Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối dù nhận được những đánh giá khả quan từ các nhà phê bình nhưng hiện tại bộ phim đang thất thu phòng vé trên thế giới và có nguy cơ lỗ nặng.
Khi bài viết này được đăng lên thì Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối của đạo diễn Tim Miller và nhà sản xuất James Cameron đã thu về $29 triệu nội địa và $124 triệu toàn cầu sau buổi công chiếu ra mắt toàn cầu. Bộ phim có sự góp mặt của Linda Hamilton / Arnold Schwarzenegger / Mackenzie Davis / Natalia Reyes / Gabriel Luna, được hãng Paramount phát hành ở Bắc Mỹ và Fox / Disney ở nước ngoài, ngoại trừ hãng phát hành ở Trung Quốc là Tencent).
Kinh phí bộ phim ước tính là $185 triệu, tiền quảng bá là khoảng $100 triệu và doanh thu có nguy cơ bị lỗ $100 triệu. Phần phim tiếp theo này được xem như là sự bám đuổi theo một hướng đi sai lầm cho những phần trước đó. Việc thất bại phòng vé đã được dự đoán từ trước và điều này còn gây ảnh hưởng xấu và những thiệt hại đáng kể cho toàn bộ doanh nghiệp đoàn phim của Terminator. Hãy cùng Moveek điểm qua 7 lý do chính dẫn đến nguyên nhân này nhé.
1. Thất bại của 2 phần phim trước đó khiến khán giả không còn hứng thú tiếp tục theo dõi
Trở lại thời điểm series Tomb Raider ra mắt công chúng. Mặc dù nổi tiếng là trò chơi điện tử được yêu thích nhất thế giới, tuy nhiên, khi bộ phim được ra mắt cũng không tránh khỏi sự hụt hẫng của khán giả. Lara Croft: Tomb Raider - The Cradle of Life (2003) được đánh giá là một màn trình diễn nghèo nàn tại phòng vé khiến khán giả quay lưng với thương hiệu đình đám này.
Sự việc này cũng đánh mất lòng tin của người xem đến 15 năm sau, thời điểm Tomb Raider 2018 ra mắt do Alicia Vikander thủ vai chính. Thực tế, không ít bộ phim rơi vào trường hợp trên dù đã cố gắng tái khởi động nhiều lần như: Ninja Rùa: Đập Tan Bóng Tối (Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows - 2016), Addams Family Values, Trò Chơi Gọi Hồn (Ouija: Origins of Evil - 2016)...
Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối được giới phê bình đánh giá tích cực hơn hai phần trước đó. Dù được cho là không thành công về kết quả phòng vé nhưng doanh thu của Kẻ Hủy Diệt: Sự Cứu Rỗi (Terminator Salvation - 2009) và Kẻ Hủy Diệt: Thời Đại Genisys (Terminator: Genisys - 2015) vẫn thu được lợi nhuận khi lần lượt đạt con số $371 triệu (ngân sách $200 triệu) và $441 triệu (ngân sách $155 triệu). Ngay cả khi Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối là bom tấn đáng mong chờ nhất nhưng bộ phim vẫn thất bại khi sự kiên nhẫn của khán giả đã bị bào mòn từ nhiều năm trước.
2. Những đánh giá khả quan, tích cực là vẫn chưa đủ
Hãng Fox đã phát hành Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối ở 12 nước bên ngoài khu vực Bắc Mỹ và nhận được những lời đánh giá từ các nhà phê bình. Con số 70% trên trang Rotten Tomatoes được xem là khá tích cực, nhưng chưa đủ.
Việc được đánh giá là “phần phim tốt nhất kể từ sau Terminator 2: Judgment Day” không mang quá nhiều ý nghĩa vì sự thất bại của hai phần gần nhất khiến cho dòng phim không còn đủ sức lôi cuốn khán giả. Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối cần tạo ra bước đột phá giống như Mad Max: Con Đường Cuồng Nộ (Mad Max: Fury Road - 2015) thì mới có thể lấy lại lòng tin của tất cả mọi người.
3. Kinh phí sản xuất quá cao
Thương hiệu Terminator chưa bao giờ thực sự mang ý nghĩa là một bộ phim bom tấn chủ yếu nhằm gặt hái doanh thu cho các hãng phim và Terminator 2: Judgement Day (phát hành ngay thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp ngôi sao của Schwarzenegger vào mùa hè năm 1991) là ngoại lệ của quy tắc này.
Điểm chú ý là kinh phí sản xuất lên tới $185 triệu biến Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối trở thành canh bạc quá lớn đối với nhà đầu tư. Cộng thêm khoảng 80-100 triệu USD tiền quảng bá và tỷ lệ ăn chia với nhà rạp, dự án bom tấn cần phải thu về $450 triệu mới có thể hòa vốn. Giả sử Terminator: Dark Fate chỉ tiêu tốn $85-100 triệu, những vấn đề nan giải sẽ trở nên đơn giản rất nhiều. Lúc này, con số 185 triệu USD thậm chí còn không phát huy tối đa hiệu quả khi một số phân cảnh kỹ xảo bộ phim vẫn bị chê là giả tạo.
4. Sự kỳ vọng quá mức vào thị trường Trung Quốc
Bộ phim Warcraft: Đại Chiến Hai Thế Giới (Warcraft: The Beginning - 2015) thu về được $219 triệu vào năm 2016 tại Trung Quốc, nhưng nó thực chất chỉ kiếm được $90 triệu trong 48 giờ đầu tiên, điều này cho thấy khán giả Trung Quốc cũng không thích bộ phim này giống như khán giả nơi khác.
Dị Nhân: Khải Huyền (X-Men: Apocalypse - 2016) cũng thu về được $121 triệu tại Trung Quốc, nâng mức tổng doanh thu cho bộ phim lên con số $500 triệu, chính vì vậy mà phía nhà sản xuất nhanh chóng dồn kinh phí vào sản xuất Dị Nhân: Phượng Hoàng Bóng Tối (Dark Phoenix - 2019) như một vụ cá cược về mặt doanh thu. Tuy nhiên, sau Dị Nhân: Khải Huyền thì họ cũng không còn hứng thú gì với dòng phim này và Dị Nhân: Phượng Hoàng Bóng Tối chỉ mang về vỏn vẹn $65 triệu tại thị trường béo bở này.
Terminator: Genisys (Kẻ hủy diệt: Thời Đại Genisys - 2015) từng bùng nổ ở thị trường Trung Quốc khi thu về $113 triệu. Tuy nhiên, giống như kết quả trên, khán giả ở đây cũng không yêu thích nó và Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối là nạn nhân tiếp theo khi chỉ mở màn với $29 triệu tại thị trường tỷ dân và có thể chỉ chạm mức tối đa là $55 triệu.
5. Arnold Schwarzenegger không còn là siêu sao trong 20 năm qua
Kể từ năm 1999, Arnold Schwarzenegger đã phải chật vật với doanh thu trong bộ phim End of Days. Đến khi tham gia Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối, đây là chặng đường đánh dấu sự trở lại với thương hiệu quen thuộc của nam diễn viên sau 20 năm. Trước đó, người hâm mộ vốn quen mặt ông trong series Terminator cũng như các phân cảnh trong Batman & Robin. Đáng chú ý, ngoại trừ Terminator 3 ($433 triệu với ngân sách $170 triệu năm 2003) và Biệt Đội Đánh Thuê (Expendables 2) ($314 triệu với ngân sách $100 triệu năm 2012) thì các bộ phim còn lại của nam diễn viên đều gây thất vọng.
Trong đó, nhiều bộ phim Arnold Schwarzenegger tham gia khiến người xem hụt hẫng gồm: The Sixth Day, Collateral Damage, Chốt Chặn Cuối Cùng (The Last Stand - 2013), Kế Hoạch Đào Tẩu (Escape Plan - 2013), Nhiệm Vụ Cuối Cùng (Sabotage - 2014), Biệt Đội Đánh Thuê 3 (Expendables 3 - 2014), Kẻ Hủy Diệt: Thời Đại Genisys (Terminator: Genisys - 2015)… Như nhiều ngôi sao của thập niên 80 và 90, Arnold Schwarzenegger đã cố gắng để trở lại thời hoàng kim nhưng giấc mơ và hiện thực thì luôn rất khác nhau.
6. Áp dụng cách thức thành công của Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao 7 - Thần Lực Thức Tỉnh vào trong bộ phim
Ngoại trừ những gương mặt tên tuổi đã quen thuộc với người hâm mộ Star Wars như Harrison Ford hay Carrier Fisher, nhưng việc lựa chọn nhân vật chính cho bộ phim mới là điều gây bàn cãi. Hãng Lucasfilm thu hút đông đảo khán giả khi cho ra đời một bộ ba Star Wars với sự tham gia của Daisy Ridley (nữ nhân vật chính), John Boyega và Oscar Isaac. Một trong những tập của Star Wars trở nên nổi tiếng là Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao 7 - Thần Lực Thức Tỉnh (Star Wars: Episode VII - The Force Awakens - 2015) và mang về doanh thu khổng lồ - $2,068 tỉ doanh thu trên toàn cầu. Những khán giả nước ngoài cảm thấy không có vấn đề hay hậu quả nào đối với một bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng này.
Có thể thấy công thức thành công của bộ phim này đến từ việc chi ngân sách khủng cho một bộ phim khoa học viễn tưởng, phong cách điện ảnh vẫn còn mới mẻ với khán giả trong nhiều năm trước. Song, việc kết hợp một nhóm diễn viên trẻ cùng các ngôi sao đình đám trong những phần trước đó đã thu hút người xem vì sự tò mò. Sự hòa quyện giữa hai thế hệ mới và cái cũ trong bộ phim đã đạt được mức tối đa, và cũng chính vì vậy mà bộ phim khiến tất cả người hâm mộ và nhà phê bình mến mộ và hài lòng Tuy nhiên, điều này lại không hoạt động hiệu quả khi áp dụng với Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối.
7. Sự thờ ơ của khán giả đối với thương hiệu Terminator, đặc biệt ở Bắc Mỹ
Việc thất bại trên phòng vé của Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nguyên nhân đáng quan tâm nhất là khán giả không thực sự quan tâm đến thương hiệu Terminator. Sở dĩ thương hiệu này ăn khách vì ban đầu chúng được tạo ra gắn mác phim kinh dị khoa học viễn tưởng với quy mô nhỏ nhất định. Giống như Rambo: First Blood Part II (ít nhất là Stallone cuối cùng đã ngừng chi khoản tiền khổng lồ cho các phần tiếp theo của Rambo), dù doanh thu đạt $520 triệu nhưng cũng không đảm bảo tương lai lâu dài cho thương hiệu.
Trong chuỗi series này, phần Terminator: Rise of the Machines được đánh giá tốt nhất nhưng chính hai phần Salvation và Genisys đã hủy hoại chất lượng của dòng phim và khiến khán giả quay lưng với thương hiệu này. Cùng thời điểm sự thất bại của Terminator, hàng loạt bộ phim cùng thể loại không ngừng ra đời, thậm chí có chất lượng vượt ngoài sức mong đợi. Điều đó dần trở thành cái bóng lớn khiến thương hiệu nổi tiếng này dần lu mờ và rơi vào kết cục hiện tại.