Thật đau đớn làm sao khi một người nghệ sĩ lại phải căm ghét tác phẩm của chính họ. Làm phim là một quá trình hết sức kì công, và nhà làm phim ấp ủ ý tưởng cũng tựa như người mẹ mang trong mình một bào thai. Trừ phi có một biến cố nào đó quá nghiêm trọng, làm sao người đạo diễn có thể ghét bỏ thành quả của chính mình? Sau đây là những câu chuyện đáng buồn về cách mà mọi chuyện đi lệch hướng sau bao nhiêu nỗ lực.
Dù vậy, quá trình sản xuất ổn thỏa không có nghĩa là kết quả sẽ luôn tốt đẹp, nhất là khi các studio lớn can thiệp vào quá trình xử lí hậu kỳ. Lịch sử đã chứng kiến nhiều pha xử lí hậu kỳ thảm họa đến mức phá hủy hoàn toàn bộ phim, thậm chí những đạo diễn tài năng nhất cũng gặp phải tình cảnh này. Sau đây là 10 bộ phim bị ghét bỏ bởi chính người tạo ra chúng.
1. Steven Spielberg – Indiana Jones and the Temple of Doom
Sau thành công của Raiders of the Lost Ark, bộ đôi nhà sản xuất / đạo diễn George Lucas và Steven Spielberg quyết định làm phần tiếp theo, nhưng phản diện lần này không phải là quân Nazi nữa. Sau nhiều lần thảo luận, họ quyết định lấy bối cảnh miền Bắc Ấn Độ và chọn một tổ chức tôn giáo tội phạm làm phản diện. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã nảy sinh từ trước khi bắt đầu quay.
Biên kịch nổi tiếng Lawrence Kasdan đã rời dự án này do bất đồng về ý tưởng - ông nói rằng không muốn tham gia thực hiện một bộ phim tệ hại như vậy. Kịch bản ban đầu khá phức tạp và đen tối, phần nào phản ánh tâm trạng của bộ đôi Lucas và Spielberg, khi ấy vẫn đang trong giai đoạn khó khăn hậu chia tay. Willard Huyck và Gloria Katz được thuê viết kịch bản nhờ vốn kiến thức rộng lớn về văn hóa Ấn Độ, nhưng cuối cùng bộ phim lại hoàn toàn sai lệch về mặt văn hóa.
Chính phủ Ấn Độ đã từ chối không cho quay phim trên đất nước này, bởi họ cho rằng kịch bản phim làm ô uế và phá hoại nền văn hóa Ấn Độ. Trong một buổi công chiếu ở London, Satyajit Ray, nhà làm phim vĩ đại thuộc phong trào Indian New Wave, đã bày tỏ sự phản đối với bộ phim vì sự thiếu sót trong quá trình nghiên cứu, cũng như hiểu biết hạn hẹp của nhóm Spielberg về văn hóa Ấn Độ.
Trong phim, nhân vật Amresh Puri huyền thoại của Ấn Độ lại trở thành thủ lĩnh của một nhóm tôi phạm tôn giáo thờ nữ thần Kali và giết người để được nữ thần chúc phúc. Nhưng trong văn hóa Ấn Độ, Kali không phải là một vị tà thần hiếu sát, mà là một nữ thần được thờ cúng rộng rãi trong lễ hội lớn thứ nhì Ấn Độ, diễn ra sau lễ Durgapuja. Ngay cả những món ăn trong buổi đại tiệc ở lâu đài Pankot cũng không có món nào có nguồn gốc Ấn Độ.
Trợ thủ và người yêu của Spielberg cũng không xuất hiện trong các phần sau, chứng tỏ rằng Spielberg không mấy hứng thú với những nhân vật này. Spielberg cũng thừa nhận rằng đây không phải là cách tiếp cận yêu thích của ông – ông cho rằng không khí đen tối không ổn định ấy hợp với Poltergeist hơn là Indiana Jones.
2. David Fincher – Alien 3
Khi David Fincher kể về những trải nghiệm khó khăn trong thời gian quay Alien 3 cùng với Ridley Scott, Scott đã trả lời rằng ngay từ đầu ông đã sai lầm khi chọn một studio tầm cỡ như thế để thực hiện bộ phim đầu tay.
Có lẽ Fincher cũng biết điều đó, nhưng vốn là một fan cứng của hai phần Alien đầu tiên, hẳn ông không thể cưỡng lại được mong muốn làm một bộ phim Alien của riêng mình. Lúc ấy, ông vẫn không có tiếng tăm trong giới đạo diễn, chỉ là một nhân viên của ILE và có được vài video âm nhạc đầu tay.
20th Century Fox chọn Fincher vì nghĩ rằng ông sẽ ngoan ngoãn làm theo ý họ, nhưng ông luôn có những kế hoạch riêng. Vậy nên, ông thường xuyên tranh cãi với đội ngũ quản lí của Fox vì sự can thiệp quá mức của họ. Khi Fox thuê ông làm đạo diễn phần tiếp theo của Aliens, kịch bản Alien 3 đã được viết đi viết lại vài lần, và Fox cũng đã kịp sa thải vài biên kịch.
Fox yêu cầu Fincher viết kịch bản cho bộ phim dựa trên phim trường họ đã dựng sẵn, và phải quay phim trong năm tuần. Áp lực như vậy là quá khủng khiếp ngay cả với những đạo diễn có kinh nghiệm, trong khi lúc ấy ông mới có 28 tuổi. Nhà làm phim trẻ tuổi đã phải vật lộn để quán xuyến được mọi thứ. Sau này, ông thổ lộ rằng đó là trải nghiệm tồi tệ nhất đời mình, và không ai trên đời này có thể ghét bộ phim bằng chính ông.
Tệ hơn là, ông còn bị cấm tham gia vào quá trình chỉnh sửa hậu kì, và Fox đã cho ra bản chỉnh sửa cuối cùng mà không hề có sự can thiệp hay cho phép của ông. Sau đó, Fincher, đã cho ra một clip tổng hợp các đoạn phim bị cắt, phần nào khôi phục được ý tưởng ban đầu của ông. Điều đó một lần nữa chứng tỏ rằng sự can thiệp của các studio đã phá hoại nghiêm trọng phiên bản gốc vốn rất xuất sắc.
3. Alfred Hitchcock - Rope
Không ai có thể phủ nhận dấu ấn mà vị đạo diễn tài năng Alfred Hitchcock đã để lại trong lịch sử phim ảnh. Tất nhiên, danh xưng bậc thầy thriller của ông vẫn gây nhiều tranh cãi, bởi có nhiều đạo diễn đương thời với tài năng tương đương hay thậm chí vượt trội hơn ông trong mảng xây dựng kịch tính, nhưng lại bị quên lãng do thiếu may mắn hay không được quảng bá tốt. Dù vậy, khi xét về mặt kĩ thuật, ông chắc chắn là người giỏi nhất.
Chúng ta có được những cú long-take thành công của Russian Ark và Victoria là nhờ nhà làm phim tài ba đã thử nghiệm kĩ thuật này từ vài thập kỉ trước. Bộ phim Rope chính là nơi mọi giấc mơ bắt đầu. Hitchcock muốn thực hiện một bộ phim liên tục không cắt cảnh như một thử nghiệm nhằm nâng cao chất lượng quay phim, và ông đã chọn thử nghiệm với bộ phim Rope năm 1929.
Ông quay bộ phim trong một phim trường xoay được và có thể di chuyển đạo cụ cho phù hợp với hướng di chuyển của máy quay. Khi ấy khả năng di chuyển đạo cụ còn khá hạn chế, nên mỗi lần cần đổi góc quay, ông lại phải di chuyển máy quay sau chiếc áo khoác đen của nhân vật chính hay một đạo cụ màu đen.
Bộ phim đạt được thành tựu tuyệt vời về mặt kĩ thuật. Nhưng để làm được điều đó, ông đã phải bỏ qua yếu tố thiller vốn là thương hiệu của ông. Bộ phim rất ấn tượng về mặt kĩ thuật, nhưng lại thiếu đi sự hồi hộp li kì, cộng thêm diễn xuất gượng gạo của dàn diễn viên – đặc biệt là James Stewart. Bộ phim tệ đến mức về sau chính Hitchcock đã phải gọi nó là một thử nghiệm thất bại.
4. David Lynch – Dune
Nổi lên nhờ sự thành công của bộ phim Elephant Man, bậc thầy của chủ nghĩa siêu thực David Lynch có rất nhiều lựa chọn cho dự án tiếp theo của mình. Khi ấy Lynch đã từ chối lời đề nghị làm đạo diễn bộ phim Return of Jedi thuộc saga Skywalker, và quyết định làm một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Dune của Frank Herbert.
Lynch đã viết đến sáu bản nháp để truyền tải được tầm vóc sử thi của tiểu thuyết gốc lên phim, nhưng hai nhà sản xuất Dino và Raffaella De Laurentiis đã bóp nghẹt sức sáng tạo của ông. Lynch dự định để bộ phim kéo dài ba tiếng nhằm thể hiện được hết tầm vóc sử thi của tiểu thuyết, nhưng nhà sản xuất thì lại không muốn bộ phim quá dài.
Trong một buổi phỏng vấn, Lynch đã nói rằng ông bị đem bán cho nhà sản xuất. Nói vậy cũng không sai, vì ông đã phải nghe theo yêu cầu của họ và gói gọn cả cuốn tiểu thuyết trong có hơn hai tiếng rưỡi của bộ phim.
Kết quả là bộ phim trở thành một mớ lộn xộn với cách kể chuyện chắp vá. Và như bao câu chuyện khác, Lynch cũng không được tham gia thực hiện bản chỉnh sửa cuối cùng. Cuối cùng, ông đã tự tách mình khỏi dự án. Phần credit cuối phim không để tên ông ở vị trí đạo diễn, mà thay bằng cái tên giả Alan Smithee.
5. Josh Trank – Fantastic Four
Josh Trank cực kì tức giận với bộ phim Fantastic Four, cũng như 20th Century Fox và Marvel. Trước khi bộ phim được công chiếu, ông đã đăng tweet chỉ trích nhà sản xuất vì đã cướp đi của khán giả cơ hội được thưởng thức phiên bản xuất sắc hơn nhiều theo dự kiến ban đầu của ông.
Trong thời gian được thuê, Josh đã tự viết kịch bản và quay phim, tạo ra một phiên bản đen tối và lạnh lùng hơn vũ trụ comic. Nhưng phong cách tăm tối vốn khó lòng đáp ứng được nhu cầu của các studio, khi họ quan tâm đến việc cho ra một bộ phim đại chúng phù hợp để xem cùng với gia đình hơn là sự sáng tạo. Đúng như dự đoán, studio có phản ứng vô cùng tiêu cực về Fantastic Four. Họ lập tức ra lệnh cho Trank quay lại nhiều đoạn phim dưới sự giám sát chặt chẽ.
Sau đó, studio lại xung đột với Trank trong giai đoạn hậu kỳ. Họ cho ra bản chiếu rạp bị cắt mất vài đoạn trong bản gốc mà không hề thông báo với Trank. Dù nhiều nguồn tin nội bộ cho biết rằng bản gốc thật sự rất tuyệt vời, nhưng Trank vẫn không được nêu tên trong credit. Thay vào đó, họ hạ nhục ông bằng cách tung tin đồn thất thiệt, nói rằng ông là một đạo diễn thiếu quyết đoán và có hành vi thất thường trên trường quay. Sau này Trank đã bỏ Fantastic Four ra khỏi danh sách phim của mình trên tiểu sử Instagram.
6. Noah Baumbach – Highball
Đối với một bộ phim thể loại hư cấu, rõ ràng không phải một dấu hiệu tốt khi phim hầu như không có một buổi chiếu thử nào. Điều đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề trong giai đoạn hậu kỳ, và đó là điều đã xảy ra với bộ phim thử nghiệm Highball của Noah Baumbach. Baumbach đã tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể nhờ tận dụng nguồn nhân lực từ bộ phim Mr.Jealousy trước đó của ông, vậy nên ông muốn thử làm một bộ phim trong vòng sáu ngày với dàn nhân sự có sẵn từ phim trước.
Nhưng quả nhiên sáu ngày là không đủ cho một dự án tham vọng như vậy, và Baumbach đã phải ngừng quay khi vẫn còn rất nhiều đoạn dang dở. Ông đã gặp nhiều rắc rối với nhà sản xuất, và dàn nhân sự còn không được tham gia quá trình làm phim sau đó. Hậu quả là bản chỉnh sửa cuối cùng trở thành một mớ lộn xộn mà chính Baumbach cũng chối bỏ. Sau đó, nhà sản xuất đã phát hành bộ phim dưới dạng DVD mà không hề thông báo cho ông.
7. Kevin Reynolds – Waterworld
Người ta hay khuyên rằng không nên nhập nhằng giữa công việc và sở thích cá nhân. Waterworld đã cố làm điều đó, để rồi dẫn đến dấu chấm hết cho tình bạn của hai con người cùng mang tên Kevin: Kevin Reynolds và Kevin Costner. Ngay từ lúc bắt đầu quay đã có khá nhiều điềm gở, ví dụ như thời tiết Hawaii thất thường khiến đoàn làm phim phải dời ngày quay. Nhưng dù đã cẩn thận như thế, cuối cùng phim trường vẫn bị phá hủy bởi một cơn bão khác bất ngờ ập đến, khiến kinh phí bị đội lên khủng khiếp, và Waterworld trở thành bộ phim tốn kém nhất thời điểm ấy.
Trong khi đó, Costner lại can thiệp quá sâu vào các ý tưởng của bộ phim, đến mức Reynolds đã phải bỏ ngang dự án. Reynolds vẫn được để tên trong credit ở vị trí đạo diễn, nhưng điều đó chỉ tiết lộ thêm nhiều sự thật cay đắng. Kevin Costner nói với báo chí rằng ông không hài lòng với bộ phim Rapa Nui do Reynolds đạo diễn và Costerner làm nhà sản xuất kiêm diễn viên, vậy nên ông đã chủ động can thiệp nhiều hơn ở bộ phim này.
8. Alan Taylor – Thor: The Dark World
Marvel từng tuyên bố rằng họ muốn các đạo diễn được tự do sáng tạo và có quyền kiểm soát tối đa với bộ phim. Thế nhưng, Alan Taylor đã tiết lộ rằng tuyên bố trên chỉ đúng được một nửa. Ông cho rằng làm việc với nhà Marvel luôn là một trải nghiệm kinh khủng. Ban đầu, họ hỗ trợ nhà làm phim hết mình trong quá trình sản xuất, nhưng khi đến giai đoạn chỉnh sửa hậu kì, mọi chuyện lập tức đi sai hướng.
Vậy nên ông không thể nói rằng Thor: The Dark World là phiên bản ông dự định ban đầu, vì bộ phim kém xa phong cách sử thi đậm tính gothic của vị đạo diễn The Sopranos và Game of Thrones.
Trong giai đoạn sản xuất, Marvel hỗ trợ ông rất nhiệt tình, nhưng khi đến giai đoạn chỉnh sửa hậu kỳ, cán cân quyền lực liền thay đổi. Hậu quả là bản chỉnh sửa của Marvel khác xa với phiên bản ban đầu của Alan Taylor. Bên cạnh đó, gần như cả công ty đều biết chuyện ông phải quay lại nhiều đoạn trong bộ phim. Sau này, ông nói rằng hi vọng không có ai phải trải qua những gì ông đã chịu đựng.
9. Mathieu Kassovitz – Babylon A.D
Vị đạo diễn ưa thích của Cannes, Mathieu Kassovitz, từng đến Mĩ để làm một bộ phim sci-fi, và sau đó ông đã tự hứa rằng sẽ không bao giờ làm thêm bộ phim sci-fi nào nữa. Câu chuyện đáng lẽ đã có thể khác đi, nhưng đáng buồn là nó chỉ có thể khác đi với một công ty làm phim khác trong tương lai. Một điều chắc chắn là, 20th Century Fox không bao giờ để nhà làm phim thể hiện phong cách của mình, dù họ đã để Charlotte Rampling và Gerard Depardieu đóng vai phụ.
Ban quản lý đưa ra hạn chót quá ngặt nghèo, và cuối cùng studio không hài lòng chút nào với thành phẩm. Babylon A.D đã phải quay lại và kéo theo nhiều kiện tụng sau đó. Kassovitz chỉ trích Fox vì đã giám sát quá mức và khiến bộ phim trông như một tập phim 24 tệ hại với những màn hành động thừa thãi, chứ không phải một bộ phim logic chặt chẽ chứa đầy quan điểm siêu hình.
10. Tomas Alfredson – The Snowman
Phần tiếp theo của bộ phim ít tiếng tăm The Brother Lionheart do Tomas Alfredson đạo diễn đã gặp phải điềm báo thường thấy: lịch quay phim ngắn ngủi. Dưới sự giám sát của Martin Scorsese, The Snowman được thực hiện gấp gáp do thời tiết thất thường của Nauy – địa điểm quay phần lớn bộ phim.
Theo Alfredson, không thể làm được một bộ phim chặt chẽ với lượng thời gian ít ỏi như vậy. Quá trình chuẩn bị trước khi quay cũng rất gấp gáp. Sau khi quay xong, bộ phim phải quay lại hơn 15% để mạch truyện chặt chẽ hơn. Cuối cùng, bộ phim tựa như một bộ xếp hình thiếu mất nhiều mảnh ghép, và đã nhận rất nhiều chỉ trích.
Nguồn: Taste of Cinema