Khán giả chịu chi tiền ra rạp thường vì dàn diễn viên xinh đẹp mà quên đi những bộ óc thiên tài đã tạo nên bộ mặt của thế giới điện ảnh ngày nay. Có những đạo diễn với tài năng và phong cách làm phim độc đáo đã sở hữu lượng fan đông đảo và là cái tên bảo chứng cho những tác phẩm mới không thua kém một ngôi sao đình đám. Dưới đây là những cái tên kiệt xuất đã góp phần xây dựng kho tàng môn nghệ thuật thứ bảy đồ sộ và quyến rũ các mọt phim trên khắp thế giời qua nhiều thế hệ.
1. Christopher Nolan
Christopher Nolan có lẽ là thương hiệu đặc biệt của điện ảnh Hollywood hiện đại khi có thể dung hòa giữa hai yếu tố giải trí và nghệ thuật. Không chấp nhận đóng khung bản thân trong bất kì chủ đề nào, Nolan đã thử sức với các thể loại: hình sự (Memento), siêu anh hùng (Triology Batman), ảo thuật (The Prestige), khoa học viễn tưởng (Interstellar, Inception), chiến tranh (Dunkirk)... Anh luôn tìm tòi cách tiếp cận nội dung nhiều tầng lớp và sử dụng công nghệ kỹ xảo tân tiến nhất; từ đó tạo ra phong cách làm phim mới mẻ, đào sâu vào từng ý tưởng, trau chuốt trong từng khung hình. Là cái tên trẻ nhất có tư cách đứng trong list này, Nolan vẫn chưa một lần vinh dự chạm tay vào giải Oscar danh giá. Hi vọng với Dunkirk năm nay, anh có thể mang về tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp đang trên đà đỉnh cao của mình.
2. Martin Scorsese
Martin Scorsese làm phim nhiều thể loại nhưng chỉ khi quay về thế giới mafia - nơi đầy rẫy sự phản bội, thanh trừng và bạo lực, ông mới là chính mình. Khó có thể tin rằng người đàn ông vóc dáng nhỏ bé cùng khuôn mặt phúc hậu kia đã trải qua tuổi thơ ở khu Little Italy – vốn nổi tiếng với băng đảng, tệ nạn. Nhưng may mắn thay, Scorsese không sa ngã vào con đường tội lỗi mà dành trọn tình yêu cho môn nghệ thuật thứ bảy và cố gắng đem những trải nghiệm của mình vào bộ sưu tập phim nổi bật gồm Taxi Driver, Raging Bull, Goodfellas, Casino, Gangs of New York, The Departed... Phải nói thêm là đạo diễn từng muốn trở thành linh mục nhưng không thành. Vì vậy, phim của ông có sự cân bằng giữa trắng-đen, thật-giả, đấu tranh dằn vặt lương tâm, và vai trò của đạo Thiên chúa trong hành trình chuộc lại lỗi lầm. Phim của Scorsese khắc họa một cách sinh động thế giới ngầm; qua đó phản ánh xuất thân và nhân cách của vị đạo diễn đáng kính nhưng vô duyên với Oscar. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Scorsese chiến thắng tượng vàng đầu tiên với The Departed ở tuổi 65 như một món quà tri ân trước những cống hiến của ông đối với điện ảnh thế giới.
3. Quentin Tarantino
Quentin Tarantino được ưu ái gọi là “gã điên của Hollywood” vì phim của ông luôn nằm ngoài trật tự thời gian và chuẩn mực đạo đức để nhuốm màu sắc bạo lực, tối tăm; thậm chí đôi lúc lộn xộn, tưng tửng như những mảnh ghép, câu chuyện phiếm tục tĩu giữa hai người. Thế nhưng sức hút của vị đạo diễn tài ba này là một khi đã trót yêu phong cách làm phim đầy ám ảnh, bạn sẽ phải sửng sốt trước soundtrack cực bắt tai cùng lối xây dựng đối thoại và nhân vật ấn tượng. Thật vậy, âm nhạc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phim của Tarantino đơn giản vì cảm hứng sáng tác của Tarantino là “ông sẽ nghe nhạc trong phòng của mình và vẽ ra những cảnh tượng tương ứng với đoạn nhạc đang chạy”. Từ một nhân viên tiệm băng đĩa bình thường, Tarantino đã thổi làn gió mới mang thương hiệu riêng của sự pha trộn giữa chất nhạc và kiến thức sâu rộng về giá trị điện ảnh xưa cũ.
4. David Fincher
Không có gì quá đáng nếu nói David Fincher là đạo diễn của những cú twist. Ông luôn mát tay trong dòng phim tâm lý, hình sự với nhịp điệu bí ẩn, hồi hộp và đầy bất ngờ ở phần kết. Fincher là nhà làm phim bậc thầy không chỉ nắm giữ nhiều đề cử Oscar qua hai bộ phim The Curious Case of Benjamin Button và The Social Network mà còn bao trùm lên những tác phẩm của mình hiệu ứng hình ảnh độc nhất là sự u ám, đen tối trong tông màu lẫn gu nghệ thuật. Ông cũng theo đuổi phong cách này qua các dự án khác: Se7en, Fight club, Zodiac, The Girl with the Dragon Tattoo, Gone Girl... Chịu chung số phận với nhiều đạo diễn có tài nhưng vô duyên với giải thưởng, ông đã nhiều lần bị Oscar ngó lơ dù nhận được sự công nhận và hoan nghênh từ khán giả cũng như giới phê bình.
5. Alfred Hitchcock
Alfred Hitchcock được mệnh danh là Ông vua phim kinh dị của làng điện ảnh Hollywood. Phong cách làm phim của ông thường tập trung lột tả ánh mắt diễn viên và ép người xem phải chứng kiến sự dằn vặt cùng đời sống riêng tư của nhân vật. Ông cũng xây dựng những khung hình nhằm phóng đại vẻ mặt sợ hãi, sự giận dữ hay đồng cảm. Có lẽ Hitchcock bị ám ảnh bởi những nỗi sợ. Bản thân ông cũng có nhiều nỗi sợ do tuổi thơ và ông thích thú đùa giỡn trên nỗi sợ của người khác mà cụ thể ở đây là những diễn viên nữ trong quá trình làm phim. Đạo diễn lắm tài nhiều tật còn đặc biệt thích chọn nhân vật nữ tóc vàng hoe. Tuy chịu nhiều tai tiếng, chỉ trích nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng bậc thầy của Hitchcock khi khai thác những góc khuất của con người với tâm lý bất thường qua các tác phẩm Psycho, Vertigo, Rear window, Rebecca...
6. Steven Spielberg
Trái ngược với phần lớn cái tên trong danh sách này, Steven Spielberg luôn nhận được sự hoan nghênh từ nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Phim của ông hầu hết xây dựng hình tượng nhân vật đời thường nhưng sau đó tìm kiếm hay vô tình có được khả năng phi thường và bị đẩy vào hoàn cảnh đặc biệt. Spielberg góp phần thay đổi bộ mặt điện ảnh đương đại về doanh thu lẫn kĩ xảo qua các tác phẩm khoa học viễn tưởng: Hàm cá mập, E.T. người ngoài hành tinh và Công viên khủng long. Nhưng phải đến dòng phim chiến tranh, ông mới đạt đến đỉnh cao danh vọng với 3 chiến thắng Oscar qua hai tác phẩm Schindler's List và Saving Private Ryan. Cũng dễ hiểu khi Spielberg là người gốc Do Thái nên ông luôn trăn trở vạch trần sự khủng khiếp, tàn bạo của chiến tranh. Trong sự nghiệp huy hoàng của mình, Spielberg đã tạo ra nhiều bom tấn đến nỗi năm 1997, phân tích viên phố Wall phát biểu: “Chỉ có hai thương hiệu trong ngành công nghiệp điện ảnh: Disney và Spielberg”
7. Stanley Kubrick
Đạo diễn quá cố Stanley Kubrick là một trong những cái tên lỗi lạc trong nền điện ảnh thế giới và là chuẩn mực được nhiều đạo diễn và diễn viên sau này học hỏi. Christopher Nolan thừa nhận đã lấy cảm hứng từ 2001: A Space Odyssey của Kubrick để sáng tạo nên tuyệt tác năm 2014 Interstellar. Kubrick còn nổi tiếng với nhiều tật xấu như ám ảnh bởi sự hoàn hảo khiến cho những diễn viên hợp tác gần như phát điên lên. Jack Nicholson kể rằng Kubrick thậm chí đòi quay một cảnh 50 lần và nam diễn viên cũng phát chán với việc nổi hứng đổi kịch bản vào phút chót của đạo diễn. Phim của Kubrick thường lột tả sự đấu tranh nội tâm dưới nhiều góc độ. Ông cũng rất thận trọng tránh bày tỏ quan điểm cá nhân vào nội dung phim mà thay vào đó, chừa không gian mở để khán giả tự suy diễn theo ý mình. Điều đáng lưu ý là những tác phẩm của ông thường bị giới phê bình đương thời chê bai, cười nhạo rồi sau một thời gian mới được mọi người nhìn nhận nghiêm túc hơn (điển hình là 2001: A Space Odyssey và The Shining) đã cho thấy cái nhìn tân thời và độc đáo của vị đạo diễn kiệt xuất này.
Còn quái kiệt của lòng bạn là ai? Ai là người đã dụ dỗ bạn thành mọt phim. Hãy để lại bình luận để thể hiện gu điện ảnh của mình nhé.