Giữa những làn đạn và âm mưu gián điệp, một âu chuyện tình giữa hai điệp viên được viết nên đầy lãng mạn nhưng liệu giữa những hiểm nguy của nghề tình báo, tình yêu đó có đi được đến cuối con đường?
Lấy bối cảnh Thế chiến thứ II, Allied (tựa tiếng Việt “Liên minh Sát thủ”) - bộ phim mới nhất từ đạo diễn Robert Zemeckis mở đầu bằng hình ảnh đầy nắng gió giữa sa mạc Bắc Phi năm 1942, Max Vatan (Brad Pitt) - trung tá tính báo Không quân Hoàng gia Canada được lệnh ám sát đại sứ Đức Quốc xã tại đây. Anh phải phối hợp & cải trang thành một đôi vợ chồng để che mắt kẻ thù với Marianne Beausejour (Marion Cotillard) – điệp viên của phe kháng chiến Pháp. Dần dần, tình cảm giữa họ dần nảy nở và Max đã ngỏ lời cầu hôn Marianne. Họ có với nhau một gia đình nhỏ và một đứa cô con gái xinh đẹp. Nhưng khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc không được lâu, thử thách và kẻ thù lại ập đến, Max được cấp trên báo tin vợ anh rất có thể là một điệp viên hai mang. Max buộc phải đưa ra chọn lựa giữa tình yêu, gia đình hay nghĩa vụ…
Allied có một kịch bản chỉn chu và được đầu tư nghiêm túc. Tuy vậy việc tiếp tục khai thác câu chuyện tình báo và tình yêu giữa thế chiến có phần gây nhàm chán và trùng lặp. Không ít tình tiết trong phim làm người xem liên tưởng tới những bộ phim cùng khai thác cùng chủ đề như “Black Book” hay “Inglourious Basterds”.
Toàn bộ câu chuyện được chia làm hai phần chủ đạo, phần đầu thực hiện nhiệm vụ ám sát ở Casablanca và phần cuối khai thác câu chuyện tình giữa Max và Marianne tại London. Với đạo diễn giàu kinh nghiệm như Robert Zemeckis, ông khá “chắc tay” ở câu chuyện khi đưa vào nhiều chi tiết nhằm làm nổi bật mức độ nguy hiểm và lạnh lùng của nghề tình báo. Và các chi tiết này làm nên thành công của nửa sau câu chuyện, khi người xem phải kết nối các tình tiết của phần trước để tìm ra câu trả lời cho thân phận của Marianne.
Hai vai diễn Max Vatan, một người chồng, người cha mẫu mực với tình yêu và gia đình và Marianne Beausejour, một đóa hoa tỏa sáng rực rỡ giữa sự nghi kị và nguy hiểm luôn rình rập được hai diễn viên chính dày dạn kinh nghiệm là Brad Pitt và Marion Cotillard hóa thân. Brad Pitt dù ngoài 50 tuổi nhưng anh vẫn làm tròn vai diễn với thần thái lịch lãm, điển trai nhưng đó là tất cả những gì mà anh làm tròn ở vai diễn của mình. Khán giả có thể đã quá quen mắt với vai diễn người lính trong chiến tranh mà anh đã có trong sự nghiệp, Allied cũng là bộ phim thứ tư về đề tài thế chiến anh đã góp mặt. Ở chiều ngược lại, Marion Cotillard là điểm sáng của cả bộ phim, diễn xuất của cô xứng đáng chiếm trọn những lời khen dành cho bộ phim, biểu cảm đa dạng của cô thể hiện tốt vai diễn một người phụ nữ vì tình yêu và gia đình, một vai diễn có chiều sâu nội tâm nhưng lại quá ít đất diễn. Các vai diễn phụ trong phim có phần thừa thãi và không thể hiện được gì nhiều.
Âm nhạc phim không thể hiện được nhiều trong phim, khi hầu hết thời lượng, phần nhạc nền không góp phần thúc đẩy cảm xúc của khán giả lên cao, điều này thật sự gây tiếc nuối lớn. Phần âm không thành nhưng bù lại, phần hình được đầu tư kỹ lưỡng, với bối cảnh thập niên 1940, hình ảnh trong phim được trau chuốt tinh tế từ các khung cảnh đêm đầy thơ mộng ở Casablanca, hình ảnh hai nhân vật chính âu yếm nhau trong chiếc ô tô giữa trận bão cát cho đến những dãy phố ở London phải gồng mình hứng chịu mưa bom từ kẻ thù. Tông màu của bộ phim theo cùng cảm xúc, cùng phong cách thời trang cổ điển cũng được thiết kế bài bản, đội ngũ thiết kế phục trang xứng đáng được khen ngợi.
Allied với chất liệu phim hoài cổ nhưng không mới lạ cùng câu chuyện tình yêu lãng mạn đan xen kịch tính với thông điệp “tình yêu thời chiến cũng là chiến trường” dường như không gây được nhiều ấn tượng trước khán giả khi đứng những bộ phim cùng thể loại. Một chút đáng tiếc cho Allied, một bộ phim khá với ý tưởng kịch bản tốt cùng dàn diễn viên nổi tiếng nhưng với những sai lầm trong kịch bản đã khiến cho bộ phim không vượt qua được “ngưỡng an toàn” để trở nên xuất sắc.