Đạo diễn vốn đã là một công việc đầy khó khăn nhưng để trở thành đạo diễn với mỗi bộ phim đều là một kiệt tác thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những đạo diễn lừng danh của thời đại trước như Alfred Hitchcock, Ingmar Bergman, Orson Welles, Charlie Chaplin hay gần hơn là Ridley Scott, David Lynch, Quentin Tarantino và anh em nhà Coen cũng mắc phải những sai lầm. Vậy đâu là những đạo diễn chưa từng gây thất vọng cho khán giả trong mỗi tác phẩm mà họ làm ra? Có thể bạn sẽ thấy lạ lẫm với một hoặc một vài trong số năm người dưới đây nhưng sau khi đọc xong bài viết này, hãy thử tìm xem một phim bất kỳ của họ và nhất định bạn sẽ không phải thất vọng.
1. Stanley Kubrick (1928-1999)
Nếu xem lại những bộ phim đầu tiên của Kubrick, bạn vẫn nhận ra sự tỉ mỉ và trau chuốt đến từng chi tiết trong cách làm phim của ông. Bộ phim đề tài phản chiến tranh Fear and Desire còn hơn cả một bản thử nghiệm cho tác phẩm đầu tay của ông. Kubrick có 2 phim noir là Killer’s Kiss – bộ phim chuyển thể đầu tiên của ông – và The Killing với lối kể chuyện phi tuyến tính, có sự góp mặt của diễn viên Sterling Hayden, người sau này đóng trong bộ phim hài về chiến tranh hay nhất mọi thời đại – Dr. Strangelove.
Kubrick trở thành một đạo diễn đầy tham vọng với Paths of Glory có bối cảnh diễn ra vào Thế chiến Thứ nhất và kế đến là Spartacus. Hơn thế nữa, ông không bao giờ né tránh những chủ đề gây tranh cãi, vạch trần mặt tối của con người như trong Lolita hay A Clockwork Orange. Tính thẩm mỹ cao của Kubrick cũng được thể hiện rõ nét qua những khung hình cực đẹp mắt trong Barry Lyndon hay trong bộ phim kinh dị tâm lý kinh điển The Shining.
Kubrick hoàn toàn kiểm soát từng giai đoạn trong công việc. Ông hình dung các bộ phim của mình với sự tập trung cao độ và sử dụng mọi công nghệ để xử lí, hoàn thiện diễn xuất, góc quay, thiết kế sản xuất, nhạc phim và biên tập. Như Steven Spielberg từng nhận xét về Stanley Kubrick:
"Không ai có thể làm ra một bộ phim hay hơn thế."
2. Martin Scorsese (1942)
Không nhà làm phim người Mỹ nào còn sống hiện nay mang tính biểu tượng và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật điện ảnh như Martin Scrorsese. Martin luôn để lại những dấu ấn sâu đậm về xuất thân từ gia đình gốc Ý theo Công giáo, cũng như sự hiểu biết của ông về tầng lớp lao động tại New York trong mỗi tác phẩm.
Tác phẩm đầu tay của Martin là Who’s That Knocking at My Door, một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng. Dù không được đón nhận rộng rãi nhưng bộ phim nhận được sự đánh giá cao từ giới phê bình. Năm 1973, Main Streets là tác phẩm ghi dấu sự thành danh đầu tiên trong sự nghiệp của Martin. Những yếu tố trong Main Streets đều trở thành những nét đặc trưng trong các bộ phim của ông sau này: những câu chuyện về sự chuộc lỗi được kể qua diễn xuất đỉnh cao, những góc quay tinh tế, vận dụng hợp lí những bản nhạc nổi tiếng và biên tập khéo léo.
Các bộ phim đáng chú ý nhất của Martin phải kể đến Taxi Driver, Raging Bull, Goodfellas, The Aviator và The Wolf of Wall Street (Sói Già Phố Wall).
3. Alfonso Cuaron (1961)
Alfonso bắt đầu làm phim từ những ngày còn theo học chuyên ngành triết học tại trường đại học. Xử lí camera, phụ trách âm thanh cho đến làm trợ lí đạo diễn, Alfonso đều đã trải qua. Kinh nghiệm phong phú cùng sự quan tâm đặc biệt đến những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh chính là sự ra đời của một đạo diễn tài năng.
Tác phẩm đầu tiên của Alfonso là Solo con Tu Pareja, một bộ phim hài lãng mạn với kịch bản được đồng chấp bút bởi người em trai Carlos. Đây cũng là lần cộng tác đầu tiên giữa ông với Emmanuel Lubezki, nhà quay phim có tiếng nhất nhì vào thời đó.
Về với quê nhà tại Mexico, ông thực hiện Y Tu Mamá Tambié, bộ phim xoay quanh 2 thiếu niên trên chuyến du lịch cùng một người phụ nữ lạ mặt đã gây chấn động giới điện ảnh cả trong và ngoài nước vào năm 2001 và trở thành một hiện tượng văn hóa. Năm 2004, ông thử sức với Harry Potter and the Prisoner of Azkaban, và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người hâm mộ khi chuyển thể nội dung bám sát với bộ truyện gốc.
Năm 2018, đạo diễn Alfonso ra mắt Roma với nội dung xoay quanh cuộc sống của 2 người phụ nữ Mexico trong giai đoạn đẫm máu của đất nước này vào năm 1971-1972. Bộ phim đã nhận được hàng chục đề cử và giải thưởng ở nhiều hạng mục khác nhau, đáng chú ý là 2 giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
4. Hayao Miyazaki (1941)
Hayao Miyazaki là một trong 2 người sáng lập nên Studio Ghibli danh tiếng. Ông đã đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp sản xuất những bộ phim anime Nhật Bản, đồng thời còn là người tiên phong trong việc phát triển kỹ thuật làm phim hoạt hình lên đến tầm cao mới. Những bộ anime do Miyazaki thực hiện không chỉ nhằm mục đích giải trí mà còn mang tính triết lí cao, phản ứng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt thông qua những nhận vật kỳ ảo nhưng ẩn chứa nhiều câu chuyện khiến người xem không khỏi suy ngẫm.
Phong cách làm phim của Miyazaki thường hướng đến những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên dưới nhiều cấp độ khác nhau. Đôi khi trong một bộ anime, ông tự mình đảm nhiệm luôn toàn bộ những khâu quan trọng nhất như họa sĩ kịch bản phân cảnh, họa sĩ vẽ chính, kịch bản, đạo diễn và cả biên tập. Từng giai đoạn đều được ông trau chuốt vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ.
Những phim nổi tiếng nhất của Miyazaki phải kể đến Princess Mononoke (Công Chúa Sói Mononoke) và Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn hoặc Sen và Chihiro Ở Thế Giới Thần Bí), anime duy nhất đến nay vinh dự nhận giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất.
5. Christopher Nolan (1970)
Christopher Nolan nổi tiếng với cách kể chuyện phi tuyến tính và bao hàm nhiều triết lí sâu sắc. Trong hơn 20 làm phim, Nolan đã cho ra đời nhiều tác phẩm từ kinh phí cực thấp cho đến những phim bom tấn khổng lồ.
Bộ phim đầu tay của Nolan là Following ra mắt năm 1998 với kinh phí vỏn vẹn chỉ $6.000 nhưng rất được đón nhận tại các liên hoan phim quốc tế lớn và đó cũng là bước đà thuận lợi để ông tiếp tục sản xuất bộ phim tiếp theo – Memento. Sự nghiệp của Nolan qua từng phim cứ liên gặt hái nhiều thành công, khán giả dần nhận ra phong cách làm phim độc nhất vô nhị qua những chi tiết quen thuộc mà người đạo diễn tài năng này luôn để lại trong mỗi tác phẩm của mình.
Năm 2005, Nolan lần đầu bước vào thế giới siêu anh hùng với Batman Begins. Batman của Nolan không hề giống với bất cứ phiên bản nào trước đây khi mang tông màu vô cùng đen tối, vạch trần mặt trái của một thế giới tội phạm ẩn sau vẻ hòa hoa, tráng lệ của những tay quý tộc. Phần thứ hai The Dark Knight ra mắt 3 năm sau đó được đánh giá là một trong những phim siêu anh hùng xuất sắc nhất mọi thời đại.
Năm 2017, Nolan viết kịch bản và đạo diễn cho dự án khổng lồ Dunkirk (Cuộc Di Tản Dunkirk) và đã nhận được hàng loạt đề cử Oscar ở các hạng mục quan trọng, trong đó có Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Nguồn: Lược dịch từ Taste of Cinema