Tiếp nối sự thành công của phần 1, nhà sản xuất tiếp tục với đạo diễn Nhất Trung để sản xuất phần 2. Lần này, hai diễn viên chính từ phần 1 là Trường Giang và Nhã Phương sẽ lui về làm cameo, nhường chỗ cho Ngô Kiến Huy và Hari Won thể hiện. Trái với kỳ vọng của khán giả, phần 2 dự đoán sẽ là một sự thất bại khó có thể cứu vãn.
Bài viết có tiết lộ một số tình tiết, bạn đọc cân nhắc trước khi kéo xuống.
Với cốt truyện người chết có thể thấy ma như phần 1, 49 Ngày 2 xoay quanh hành trình của anh chàng Huy bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn, tìm kiếm ký ức về cái chết cho cô ma nữ xinh đẹp và cũng không kém phiền phức tên Phương. Quá trình này tưởng chừng như không liên quan nhưng lại hé mở ra mối quan hệ giữa hai người. Nội dung đơn giản, tưởng chừng như dễ dàng khai thác với motif Hàn Quốc nhưng xuyên suốt bộ phim, người xem cứ phải liên tục thắc mắc: “Họ đang làm cái gì thế? Ủa tại sao mọi chuyện lại diễn biến như vậy? Thật là bối rối mà!”
Dĩ nhiên là với thể loại hài, tâm lý, xuyên suốt bộ phim, khán giả ăn đủ những tràn cười nhạt nhẽo, vô vị và chẳng có gì mới mẻ - một lỗi kinh điển trong suốt các bộ phim điện ảnh Việt Nam. Một món ăn với nhiêu đó gia vị được xào tới xào lui khiến người thưởng thức chẳng buồn nuốt thêm. Trong hành trình tìm kiếm ký ức, manh mối duy nhất của cặp đôi người – ma này là cuốn nhật ký của Phương, đây cũng đồng thời là món đồ “hack não” nhất bộ phim.
Theo như những gì cuốn nhật ký viết, chàng bạn trai của cô Phương là một anh chàng vô tâm, không quan tâm gì đến người yêu, mặc cho cô có âm thầm hy sinh vì anh quá nhiều. Nhưng cũng trong cuốn nhật ký đó, họ đi chơi với nhau vui vẻ, hết đi xem phim đến ăn nhà hàng, mà chủ yếu là để quảng cáo trá hình cho các thương hiệu trong đó. Có một điều khó hiểu là, tại sao đọc nhật ký xong, họ mới nghĩ tới chuyện hỏi hàng xóm xung quanh, trong khi đó, họ đến tận nhà Phương để lấy nhật ký mà?! Hơn nữa, cất công ghi lại một câu chuyện tình yêu, vậy mà đến tên anh chàng, cô Phương chả buồn thêm vô; thôi nào, anh người yêu tưởng tượng của biết bao thiếu nữ còn được đặt tên nữa mà. Xuyên suốt hành trình tìm kiếm ký ức, họ chỉ tái hiện lại những gì diễn ra trong nhật ký mà khán giả vẫn không hiểu mục đích của hành động đó là gì. Công thức chung của một bộ phim Việt thường là: hài, nội dung đơn giản, xung đột xảy ra, xung đột đẩy lên cao trào và được giải quyết bằng một cái kết khá xúc động, và tất nhiên 49 Ngày 2 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với một diễn biến rời rạc, cái kết được xây dựng khá cảm động lại không đủ cao trào để cứu vãn bộ phim.
Hơn nữa, việc xuất hiện của Trường Giang, Nhã Phương và các nhân vật từ 49 Ngày có thể gây sự chú ý cho bộ phim, nhưng đó lại là một điểm trừ to đùng vì các diễn biến trong đó “đập” nhau chan chát. Đây là chi tiết mà hẳn những bộ phim “break the 4th wall” như Deadpool, the LEGO Batman Movie phải gọi bằng “cụ” vì mức độ “phim lồng phim” của 49 Ngày 2.
Về diễn xuất của thì phải gọi là nhàm chán, từ sự một màu hài hước mà kém duyên của Thu Trang, 2 vai diễn “đo ni đóng giày” cho Ngô Kiến Huy, Hari Won (tự hỏi có phải vì khóc tới tận 6 tiếng mà Harri bị đơ luôn nước mắt hay không?!). Ngay cả vai phản diện của nhân vật Long cũng không có một chút ấn tượng. Điểm sáng duy nhất có lẽ là sự ăn ý của chàng diễn viên Mạc Văn Khoa và nghệ sĩ Việt Hương.
Kỹ xảo của 49 Ngày 2 nhìn chung là ổn, nếu dựa trên sự phát triển của kỹ xảo Việt Nam. Phân cảnh slow motion cái chết xinh đẹp của Phương khiến cho khán giả cảm thấy cái chết vì tai nạn giao thông không còn mấy đáng sợ, cũng như nhan sắc không tới nỗi kinh khủng sau khi văng ra khỏi xe và té sấp mặt.
Nói tóm lại, không nên có 49 Ngày 3.