Lịch sử của xã hội loài người được làm nên bởi những con người tài năng, và rồi điện ảnh lại đóng vai trò tái hiện lại cuộc đời của những nhân vật này để những thế hệ về sau không chỉ biết đến họ qua những dòng ghi chép đơn điệu, mà còn có cơ hội thấu hiểu, ngưỡng mộ họ hơn qua góc nhìn nghệ thuật. Điều gì đã làm nên những thiên tài, họ đã sống ra sao, ai là một nửa cuộc đời họ, họ đã thành công như thế nào... luôn là những chủ đề thu hút các nhà làm phim cũng như khán giả. Nếu bạn cũng thắc mắc về những vấn đề này thì không nên bỏ qua 5 bộ phim phác họa lại cuộc đời của những thiên tài dưới đây.
1. A Beautiful Mind (2001)
Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sylvia Nasar từng được đề cử giải Publitzer năm 1988, A Beautiful Mind nói về thiên tài toán học John Nash – người đã được trao giải Nobel Kinh Tế 1994. Bộ phim do Ron Howard làm đạo diễn và phác họa lại những năm đầu đời của John Nash khi ông mắc căn bệnh tâm thần phân liệt. John cho rằng ông đã gặp Charles và cháu gái của ông – William, và còn hay bị hoảng loạn bởi một nhiệm vụ bí mật bảo vệ tổ quốc khỏi Liên Xô, nhưng tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhờ sự giúp đỡ và chăm sóc của người vợ Alicia, John đã vượt qua được căn bệnh và được làm việc tại Đại học Princeton.
A Beautiful Mind hội tụ dàn diễn viên toàn những ngôi sao hạng A với khả năng diễn xuất đạt đến đỉnh cao như Russel Crowe, Jennifer Connely, Christopher Plummer. Bộ phim được giới phê bình đánh giá rất cao và chiến thắng 4 giải Oscar ở các hạng mục: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
2. Midnight in Paris (2011)
Midnight in Paris là bộ phim hài tưởng tượng lãng mạn khai thác đề tài về sự hoài niệm và chủ nghĩa hiện đại. Phim kể về Gil Pender (Owen Wilson) – một nhà biên kịch của Hollywood thành đạt nhưng không mãn nguyện với sự sáng tạo và vợ sắp cưới đến Paris du lịch. Một đêm, Gil uống say và đi lạc ở Paris, sau đó nhận ra mình đã được đưa ngược trở lại những năm 1920. Anh đã gặp gỡ nhà văn Alice B. Toklas, nhà soạn nhạc Cole Porter, các danh họa Pablo Picasso, Salvador Dalí, các nghệ sĩ nổi tiếng Man Ray, Josephine Baker và cả các thiên tài văn học F. Scott Fitzerald, Ernest Hemingway. Sau mỗi đêm du hành về quá khứ, mối quan hệ giữ Gil và cô vợ sắp cưới sống nặng về vật chất dần rạn nứt, những mục tiêu vốn dĩ đã khác biệt của họ ngày càng đẩy họ ra xa nhau.
Midnight in Paris được thực hiện bởi vị đạo diễn tài năng nhưng cũng đầy tai tiếng – Woody Allen. Phim còn có dàn diễn viên khá hùng hậu như Owen Wilson, Rachel McAdams, Marion Cotillard, Kathy Bates, Léa Seydoux, Carla Bruni, Adrien Brody và Michael Sheen. Midnight in Paris được giới phê bình khen ngợi rất nhiều tại Liên hoan phim Cannes 2011. Phim giành được giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất, giải Quả Cầu Vàng cho Kịch bản xuất sắc nhất và giải Goya của Tây Ban Nha (tương đương Oscar của Mỹ).
3. The Theory of Everything (2014)
Cuộc đời của ông hoàng vật lý Stephen Hawking được tái hiện một cách chân thực và cảm động qua diễn xuất của Eddie Redmayne trong The Theory of Everything. Bộ phim đan xen việc khắc họa chân dung của Stephen Hawking từ lúc ông mới vào đại học cho đến lúc có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực vật lý lý thuyết và vũ trụ học, cùng với chuyện tình lãng mạn với người vợ đầu tiên là Jane Wilde và sự kiên cường vượt lên căn bệnh thần kinh vận động. Stephen được chẩn đoán mắc căn bệnh teo cơ ở tuổi 21 và được cho là chỉ có thể sống thêm được vài năm nữa. Thế nhưng, bằng chính nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ của những người xung quanh, đặc biệt là “hậu phương vững chắc” là Jane Wilde, ông đã khiến các bác sĩ và nhiều nhà khoa học nể phục khi đã sống đến tuổi 75.
The Theory of Everything thành công vang dội và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người. Phim được đề cử tới tổng cộng 180 giải thưởng lớn nhỏ và giành được 19 giải thưởng, trong đó có 5 giải Oscars, 2 giải Quả Cầu Vàng, 3 giải BAFTA và giải Phim Anh xuất sắc nhất. Nhờ hóa thân thành nhà vật lý thiên tài mà Eddie Redmayne giành được giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất. Bên cạnh đó, nữ diễn viên đóng vai Jane Wilde – Felicity Jones cũng được đánh giá rất cao và nhận được rất nhiều đề cử.
4. The Imitation Game (2014)
Từ cuốn hồi ký Alan Turing: The Enigma của Andrew Hodges, đạo diễn Morten Tyldum đã phóng tác thành bộ phim kể về cuộc đời của nhà toán học Alan Turing – người đã cứu hàng ngàn sinh mạng vô tội trong Chiến tranh thế giới II, do Benedict Cumberbatch đóng vai chính. Biên kịch Graham Moore chỉ dựa trên quyển hồi ký một phần, bởi có khá nhiều chi tiết trong phim khác với đời thực của Alan Turing.
Phim kể về Alan Turing đã chỉ huy nhóm Hut 8 giải mã thành công mật mã của hải quân Đức. Sau Thế chiến thứ 2, Alan bị bắt và các thám tử nghi ngờ ông là gián điệp cho Liên Xô, cho đến khi ông kể lại câu chuyện giải mã Enigma và khám phá ra Alan là người đồng tính. Lúc bấy giờ tại nước Anh, đồng tính bị xem là một kiểu phạm pháp và Alan bị buộc phải tiêm hormone kháng cự lại ham muốn tình dục. Quá trình tiêm thuốc này đã khiến cơ thể ông ngày càng yếu đi, không thể động não để làm việc và cuối cùng ông qua đời tại chính nhà riêng của mình.
The Imitation Game không chỉ thành công về mặt thương mại, khi thu về gần $228 triệu trên toàn cầu với số vốn chỉ $14 triệu, mà còn được tổ chức LGBT vinh danh vì đã truyền tải câu chuyện của Alan Turing đến với đông đảo khán giả. Phim còn nhận được nhiều đề cử, chiến thắng giải Oscar cho hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Giải bình chọn của khán giả chop him hay nhất – giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Toronto lần thứ 39.
5. Loving Vincent (2017)
Loving Vincent là bộ phim hoạt hình về tiểu sử đầu tiên được làm bằng tranh vẽ, kể về những câu chuyện cuối đời và cái chết bí ẩn của danh họa Vincent Van Gogh. Lấy bối cảnh vào mùa hè năm 1891 – 2 năm sau khi Vincent van Gogh tự sát tại Pháp, phim kể về Arman Roulin (Douglas Booth) nhận nhiệm vụ từ người cha làm bưu tá là Joseph Roulin (Chris O’Dowd) phải trao tận tay một lá thư cho Theo Van Gogh – em trai của Vincent. Nhưng khi đến nơi, Armand phát hiện rằng Theo cũng đã qua đời. Thương cảm trước số phận bất hạnh và tò mò về cái chết của người họa sĩ tài năng, Arman quyết định đi tìm kiếm sự thật và để hiểu rõ hơn về con người Van Gogh.
Loving Vincent không chỉ đơn giản là một phim hoạt hình, mà nó còn có thể được xem như là một kiệt tác nghệ thuật bởi nó được thực hiện bằng cách vẽ tranh sơn dầu trên nền vải. 125 họa sĩ trên khắp thế giới đã cùng nhau tạo nên 65.000 bức vẽ trong suốt 4 năm trời với kinh phí chỉ vỏn vẹn $5 triệu. Phim được thực hiện bởi đạo diễn và họa sĩ người Ba Lan – Dorota Kobiela và nhà làm phim người Anh Hugh Welchman – người từng giành giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn Peter and the Wolf. Với nội dung sâu sắc, cảm động, cùng với công sức mà đoàn làm phim đã bỏ ra, Loving Vincent xứng đáng được những tâm hồn yêu nghệ thuật trân trọng và yêu mến. Nếu yêu thích nghệ thuật, chán ngán với những thể loại phim thông thường thì chắc chắn không nên bỏ qua kiệt tác này.
Phim khởi chiếu từ ngày 06/10 và hiện vẫn còn đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Ngoài 5 bộ phim được kể trên, còn có rất nhiều phim khác khắc họa lại cuộc đời của những thiên tài và nhiều nhân vật nổi tiếng như series truyền hình Davinci’s Demons, Amadeus (1984), Ray (2004), Finding Forrester (2000), Lincoln (2012), Hidden Figures (2016), Steve Jobs (2015)…
Cuộc đời của nhân vật nào khiến bạn ngưỡng mộ nhất và bạn tâm đắc với bộ phim nào nhất? Hãy chia sẻ với Moveek nhé.