Tin điện ảnh

8 Bộ phim hay nhất gắn nhãn Guy Ritchie

Điện ảnh Hollywood không phải là nền điện ảnh duy nhất có các đạo diễn quái kiệt. Nền phim ảnh Anh Quốc cũng có một cái tên “quái” không kém - Guy Ritchie. Bắt đầu sự nghiệp làm phim vào năm 1997, Guy Ritchie đã có một kho tàng phim ảnh phải nói là kỳ lạ. Đó bao gồm những cú ăn may, hoặc những siêu phẩm bị đánh giá thấp, hoặc đó là những bộ phim xuất sắc. Song, tất cả đều đồng ý Ritchie có phong cách làm phim độc đáo không lẫn vào đâu được, giúp ông nổi bật giữa những cái tên đạo diễn đáng gờm, nhưng cũng đề tên ông vào danh sách những đạo diễn gây tranh cãi nhất với các dự án điện ảnh của mình.

Lịch chiếu Phi Vụ Toàn Sao và mua vé Phi Vụ Toàn Sao tại Moveek

Premier

1. King Arthur: Legend of the Sword (2017)

Mới nhìn vào, bộ phim giống một bom tấn “công nghiệp” hơn là một siêu phẩm hành động, nhưng đó chính là lý do tại sao King Arthur: Legend of the Sword là một trong những bộ phim kỳ lạ nhất trong những phim mang nhãn mác “made by Ritchie”. Sherlock Holmes trước đó và thậm chí là The Man from U.N.C.L.E., những bộ phim đó vẫn phản ánh cách tiếp cận hài hước cổ điển của Ritchie đối với chủ đề mà đạo diễn hướng tới.

Nhưng trong King Arthur: Legend of the Sword, những dấu hiệu “made by Ritchie” lại không được tìm thấy. Song, một điều bộ phim vẫn giữ là cách nó chia rẽ những người phê bình lẫn khán giả xem phim. Tuy nhiên, trong số tất cả các phiên bản của Vua Arthur huyền thoại, Charlie Hunnam đã thể hiện rất xuất sắc, với tất cả sự phóng khoáng và ngông cuồng. Nói không ngoa khi nhận xét Hunnam là lý do người ta kéo đến rạp xem King Arthur: Legend of the Sword.

2. RocknRolla (2008)

Khi một phi vụ béo bở diễn ra, thế giới ngầm London lục đục kéo đến tranh phần. Trong đó là nhóm tội phạm mang tên Wild Bunch, được dẫn dắt bởi One-Two (Gerald Butler). Nhưng hội nhí nhố này chỉ là tép riu so với những cái tên tai to mặt lớn bị phi vụ thu hút. RocknRolla là câu chuyện chiếu dưới chống lại thế giới điển hình của Guy Ritchie. Một bộ phim khá khẩm mang nhãn Ritchie với những dấu hiệu không lẫn vào đâu được. Ritchie không muốn viết lại thể loại trộm cắp này, ông chỉ đơn giản là tận dụng, vận dụng nhưng mô-típ sẵn có, thêm gia vị và khoáy động chúng theo cách sáng tạo riêng. Mặc dù bộ phim khiến bạn không biết nhân vật chính là Butler hay Tom Hardy – vì anh trình diễn quá mượt mà, nhưng RocknRolla đậm tính giải trí.

3. The Man from U.N.C.L.E. (2015)

Lúc mới ra mắt, The Man from U.N.C.L.E. đã bị đánh giá thấp và người ta đến rạp đơn thuần là để “ngắm” màn tung hứng giữa Henry Cavill và Armie Hammer, đồng thời là một trong những điểm sáng của phim. Chỉ khi một thời gian trôi qua, The Man from U.N.C.L.E. mới được xem là bằng chứng về sự biến hoá tài tình mà Ritchie có thể mang lại cho những thương hiệu sẵn có. The Man from U.N.C.L.E. vốn là một series phản gián được sinh ra vào băm 1964. Đó là màn lột xác không thể chối cãi cho thương hiệu này.

Với câu chuyện xoay quanh một nhóm điệp viên đến từ hai phe đối địch phải hợp tác đế ngăn chặn thảm hoạ lớn hơn từ những kẻ buôn vũ khí. The Man from U.N.C.L.E., hay phải nói đúng hơn là Ritchie, đã dành thời lượng hơn 2 tiếng để chống lại những khuôn mẫu thịnh hàng của thể loại phản gián sau thành công của loạt phim 007.

4. Sherlock Holmes (2009)

Nhắc đến biệt tài làm mới thương hiệu, chúng ta phải nói đến bộ phim nổi tiếng nhất của Ritchie – Sherlock Holmes. Tại thời điểm này, Ritchie chỉ được biết đến là nhà làm phim chuyên trị phim gangster. Song Warner Bros. vẫn chọn ông cầm trịch bộ phim mà họ đặt mục tiêu là bom tấn hành động ngân sách lớn như Sherlock Holmes. Và Ritchie đã không khiến họ thất vọng.

Thay vì thể hiện câu chuyện từ góc nhìn của những tên tội phạm, với Sherlock Holmes, Ritchie đứng về phe anh hùng. Có lẽ vì thế mà hình tượng Sherlock dưới tay ông…nổi loạn khác thường. Phong cách chỉ đạo hành động của Ritchie phát huy hết công sức, tạo nên những trường đoạn gay cấn một cách tinh tế và đẹp đẽ trên nền nhạc sôi nổi và sự bắt nhịp nhịp nhàng mà nhà làm phim lồng vào phim.

5. Sherlock Holmes: A Game of Shadows (2011)

Dựa trên nguyên tác The Final Problem, một trong những chuyến phiêu lưu nổi tiếng nhất của Sherlock Holmes, Sherlock Holmes: A Game of Shadows là một trong số ít những phần phim tiếp theo (sequel) có thể tự hào hay không kém phần đầu tiên. Lần này, Ritchie phải cho Watson đi lấy vợ nên màn tung hứng giữa Watson và Sherlock phần nào mất đi những…xúc tác kỳ lạ đạo diễn hay lồng ghép vào các tuyến nhân vật của mình. Để bù đắp, Ritchie xây dựng một Sherlock Holmes: A Game of Shadows thậm chí còn sôi nổi hơn phần đầu, với các trường đoạn hành động được nhấn mạnh và mở rộng kỳ công hơn cả. Cộng với nhịp điệu nhanh chậm hợp lý và một phản diện ấn tượng, Sherlock Holmes: A Game of Shadows là một phim đáng tiền, đáng của.

6. Wrath of Man (2021)

Wrath of Man có thể nói là một màn thử nghiệm phong cách mới cho Ritchie. Đây là một bộ phim có rất ít những dấu ấn của vị đạo diễn, đồng thời có sự thay đổi ở các góc quay. Nhưng Wrath of Man có sức hút kỳ lạ, từ lối dẫn truyện phi tuyến tính đến những bí ẩn chồng chéo lên nhau. Jason Statham bận tả xung hữu đột, còn khán giả bận làm thám tử. Cuối cùng, mọi thứ quy về một điểm nhấn. Nhưng Wrath of Man lại giết nhân vật khá bừa bãi, một điều cho thấy bộ phim bị thừa nhân vật – một điều không giống Ritchie chút nào, vì nhà làm phim có biệt tài đặt nhân vật ở đúng chỗ và không gương mặt nào xuất hiện để chạy số lượng cả.

7. The Gentlemen (2019)

Đối với The Gentlemen, Guy Ritchie như trở về với vòng tay của thể loại nhà làm phim mát tay nhất. Tại thời điểm này, Ritchie đã làm một phim Disney là Aladdin (2019), một phim thần thoại như King Arthur: Legend of the Sword (2017), một phim điệp viên The Man from U.N.C.L.E., một phim về gangster là thứ Ritchie cần lúc ấy. Đó là sự tìm lại nguồn gốc của mình, nên chẳng trách mọi đặc điểm thét “made by Ritchie” được phóng đại hết cỡ.

The Gentlemen có cốt truyện điên rồ với nhiều tuyến nhỏ đan xen, chồng chéo, những biệt danh ngốc nghếch, những nhân vật anh em xã hội lập dị và những phân đoạn bạo lực để lại tiếng cười xen kẽ với những cú xuýt xoa mỗi khi ai đó phải “ăn đấm”.

Bạn có từng thắc mắc thói quen đặt biệt hiệu cho nhân vật của Guy Ritchie bắt đầu từ đâu? Đó là từ Snatch, một bộ phim hai hồi kể về một vụ trộm kim cương, hồi còn lại là một màn thanh toán nợ nần giữa một tay đấm bốc ngầm với một kẻ tổ chức những trận đấu phi pháp, với những nhân vật mà bạn không biết ai chính ai phụ như tên trộm Frank "Bốn Ngón", Mickey "Một Đấm", Tony "Răng Súng"...(tạm dịch).

Snatch rất vui nhộn, hấp dẫn và từng câu thoại đều rất linh hoạt. Phim cũng có sự tham gia của Brad Pitt, người đóng vai một du khách người Ireland và võ sĩ quyền anh ngầm với biệt danh nguy hiểm Mickey "Một Đấm", và mặc dù không hẳn là vai diễn sẽ được đề cử cho Giải Oscar, đây vẫn là một trong những màn trình diễn hay nhất và đáng ngạc nhiên nhất của nam diễn viên. Đây cũng là bộ phim mà các đặc trưng của Ritchie dần hình thành, ví như cốt truyện phức tạp và khiếu hài hước tỷ lệ thuận với các màn bạo lực, và tất nhiên, những cái biệt danh vui tai, tỏ ra nguy hiểm nhiều hơn là nguy hiểm thực sự.

Mong đợi lọt top phim hay: Operation Fortune: Ruse de Guerre (Phi Vụ Toàn Sao)

Lịch chiếu Phi Vụ Toàn Sao và mua vé Phi Vụ Toàn Sao tại Moveek

Khi một vũ khí bí ẩn rơi vào tay những kẻ có cái nhìn không mấy thiện cảm với thế giới hiện tại, một nhóm điệp viên được tập hợp để lấy lại hiện vật. Thứ cản đường họ? Một tỷ phú có tâm từ thiện nhưng là tay buôn vũ khí khét tiếng. Tệ hơn, nhóm điệp viên của chúng ta, do Jason Statham dẫn dắt, phải cạnh tranh với đồng nghiệp...vì lý do gì đó, để kịp deadline trước khi thế giới gặp vấn đề nan giải...gì đó - vì họ còn chẳng biết thứ vũ khí đó là gì.

Phi Vụ Toàn Sao của Guy Ritchie mở đầu cho năm mới thì không có gì bằng. Nhà làm phim vốn rất giỏi trong việc kết hợp bạo lực và khiếu hài hước, thêu dệt một câu chuyện nghe có vẻ nặng nề nhưng được thực hiện một cách nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng không thiếu kịch tính và gay cấn. Đó là ấn tượng đầu tiên của người viết về Phi Vụ Toàn Sao, một dự án phim phản gián rất Ritchie. Đó là hỗn hợp của câu chuyện nhiều khúc quanh với cú quay xe nhiều người sẽ trầm trồ vì có phong cách "ngầu" hơn ngạc nhiên. Thêm vào đó là chẳng ai đoán được câu chuyện sẽ tiếp diễn như thế nào. Đó luôn là điểm cộng. Trên hết, nó có thêm một câu chuyện tình dễ thương và một tên phản diện ấn tượng.

Nguồn ảnh: Screen Rant