Deadpool, Batman v Superman: Dawn of Justice, Captain America: Civil War và X-Men: Apocalypse, Infinity Saga, WandaVision, Justice Leauge, Moon Knight, Morbius, Spider-Man: No Way Home, Thor: Love and Thunder... dường như từ màn ảnh lớn đến nhỏ, phim ảnh chỉ còn lại siêu anh hùng. “Rất nhiều” là một thuật ngữ tương đối và “quá nhiều” là một sự phân biệt mang tính chủ quan cao. Nhưng với mỗi chu kỳ quảng bá rầm rộ mới, thị trường phim ảnh đang trong tình trạng không thể chối cãi là chắc chắn có "rất nhiều" phim siêu anh hùng và chúng ngày càng "quá nhiều”.
Đã từng có một giai đoạn mà chỉ riêng doanh thu phòng vé thôi đã đủ khẳng định rằng khán giả còn lâu mới coi thường các bộ phim siêu anh hùng. Nhưng sự tự tin này đến nay đã không còn. Thể loại phim hàng đầu Hollywood đã có dấu hiệu xuống sức và chúng ta bắt đầu thấy mệt mỏi với những áo choàng và quần bó.
Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy khả năng chịu đựng của bạn đối với dòng phim siêu anh hùng đã đến mức cực hạn và có thể bạn đang mắc phải hội chứng "ngán siêu anh hùng" (superhero fatigue)
1. Bạn không còn hào hứng trước những gương mặt mới
Từng có giai đoạn mà những tên tuổi đạo diễn tài năng tham gia cầm trịch một phim siêu anh hùng khiến dân tình sục sôi với những mong chờ và lời tán dương. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với công thức khiến sáng tạo là điều không thể, những tên tuổi đạo diễn này chỉ khiến những người từng trung thành với thể loại siêu anh hùng cảm thấy chán chường. Vì những bộ phim đó hoàn toàn không xứng với tài năng của họ. Nếu đây là điều đầu tiên hiện lên trong suy nghĩ khi nghe tin một dự án bóng bẩy về một người mặc đồ bó có ai đó tham gia, thì bạn đã quá chán với phim siêu anh hùng rồi.
2. Bạn đã phải tự hỏi rằng: “Khoan đã, lần này lại là cái nào nữa đây? Chi tiết này nói về cái gì vậy?”
Easter egg, những chi tiết đề cập đến các bộ phim trước đây hoặc chi tiết liên quan đến truyện tranh hoặc nguyên tác, lâu nay được coi là phần thưởng cho những người hâm mộ cuồng nhiệt. Nhưng phần thưởng cũng dành cho những ai am hiểu thế giới truyện tranh, thần thoại phức tạp về những bức tranh siêu anh hùng. Và rồi một ngày bất chợt, trong bộ phim mới bạn tự hỏi chi tiết này nói về điều gì trong thế giới rộng lớn đó, thì có lẽ bạn đã ngán các phim kiểu này rồi. Vì đơn giản là bạn đã không còn đủ hào hứng để ngụp lặn trong quá trình gọi là giải mã các chi tiết easter eggs nữa, hoặc chỉ theo dõi những gì diễn ra trên màn hình với tâm trí hoàn toàn trống rỗng, mặc kệ những gì mình biết, theo phản xạ.
3. Gắn bó với thương hiệu điện ảnh là nghĩa vụ thay vì yêu thích
Một dấu hiệu khác của sự mệt mỏi với những bộ phim siêu anh hùng đó là nỗi sợ bị tụt lại phía sau. Sản phẩm của thương hiệu Marvel và DC đều rất mang nặng về tính liên tục của nội dung truyền tải, họ đã “gài vào đầu” người xem ấn tượng rằng nếu họ không kịp theo dõi bản phát hành mới nhất, chúng ta sẽ bỏ lỡ chương nội dung quan trọng trong cả mạch truyện, và mọi công sức theo dõi vũ trụ này hình thành bấy lâu nay cũng gần như đổ sông đổ bể. Điều này ràng buộc người xem phải theo dõi phần mới nhất của cỗ máy siêu anh hùng.
Nói đơn giản là thế này, kể cả khi bạn không muốn xem bộ phim về Captain America (Đội trưởng Mỹ), bạn vẫn phải xem nó, nếu không muốn cảm thấy lạc lõng vì thiếu dữ kiện trong mùa Avengers tiếp theo hay bị bỏ lại trong dòng bàn luận sôi nổi về văn hóa đại chúng.
4. Chán chường trước những tin tức giật gân về siêu anh hùng mỗi ngày
Cuộn người vào áo choàng, pha một tách cafe, lướt Twitter và cố gắng dồn hết nhiệt huyết cho dòng tiêu đề mới nhất liên quan đến đạo diễn phim siêu anh hùng mới, nhà văn, các siêu sao, bộ ảnh, nhạc chủ đề, trailer, teaser, v.v., bỗng trở thành một vòng lẩn quẩn chán ngắt. Đó là dấu hiệu chúng ta không còn có thể tiếp tục 24 giờ chịu đựng cái gọi là "tin đột phá" nào khác về thương hiệu siêu anh hùng nào đó nữa. Sự dư thừa của những tin tức sáo rỗng về ai sẽ cameo trong bộ phim Marvel tiếp theo hay có bao nhiêu phiên bản của một anh hùng xuất hiện trong phim của anh ta/cô ta chỉ mang lại nỗi chán chường.
5. Mệt mỏi trước những dự án siêu anh hùng được xưng tụng là "sự kiện không thể bỏ lỡ"
Quy mô rất quan trọng trong kinh doanh. Nhưng ném một đống "bom" cho khán giả với quá nhiều bộ phim được tự xưng là bom tấn là một chuyện khác. Người đóng góp cho Rolling Stone, Sam Adams, gần đây đã viết một đoạn bày tỏ sự kiệt sức của anh ấy trước những dự án siêu anh hùng bị thổi phồng quá mức. Thật không may, chiêu trò "thổi giá" này giờ đã trở nên phổ biến trong điện ảnh siêu anh hùng và những chiến dịch quảng bá chúng. Tóm lại một câu như thế này: Khi mỗi bộ phim của vũ trụ rộng lớn nào đó cứ tự gọi nó là một sự kiện không thể bỏ lỡ, thì sự thật hoàn toàn ngược lại.
Bất kể Marvel hay DC tình cờ trở thành sở thích của bạn, các bộ phim của họ đều thống nhất ở chỗ hoàn toàn thiếu nét đẹp hình ảnh để có thể nhận diện được. Zack Snyder mang đến Man of Steel và Batman v Superman bọc trong một tấm chăn dày âm u. Marvel cũng không làm tốt hơn với những màn kỹ xảo ngày càng kém đi với các câu chuyện hầu như không đổi. Không có bất kỳ thủ thuật sáng tạo nào mới. Phần lớn các phim siêu anh hùng đều hoạt động theo kỹ thuật ngắm bắn thô sơ với các mác "sản xuất công nghiệp" dán đầy trên các khung hình, vô hồn và trống rỗng. Lâu dần, bạn sẽ muốn thấy một cái gì đó mới theo đúng nghĩa đen. Nhưng đó là chỉ tiếng vọng trong vô nghĩa.
7. Bạn nhìn ra sự thật đằng sau các bộ phim siêu anh hùng
Thương hiệu điện ảnh đã duy trì sự bùng nổ phim siêu anh hùng đều như một cỗ máy trơn tru, đảm bảo rằng mọi thành công đem lại hàng tỷ đô la một cách suôn sẻ và hiệu quả hơn nữa trong khuôn mẫu nó định ra. Điều đó cuối cùng cũng dẫn đến một sự thật là những phần phim bạn đang xem chỉ là bước đệm đảm bảo sẽ có phần tiếp theo, phần tiếp theo và phần tiếp theo nữa, với tính sáng tạo dường như bằng không và công thức ban đầu trở thành thế lực chiếm lĩnh lấy những phần phim đó. Cuối cùng, bạn nhận ra rằng nó, thứ công thức đã đem về hàng tỷ đô la đó, hút hết cả trái tim, linh hồn và sự vui vẻ ngay từ đầu. Và bạn biết đã đến lúc thay đổi kênh.
Nguồn ảnh: Pinterest