Các nhà phê bình nói gì về phim kinh dị Suspiria?

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Đánh giá sớm dành cho Suspiria - phim kinh dị được mong chờ nhất năm.

Đánh giá dành cho bộ phim remake từ bản gốc kinh điển Suspiria đã được giới phê bình đưa ra và có vẻ như bộ phim đã bắt đầu bước chân xuống bước đường thất bại.

Suspiria đã không nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. (IMDb)
Suspiria đã không nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. (IMDb)

Được làm lại từ bản gốc năm 1977, phiên bản Suspiria 2018 có sự tham gia của Tilda Swinton, Dakota Johnson, Chloe Grace Moretz và Angela Winkler. Sau khi ra mắt trailer, bộ phim đã làm khán giả rất tò mò và trở thành một trong những phim kinh dị được mong chờ nhất năm. Tuy nhiên, có vẻ như giới phê bình đã trở nên không mấy hứng thú với phiên bản của Guadagnino sau buổi chiếu thử. Dưới đây là các ý kiến được tổng hợp:

David Rooney của The Hollywood Reporter cho rằng bộ phim “dài một cách không cần thiết” và “làm màu”. Mặc dù ông vẫn dành lời khen ngợi cho Swinton và Winkler, các vai diễn còn lại “rời rạc đến khó chịu”, khiến các nhân vật trông như “những người có ngoại hình giống nhau giả làm một hội chị em”.

Tuy khen rằng bộ phim “đẹp tao nhã”, Rooney cũng viết bản remake của Guadagnino vẫn ở một “khoảng cách xa” và không thể sánh bằng bản gốc. Nhìn chung Rooney nhận xét bản làm lại của Guadagnino khó hiểu và cách tiếp cận của vị đạo diễn rất mờ nhạt trong “tông phim và cách sử dụng bảng màu”, với những phân đoạn hù dọa kỳ cục.

Phim tập trung "làm màu" nhiều hơn là hù dọa có hiệu quả. (IMDb)
Phim tập trung "làm màu" nhiều hơn là hù dọa có hiệu quả. (IMDb)

Peter Bradshaw của The Guardian cũng cảm thấy không ấn tượng với bộ phim, cho rằng bộ phim “thiếu nhiệt đến lạ kỳ” và có mạch truyện “rối rắm”. Mặc dù cũng có tí liên quan đến bản gốc, nhưng “tinh hoa” của bản gốc dường như đã mất và bị thay thế bởi “những lớp giải nghĩa sự thật lịch sử không thể tiêu hóa nổi”.
Nói về nhân vật, Bradshaw cho rằng diễn xuất của Swinton đã “bị lãng phí” do nhân vật được kịch bản khắc họa tồi, dở dở ương ương và không có điểm nhấn. Trong khi đó, Bradshaw khen ngợi diễn xuất của Johnson, nhưng thất vọng khi nữ diễn viên không thực sự tạo được dấu ấn như đáng lẽ ra cô có thể làm.

David Ehrlich của Indiewire chia sẻ cùng ý kiến khi cho rằng đây không phải là một bộ phim remake, mà là một bản phim tương đồng gượng gạo với bộ phim gốc, vấy một ít máu để người xem có thể thấy được chút gì đó từ bản phim kinh điển. Tuy vậy, Ehrlich cũng viết rằng bản thân thích cách Guadagnino làm nổi bật những điểm khiến người ta nổi da gà trong bản gốc. Được xếp vào thể loại kinh dị, nhà phê bình miêu tả bộ phim “gớm” nhiều hơn là ghê và “bi thương nhiều hơn là gớm”.

Ông cũng cảnh báo bất cứ ai nghĩ rằng “người đã làm ra Call Me By Your Name có thể làm được một bộ phim như The Conjuring” sẽ “thất vọng tràn trề”…

Diễn xuất của Dakota Johnson được khen ngợi, nhưng lại không tạo được ấn tượng. (IMDb)
Diễn xuất của Dakota Johnson được khen ngợi, nhưng lại không tạo được ấn tượng. (IMDb)

Stephanie Zacharek của tạp chí TIME nói đây không phải lỗi của các diễn viên khi khiến bộ phim trở nên “nhạt nhòa” mà là lỗi của Guadagnino khi “tham vọng của đạo diễn đã đánh bại chính ông”. “Ông đã khiến cốt truyện và bối cảnh trở nên cực kỳ phức tạp”. Gaudagnino dựng bối cảnh phim nằm ở năm 1977 nhưng những tình tiết lịch sử được thêm vào không liên quan gì đến bộ phim và câu chuyện. Zacharek phê bình bộ phim khi thêm vào lớp chính trị chỉ khiến nó phức tạp không cần thiết. “Guadagnino nghĩ quá nhiều và cảm quá ít.”

Zacharek cũng viết phim chẳng có gì đáng sợ, và đáng lẽ đã có thể gây ấn tượng bằng bảng màu rực rỡ để hướng khán giả ra khỏi phần nhạc nền tầm trung của Thom Yorke và trang phục thùng thình, màu mè của dàn diễn viên.

Tim Grierson của Screen Daily phê bình bộ phim của Guadagnino cố gắng làm quá nhiều thứ và đổi lại, vị đạo diễn đã không nhận được lời khen như với Call Me By Your Name và sự cố gắng đôi khi tuyệt vời hơn thành quả. Tuy nhiên, Grierson nói rằng bộ phim đã làm tốt hơn khi tập trung vào sự phức tạp của các nhân vật thay gì giấu chúng trong bóng tối. Mặc dù khá tẻ nhạt và nhàm, Grierson nói phần nhạc nền (vốn khá riêng biệt với bản gốc) làm khá tốt.  

Emily Yoshida của Vulture viết ước gì bản thân là người đã làm bộ phim thay cho Guadagnino, bởi nhà phê bình đoán rằng vị đạo diễn sẽ bị phong trào #MeToo “tóm gáy” vì cách thể hiện các nhân vật nữ trong phim.

Phim chẳng có gì đáng sợ và có khả năng trở thành nỗi thất vọng lớn. (All Horror)
Phim chẳng có gì đáng sợ và có khả năng trở thành nỗi thất vọng lớn. (All Horror)

“Tôi ước gì các nhà làm phim nữ làm nhiều hơn các bộ phim như thế này, truyền tải các câu chuyện vượt ra ngoài biên giới của những bộ phim đơn thuần mang đến sức mạnh, tiếng nói, nguồn cảm hứng… mà làm một bộ phim tham vọng, hỗn loạn, ghê rợn…” Cô cũng nói rằng Guadagnino có thể là một nhà làm phim anti-women, không thích nữ giới khi cách thể hiện của ông thể hiện hình ảnh năng lượng và cơ thể của người phụ nữ giống như bị nguyền rủa hay nguy hiểm theo mặt nào đó.

Glenn Kenny của RogerEbert.com cũng có ý kiến tương tự khi cảnh báo các fan của Call Me By Your Name nên chừa bộ phim này ra. Kenny viết bản thân cảm thấy bộ phim “giả tạo” và khiến chứng misogyny (hội chứng ghét phụ nữ) được dịp bùng lên, với những phân đoạn “kinh dị” được thể hiện rất “hào hứng.” “Cho dù bạn nghĩ gì về Suspiria của Argento hay các phim của ông ấy nói chung, bạn phải thừa nhận rằng sự tàn bạo mà ông thể hiện trong phim thực sự đẳng cấp.”

Đây là bước lùi của vị đạo diễn từng được đề cử Oscar với Call Me By Your Name. (IMDb)
Đây là bước lùi của vị đạo diễn từng được đề cử Oscar với Call Me By Your Name. (IMDb)

Kenny một lần nữa chỉ trích Guadagnino vì nghệ thuật yếu kém trong phim. Nhà phê bình cũng thêm vào “Riêng tôi mà nói thì đáng tiếc tôi không căm ghét Call Me By Your Name, bởi nếu tôi ghét phim đó thì tôi có thể nói với bạn rằng nếu bạn thích Call Me By Your Name thì bạn xứng đáng có được phiên bản Suspiria này.”

Nguồn: The Hollywood Reporter