Khi James Cameron ra mắt bom tấn Avatar vào năm 2009, khán giả đã thực sự bị choáng ngợp. Việc sử dụng công nghệ 3D chuẩn cùng những kỉ xão tân tiến lúc bấy giờ đã giúp phần nhìn của Avatar trở nên cực kỳ tuyệt vời. Phim thu về $77 triệu ngay tuần đầu và kết thúc với $760 triệu doanh thu nội địa ($2.7 tỉ trên toàn thế giới). Thậm chí các nhà phê bình cũng bị ấn tượng: Avatar được chấm 83% tươi trên Rotten Tomatoes và 83 điểm trên Metacritic. Để người đọc dễ hình dung, thì tác phẩm khoa học viễn tưởng của Alfonso Cuaron – Children of Men đạt 84 trên Metacritic, còn đối với The Dark Knight từ Christopher Nolan thì con số này là 82.
Avatar được đón nhận nồng nhiệt đến mức nó trở thành gương mặt sáng giá cho hạng mục “Best Picture” tại Oscar năm đó. Một khi đã xem Avatar, bạn có thể dễ dàng nhận thấy một tầm nhìn đầy quy mô và tham vọng từ người đã làm ra nó. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi mà người cầm trịch lại là James Cameron – vị phù thủy từng đứng sau thành công của những Terminator 2: Judgment Day, The Abyss, Aliens, and Titanic (đoạt giải Best Picture). James Cameron rõ ràng biết cách làm ra một bộ phim lộng lẫy và hợp thị chúng.
Điều này đã phần nào nói lên rằng, thành công đáng kinh ngạc của Avatar dường như không mấy liên quan đến sự tài tình trong cách làm phim, mà nó sử dụng chất liệu của một bom tấn (blockbuster) nhiều hơn. Tại Oscar 2010, tác phẩm The Hurt Locker từ Kathryn Bigelow đã giành giải Best Picture (cũng như việc nữ đạo diễn này giành luôn Best Director), trong khi đó Avatar lại được xướng tên ở các hạng mục Best Cinematography, Best Visual Effects và Best Art Direction (một sự thừa nhận tính đẹp đẽ của bộ phim thay vì tính cộng hưởng của nó).
Trong suốt năm 2010, người ta luôn ca ngợi Avatar là một trong những bộ phim hay nhất từng được làm. Tuy nhiên, như AMPAS đã lên tiếng, thì Avatar thiên về tính thẩm mỹ nhờ phần hình ảnh của nó hơn là một tác phẩm hay thật sự. Kể từ đó, tầm ảnh hưởng của Avatar bắt đầu đi xuống, và dưới đây là 8 lý do tại sao.
1. Một câu chuyện phóng đại được cóp nhặt từ nhiều nguồn
Như đã biết, cốt truyện của Avatar vốn dĩ được nhào nặn từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như dựa trên câu chuyện có thật Pocahontas và hai bộ phim Ferngully và Dances with Wolves. Trong đó có một cảnh phim giống đến từng-khung-hình với Ferngully (bạn có thể tìm trên internet).
Tuy rằng việc vay mượn thế này không có gì quá mới mẻ, nhưng biến tấu lại thế nào để câu chuyện có chất thơ hơn lại là một vấn đề khó nhằn khác. Tiếc rằng James Cameron cùng đội ngũ của ông quá tự tin vào độ hoành tráng của câu chuyện khi mà chưa có ai từng làm nó trước đây, và chính điều này đã làm Avatar kém hấp dẫn hơn hẳn.
Bằng việc mở đầu bằng những cảnh quay nhẹ nhàng, cũng như liên tục sử dụng joke rất duyên dáng (Sully dẫm phải đuôi của một người Navi, Sully nghĩ rằng anh đã dọa được một sinh vật lớn phải chạy đi, trong khi thực ra thì nó đang sợ hãi thứ khác đứng đằng sau anh), bạn có thể cảm nhận việc kịch bản đã rất cố gắng trong việc khiến khán giả thích thú. Cũng như khi Sully bắt đầu đặt nghi vấn về lòng trung thành của mình với đồng loại, thì người xem gần như đã biết được câu chuyện này rồi sẽ đi đến đâu.
Chính vì thế mà khi trận chiến cuối cùng diễn ra, dù rất phấn khích với bối cảnh chiến tranh hoành tráng đi nữa, thì người ta lại không cảm nhận được gì nhiều với câu chuyện phim, nhất là khi nó đã được kể quá trọn vẹn trong Dances with Wolves trước đây rồi.
2. Đối thoại thiếu khôn khéo
Với kỹ thuật dựng phim lên đến mức tài tình như thế, thì người ta cũng mong một điều gì đó tương tự với khả năng viết của ông. Nhưng cũng giống như Titanic trước đây, điểm mạnh của Avatar lại đến từ những mảng khác ngoại trừ kịch bản. Và một trong những phần kém hiệu quả nhất ở đây chính là thoại. Với cách sắp xếp của bộ phim, nó cần truyền đạt một lượng lớn thông tin đến với người xem thông qua những cảnh quay đầu tiên.
Bên cạnh sự dàn trải kém tinh tế đó, không thiếu những câu nói và cụm từ thiếu thực tế - những câu mà chỉ có thể xuất phát từ đầu óc của một người viết hơn là người ta sẽ thực sự nói với nhau ngoài đời. Điển hình là đây, hoặc cực kì cliché (“Tôi muốn cậu học hỏi bọn người này từ bên trong”), hoặc là quá mỉa mai (“Anh ta chết rồi. Tôi biết, điều này rất bất tiện cho mọi người”), những câu ngắn dùng khắc họa nhân vật quá đơn giản (“Tôi cần một nhà nghiên cứu chứ không phải một anh lính đầu đất”).
Tất nhiên, thường thì những bộ phim bom tấn không cần quá chú trọng vào thoại hay khiến nó trở nên sâu sắc, đáng suy ngẫm. Nên điều này hẳn nhiên không khiến Avatar bớt thành công đi, nó chỉ ngăn cho phim trở nên hoàn hảo thôi.
3. Kĩ xảo không phải lúc nào cũng ấn tượng
Không thể phủ nhận phần hình ảnh chau chuốt xuyên suốt phim, tuy nhiên, với một bộ phim được làm để giúp khán giả “rửa mắt”, thì có đôi lúc Avatar vẫn chưa khiến người ta thỏa mãn lắm (kể cả ở năm 2009). Khi được chiêm ngưỡng hành tinh Pandora lần đầu tiên, đa số đều thấy choáng ngợp với khung cảnh thiên nhiên quá sức hùng vĩ, nhưng nói đi cũng phải nói lại, cây cối nhìn có phần hơi giả tạo. Nó phá hỏng sự hoàn hảo bằng cách khiến bối cảnh bớt hoàn hảo đi ít nhiều.
Phân cảnh những người lính trong phim mang mặt nạ nhìn cũng như một cảnh trong video game hơn là người thật việc thật trong một bộ phim. Bên cạnh đó, có rất nhiều sinh vật (ví dụ như vượn cáo) rõ ràng là 100% CGI, chúng được dựng rất sắc nét, chỉ có điều đó không phải là cái nét của thế giới thực.
Vấn đề lớn nhất mắc phải đó là, đội ngũ làm phim muốn khán giả nhìn nhận người dân Na’vi như những con người thật, thế nhưng lại rất khó khi trông họ lúc nào cũng như nhân vật hoạt hình. Mặc dù motion-capture đã diễn tả biểu cảm khuôn mặt của họ chính xác, nhưng khán giả vẫn mong điều gì đó hơn thế.
4. Diễn xuất chỉ ở mức trung bình
Một bộ phim lập kỉ lục doanh thu phòng vé và dẫn đầu bình chọn Best Picture tận vài tháng, vậy mà lại không có màn biểu diễn nào quá thuyết phục. Sam Worthington đã diễn tròn vai một anh lính hiếu chiến nhưng dần trở nên khiêm tốn hơn vào cuối phim.
Tương tự, Zoe Saldana là một diễn viên tài năng, và lần xuất hiện này cũng không phải ngoại lệ. Trong vai Neytiri, cô là xuất phát điểm của khán giả khi bước vào tâm trí của người Na'vi, cũng như giúp xóa bỏ khoảng cách giữa hai giống loài trong phim. Gần như suốt phim, cô đã làm rất tốt. Tuy nhiên, không màn biểu diễn nào có thể đánh bại được tổng thể bộ phim cả. Nói vậy có nghĩa là, những nỗ lực diễn xuất của họ chỉ để phục vụ cho hiệu ứng kĩ xảo và các chuỗi hành động mà thôi.
5. Một câu chuyện tình yêu quá phổ thông
Cũng vì hiệu ứng hình ảnh quá đồ sộ, mà câu chuyện tình yêu trong phim chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài tính tượng trưng cả. Mọi thứ giống như được viết trên đúng một trang giấy và đặt tất cả nhân vật vào trong mà không có chút cảm xúc nào. Lại lần nữa, Worthington và Saldana vẫn ổn và làm hết sức mình, nhưng nhánh tình cảm thì tiếc rằng chả có chiều sâu.
Câu chuyện trong đây còn cũ hơn cả Shakespeare. Hai phe phái chiến đấu, sẵn sàng để giết nhau, phát hiện ra rằng hai người trong đội ngũ của mình lại đang yêu. Đôi tình nhân buộc phải đưa ra lựa chọn: hoặc ở lại bên đồng đội và chống lại tình yêu của họ, hoặc là tìm ra cách để ngăn chặn cuộc chiến này. Phiên bản chuyện tình này có thể đã trở nên hấp dẫn khi kết hợp tất cả những vấn đề trên, thế nhưng nó lại quá hời hợt.
Phân đoạn Neytiri cứu Jake khỏi tay đại tá Quaritch (Stephen Lang) và đeo lại mặt nạ cho anh cũng mang lại một số cảm xúc đáng kể, tuy nhiên, đa số khán giả lại đoán trước được vì họ đã xem qua cảnh này trong nhiều phim trước đó rồi.
6. Thời lượng phim quá dài
Khi mà một bộ phim kéo dài đến 2 tiếng 40 phút, người xem cần phải thấy như từng khung hình đều là thiết yếu và phục vụ một mục đích nhất định. Sự thật là, dù việc minh hoạ vẻ đẹp cũng như sự uy nghi của thiên nhiên là điều không thể tách rời trong câu chuyện Avatar, thì dường như những phân đoạn Jake và người bản xứ kết nối với mẹ thiên nhiên lại không cần thiết lắm.
Giống như King Kong của Peter Jackson, Avatar và Cameron dường như tin rằng bất kỳ lý do gì để tạo ra một con vật thú vị hoặc một bối cảnh quyến rũ là một lý do chính đáng; cũng với ý nghĩ đó, họ tin rằng kéo dài thời gian của khán giả dành cho tác phẩm là việc nên làm. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Avatar có hàng tá cảnh có thể lược bớt đi để rút ngắn câu chuyện và giúp nó thêm phần chặt chẽ. Tất nhiên không phải ai cũng phát mệt với độ dài của Avatar, chỉ là họ cảm thấy hơi phiền bởi thời gian của mình không được đền đáp xứng đáng.
7. Ý nghĩ truyền tải nhàm chán
Phim ảnh vốn để giải trí. Còn nó có mang ý nghĩa sâu sắc hay không thì chỉ là phần tặng thêm dành cho khán giả thôi. Tuy nhiên, với những bộ phim được xem là vĩ đại nhất mọi thời đại thì yếu tố này luôn luôn hiện hữu. Và đây chính là điểm mà Avatar gặp trúc trắc. Giống như Titanic, chủ đề của nó bằng phẳng và quá rõ ràng.
Nó được thể hiện qua các nhân vật mang tính kiểu mẫu như sau: tên đại tướng khát máu, gã CEO hèn nhát, nhà khoa học dịu dàng nhưng kiên định, một gã semi-nerdy, cuối cùng là một người bạn trung thành luôn hỗ trợ nhân vật chính. Đây là những stereotype rất thường thấy trong bất cứ tác phẩm điện ảnh nào.
Khán giả cũng vì thế mà chẳng chiêm nghiệm được điều gì mới mẻ hay sâu sắc, vì mọi thứ trong phim đều như được viết bằng chữ in hoa cả rồi.
8. Doanh thu đã làm lu mờ mọi điều nói trên
Tiền bạc luôn là điểm mấu chốt của Hollywood. Avatar đã làm mọi người giật mình (và gần như khó hiểu) với số tiền nó kiếm được vào thời điểm đó. Nhưng cho dù là vậy thì 8 năm sau, con số khổng lồ này vẫn không bảo vệ được Avatar khỏi việc bị đào bới ý nghĩa mà nó mang lại. Có lẽ mãi mãi, nó sẽ nằm trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, nhưng hiện tại thì mọi người chỉ nhìn nhận nó như một gói bỏng ngô làm hài lòng đám đông hơn là một trang sử thi gì đó quá hào hùng.
Hai năm trước, Star Wars, Episode VII — The Force Awakens đã vượt qua Avatar và dành danh hiệu phim có doanh thu cao nhất thời đại. Như vậy, doanh thu chỉ cho thấy sự hài lòng của đại đa số khán giả với phim, nhưng nó không hề đảm bảo rằng ảnh hưởng của phim sẽ trường tồn mãi với thời gian.
Với giá vé ngày càng đi lên như hiện nay, thì một số tác phẩm được dàn dựng tốt và phù hợp thị hiếu người xem, chẳng chóng thì chày sẽ sớm vượt Avatar trên bảng xếp hạng box office. Còn Avatar, khả năng cao sẽ được xem như một tượng đài của tác phẩm điện ảnh mang đậm tính giải trí và đầy hứng khởi, nhưng nếu xếp vào hàng kinh điển thì rõ ràng là không.
Nguồn: Taste of Cinema