm. Có lẽ đạo diễn muốn tập trung vào mức độ sợ hãi nhưng tiếc thay, về tay cục kiểm duyệt điện ảnh Việt Nam thì yếu tố đó đã bị giảm mạnh.

Khác với những phiên bản của nước Nhật thì Lời Nguyền được thực hiện theo mô-típ Mỹ và dường như các nhà sản xuất cũng không mạo hiểm làm phần hậu truyện nên cố gắng giải quyết vấn đề trong bộ phim này. Nếu hồi 1, hồi 2 của phim lôi cuốn được khán giả ở nội dung thì hồi 3 lại bị đẩy quá nhanh, cách nhân vật chính chống trả lại thế lực hắc ám chưa đủ thuyết phục lắm. Những diễn biến trước hứa hẹn đây là một ma nữ đáng gờm, sức mạnh vượt không gian thời gian nhưng hầu như không gây khó khăn gì nhiều cho cảnh sát Muldoon.

Một điểm đáng tiếc khác trong Lời Nguyền là câu chuyện về nguồn gốc của con ma. Phải chăng vì phim đã được reboot, remake và có phần tiếp theo nên biên kịch cũng không buồn cho người xem biết thân phận của ác hồn. Những câu giới thiệu lúc đầu phim cũng không đủ thuyết phục khán giả về sức mạnh của nó. Nếu ê-kíp đã có tâm với tuyến truyện của nhân vật phụ rồi, đừng nên lãng quên nhân vật phản diện ghê gớm nhất phim.

Tuy không mong đợi nhiều về phim kinh dị hạng nặng được công chiếu tại Việt Nam nhưng Lời Nguyền vẫn khiến khán giả thất vọng. Dù là coi phim kinh dị để giải trí, chẳng ai muốn xem một phim mà gần như không đáng sợ cả.

Ảnh: IMDb