Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến lễ trao giải Oscar và cuộc đua sắp đến hồi kết. Các ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua lần này gồm có Phantom Thread của nhà làm phim Paul Thomas Anderson, Lady Bird của Greta Gerwig và tác phẩm kinh dị đáng kinh ngạc của đạo diễn Jordan Peele – Get Out. Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của đạo diễn Martin McDonagh cũng nằm trong số đó. Tác phẩm này đã thắng lớn tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng, khiến cho càng có nhiều người kỳ vọng tác phẩm này cũng sẽ chiến thắng rực rỡ tại lễ trao giải Oscar. Vậy lý do gì mà nhiều người lại đặt nhiều hy vọng vào bộ phim này đến thế?
1. Diễn xuất tuyệt vời của diễn viên chính Frances McDormand
Frances McDormand có thể sẽ thắng lớn tại đêm trao giải Oscar năm nay. Nếu đó là sự thật thì giải Oscar lần này sẽ là giải thứ 2 sau tác phẩm Fargo của anh em nhà Coen vào năm 1996.
Vai diễn Marge Gunderson trong Fargo năm 1996 và Mildred Hayes trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của McDormand có sự khác biệt khá thú vị. Trong Fargo, cô vào vai nữ cảnh sát vui vẻ, đáng yêu ở Minnesota với sự nghiệp đang ở đỉnh cao, còn trong Three Billboards, cô hóa thân thành người phụ nữ trung niên luôn giận dữ, gắt gỏng, khó chịu với mọi người xung quanh và đặc biệt là căm ghét cảnh sát. Trong Three Billboards, khán giả có thể dễ dàng cảm nhận McDormand “diễn như không diễn”. Bởi diễn xuất của cô quá xuất sắc, cộng với gương mặt mộc với nét buồn và mệt mỏi không lớp trang điểm nào có thể thay thế được. Quả thật, McDonagh đã chọn McDormand sẽ là người vào vai này khi viết kịch bản xây dựng nhân vật.
Cũng giống như khi làm việc với người chồng Joel Coen – “cha đẻ” của Fargo, McDormand cũng rất thoải mái khi cộng tác với McDonagh. McDonagh là nhà làm phim có khá nhiều nét tương đồng với anh em nhà Coen, đặc biệt là việc tạo ra những đoạn đối thoại sắc bén và nội dung phim cũng khá u tối.
Mildred Hayes là vai chính đầu tiên là phụ nữ được McDonagh viết trong suốt sự nghiệp làm phim của ông từ trước đến giờ. McDormand đã thể hiện xuất sắc một Mildred lúc nào cũng gay gắt, tấn công người khác bằng lời nói với giọng điệu chua chát. Bên cạnh lời thoại, McDormand còn thể hiện cảm xúc bằng ánh mắt. Với ánh mắt khinh bỉ và lạnh lùng khi nhìn vào những nhân vật khác, cô đã thể hiện thành công một người phụ nữ hoàn toàn tuyệt vọng và chán nản đối với xã hội.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, đạo diễn McDonagh đã nói rằng các nhà làm phim trẻ thời nay không hề tạo ra các nhân vật mang tính biểu tượng như James Dean để khán giả ngưỡng mộ, và ông cho rằng ông có thể đóng góp một phần nhỏ để cứu vãn điều này. Dưới bàn tay của McDormand, Mildred trở thành một nhân vật giống với John Wayne – một con người gây ấn tượng mạnh, kiên cường và không ai có thể đánh gục được.
Thế nhưng, thành công lớn nhất của McDormand chính là, cô đã thể hiện được một nhân vật vừa cộc cằn, vừa hung hăn, ương bướng nhưng vẫn có thể khiến người khác tin tưởng và cảm thông. Mildred là nhân vật phản anh hùng mà tất cả chúng ta đều mong muốn cô sẽ trở thành người hùng, một con người có quá nhiều khuyết điểm nhưng thẳm sâu trong tim cô là tình thương người sâu sắc và đầy tính nhân văn.
2. Diễn xuất của các diễn viên còn lại
Trong 2 bộ phim trước đó, đạo diễn McDonagh đã tạo nên bộ ba nhân vật chính và xây dựng hình tượng của các nhân vật đan xen nhau. Ông đã tiếp tục truyền thống này trong Three Billboards, với Mildred Hayes chống lại cảnh sát trưởng Bill Willoughby (Woody Harrelson) và sĩ quan Jason Dixon (Sam Rockwell).
Khi khán giả lần đầu tiên nghe tin Woody Harrelson sẽ tham gia bộ phim, nhiều người nghĩ rằng McDonagh sẽ cho Harrelson vào một vai phản diện nào đó, chẳng hạn giống như vai mà ông đã thể hiện rất xuất sắc trong Seven Psychopaths (2012). Tuy nhiên, trong Three Billboards ông không phải là nhân vật phản diện. Nhân vật cảnh sát trưởng Willoughby của Harrelson phải hứng chịu mọi sự giận dữ mà Hayes trút xuống. Ban đầu, khán giả tưởng chừng như ông là người vô trách nhiệm, thế nhưng càng về sau ông lại nhận được sự cảm thông và thương tiếc của khán giả nhiều hơn bao giờ hết.
Willoughby phải chống chọi với căn bệnh ung thư ở thời kỳ cuối trong lúc cố gắng phá vụ án của Angela. Đây là vai diễn khá phức tạp nhưng cũng khá hài hước dưới diễn xuất của Harrelson. Một trong những cảnh đắt giá nhất phim chính là cảnh Mildred và cảnh sát trưởng Willoughby đối đầu nhau và Willoughby đột nhiên ho ra máu giữa lúc đoạn đấu khẩu đang căng thẳng ở mức đỉnh điểm. Trong cảnh phim này, cả hai diễn viên đều diễn rất nhập tâm và ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo. Cảnh phim này còn cho thấy khả năng biến đổi phi thường của Harrelson khi có thể chuyển từ hài hước sang bi kịch chỉ trong phút chốc, giống như cái cách mà ông đã làm trong Seven Psychopaths.
Phim còn có rất nhiều nhân vật đáng ý chú khác, và diễn xuất của các diễn viên vào vai các nhân vật này cũng xuất sắc không kém. Sau vai diễn đột phá trong Manchester by the Sea (2016), Lucas Hedges lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng nhân vật đứa con trai Robbie của Mildred Hayes. Anh đã thể hiện được một Robbie phải chịu đựng nhiều áp lực và cố hòa nhập khi ở trường bởi hầu như trong thị trấn ai cũng căm ghét mẹ anh.
John Hawkes xuất hiện trên màn ảnh với vai Charlie - cha của Robbie và chồng cũ của Mildred. Ông đã hóa thân vào nhân vật này một cách thuyết phục – người đàn ông lúc nào cũng chầu chực để quấy nhiễu và uy hiếp vợ cũ.
Thậm chí những vai nhỏ hơn cũng khiến khán giả phải trầm trồ khen ngợi. Caleb Landry Jones khiến khán giả phải bất ngờ khi vào vai anh nhân viên của công ty quảng cáo, người đã giúp Mildred dựng các biển quảng cáo lên, lại là một nhân vật có chiều sâu đến vậy. Peter Dinklage với diễn xuất chân thật vào vai người đàn ông tên James bị cuốn hút bởi Mildred, mặc cho thái độ gay gắt của cô. Những lời thoại trong kịch bản của McDonagh cần những diễn viên đủ sức truyền tải chúng một cách hiệu quả, và không nằm ngoài mong đợi của vị đạo diễn, các diễn viên này đã truyền tải một cách xuất sắc và không thể nào ăn khớp hơn được nữa.
Nhưng có lẽ nhân vật Jason Dixon của Sam Rockwell là nhận được nhiều lời khen ngợi nhất cho đến thời điểm hiện tại. Anh đã cộng tác với McDonagh kể từ khi xuất hiện trong vở kịch A Behanding in Spokane của Broadway vào năm 2010 và họ đã thấu hiểu nhau một cách sâu sắc. Đạo diễn McDonagh rõ ràng đã xây dựng nhân vật này dành riêng cho Rockwell, và anh cũng thể hiện nó một cách hoàn hảo.
Rockwell đã chia sẻ về mối quan hệ thân thiết với đạo diễn McDonagh trên phim trường. Đạo diễn đã giúp anh nhập vai một cách tốt nhất và cuối cùng anh đã làm được. Bởi nhân vật Dixon có sự biến hóa rõ rệt, từ một cảnh sát nóng nảy trở thành một tay bợm nhậu, thích đánh đập, một tên cảnh sát ngu ngốc chỉ chú ý đến bản thân mình. Rockwell đã cân bằng nhân vật này lại một cách khéo léo. Ở nửa đoạn đầu phim, anh đã đủ sức để biến Dixon thành một nhân vật mà ai cũng căm ghét, nhưng sau đó nhân vật này lại trải qua sự biến hóa ngoạn mục khiến khán giả phải cảm thương và yêu mến.
Diễn xuất của Rockwell cũng xuất sắc như của McDormand. Với sự nghiệp diễn xuất đầy những vai diễn tài năng, cộng với màn trình diễn này, Rockwell xứng đáng nhận được tượng vàng Oscar vì những nỗ lực mà anh đã thực hiện.
3. Kịch bản tài tình của McDonagh
McDonagh đã từng chia sẻ trong quá khứ rằng nền điện ảnh vẫn chưa đủ “dữ dội” đối với ông. Và dĩ nhiên ông đã cố gắng rất nhiều để thay đổi điều này. Những vở kịch của ông lúc nào cũng chứa đựng những chi tiết châm biếm gay gắt, giúp ông nhận được sự hâm mộ của nhiều người nhưng đồng thời cũng bị nhiều người căm ghét.
McDonagh luôn có tham vọng thể hiện hết tài năng của mình vào trong các tác phẩm điện ảnh. McDonagh đã tự mình viết kịch bản cho Three Billboards chứ không phải là anh em nhà Coen, và ông đã hoàn toàn thành công mà không cần đến họ.
Kịch bản của McDonagh luôn được viết với sắc thái đen tối và chua chát, giống như tác phẩm In Bruges (2008). Nhưng Three Billboards lại thể hiện tài năng của McDonagh nhiều hơn, phức tạp hơn và có chiều sâu hơn. Ông luôn biết cách sử dụng các từ ngữ tục tĩu một cách rất nghệ thuật và các nhân vật cũng truyền tải một cách rất tự nhiên và hài hước. Chẳng hạn như lúc cảnh sát trưởng Willoughby chửi thề qua điện thoại trước mặt hai đứa con gái trong khi họ đang ăn bữa tối Phục Sinh.
Các nhân vật cứ lặp đi lặp lại những câu nói tưởng chừng như vô nghĩa và nhạt nhẽo, kiểu như ‘Anger just begets more anger’ (Giận dữ chỉ khiến nảy sinh thêm nhiều giận dữ). Nhưng thật ra McDonagh đang cố thúc giục khán giả nhận ra ý nghĩa của những câu nói tầm thường này. Những lời nói mà McDonagh viết ra, chủ yếu dưới sự thể hiện của McDomarnd, khiến khán giả chú ý đến những mục tiêu dễ bị tấn công nhất – bao gồm nhân vật linh mục cố che đậy tội ác ấu dâm trong nhà thờ và Dixon vì những hành động ác độc đối với người da màu.
Cái hay của kịch bản mà McDonagh viết ra nằm ở sự cân bằng giữa các yếu tố được ông “cân đo đong đếm” một cách kĩ càng: hài đen, tính chất bạo lực và những bình luận sắc bén về xã hội. Đặc biệt, sự thành công của kịch bản còn nhờ vào người truyền tải kịch bản đó – nữ diễn viên chính Frances McDormand. Cô giống như một người kể chuyện, người dẫn dắt khán giả từ đầu đến cuối phim và khi phim kết thúc, khán giả lại cảm thấy nuối tiếc và muốn dành nhiều thời gian hơn nữa để khám phá hành trình trả thù của cô.
4. Biên tập xuất sắc
Từ năm 1981 đến năm 2013, hầu hết những tác phẩm chiến thắng giải Hình ảnh đẹp nhất đều từng được đề cử giải Biên tập xuất sắc nhất, và hai hạng mục này thực chất có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bởi biên tập tốt mới có thể làm ra sản phẩm cuối cùng hoàn hảo. Jon Gregroy đã được đề cử giải Oscar đầu tiên khi biên tập cho Three Billboards. Ông đã từng làm việc với McDonagh trước đó, khi biên tập cho In Bruges và họ đã thành công hơn nữa ở tác phẩm này.
Three Billboards là bộ phim phụ thuộc rất lớn vào phần biên tập, mà chủ yếu là tập trung vào Dixon và hành trình chuộc lại tội lỗi của nhân vật này ở cuối phim. Phần biên tập giúp cho quá trình biến đổi của Dixon không bị tập trung quá mức mà chỉ xảy ra một cách chậm rãi từ đoạn giữa của phim. Gregory hiểu rằng cuộc sống không phải chỉ có đen và trắng và Dixon cũng vậy.
Đóng góp quan trọng nhất của Gregory chính là biên tập những cảnh phim flashback cho thấy cuộc đối thoại cuối cùng của Mildred và con gái Angela trước khi Angela bị giết. Ban đầu, McDonagh có ý định đặt cảnh phim này ở phần cuối phim nhưng Gregory vẫn quyết định chuyển cảnh phim này về đoạn giữa.
Việc chuyển đổi cảnh phim này giúp cho khán giả cảm thấy thông cảm cho Mildred sớm hơn. Điều này khiến cho những hành động của cô trở nên dễ hiểu và hợp lý hơn, chẳng hạn như cảnh đốt trụ sở cảnh sát. Phần biên tập nhấn mạnh những gì mà Mildred đã phải chịu đựng: những lời nói cuối cùng với cô con gái lại là những lời cãi vã và phán xét những hành động của cô. Chính vì thế, phần biên tập của Gregory giải thích cho tính cách phức tạp của Dixon và Mildred.
5. Ranh giới mong manh giữa thiện và ác
Chủ đề nổi bật nhất của Three Billboards chính là ranh giới mong manh giữa thiện và ác: McDonagh đã tạo ra một xã hội có sắc “xám” – một nơi trộn lẫn giữa đen và trắng. Đây cũng là yếu tố lớn nhất biến Three Billboards thành ứng cử viên sáng giá nhất cho hạng mục Hình ảnh đẹp nhất. Thị trấn Ebbing ngập tràn những con người đau khổ, đầy khuyết điểm và không ai tốt hơn ai.
Ban đầu, khán giả nghĩ rằng cảnh sát trưởng Willoughby đáng trách vì đã không bắt được kẻ giết hại Angela, khi tên của ông xuất hiện trên tấm biển quảng cáo. Nhưng dần dần, bộ phim cho chúng ta thấy được một người đàn ông chuẩn mực của gia đình, một người chồng và người cha yêu thương vợ con. Ông ấy cộc cằn nhưng công bằng, tử tế, và đang chết dần chết mòn vì căn bệnh ung thư.
Mildred thì chống đối lại hầu hết những cư dân trong thị trấn – những người cùng phe với Willoughby “tốt bụng”. McDonagh đã nhấn mạnh sức mạnh thực sự nằm ở việc chọn phe: người dân trong thị trấn đặt niềm tin vào cảnh sát trưởng bởi ông có gia đình hoàn hảo, trái ngược hoàn toàn với người phụ nữ sống ở rìa thị trấn, thậm chí khi cô đang đau buồn vì đứa con gái bị sát hại.
Bóng dáng của phong trào #MeToo cũng hiện lên trong bộ phim này, khi mọi người đều im lặng trước bạo lực và nạn bạo hành tình dục. Nhưng mọi thứ đều dần thay đổi khi Mildred bắt đầu dựng lên những tấm biển quảng cáo. Tất cả mọi người trong thị trấn nhỏ này đều biết rõ Angela Hayes bị cưỡng hiếp và giết chết, bằng một cách tàn bạo nhất. Nhưng không ai muốn lên tiếng, không ai muốn phá vỡ sự thanh bình. Cuộc sống ở Ebbing vẫn tiếp diễn mặc cho bạo lực tình dục đang là mối hiểm họa.
McDonagh luôn tạo ra những nhân vật cộc cằn và thô lỗ, đấu tranh dữ dội với lương tâm của chính họ. Về cơ bản, Mildred là nhân vật chính diện và đáng lẽ ra nên làm những điều tốt. Nhưng đạo diễn lại cố ý để cho nhân vật này bị hoen ố, để chứng minh cho khán giả thấy rằng, thậm chí những người được cho là ‘tốt’ vẫn có thể làm những điều sai trái. Mildred đã đốt trụ sở cảnh sát, khi Dixon vẫn còn ở bên trong.
Trong một cảnh phim đẹp nhưng lại buồn man mác, Mildred đã cư xử thô lỗ với James khi họ đang hẹn hò. Mặc cho anh ta là một trong số ít những người vẫn còn thấy cảm thông cho cô và cố giúp đỡ cô. Một biên kịch bình thường có lẽ sẽ tạo ra những nhân vật phản diện một màu, còn Mildred thì là người hùng trả thù và đòi lại công lý. Nhưng McDonagh không làm như vậy, ông biết rõ rằng cuộc sống không phải chỉ có vậy. Rõ ràng, mỗi một nhân vật đều nghĩ họ làm điều đúng đắn, nghĩ rằng họ là giỏi nhất, nhưng thực chất họ đã sai rất nhiều lần.
Jason Dixon đã trải qua quá trình chuyển đổi ngoạn mục nhất, từ nhân vật tệ hại nhất trở thành một con người tìm cách chuộc lại tội lỗi của mình. Anh ta rõ ràng là một người phân biệt chủng tộc, một tên cớm đáng khinh bỉ nhưng anh đánh mất lương tâm và phải trao lại phù hiệu. Anh ta là người đàn ông bị lấp đầy bởi thù hận, căm ghét và sống với người mẹ phải chịu đựng bản tính này mỗi ngày. Nhưng trong anh vẫn còn đủ lương thiện để kịp thay đổi và cố gắng tìm ra kẻ giết Angela.
Ngay khi Three Billboards bắt đầu nhận được nhiều giải thưởng, đặc biệt là thành công ở đêm trao giải Quả Cầu Vàng, nhiều người đã lên tiếng phản đối gay gắt. Hầu hết những lời chỉ trích đều tập trung vào nhân vật Jason Dixon, cho rằng anh ấy không đáng được tha thứ vì đã tra tấn người da màu.
Tuy nhiên, anh ấy lại không hề hoàn toàn trở thành người tốt, bởi ở cuối phim, anh và Mildred đang trên đường để đi giết tên hiếp dâm ở Idaho. Hành động này có thể sẽ khiến họ phải đi tù, và rõ ràng là không giúp họ trở thành người hùng được. Điều này cho thấy bộ phim không hề chứa đựng nhân vật nào hoàn hảo hay hoàn toàn tốt bụng, chỉ có những con người đầy tội lỗi và khuyết điểm.
Quả thực, đã có rất nhiều diễn viên chiến thắng giải Oscar ở hạng mục Nam phụ xuất sắc nhất nhờ vào vai phản diện. Chẳng hạn như Christoph Waltz với vai đại tá Hans Lada trong Inglorious Basterds (2009), và Jason Dixon của Sam Rockwell sẽ là phiên bản chân thực hơn của Hans Lada. Khán giả vẫn biết rằng anh ta là người xấu, nhưng đạo diễn McDonagh muốn truyền tải thông điệp rằng, mỗi con người đều mang “sắc xám”, và không ai là hoàn toàn tốt hay xấu cả.
Thứ gắn kết Dixon và Mildred lại với nhau là thù hận, và điều này đã phản ánh đúng xã hội Mỹ ngày nay, đó là lý do vì sao bộ phim tạo được hiệu ứng đến vậy. Xã hội Mỹ hiện giờ đang dần suy đồi về mặt đạo đức, đầy tội lỗi, và để sống sót, người ta phải học cách gia nhập vào khu vực “xám” như trong Three Billboards. Các nhân vật trong phim, khi thoát ra khỏi màn ảnh, họ đều là những con quái vật vừa thiện vừa ác. Những con quái vật này là sản phẩm của chính môi trường sống và xã hội đã tạo ra.
Nguồn: www.tasteofcinema.com