American Horror Story (AHS) là một tập hợp các bộ phim truyền hình kinh dị khác nhau nhưng có liên kết của Ryan Murphy. Tuy là kẻ tiên phong trong thể loại tuyển tập (anthology) và đặt ra chuẩn mực cho các hậu bối, AHS vẫn không thể tránh được chất lượng biến thiên liên tục qua các mùa phim. Vậy, đâu là mùa phim hay nhất của tuyển tập kinh dị nổi tiếng này?
8. Freak Show (Mùa 4)
Về mặt hình ảnh, bộ phim có thể chinh phục những khán giả khó tính bằng sự chỉn chu và tỉ mỉ trong khâu tạo hình. Nhưng đó là điều duy nhất mùa thứ tư làm được.
Vấn đề lớn nhất của Freak Show nằm ở khâu kịch bản. Sau một khởi đầu mạnh mẽ, bộ phim ngày càng mải mê việc đưa ra quá nhiều cốt truyện phức tạp chồng chéo với dàn nhân vật ngày càng nhiều mà quên hẳn tính thống nhất, khiến bộ phim trở nên lan man, phân tán và khó hiểu. Càng về sau, bộ phim dần bỏ rơi cốt truyện chính và trở thành một buổi trình diễn thời trang quái dị được nhấn nhá bằng những pha chém giết máu me đến nhức mắt.
Phạm một sai lầm nghiêm trọng trong việc làm phim, Freak Show có chất lượng thấp nhất trong bộ tuyển tập kinh dị của Ryan Murphy.
7. Hotel (Mùa 5)
Không có gì đáng nói nếu đội ngũ biên kịch của Hotel tự phát triển điểm độc đáo của riêng nó. Nhưng họ lại tái sử dụng ý tưởng của Murder House một cách trắng trợn. Tức, ta có phiên bản khách sạn của ngôi nhà ma ám có khả năng giam cầm những hồn ma của những ai chết trong đó.
Dù chỉ tung hứng hai cốt truyện, nhưng bộ phim lại không thể nhịp nhàng kết hợp chúng, bất chấp có chung hàng loạt mối liên kết. Kẻ sát nhân làm chuyện của hắn. Nữ Bá Tước lo chuyện riêng của cô ta. Đến cuối cùng, gia đình Lowe được đoàn tụ trong Cortez thì cả hai cốt truyện trên vẫn không thể ăn nhập gì cả!
Điều an ủi duy nhất là bộ phim đã được cứu vớt phần nào nhờ vào tài năng diễn xuất của Lady Gaga. Nữ Bá Tước Ma-cà-rồng Elizabeth lộng lẫy, mang vẻ đẹp lay động nhưng nguy hiểm không kém hồn ma giết người ở Cortez khiến người ta không thể rời mắt khỏi mỗi lần cô xuất hiện. Thậm chí, nhân vật của Gaga xuất sắc đến mức lấn át cả các nhân vật khác, trừ thám tử John Lowe – nhân vật được Wes Bently gạo cội đảm nhận – đã may mắn không bị nhấn chìm trong hào quang mang tên Mother Monster.
6. Roanoke (Mùa 6)
Dựa trên một sự kiện bí ẩn có thật mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp ở Mỹ, Roanoke có tất cả những tư liệu cần thiết và cả một bầu trời sáng tạo để thỏa sức vẽ lên một chương truyện kinh dị xuất sắc. Nhưng những gì mà Roanoke thể hiện đã không thể truyền tải được trọn vẹn độ kinh dị lẫn kì bí bủa vây thuộc địa Roanoke khi nơi này đột ngột biến mất khỏi thế gian chỉ trong một đêm. Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức ổn. Chất kinh dị cũng không có gì mới mẻ.
Tuy nhiên, mùa phim này vẫn ăn điểm ở khâu dàn dựng khi được thực hiện Roanoke theo cách phim lồng phim như các chương trình thực tế - nơi mà người ta ngồi thuật lại những sự kiện đã xảy đến với mình trước ống kính và diễn viên sẽ dàn dựng lại khung cảnh được kể.
5. Apocalypse (Mùa 8)
Mùa phim mới nhất của American Horror Story là màn crossover đình đám giữa Coven và Murder House. Apocalypse để lại nhiều khoảng khắc đáng nhớ với chủ đề hậu tận thế, cũng như đã kết hợp nhuần nhuyễn và hợp lí hai yếu tố siêu nhiên và khoa học.
Mùa 8 tận dụng sự đơn giản cho cốt truyện – một hội phù thủy quyết tâm ngăn chặn sự thống trị của Satan, sáng tạo dựa trên những khái niệm đã được trau chuốt từ hai mùa phim trước, và tạo những cú twist bất ngờ. Bộ phim đã làm sống dậy sự hào hứng thuở nào của khán giả AHS. Tiếc thay, mùa 8 cũng hồi sinh cả cảm giác chưng hửng mà AHS thường mắc phải với cái kết mang tính “đầu voi đuôi chuột” so với sau một kịch bản đồ sộ.
Apocalypse đáng lẽ đã tốt hơn nếu màn kết thúc không bộc lộ rõ sự lười biếng của đội ngũ biên kịch.
4. Coven (Mùa 3)
Nhắc đến phù thủy, chúng ta ngay lập tức nghĩ đến những màn đấu phép quyết liệt, đũa thần và chổi. Nhưng đó không phải là bản chất của Coven. Bù lại, ta có những màn đấu trí, tâm lí, thao túng đỉnh cao, pha trộn với không khí siêu thực đến từ hàng loạt các truyền thuyết dân gian nổi tiếng và phong cách thời trang huyền bí của New Orleans – cái nôi của phù thủy xứ cờ hoa.
Vấn đề mà Coven gặp phải đặc biệt hơn hẳn các phần trước. Không phải kịch bản hay diễn xuất, bộ phim khiến người ta phải phì cười vì thói quen hồi sinh người chết… như cơm bữa mà không hề phải trả bất cứ cái giá nào. Cũng phải! Cần gì đến định luật tự nhiên khi bộ phim đã có Jessica Lange và Sarah Paulson bảo kê nhỉ?
3. Cult (Mùa 7)
Bằng lối kể chuyện tinh tế, Cult không ngần ngại so sánh tân Tổng thống Donal Trump với một Kai Andersons (Evan Peters) thất thường, cuồng tín, và cực đoan. Chất kinh dị của Cult không nằm ở những màn giết người mà thể hiện ở những phân đoạn nỗi sợ và sự hận thù được sử dụng để thao túng dư luận. Chúng có quyền năng hơn cả sự tôn trọng và đức tin, ít nhất là theo quan điểm của Ryan Murphy. Đến phút cuối, bộ phim truyền tải một thông điệp đầy sâu cay và tự giễu dành riêng cho bộ phận khán giả Mỹ: Nếu muốn đánh bại một tà giáo, hãy gia nhập một tà giáo khác.
Cô đọng và gọn ghẽ, Cult truyền tải một nước Mỹ thu nhỏ dễ bị dắt mũi và chia rẽ. Chân thật, trào phúng, mỉa mai thầm lặng tính cách của đám đông Mỹ, có thể nói, Cult là bộ phim được xây dựng dành riêng cho đất nước quê nhà của đạo diễn Murphy. Có lẽ do tính đặc thù này, nên chương thứ 7 của AHS chỉ hấp dẫn với những ai đam mê nền chính trị thế giới hơn là tìm đến phim ảnh với mục đích giải trí đơn thuần. Nhưng ngay cả đặc thù trên vẫn không thể giảm đi tính xuất sắc của nó.
2. Murder House (Mùa 1)
Cái hay của Murder House nằm ở tính bức phá khỏi khuôn mẫu. Thay vì phát triển cốt truyện theo lối mòn là giải thích nguồn gốc của ngôi nhà, bộ phim tập trung lột tả trò chơi tâm lí hiểm ác khóa chặt các nạn nhân vào nơi đây ngay cả sau khi chết. Bộ phim không làm cho người xem cảm nhận được ngay bầu không khí bất thường của ngôi nhà, dù đã được tựa phim mách nước trước. Nhưng từng chút, từng chút một, các nhân vật lẫn khán giả bị kéo vào mê cung thực – giả khi ngôi nhà xóa nhòa dần ranh giới của người sống – kẻ chết.
Mùa đầu tiên quy tụ hàng loạt những yếu tố làm nên một bộ phim kinh dị mẫu mực: kịch bản đơn giản, dễ hiểu, nhân vật được phân bố hợp lí, diễn xuất điêu luyện, ý tưởng sáng tạo, ý nghĩa nhân văn và cái kết khiến người xem phải bất ngờ và day dứt. Những yếu tố trên đã hợp lực giúp bộ phim thành công trong việc xây dựng một cốt truyện có đủ cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, Murder House vẫn phải chịu thua trước một người em của nó.
1. Asylum (Mùa 2)
Asylum hội tụ đủ các yếu tố bạo liệt, căng thẳng, bi kịch, trần tục, khát máu, điên rồ và sâu sắc. Mùa hai giảm tải tối đa yếu tố siêu nhiên để tập trung khắc họa sự tha hóa cũng như khao khát được làm người tốt của con người.
Không giống với Freak Show, Asylum cân bằng những câu truyện khác nhau giữa các nhân vật, liên kết chúng một cách nhịp nhàng và đảm bảo rằng chúng đều có vai trò trong cốt truyện chính. Ryan Murphy đã trau chuốt một cách tỉ mỉ trong khâu phát triển nhân vật, để họ có đủ thời lượng để bộc lộ những chuyển biến tâm trạng phức tạp mà một bộ phim tâm lý, kinh dị đòi hỏi. Bên cạnh đó, ông vận dụng một loạt các truyền thuyết thành thị cho đến tôn giáo để tạo nên một cốt truyện vô cùng hấp dẫn. Đây là mùa phim duy nhất sở hữu một cái kết vừa xứng tầm vừa có hậu.