Tin điện ảnh

Aladin và Ngàn Lẻ Một Thứ: Tinh Thần Phiêu Lưu Bất Diệt

_ Phim hay vkl, mấy thím trong Sài Gòn đi coi được thì đi. Dẫn gấu/gái/trai mà mình thích đi theo coi, đảm bảo sẽ tạo thành kỉ niệm đẹp.

----
Điều gì làm một hãng phim quyết định ra mắt một bộ phim kể về câu truyện cổ tích ở xứ sở Ba Tư đầy nắng gió sa mạc , vào đúng ngay dịp Giáng Sinh?

Điều gì làm chàng Aladin nghèo khổ chinh phục được nàng công chúa bướng bỉnh Shallia?

Theo tôi, đó chính là tinh thần phiêu lưu của những con người có trái tim quả cảm.

Câu chuyện của phim bắt đầu khi Sam, nhân vật chính của chúng ta chào tạm biệt bạn gái là Sophia để đi làm. Sam nói dối rằng anh là người môi giới chứng khoán. Nhưng thực ra, anh chỉ là người đóng vai ông già Noel để đánh cắp khu mua sắm vào dịp Giáng Sinh. Rắc rối bắt đầu khi lũ trẻ trong lúc chờ cha mẹ đi mua sắm đã đòi Sam phải kể truyện cổ tích. Và Sam đã kể lại câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần” theo “phong cách xì tin” của mình. Câu chuyện của Sam đã chinh phục lũ trẻ lẫn khán giả trước màn hình, đem lại những tràng cười bất tận cho mọi người.
Nếu bạn đã từng trải qua tuổi thơ làm bạn với những bộ truyện tranh Pháp-Bỉ như “Lucky Luke”, “Asteris và Obelix” hay đã từng xem qua loạt phim hài “Taxi” (Sau này được Hollywood dựng lại với sự tham gia của nữ diễn viên Queen Latifah), thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra nét tinh tế của “gu hài kiểu Pháp” trong bộ phim này. Những đoạn đối thoại với những câu “đá đểu”, những tình huống hài phóng đại nhưng không quá lố của bộ phim khiến khán giả có được cảm giác “cười như một đứa trẻ”. Nhà biên kịch cũng rất “chịu chơi” khi dung hòa cả những nền văn hóa khác vào tác phẩm của mình. Những nét văn hóa đó tạo nên nét chấm phá đầy bất ngờ, làm tăng cảm tình khán giả đối với bộ phim.

Và tuyệt vời hơn nữa, bộ phim không dừng lại ở mức giải trí suông. Đạo diễn Arthur Benzaquen đã xây dựng nhân vật thuyết phục, tạo nút thắt thích hợp để truyền cảm hứng về tinh thần phiêu lưu của con người trải suốt mấy ngàn năm. Chính nhờ tinh thần phiêu lưu ấy mà Aladdin, Sam và bộ phim này đã chinh phục được tất cả những ai chứng kiến.

Dàn diễn viên của bộ phim cũng là một điểm cộng khác: Aladdin/Sam đầy tinh nghịch và dũng cảm do Kev Adams đóng, hay tay tể tướng gian ác do Jean-Paul Rouve … tất cả bọn họ đều có thần thái của riêng mình, tạo nên một thế giới cổ tích huyền ảo nhưng cũng rất chân thật.

Như đã nói ở trên, bộ phim mang nhiều nét văn hóa pha trộn, nên nhạc phim cũng đầy những biến tấu đáng yêu. Những giai điệu hip hop mang âm hưởng Ba Tư, những đoạn nhạc lãng mạn đậm chất Pháp được sử dụng một cách hoàn hảo, tạo nên những khoảnh khắc rất riêng mà cho bộ phim này.

Nếu có điểm trừ, thì chính là nhà phát hành Green Media đã chiếu tại Việt Nam bản lồng tiếng Anh của bộ phim này. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể của một số dân tộc tạo nên ấn tượng của dân tộc ấy. Người Việt với thứ ngôn ngữ đa âm sắc thường thể hiện biểu cảm rõ rang trong câu nói. Trong khi đó, người Anh với tác phong “phớt tỉnh Ăng-lê” thì tạo nên một sắc thái nghiêm trang cùng với những âm trầm và nặng của tiếng Anh gốc. Chính vì thế, một bộ phim Pháp lồng tiếng Anh đã tạo nên sự “lệch tông” trong biểu cảm, khiến cho người xem có cảm giác gượng gạo. Ngoài ra, một số chi tiết hài có phần hơi quá xa vời so với thông điệp chính của bộ phim, làm loãng mạch truyện.

Nhìn chung, “Aladdin và 1001 thứ” là một bộ phim hay, đáng để đặt vé mua xem ngay hôm nay, xem lịch chiếu.