Vào ngày 13.03, Bloodshot sẽ ra mắt và đối với fan nhân vật này, đây là thời điểm rất hào hứng (mặc cho dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp). Bất cứ khi nào một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh ra mắt, người hâm mộ mong đợi những gì họ yêu mến ở nhân vật sẽ xuất hiện trên màn ảnh, Bloodshot cũng không nằm ngoài mong đợi đó. Với nhân vật đầu tiên của Valiant Comics xuất hiện trên màn ảnh, rủi ro dành cho bộ phim thậm chí còn cao hơn.
Trong khi chúng ta chờ đợi kết quả phòng vé (và cả chất lượng), hãy cùng nhìn lại xem những gì khán giả mong đợi ở nhân vật Bloodshot phiên bản Vin Diesel này và những gì không nên được đưa vào. Có những yếu tố sẽ rất hấp dẫn nếu được chuyển thể lên màn ảnh, nhưng có những yếu tố tốt nhất chỉ nên nằm trên giấy.
5 yếu tố nên có:
1. Khả năng tự phục hồi
Một trong những điều ngầu nhất về Bloodshot đấy là khả năng tự phục hồi rất nhanh, đến từ cơ thể được cường hóa bởi các nhà khoa học trong dự án Project Rising Spirit nhằm tạo ra một siêu chiến binh. Không giống như Captain America, chương trình này xuất hiện thậm chí trước cả Chiến tranh Thế giới thứ 2. Kết quả là chúng ta có Bloodshot với một tỷ robot ở kích thước nano (nanite) trong máu nhanh chóng chữa lành các vết bắn, vết dao đâm và nhiều vết thương chí mạng khác, tạo nên tiềm năng về kỹ xảo mà bộ phim có thể làm khán giả choáng ngợp.
2. Không ký ức
Một trong những góc nhìn thú vị về Bloodshot là anh ta không có ký ức. Khi trở thành đối tượng của Project Rising Spirit, Bloodshot bị các nanites xóa hết ký ức. Toàn bộ phần não được tái xây dựng lại và tất cả những gì anh ta nhớ là một số mảnh ký ức không rõ ràng. Mục tiêu trong suốt những cuộc phiêu lưu của Bloodshot là cố gắng tìm lại danh tính. Các nhân vật siêu anh hùng với quá khứ bí ẩn vẫn luôn hấp dẫn người xem, và đây là cơ hội để khám phá nhân tố đạo đức, liệu sẽ thành trở ngại hay sẽ được phát triển nhờ việc thiếu ký ức này.
3. Vũ trụ Điện ảnh
Đương nhiên là các nhà sản xuất của Bloodshot hi vọng có được thành công của MCU hay World of DC, kèm theo đó không chỉ là sự xuất hiện của nhiều nhân vật Valiant hơn nữa mà còn là cả một Vũ trụ liên kết. Nhiều truyện cross-over của Valiant Comics từ những năm 90 cho các nhà làm phim thấy tiềm năng. Và các câu chuyện cross-over như Unity hay Harbinger Wars biến Bloodshot trở thành một phần quan trọng của toàn bộ câu chuyện. Trong Harbinger Wars, Bloodshot vướng vào cuộc chiến khi Project Rising Spirit tìm kiếm một nhóm trẻ em dị nhân (psiots) tiềm năng và anh ta phải đối mặt với đội siêu anh hùng tuổi teen Harbinger. Tuy vậy, việc xây dựng Vũ trụ có phần khó khăn khi Harbinger hiện đang thuộc quyền sở hữu của Paramount.
4. Nhân vật Rai của thế kỷ 41
Một cách tốt và vững chắc bắt đầu mở rộng Vũ trụ một cách tinh tế là thông qua nhân vật Rai. Vũ trụ Valiant kéo dài qua cả không gian và thời gian, từ thời Đế chế La Mã cho đến thế kỷ 41 ở Nhật Bản. Rai là một thiên thần hộ mệnh bảo vệ đất nước này. Một robot khổng lồ được gọi là The Host bao bọc cả Nhật Bản với những con người sống bên trong nó. Rai bảo vệ cho The Host. Liệu nó có liên quan gì đến Bloodshot? Đã từng có nhiều Rai xuất hiện và Takao Konishi, Rai cuối cùng được cường hóa bằng Blood of Heroes, các nanites nhỏ bé trong máu của Bloodshot. Nó cho phép Rai có được sức mạnh của Bloodshot và mang đến cơ hội xây dựng Vũ trụ cho bộ phim.
5. Giữ lại nét bí ẩn
Chúng ta biết được rất nhiều về Bloodshot qua thời gian trong truyện tranh, bao gồm cả quá khứ của anh ta. Một điều để giữ cho nhân vật hấp dẫn chính là tạo nét bí ẩn. Một đoạn mở đầu với phong cách Memento (phim Memento của Christopher Nolan) hẳn là hợp lý. Nếu Bloodshot bắt đầu bằng việc nhân vật đã trở thành siêu chiến binh và mất trí nhớ thì sẽ tạo được sự lý thú nơi khán giả. Chúng ta muốn biết gì đó về anh trước khi credit hiện lên, nhưng giữ lại bí ẩn sẽ giúp nhân vật và hi vọng là cả thương hiệu có chỗ để phát triển.
5 yếu tố không nên có:
1. Lý lịch lỏng lẻo
Phản anh hùng rất hay ho và anh hùng với câu chuyện nền (background) phức tạp cũng hay ho nốt. Nhưng yếu tố này không phải lúc nào cũng được thực hiện tốt trên màn ảnh rộng. Trước khi trở thành một siêu chiến binh, Bloodshot là một sát thủ. Tên thật của anh ta là Angelo Mortalli (nghĩa là angel of death – tạm dịch: tử thần) và đây là lúc mà bạn cảm thấy có gì đó không ổn. Lý lịch mang màu sắc Scorsese (Martin Scorsese, nhà làm phim Ý sở hữu nhiều tác phẩm về đề tài tội phạm) có thể khá ổn trên trang giấy, nhưng trên màn ảnh thì lại quá lỏng lẻo, sến sẩm và đang cố nghiêm trọng hóa chủ đề.
Trong bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Spawn, các nhà làm phim mắc sai lầm khi nhồi nhét quá nhiều yếu tố như đặc vụ chính phủ, chính trị gia biến chất và ác quỷ, khiến nhân vật chính nhìn chung trở nên mờ nhạt.
2. Quá nhiều mỹ pháp (trope: các yếu tố quen thuộc có thể giúp khán giả dễ dàng định vị thể loại, nhưng lại nhàm chán và cũ kỹ)
Mặc dù nhiều khía cạnh của Bloodshot khá vui, nhưng nhiều trong số đó, như chúng ta đã thấy rất quen thuộc. Cùng với khả năng tự hồi phục rất giống với Wolverine, chương trình thí nghiệm bí mật siêu chiến binh khiến người ta liên tưởng đến cả Weapon X và nỗ lực tạo ra một Captain America. Nhiều phim và truyện tranh dựa vào các mỹ pháp này quá nhiều và để Bloodshot thành công, nó cần phải vượt qua những yếu tố đã có phần cũ kỹ.
Bạn không cần phải đào sâu quá nhiều vào truyện tranh để tìm thấy nhiều nhân vật thành công khác. Một cách để Bloodshot nổi bật hơn chính là lấy các mỹ pháp này và biến chúng trở thành thứ gì đó độc nhất.
3. Làm quá các liên kết
Tương lai về một vũ trụ dù có tuyệt vời thế nào thì nó cũng vẫn có thể là một cái bẫy. Bạn không muốn làm khán giả bị ngợp với việc giới thiệu quá nhiều nhân vật ở bước đầu xây dựng vũ trụ. Hãy nhìn vào Universal để thấy bài học đắt giá trong đó. Việc nhồi nhét nhân vật sẽ dẫn đến nhồi nhét sự kiện và khi Valiant không có danh tiếng bằng Big Two (Marvel và DC), việc phải giải thích nhiều là đương nhiên, các nhân vật cũng không mấy quen thuộc với khán giả. Đây không phải là một ý tưởng tốt trong bất cứ bộ phim nào, vì vậy có lẽ các nhà làm phim cần bắt đầu với easter eggs trong bối cảnh, một câu thoại đặc biệt nào đó hoặc một cảnh after credit đặc biệt.
4. Bất khả chiến bại
Bloodshot có rất nhiều sức mạnh ngầu, và nó mang đến cho anh ta nhiều lợi thế. Dù vậy, bạn không muốn chúng biến nhân vật trở thành một vị thánh bất khả chiến bại. Vẫn cần có rủi ro, nhất là đối với một nhân vật mới như thế này. Khán giả cần tin rằng anh ta có thể bị đánh bại, có thể chết và có thể thua cuộc.
Điều dễ dàng nhất để làm được điều này là đối đầu với một phản diện có thể giết anh ta. Nhưng với khả năng của Bloodshot thì điều này sẽ rất khó khăn và tốt nhất là đi theo hướng kinh điển: phản diện được thí nghiệm giống với nhân vật anh hùng. Trong trường hợp này thì phản diện tên Bear có thể thích hợp bởi hắn ta cũng được tiêm bằng nanites, Bear không bị cản trở nhiều về mặt đạo đức như Bloodshot.
5. Bloodsquirt
Không, chắc chắn là không. Bloodsquirt là bệnh ảo giác của Ray Garrison. Ray là sản phẩm sau của Project Rising Spirit và trở thành Bloodshot, bản thân nhân vật không thoải mái với điều này và thường bị ảo giác. Nhân vật với nét vẽ hoạt hình là Bloodsquirt là một trong số những ảo ảnh anh gặp phải bởi sự khó chịu đó. The Squirt muốn Ray trở thành Bloodshot lần nữa và đưa anh ta đến… The Squirtverse, và một cuộc chiến tâm thần diễn ra trong đầu nhân vật. Đây là điểm có thể phù hợp với một bộ phim như Deadpool, nhưng không phải trong bộ phim này.
Nguồn: CBR