Ở kì trước, Moveek đã liệt kê 5 phim Việt thảm hoạ nửa đầu năm 2018. Nửa cuối năm có nhiều phim chỉn chu được ra mắt như Song Lang, Chàng Vợ Của Em, Hồn Papa, Da Con Gái...nhưng nhìn chung tình hình điện ảnh Việt vẫn khá ảm đạm và dĩ nhiên là không tránh khỏi những bộ phim "í ẹ". Năm 2018 sắp trôi qua và hãy cùng Moveek điểm lại nốt 5 phim Việt thảm hoạ trong 6 tháng cuối năm nhé!
1. Trường Học Bá Vương (03.08)
Phim lấy bối cảnh tại một ngôi trường mang tên Good Genius, kể về Diệp (Nhan Phúc Vinh) – một sát thủ siêu cấp bị truy sát và bất ngờ phải ngụy trang dưới hình dạng của cậu học sinh tên Tình (Wean Lê) trong một lớp học vô cùng bá đạo. Tại đây anh liên tục gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười từ sự nghịch ngợm “ngoài sức tưởng tượng” của đám nhất quỷ nhì ma. Và khi anh bắt đầu có tình cảm gắn bó với những con người của cuộc sống mới, cũng như tìm lại được những giá trị sống đích thực cho chính bản thân, là lúc cả ngôi trường bị đặt vào một tình huống vô cùng nguy hiểm…
Tuy lấy bối cảnh học đường nhưng Trường Học Bá Vương lại giống một bộ phim hành động với hàng loạt những tình tiết vô lý, rời rạc, ăn theo phong cách của vua hài Châu Tinh Trì. Ngôi trường Good Genius được xây dựng một cách khiên cưỡng với những môn học lạ đời, các tình huống hài hước thì lại quá lố lăng và tâm lý, mối quan hệ của các nhân vật lại phát triển một cách qua loa, hời hợt. Bên cạnh đó, ngoài diễn xuất khá ổn của Wean Lê ra thì hầu như tất cả các diễn viên còn lại đều thất bại trong việc thể hiện nhân vật của mình.
2. Hoán Đổi (31.08)
Đề tài hoán đổi thân xác, linh hồn tuy cũ nhưng chưa bao giờ hết thú vị. Tuy nhiên, bộ phim Hoán Đổi của đạo diễn Võ Thanh Hoà lại ôm đồm quá nhiều thứ khiến phim trở nên lan man và rời rạc. Nhiều chi tiết hài nhảm cũng khiến giá trị của bộ phim bị giảm đi.
Hoán Đổi kể về bà Mai Ngọc Hoa (Việt Hương), một người đã dạy võ hơn 30 năm và Tiên Tiên (Nabi Nhã Phương), một cô ca sĩ và diễn viên trẻ đang trong giai đoạn bị "thất sủng". Hai con người không hề quen biết, với những mối quan hệ và những vấn để khác nhau trong cuộc sống, một ngày tình cờ gặp nhau ở ngoài bãi biển và một biến cố xảy ra khiến cho họ bị hoán đổi thân xác. Để có thể tìm cách quay trở lại cơ thể ban đầu của mình, họ phải cố gắng hoàn thành công việc của riêng cuộc sống mỗi người và cùng nhau đối phó với những rắc rối bắt đầu xảy đến.
Đành rằng đề tài hoán đổi là kỳ ảo, nhưng chí ít kịch bản phải có chút logic thì bộ phim mới đáng xem và khán giả mới thấy hấp dẫn. Tuy nhiên tình huống trong Hoán Đổi lại vô cùng không hợp lý. Bà Hoa và Tiên Tiên bị một cơn lốc xoáy không biết từ đâu mà ra cuốn vào và từ đó bị hoán đổi với nhau. Bên cạnh đó, diễn xuất của Nhã Phương vẫn khiến khán giả lắc đầu ngao ngán như ngày nào.
3. Bao Giờ Hết Ế (14.09)
Vì đây chỉ là danh sách tổng hợp những phim thảm hoạ nhất nửa cuối năm nay, xếp theo thứ tự ngày công chiếu, nên Bao Giờ Hết Ế mới đứng ở vị trí thứ 3. Nếu như có danh sách xếp hạng những phim thảm hoạ nhất năm, thì chắc chắn bộ phim này sẽ đứng đầu bảng.
Theo tóm tắt của các nhà sản xuất thì phim kể về Thiên Kim (Thúy Vân) phải buộc lòng tạo lập một vở kịch yêu nhau cùng một tài xế taxi nghèo tên Hòa (Đình Quân) do cô bị gia đình ép phải lập gia đình. Trớ trêu thay, cô và các thế hệ phụ nữ (bà cố, bà ngoại, mẹ) trong gia tộc chịu một lời nguyền bí ẩn khiến bất kỳ người đàn ông nào kết hôn cùng họ đều không có kết cục tốt đẹp. Liệu Kim có vượt qua được bao thử thách để tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của cuộc đời?
Nghe qua thì thấy ý tưởng của phim mặc dù không có gì mới, không có gì quá nổi bật nhưng cũng không quá tệ hại. Thế nhưng sản phẩm cuối cùng lại khiến người xem không thể nào chịu đựng nổi. Những bộ phim khác trong danh sách này ít ra vẫn còn một vài yếu tố khác để "vớt vát", chẳng hạn như diễn xuất, âm nhạc, hình ảnh hay trang phục của diễn viên. Còn Bao Giờ Hết Ế lại thảm hoạ từ đầu đến cuối, thảm hoạ ở mọi yếu tố và khó có thể được xem là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa.
4. Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con (21.09)
Thật ra, nhìn chung thì Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con chưa hẳn là một bộ phim thảm hoạ. Nhưng những vụ lùm xùm liên quan đến bộ phim này như chiêu trò PR, phim giả tình thật, kiện tụng, cộng với nội dung không có gì đặc sắc, diễn xuất đáng chán của An Nguy và Kiều Minh Tuấn, đã khiến nó trở thành một tác phẩm thảm hoạ trong mắt công chúng.
Nội dung phim là câu chuyện về Nhện (Hữu Khang) từ nhỏ sống với mẹ, được gia đình ngoại vô cùng yêu thương, chiều chuộng. Một ngày, Thuỷ Tiên (An Nguy) - mẹ của Nhện, dẫn về anh chàng người yêu tên Đông Bắc (Kiều Minh Tuấn) và con gái riêng của anh là Bảo Ngọc (Chu Diệp Anh). Nhện dĩ nhiên là không chấp nhận san sẻ mẹ của mình với ai khác nên luôn khó chịu, tìm mọi cách để phá bĩnh mối quan hệ của mẹ Thuỷ Tiên và chú Đông Bắc. Mọi chuyện rắc rối hơn khi cha ruột của Nhện xuất hiện, và mối quan hệ của Thuỷ Tiên và Đông Bắc càng thêm trắc trở.
Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con có nội dung không thể nào đơn giản và dễ đoán hơn, xuyên suốt từ đầu đến cuối phim không hề có tình tiết nào thực sự nổi bật, cả phần hài hước, cảm động hay tình cảm lãng mạn đều chưa tới. Nhiều đoạn cố làm cho hài nhưng thật ra khá vô duyên và gượng gạo. Đặc biệt, người xem không thể nào cảm nhận được một chút phản ứng hoá học nào giữa An Nguy và Kiều Minh Tuấn, mặc cho trước đó hai người đã từng tuyên bố là "xây dựng một thế giới mà không thể thoát ra được".
5. Quý Cô Thừa Kế (19.10)
Quý Cô Thừa Kế là bộ phim thuộc motif "rich kid", quý cô giàu có, sang chảnh, mê đồ hiệu và đã quá quen thuộc, thậm chí là nhàm chán đối với khán giả. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện thừa kế của cô tiểu thư đỏng đảnh kiêu kỳ tên Nhung (Ngân Khánh) bất ngờ được thừa hưởng gia tài khi bà ngoại cô qua đời kèm theo điều kiện bất đắc dĩ. Theo di chúc, tài sản sẽ được đem đi làm từ thiện nếu Nhung không hoàn thành khóa học kéo dài ba tháng tại nhà thờ Từ Tâm ở vùng quê Đà Lạt. Thế là cô nàng phải sống khổ cực trên Đà Lạt trong 3 tháng. Sự xuất hiện của quý cô hàng hiệu này như "siêu bão đổ bộ" vào vùng quê yên bình, và từ đó nhiều sự việc dở khóc dở cười cũng xảy ra.
Mặc dù đây là màn tái xuất của Ngân Khánh trên màn ảnh rộng sau thời gian dài vắng bóng, thế nhưng diễn xuất của cô lại quá nhạt nhoà, không để lại được chút ấn tượng nào ở khán giả. Mạch phim cũng rời rạc, lan man, các tình tiết không được kết nối chặt chẽ. Còn diễn xuất của Sỹ Thanh, các tình huống hài thì lại quá lố lăng và nhảm nhí. Ngay cả những gương mặt gạo cội được nhiều khán giả yêu thích như Quang Minh, Hồng Đào cũng không cứu nổi bộ phim này.