“Stories are important…They can be more important than anything. If they carry the truth.” Patrick Ness - A Monster Calls
Kể chuyện cần một tài năng, và câu chuyện hay là một món quà. Một bộ phim, dù không giống viết một cuốn truyện, nhưng chung quy, cũng là cách một câu chuyện muốn chạm đến độc giả.
A Monster Calls là một câu chuyện về những câu chuyện. Là câu chuyện nội tâm kì lạ của một đứa bé trong câu chuyện về chính cuộc đời thật câu đang phải đối diện. Là câu chuyện thần cây kiên nhẫn kể mỗi đêm. Câu chuyện là bài học, là lời thú tội, là lời nói dối nhưng cũng là sự thật, là thật hư lẫn lộn. Chúng hoà quyện với nhau tạo nên một bàn tiệc thịnh soạn có phần hơi ngán cho một buổi chiều mưa lạnh tầm tã.
Về cơ bản, tôi thấy bộ phim này hướng về trẻ con. Nhân vật chính là một đứa trẻ và cái thế giới quan của nó, nhân vật có một người bạn tưởng tượng và có quyền năng. Có những câu chuyện cổ tích và animation cũng lung linh tương thích. Cách dẫn chuyện khá rành mạch, tình huống không phức tạp, sau mỗi câu chuyện thì bài học cũng được nói thẳng luôn chứ không bắt người đọc phải tự suy ngẫm. Và nếu như cái plot twist như thật, thì phim đích thị là cho thiếu niên xem.
Tuy nhiên, nếu muốn chạm đến các tầng lớp nghĩa và cảm nhận sâu sắc thì lại quá sức đối với một đứa trẻ. Trừ khi gia đình bé có cha mẹ li dị, mẹ ung thư sắp chết và ở trường bị bắt nạt (điều này trẻ con phương Tây không ít nên dễ hơn, còn trẻ con Việt Nam thì khó mà cảm nổi). Cần một tâm hồn từng trải hơn mới không bị khó chịu bởi tính khí của nhân vật và tiết tấu chậm chạp của bộ phim. Cần nhiều tội lỗi và nhiều lần hối hận, nhiều nỗi đau hơn thì mới hiểu cho lời thú nhận của nhân vật chính. Trong phim có 2 nhân vật trọng tâm là chú bé và thần cây. Tôi không bàn nhiều về nội dung phim, vì khi kể thôi, thì nó khá là nhàm chán. Nhưng khi xem bạn sẽ tự nghiệm ra được câu chuyện của riêng mình. Tôi nghĩ việc khắc họa nội tâm câu bé là một lựa chọn rất thông minh. Vì nếu không có nó, ta vẫn hiểu được câu chuyện thực tế của cậu, nhưng nếu thế, thì đó lại là một câu chuyện nhàm chán và quá cliche. Thế nên phải rắc thêm chút bụi phép không chỉ níu chân người xem mà cũng để giới thiệu một góc nhìn khác.
Nếu bạn đã xem Guardians of the galaxy, đoạn đầu cảnh Starlord và người mẹ ung thư chết đi cũng từa tựa thế này đấy, và nếu ta tự hỏi, có lẽ nào Peter Quill cũng có một người bạn tưởng tượng để vượt qua đau buồn như Connor không?
Thằng bé Conor này, người ngoài nhìn vào,chắc chắn là đáng ghét. Nếu xem đến gần hết phim, bạn sẽ nghĩ tất cả đều là tưởng tượng của nó và thằng bé này có vấn đề về thần kinh. Nó quá buồn bã, quá thụ động,luôn luôn gắt gỏng với mọi người. Đã thế lại còn có chút ích kỉ và còn không tôn trọng người lớn nữa. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là một vỏ bọc được dựng lên để che dấu nỗi đau bên trong mà thôi. Và vị thần cây lúc này xuất hiện, từ những giấy mơ và hình vẽ trên giấy của Conor. Thần cây, tôi nghĩ mỗi người sẽ có một hình ảnh ẩn dụ dành cho riêng mình. Thần cây là tình yêu của mẹ, cũng có thể là lương tri của bản thân hoặc chỉ đơn giản là một người bạn tưởng tượng mà thôi. Nhưng vị thần này rất ngầu và kể chuyện rất hay đấy chứ, nếu được tôi cũng muốn có một người bạn như vầy.
Chi tiết cuối phim đã lôi tôi lại để lựa chọn, rằng cuối cùng, vị thần cây này có thật hay không. Và tôi chọn tin vào điều đó. Rằng thần cây kia là thật, là liên kết tâm linh giữa mẹ và con trai, và là nỗ lực cuối cùng của người mẹ cứu con trai mình. Tôi tin thằng bé có một người bạn ở bên, em cần điều ấy, người bạn giúp em giải tỏa tâm tư, giúp em nhìn thấy bản thân, để chấp nhận chính mình. Vì em cô đơn quá lâu và đau khổ quá nhiều rồi. Người lớn, với sự thực dụng, đã không còn đủ cần đảm để có được một người bạn thần kì như vậy nữa. Và với việc chấp nhận chuyện đó, tôi xếp loại phim 12+. Tình yêu thương, cuối cùng vẫn là phép màu mạnh mẽ và kì diệu nhất.
Điều tôi thích ở nội dung phim đó là cách khắc họa lòng dũng cảm. Vì cái sự thật cuối cùng, theo lẽ thường nhé, nếu người lớn nhìn nhận, thì sẽ bị coi là bất hiếu vô ơn. Nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi đảm bảo ai cũng sẽ có lúc nghĩ như vậy. Chưa kể cậu bé đã phải chịu đựng quá lâu và che giấu quá nhiều, đến nỗi chai lì với khả năng chịu đựng (cứ nhìn cách bị bắt nạt thì thấy liền). Chỉ khi gần đến ngày người mẹ đi , thì thần cây đến, cậu bé mới bộc lộ dần dần con người vô hình bao lâu nay kiềm chế. Từ nhận thức về người xung quanh, đến bộc lộ nhận thức về cảm xúc của bản thân và cuối cùng là đối diện với chính mình. Nói thật với người khác rất khó khăn, nhưng cần gấp ngàn vạn lần sự dũng cảm đó để thành thật với chính mình.
Tôi không đánh giá cao diễn xuất của cậu bé Lewis MacDougall vì tôi không nhìn ra được biểu cảm của nhân vật. Phần lớn thời gian, cậu bé không cau có nhăn mặt thì cũng là la hét, khi từ biệt mẹ mình đoạn cuối tôi không nhìn ra nỗi đau khổ chia li, kể cả khi làm việc mà mình thích là vẽ, ánh mắt cậu bé cũng không hề cho thấy một niềm đam mê hay vui thích nào cả, ánh mắt chuyên chú thì lại lạnh nhạt. Nhìn thằng bé này, nhiều lúc hơi ức chế. Nhân vật phụ khác thì diễn tròn vai, và giọng chú Liam siêu trầm ấm truyền cảm.
Bộ phim này, có lẽ khó mà phù hợp với thị hiếu người Việt. Vì nó quá xa về bối cảnh để một người lớn có thể liên hệ (trừ khi tuổi thơ bạn "đẹp" y nguyên như thế) , lại quá nặng nề để một đứa trẻ chịu ngồi lâu quá 1 giờ đồng hồ. Nhưng mà, tại sao không? Trong một cái thị trường không phim bom tấn hành động, cháy nổ với siêu anh hùng muốn bội thực thì cũng hài nhảm pha kinh dị, chưa kể phim thiếu nhi thì phải vui tươi và đầy màu sắc và hát hò đủ kiểu. Thì một lựa chọn thể loại fantasy đầy may rủi, có một chút tâm lí nặng đô và một lời gọi nhớ về tiềm thức ngày xưa cũng xem như là dũng cảm đấy chứ nhỉ?
Nguồn: Amira