Trong khi Avengers: Endgame khi ra mắt đã lật đổ Avatar để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, một số loạt phim của các thương hiệu điện ảnh mang tính biểu tượng của Hollywood lại rơi vào thời kỳ khó khăn trong những năm qua, chứng tỏ rằng không có thương hiệu nào là bất khả chiến bại trong thị trường phim ảnh khốc liệt.
Để có một thương hiệu điện ảnh thành công, các bộ phim trong đó phải là một dây xích thật chắc chắn. Mỗi một mắc xích phải thực hiện chức năng tối thiểu là đủ hấp dẫn để giữ chân người xem. Nhưng các phần phim dưới đây có chất lượng tệ đến mức đã dẫn mọi tiềm năng thành lập một franchise điện ảnh đến ngõ cụt. Sau đây là 5 phần phim đã khiến các thương hiệu đằng sau nó chết yểu.
1. Batman & Robin
Đối với những người hâm mộ Kỵ Sĩ Bóng Đêm, phản diện của người hùng không phải Joker hay Two-Face, mà là đạo diễn Joel Schumacher và dự án Batman & Robin. Bộ phim năm 1997 của ông đã gạt bỏ các yếu tố đen tối mà Tim Burton đã chọn cho 2 phần phim ăn khách trước đó để ưu tiên cho những thành tố diêm dúa đến ngớ ngẩn.
Từ khi ra mắt, có vài giọng nói đã dũng cảm bảo vệ bộ phim, nói rằng những yếu tố ngớ ngẩn trong Batman & Robin chỉ là phương tiện gợi người xem nhớ đến series Batman năm 1966 của Adam West năm nào. Nhưng lời bào chữa đó không thể cứu được phần phim với câu chuyện mỏng, sến súa và thiếu kết nối với người xem. Batman & Robin ra đời với ý tốt, nhưng nó đã đẩy thương hiệu Batman vào ngủ đông đến tận 2005 – khi Batman Begins ra mắt.
2. The Next Karate Kid
Khi nam diễn viên của The Karate Kid đầu tiên Ralph Macchio không thể đem lai một màn trình diễn thuyết phục trong The Karate Kid: Part III nữa, sẽ không ai có thể trách móc gì Columbia Picture khi hãng muốn dừng hẳn series điện ảnh này. Nhưng không, studio tiếp tục cho ra mắt phần phim The Next Karate Kid vào năm 1994 và thay thế Macchio với Hillary Swank trong vai trò diễn viên chính.
Kịch bản của bộ phim này được đánh giá là quá tệ, quá an toàn, thường thường không có gi đặc sắc, hơn nữa còn mâu thuẫn với các phần trước. The Next Karate Kid là trường hợp mà khán giả đại chúng khi ấy đồng ý với các cây bút phê bình. Điều duy nhất tốt đẹp về phim là người xem được nhìn ngắm một Hillary Swank trước khi cô giành giải Oscar với dự án Boys Don’t Cry (1999). Hậu quả là bộ phim này đã giáng đòn đau đớn vào một thương hiệu lẽ ra đã có thể ra đi trong vinh quang. Cái tên The Karate Kid đã phải ngủ vùi trong thời gian 16 năm trước khi được reboot vào năm 2010 với Jaden Smith làm gương mặt đại diện.
3. The Amazing Spider-Man 2
Các nhà làm phim đang cố gắng tạo ra một vũ trụ điện ảnh chung nên tham gia buổi chiếu The Amazing Spider-Man 2 trước. Vì nó cung cấp một bản danh sách hoàn hảo cho những việc không nên làm: quá nhồi nhét các nhân vật, chủ đề cốt truyện được xây dựng chỉ để thiết lập các phần tiếp theo một cách trực tiếp, đồng thời kết nối các phần ngoại truyện. Bộ phim siêu anh hùng của Marc Webb sụp đổ dưới sức nặng và sự ôm đồm của chính nó, để rồi thất bại trong việc kể một câu chuyện độc lập thỏa mãn.
Thật ra, The Amazing Spider-Man 2 đã thu hút được những lời đánh giá không quá tiêu cực, nhưng cũng không xuất sắc. Bộ phim trở thành phim về Người Nhện có doanh thu thấp thứ hai, gây nhức nhối cho hãng Sony khi đã đổ hơn $200 triệu vào dự án này. Điều này đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch cho phần phim thứ ba và gần như tất cả các phần phim phụ đã được lên kế hoạch trước đó bị chệch đường đi, trong đó nghe đồn còn có một bộ phim về Venom. Mặt an ủi là việc giới thiệu Spider-Man sau đó vào MCU diễn ra khá thuận lợi.
4. The Mummy (2017)
Dấu hiệu báo trước sự thất bại của một thương hiệu là bộ phim tiên phong cho nó “rớt đài” ở phòng vé - đó chính xác là những gì đã xảy ra với The Mummy năm 2017. Một sự thật như xát muối vào vết thương là The Mummy thực chất là bước sảy chân thứ 2 cho Vũ trụ Bóng tối của Universal Pictures, sau khi Dracula Untold của năm 2014 thất bại về mặt thương mại lẫn phê bình. Universal Pictures sau đó đã nỗ lực làm mới lại thương hiệu với Tom Cruise, nhưng mọi chuyện đã không như ý nguyện của studio.
The Mummy bị chê thậm tệ với kịch bản thiếu hướng đi rõ ràng và câu chuyện quá tệ hại, còn phản diện thì một màu và thiếu ấn tượng (phim còn có trailer khá hấp dẫn). Các nhà phê bình được đánh giá là đã khá dã man với bộ phim. Cuối cùng, Universal đã chính thức hoãn lại Vũ trụ Bóng tối, thay vào đó là tập trung vào việc sản xuất các bộ phim quái vật độc lập. Và The Invisible Man (2020) đã chứng minh đó là một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Vũ trụ Bóng tối đến nay vẫn im lìm.
5. Terminator Salvation
Terminator không phải là thương hiệu vĩ đại nhất ở Hollywood, nhưng nó chắc chắn là thương hiệu dài hơi và bền bỉ nhất khi phải chịu đừng thất bại liên tiếp nhiều nhất. Tính luôn cả Dark Fate, Terminator đã trải qua 4 nỗ lực cố gắng khôi phục thương hiệu.
Thật khó để xác định phần phim nào của Terminator đã làm chệch hướng loạt phim trong những năm qua. Nhưng người hâm mộ có xu hướng chĩa mũi dùi về Terminator Salvation. Sau cùng, ít nhất thì Terminator 3: Rise of the Machines đã thu về lợi nhuận kha khá, trong khi Terminator Genisys gián tiếp thuyết phục được người đồng sáng tạo thương hiệu là James Cameron đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình phát triển Terminator.
Mặt khác, Terminator Salvation đã phung phí tiềm năng của chính nó. Terminator Salvation đã dũng cảm loại bỏ lối mòn du hành thời gian đã cũ để tập trung vào các kỳ tích trong tương lai của John Connor, nhưng lại không thể cho bộ phim một kịch bản xuất sắc. Ngược lại, những gì mà phim và người hâm mộ nhận được là kịch bản cụt lủn, vô hồn, và lối xây dựng nhân vật cũ kỹ không hiệu quả. Doanh thu phòng vé tồi tệ của Terminator Salvation đã chấm dứt kế hoạch cho bất kỳ phần tiếp theo trực tiếp nào của thương hiệu và buộc các bộ não sáng tạo đằng sau nó chuyển hướng sang các phần phim reboot – như Terminator Genisys – để hi vọng tái sinh thương hiệu một lần nữa. Chúng ta đều biết kết cục của câu chuyện này rồi.
Theo bạn, còn bộ phim nào đã giết chết tiềm năng của một thương hiệu điện ảnh nữa. Hãy để Moveek biết nhé!