Trong một bộ phim về cuộc hành trình của người hùng, luôn phải có một thế lực nào đó chống đối họ thì mới là một câu chuyện hoàn hảo. Dù là một nhóm siêu ác nhân hay đặc nhiệm chính phủ thì đều phải mang lại một thử thách gì đó thú vị cho nhân vật chính, cũng như toát lên cảm giác rằng họ là mối đe dọa thật sự. Nhưng có rất nhiều phim lại thất bại trong việc xây dựng một nhân vật phản diện đúng mực. Lắm lúc ta thấy phản diện chủ chốt của phim lại quá mờ nhạt do không đủ thời lượng cho câu chuyện của họ. Hậu quả là nguyên nhân khiến họ tha hóa không đủ thuyết phục và thế là nhân vật bị xem nhẹ suốt bộ phim.
Dưới đây là danh sách 6 phản diện, không hẳn là quá tệ hay quá mờ nhạt, chỉ là những lý do khiến họ chống lại nhân vật chính không đủ sâu và thuyết phục, nếu không muốn nói là khá dở hơi.
1. Electro (The Amazing Spider-Man 2)
Động cơ: Gần như không có, gã bực mình chỉ vì Spidey quên tên mình và thấy anh trên TV ở Time Square.
Sony đã hủy cả vũ trụ Spider-Man và spin off đầy tiềm năng là Sinister Six với The Amazing Spider-Man 2. Khán giả lẫn giới phê bình chỉ trích phim vì đã cho vào quá nhiều phản diện, để rồi không có ai ra hồn và phim trở nên quá lộn xộn. Rhino chỉ xuất hiện thoáng qua, Goblin thì như một tên ngáo trong bộ đồ hóa trang và Electro cũng không khá hơn. Lý do trở thành phản diện khiến hắn còn thảm hại hơn vẻ ngoài mọt sách trước đó.
Sau khi có được sức mạnh nhờ chạm vào mấy con lươn điện, Max Dillon thẳng tiến tới Time Square để gặp lại Spider-Man, người đã quên tên hắn để rồi bị dính một viên đạn, dù không đau nhưng đủ làm hắn tắt điện. Khi hắn tỉnh dậy là lúc người dân đang tung hô Spider-Man và xỉ vả hắn. Hình ảnh người hùng New York trên những màn hình lớn ở Time Square khiến hắn trở thành phản diện trong thoáng chốc.
Chuyện Max trở thành kẻ xấu thành ra khá khiên cưỡng và khó hiểu khi trước đó hắn khá tốt tính và còn rất quý Spider-Man. Trong vô vàn cách để tha hóa một người như Max thì đây có lẽ là bước khởi đầu cuộc đời phản diện nhảm nhí nhất.
2. Gaston (Beauty and the Beast)
Động cơ: Belle không chịu hắn.
Trong cả hai phiên bản Beauty and the Beast của Disney, Gaston đơn thuần chỉ là cái bị thịt to xác với mục đích cả đời chỉ là cưới được Belle trong khi cô chả thèm đoái hoài tới, mặc cho những bài hát và sự đeo bám lì lợm của hắn.
Hắn ghen lồng lộn khi phát hiện ra Belle có cảm tình với Quái vật, thế là hắn chia cách cha con cô và tập họp dân làng tới lâu đài để giết tình địch. Nhưng cái kết lại không đẹp lắm cho Gaston khi hắn ngã chết từ đỉnh lâu đài, hắn chỉ đơn giản là không chấp nhận sự thật Belle thích người ta hơn hắn. Ít nhất hắn cũng dọa mọi người trong làng một phen hú hồn.
Nên nhớ rằng Gaston cũng có người muốn ở bên hắn, như ba cô tóc vàng trong bản hoạt hình, vì vậy hắn vẫn có những lựa chọn khác ngoài việc chết vì ghen với Quái vật và vì bị Belle từ chối.
3. The Joker (Batman)
Động cơ: Muốn mặt mình được in trên tờ $1.
Một trong những điểm cuốn hút của Joker so với đồng nghiệp là những động cơ của hắn rất bí hiểm và khó đoán, nhưng Joker của Jack Nicholson trong phần phim Batman 1989 lại chỉ có một lý do duy nhất, đó là mặt mình được in lên tờ $1.
Nghe thì tưởng như đùa nhưng khi tới những phút cuối phim, khán giả thấy Joker mãn nguyện nằm giữa đống tiền giả với khuôn mặt hắn trên mỗi tờ bạc. Có thể nói việc này ám ảnh lấy hắn và ít nhất hắn cũng vui vui phần nào khi đây cũng là một dạng phá hoại, nhưng nó lại làm mất đi vẻ đáng sợ của Joker khi hắn cứ muốn đạt được điều ngu ngốc như vậy.
4. Aldrich Killian (Iron Man 3)
Động cơ: Tony Stark không đến gặp hắn.
Khi lần đầu xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, Tony Stark luôn toát ra sự kiêu ngạo và ích kỉ, và dù cho anh dần trở thành một hình mẫu anh hùng lý tưởng thế nào, thì vẫn là cái gai trong mắt một số người, cụ thể là một cơ số nhân vật nhất định trong dòng phim.
Trong những phân cảnh đầu tiên của Iron Man 3, ta được chứng kiến một Tony vô tư vô lo đi dự tiệc vào năm 1999, đây cũng chính là cảnh giới thiệu Aldrich Killian, phản diện chính của phim. Tại bữa tiệc, hắn trông khá khó coi và xuề xòa, đúng kiểu người Tony không muốn đụng đến nhất, nhưng với hắn, được hợp tác với Tony là một giấc mơ cả đời. Và thế là khi Tony đùa rằng anh sẽ gặp hắn tại sân thượng, hắn lên đó và chờ hồi lâu, nhưng dĩ nhiên không thấy Tony xuất hiện. Chỉ vì việc này mà Killian trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn hơn, hắn chế ra virus Extremis nhằm giết chết hàng vạn người, bắt cóc Pepper, suýt giết Tổng thống Mỹ và cả Tony.
Với trí thông minh như vậy hắn đáng ra phải nhận ra sự hời hợt của Tony đối với mình; vả lại cuộc gặp của họ cũng chẳng phải hệ trọng gì cho cam, Tony cũng không buộc phải tới làm gì. Việc Killian chấp nhất chuyện nhỏ nhặt như vậy không khỏi làm khán giả khó chịu.
5. Blofeld (Spectre)
Động cơ: Cha hắn thích James Bond
Trước khi ra mắt, một trong những điểm hút khách của Spectre là vai phản diện Blofeld thuộc về Christoph Waltz, nhưng nhân vật này lại không bằng những tên ác nhân khác như Silva trong Skyfall hay Le Chiffre trong Casino Royale.
Một phần của vấn đề nằm ở động cơ thật sự của Blofeld. Cả hai nhân vật đều là con của Hannes Oberhauser, người nhận nuôi và bảo hộ Bond một thời gian. Thế là Blofeld đâm ra ghét Bond vì nghĩ Hannes thích anh hơn hắn và thành lập một tổ chức Spectre chỉ để nhắm vào Bond. Và đây chính là nguyên nhân gây rắc rối cho Bond sau Casino Royale.
Lòng ghen tị từ thuở thơ ấu lại là nguồn cơn của tên phản diện này, theo sau đó là hàng loạt vụ giết người. Ta chưa bao giờ được thấy cảnh flashback nào để chống lưng cho quan điểm của Blofeld, hay một thứ gì đó để ta hiểu hơn về mối hiềm khích này của hắn. Càng nhìn càng thấy hắn thảm thương vì ôm mãi mối thù cả đời với người chả làm hại gì hắn ngay từ đầu.
6. Edgar Balthazar (The Aristocats)
Động cơ: Không muốn trông mèo cho sếp.
Edgar Balthazar có lẽ là phản diện ngớ ngẩn nhất của Disney, với một động cơ xuẩn ngốc đến khó tin. Gã là quản gia cho một triệu phú yêu mèo là bà Madame Adelaide Bonfamille, người sẽ để lại một gia sản kếch xù khi bà qua đời. Vấn đề là bà không có họ hàng thân thích nên đã quyết định để lại số tiền cho lũ mèo, điều này khiến Edgar, kẻ âm mưu làm hại lũ mèo để ẵm số tiền cảm thấy rất khó chịu.
Điều Edgar không nhận ra là mèo không biết xài tiền, và khi Madame Bonfamille để lại gia sản cho lũ mèo cũng là gián tiếp để lại cho hắn - người chăm lo cho lũ mèo đến khi chúng chết. Hắn chả cần bày mưu tính kế làm gì bởi khi bà chủ qua đời, hắn nghiễm nhiên trở thành người giám sát kiêm thừa kế số tài sản đó do mèo không có khả năng chỉ định một kế toán khác. Lòng tham vô lí đã khiến hắn ra tay hãm hại lũ mèo vô cớ, hoặc có thể do hắn lười dọn “sản phẩm” của chúng.
Nguồn: Bài và ảnh What Culture