Bom tấn Avengers: Infinity War đang tung hoành khắp màn ảnh thế giới. Bên cạnh những lời khen có cánh dành cho bộ phim thì nó cũng nhận được không ít lời chê bai. Đây có thể là bộ phim về siêu anh hùng lớn nhất từng được sản xuất tính đến hiện thời nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để có thể xem là một bộ phim hay. Hãy cùng điểm qua 5 điều khiến Infinity War không được đánh giá cao.
1. Quá nhiều nhân vật
Trận Chiến Vô Cực là sự kiện lớn nhất trong truyện tranh Marvel và không ngạc nhiên gì khi nó là tâm điểm mà Disney dày công chuẩn bị trong hơn 10 năm qua, tận 19 phim để đội quân siêu anh hùng quyết chiến với siêu ác nhân hùng mạnh bậc nhất toàn bộ vũ trụ Marvel – Titan điên Thanos. Có hơn 60 nhân vật xuất hiện trong bộ phim. Các siêu anh hùng và đồng minh bao gồm: đội Avengers với các thành viên chủ chốt như Captain America/Steve Rogers (Chris Evans), Iron Man/Tony Stark (Robert Downey Jr), Bruce Banner/Hulk (Mark Ruffalo), Natasha Romanoff/Black Widow (Scarlett Johansson), Thor (Chris Hemsworth), Wanda Maximoff/Scarlet Witch (Elizabeth Olsen), Vision (Paul Bettany)…, đội vệ binh Giải ngân hà với Peter Quill/Star-Lord (Chris Pratt), Gamora (Zoe Saldana)…, đội quân thiện chiến ở vương quốc Wakada dẫn đầu bởi T’Challa/Black Panther (Chadwick Boseman), M’Baku (Winston Duke), Okoye (Danai Gurira)… cùng các nhân vật như Stephen Strange (Benedict Cumberbatch), Wong (Benedict Wong), Loki (Tom Hiddleston), Bucky Barnes/Winter Soldier (Sebastian Stan), Peter Parker/Spider-Man (Tom Holland), Nebula (Karen Gillan), James “Rhodey” Rhodes/War Machine (Don Cheadle) và nhiều nhân vật thoáng xuất hiện khác.
Về phía phản diện, ngoài siêu ác nhân Thanos (Josh Brolin), ta có thể kể đến đội Black Order (Ebony Maw, Proxima Midnight, Corvus Glaive, Cull Obsidian) và nhân vật đã lâu mới thấy Red Skull. Chỉ điểm sơ qua thôi đã thấy choáng ngợp, để từng ấy nhân vật vào một bộ phim cho dù thời lượng dài hơn 2 tiếng rưỡi vẫn khiến những khác giả dù là fan cứng của Marvel cũng phải chóng mặt.
Vì có quá nhiều nhân vật, cộng thêm phải dàn trải không gian diễn ra đồng thời ở 3 - 4 địa điểm khác nhau khiến việc xây dựng nhân vật ấn tượng gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Theo thông tin bên lề, ngoài 2 biên kịch chính là Stephen Mcfreely và Christopher Markus, còn hơn 20 biên kịch khác làm việc để xây dựng cốt truyện cho Infinity War, nhưng cũng không thể cứu giúp cho điểm yếu chết người này. Việc đụng độ với thế lực mang tầm vũ trụ khiến hàng loạt nhân vật siêu anh hùng trở nên lạc lõng nếu xét về sức mạnh khiến việc chọn vị trí để nhân vật yêu thích của khán giả (Captain America, Black Widow…) xuất hiện và có đất diễn lại càng khó khăn, ngược lại những nhân vật quá mạnh lại bị giảm độ khủng bố để cân bằng lại phần nào chênh lệch làm độ ấn tượng về thực lực cùng dấu ấn để lại quá nhàm chán (điển hình như Hulk, Thor và nhóm Black Order).
2. Những màn đối thoại “hài hước” đan xen những cảnh bi thương cố lấy cảm xúc khán giả nhưng… thất bại
Hơn 10 năm qua, “công thức Marvel” trở thành bí quyết hốt bạc khi làm phim siêu anh hùng: cốt truyện đơn giản, tươi sáng, hài hước, kỹ xảo hoành tráng, một chút plot twist nhẹ nhàng và hướng đến càng nhiều khán giả ở mọi lứa tuổi càng tốt. Nó vừa là điểm mạnh mà vừa là điểm yếu của các phim siêu anh hùng Marvel, nên hãng có quyết tâm thoát ra khỏi định kiến này của giới phê bình và khán giả đại chúng.
Đây là việc dễ hiểu khi Phase 3 của vũ trụ điện ảnh Marvel MCU (Marvel Cinematic Universe) gần kết thúc và sắp tới Phase 4, Disney muốn Infinity War là viên gạch mở ra giai đoạn mới, giới thiệu các nhân vật mới và tạo màu sắc mới cho MCU. Quyết tâm là thế nhưng sâu thẳm các nhà kinh doanh vẫn muốn kiếm thật nhiều tiền vé, không thể mạo hiểm làm nó quá đen tối hay nặng nề. Việc giằng xé giữa vừa muốn tạo chiều sâu tâm lý vừa muốn níu kéo sự hài hước, tươi sáng làm Infinity War như một bữa đại tiệc buffet hoành tráng đầy đủ món ngon nhưng thiếu món ăn chính để lại ấn tượng cho “các nhà phê bình ẩm thực sành sỏi”.
Tai ương khủng khiếp nhất vũ trụ sắp giáng xuống cùng một trận chiến khốc liệt cần chuẩn bị, nhưng thay vì tập trung vào sự kiện đó các nhà làm phim vẫn quyết định trưng ra các tình huống lê thê giới thiệu dài dòng về các siêu anh hùng. Hàng loạt các màn đụng độ, đá xoáy nhau, chọc cười không cần thiết có thể làm cho khán giả thích thú nhưng cũng làm mạch phim cùng cảm xúc gần như đứt quãng. Những trường đoạn giữa nhóm Guardians of the Galaxy với Thor hay Iron Man với Dr. Strange làm người xem mệt mỏi.
Ngược lại, hàng loạt các cảnh sắp xếp để tạo chiều sâu cho phim cũng không thật sự ấn tượng. Khởi đầu là cảnh chiến đấu không thể thiếu muối hơn của nhân vật được xem là xảo quyệt, thông minh bậc nhất vũ trụ Marvel như Loki, chất bromance giữa Loki - Thor cũng không làm người xem cảm động thêm được. Đoạn làm đạt nhất là giữa Thanos và Gamora thì trông khá giả tạo, thiếu thuyết phục, vài giọt nước mắt cùng biểu hiện trên gương mặt kỹ xảo CGI khá xấu của “quái nhân màu tím” không làm màn từ bỏ tình yêu trong tâm hồn để có được sức mạnh tâm hồn chạm được cảm xúc chân thật sâu lắng. Trường đoạn đại chiến cuối phim đáng lý phải là cảnh huy hoàng, bi tráng và tuyệt vời nhất thì trông không khác gì màn đánh nhau giữa 2 băng nhóm trên đồng cỏ thảo nguyên châu Phi.
Với chỉ thị rõ ràng từ Disney là không làm phim quá bạo lực để có nhãn G/PG tại các thị trường phát hành khiến trận đại chiến tuy được dàn dựng hoành tráng nhưng không tạo được chút gì bi hùng hay làm bật lên những hy sinh, mất mát. Để rồi một kết quả tất yếu là cũng như sự tan biến nhanh chóng của một nửa nhân loại cuối phim, sự ra đi của các siêu anh hùng cũng không đọng lại gì lâu. Như một câu khá châm biếm fan truyện tranh hay nói “Cái chết của các siêu anh hùng rất ngắn ngủi”, họ sẽ đi và trở lại. Điều làm người xem nhớ không phải cái chết của các siêu anh hùng mà là hành động chiến đấu vì chính nghĩa đến chết.
3. Phản diện vẫn chưa tạo được dấu ấn xứng đáng
Sau rất nhiều phàn nàn về chất lượng các phản diện trong phim siêu anh hùng Marvel, hãng đã có một quyết định khá hay là đưa Thanos thành nhân vật cốt lõi suốt bộ phim này. Có thể các siêu anh hùng Avengers đông đảo hơn nhưng thời lượng xuất hiện lẫn câu chuyện về hành trình Thanos tập hợp 6 viên đá vô cực mới là sợi dây nối kết các tình tiết lại với nhau. Trong nguyên tác truyện tranh, Thanos vì muốn gây ấn tượng với người hắn thầm thương trộm nhớ là Thần chết Mistress Death nên tàn sát khắp vũ trụ, qua phiên bản điện ảnh đã chỉnh sửa lại mục đích của hắn là muốn tạo sự cân bằng cho vũ trụ bằng cách giết một nửa dân số trên tất cả các hành tinh có người sinh sống. Thêm vào câu chuyện là 6 viên đá chứa quyền năng từ thuở khai sinh vũ trụ mà bất cứ ai có trong tay dù chỉ 1 viên cũng đủ khuynh đảo thiên hà, có đủ 6 viên thì đủ sức diệt cả vũ trụ. Qua tạo hình và các mảnh ghép lộ diện dần qua 19 phim, Disney đã chuẩn bị cẩn thận cho màn chào sân hoành tráng của tên ác nhân hùng mạnh. Dẫu chứa dựng đầy đủ nguyên liệu để làm nên một vai siêu ác nhân ấn tượng nhất từ trước đến nay trong lịch sử MCU nhưng Thanos vẫn chưa thể thoát khỏi lời nguyền.
Đầu tiên phải bàn đến lý do củ chuối, mới nghe có vẻ hợp lý nhưng xét kỹ thấy rất thiếu muối. Tại sao muốn tạo cân bằng thì giết một nửa dân số ngẫu nhiên? Nếu bớt một nửa dân số thì sau một thời gian lại tăng lên, thì lại phải lên kế hoạch giết tiếp? Quan trọng nhất, bộ phim thiếu một cảnh phim tương tự như cô bé áo đỏ ngây thơ bước chầm chậm về cõi chết trong Schindler's List hay ánh mắt u buồn ám ảnh tột cùng của người lính bắn tỉa sau mỗi phát đạn kết liễu mạng sống con người trong American Sniper, Infinity War có thừa thời gian để làm điều gì tương tự để lột trần toàn bộ kế hoạch “vĩ đại, nhân từ” thành một trò lố lăng tàn ác.
Thứ đến, dù được cho là người có trí tuệ siêu phàm, sức mạnh khủng khiếp nhưng những gì Thanos thể hiện quả thật không xứng tầm mô tả. Ngay cả kế hoạch xâm chiếm trái đất hay tìm kiếm các viên đá vô cực cũng đơn giản đến mức ngây ngô (chắc để xứng với sự ngây ngô, thiếu chuẩn bị của đội Avengers bên phía đối địch). Nhiều lúc tôi phải tự hỏi: “Hắn đang làm cái quái gì thế?”. Ngay cả khi có 5 viên đá vô cực rồi mà vẫn chẳng thèm dùng, chỉ nhào ra đánh đấm như thằng du côn nửa mùa đến mức xém bị gỡ cả găng tay, hay nương tay chả thèm giết những địch thủ nguy hiểm, cứ thả nó sống cho vui chăng?
Hiệu ứng kỹ xảo của phim phải nói là đỉnh, nhưng đến giờ tôi vẫn không thể nuốt trôi cái hình ảnh “củ cải tím nhăn nheo” của Thanos. Mãi chẳng thấy phát huy sự hủy diệt như màn quảng cáo của hầu hết huyền thoại mà chỉ thấy hắn luyên thuyên mãi về kế hoạch của mình như thanh minh cho bản thân. Nữ triết gia Hannah Arendt (1906 - 1975) sau khi dự phiên tòa xử các tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã đã viết một bài luận nổi tiếng mang tên “Sự tầm thường của cái ác” mà ở đó bà chỉ thẳng mặt cái ác phải ngụy trang dưới một lời bào chữa thì còn tầm thường hơn cái ác tự nó là. Thanos không hề tạo được cảm giác kinh sợ đáng ra phải có ở một siêu ác nhân. Có vẻ Disney muốn xây dựng nhân vật này thành một hình tượng khác, ác nhưng có lý do chính đáng chăng?
4. Kịch bản là điểm trừ lớn nhất
Hãy tiếp tục bàn về cốt truyện và kết cấu kịch bản bộ phim. Bố cục thường thấy ở các kịch bản phim Hollywood có 3 phần rõ ràng: phần đầu khơi gợi câu chuyện, giới thiệu nhân vật chủ chốt, mở ra vấn đề cần giải quyết; phần thứ hai là diễn biến cụ thể thường là ngày càng căng thẳng, diễn biến xấu dần đi; phần cuối bẻ plot twist đã cài cắm ở hai phần trước để giải quyết vấn đề.
Gần một nửa thời lượng đầu lãng phí quá nhiều thời gian cho các màn đã xoáy nhau giữa các anh hùng mà không chuẩn bị một tâm thế khẩn trương đối phó với hiểm họa sống còn, các nhóm siêu anh hùng hành xử giải quyết tình huống chứ không có sự phối hợp lập kế hoạch rõ ràng như một mặt trận thống nhất cần phải có. Sau đó, tình huống này kéo theo tình huống tiếp theo mà không rõ diễn biến chung trong tổng thể nhằm chống Thanos là gì, trông chờ quá nhiều vào các màn solo cá nhân hay phối hợp nhóm nhỏ. Phần cuối giải quyết nhanh một cách hụt hẫng chẳng kịp để lại chút dư vị đau thương nào để làm nền cho cuộc phản công ở bộ phim tiếp theo. Không gian các sự kiện bị cắt ra thành nhiều nơi khác nhau: trái đất, hành tinh Titan và lò luyện vũ khí Nidavellir (chưa kể trên Knowhere và ngoài không gian). Quá tập trung vào Thanos mà kịch bản làm quá nông ở tuyến Avengers, không một cuộc tập hợp, không một kế hoạch, chiến lược hay phối hợp hoạt động được đưa ra và có vẻ nó không cần thiết vì ngay từ đầu phim đã không chừa phần nào để dẫn dắt đến điều đó nên đòi hỏi ở phần sau của phim e là quá trễ.
Cốt truyện quá tập trung vào việc tìm kiếm các viên đá và cuộc ngăn chặn việc tìm kiếm đó nên quên mất việc cho khán giả hiểu lý do nào phải làm điều đó. Những nạn nhân của cuộc đồ sát (cư dân trên trái đất và các hành tinh) dường như vô hình, bị bịt tai che mắt, số phận của họ như được 2 thế lực đối nghịch định đoạt mà chẳng có vai trò nào. Điều này dẫn đến điểm yếu cuối cùng, ít người nói đến nhưng lại là thứ then chốt nhất mà MCU vẫn chưa đưa ra câu trả lời thuyết phục.
5. Siêu anh hùng là gì?
Những người mang trong mình sức mạnh vượt trội, có những năng lực kỳ dị sẽ trở thành siêu anh hùng? Làm những nhiệm vụ bất khả thi hay được chiêu mộ bởi một tổ chức chính phủ để tiến hành các chiến dịch bí ẩn chống lại các tổ chức bí ẩn khác là siêu anh hùng? Thấy bất công ra tay nghĩa hiệp, chống lại những việc làm độc ác là siêu anh hùng?
Có quá nhiều câu trả lời có thể đưa ra, không phải dễ để trả lời nhưng chí ít một bộ phim siêu anh hùng thành công phải cho khán giả khi bước ra khỏi rạp biết nhân vật đó chọn điều gì dẫn dắt bản thân lao vào chiến đấu, những ai là người được nhân vật đó che chở bảo vệ. Nguồn năng lượng tinh thần từ những điều tốt đẹp, những giá trị nào tiếp sức mạnh cho các siêu anh hùng chiến đấu. Dẫu có những hy sinh, những tổn thất và mất mát thì đó là cái giá cần thiết phải bỏ ra để giữ những điều tốt đẹp hiện hữu. Avengers: Infinity War sẽ đại thắng doanh thu, làm khán giả mê mệt vì sự hoành tráng nó đem lại do tính giải trí cao nhưng nó vẫn thiếu nhiều thứ để vượt ra khỏi lằn ranh các phim bình thường để có thể được nhắc đến như một tác phẩm điện ảnh hay, đáng nhớ không những ở hiện tại mà trong các thập kỷ tới.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.