Moveek
Tin điện ảnh

Avengers: Age of Ultron, hay nhưng còn nhiều thiếu sót

Sau sự kiện tại New York, các thành viên của biệt đội Avengers mỗi người một ngả ra đi giải quyết các vấn đề cũng như những kẻ thù mới của riêng mình. Tuy nhiên sau khi xác định được vị trí cây quyền trượng bị thất lạc của Loki sau trận chiến, cả nhóm đã tái hợp lại tấn công tổng lực vào vị trí của kẻ thù Baron von Strucker để tìm lại được vũ khí nguy hiểm này.

Phi vụ diễn ra thành công nhưng sức mạnh tinh thần của cả nhóm đã bị rút xuống kiệt quệ bởi sức mạnh dị thường của anh em nhà Maximoff: Wanda và Pietro. Tony Stark đã lợi dụng quyền năng của cây quyền trượng vào chương trình bảo vệ hòa bình Ultron mà mình đang thực hiện để có thể hoàn thiện nó và tạo ra một trí thông minh nhân tạo cho những robot của mình mà không có sự thông qua của các thành viên trong đội.

Ultron, con rơi của Iron Man

Ultron cuối cùng đã ra đời nhưng những nhận thức sai lệch về thế giới đã khiến nó trở nên biến chất và quyết định trừ khử "cha đẻ" của mình cũng những người khác trong nhóm để mở đường cho kế hoạch tái thiết lại thế giới. Với bộ não siêu việt cùng sự phối hợp của nhà Maximoff, Ultron đã khiến cho nhóm Avenger tự đưa mình vào sự nghi ngờ lẫn nhau với những mối quan hệ phức tạp, bí mật của mỗi người tạo nên sự lục đục nội bộ lớn. Mặc dù họ vẫn có cách để tiếp tục sát cánh chiến đấu bên nhau để tiêu diệt Ultron nhưng chính những suy nghĩ này sẽ trở thành hạt giống phát triển thành hiểm họa khôn lường hơn sau này.

Các siêu anh hùng phụ lên ngôi

Các anh hùng chính trong Avengers: Age of Ultron không có sự liên kết tốt với chính bản thân họ trong các phim trước, tính cách của nhân vật thay đổi một cách quá bất ngờ so với phiên bản của họ trong chính những phần phim trước đây, điểm thiếu sót lớn nhất mà đạo diễn/biên kịch Joss Whedon cần phải lưu ý. Tony Stark (Robert Downey Jr.) từ một người với nhiều lo sợ chính bản thân trong Iron Man 3 lại biến thành kẻ tham lam, lén lút thực hiện những hành động sai trái sau lưng bạn bè và tính cách trở nên tiêu cực, thực dụng hơn.

Captain America (Chris Evans) đáng ra đang phải lo toan bộn bề xung quanh việc người bạn Bucky của mình đã mất tích nay lại nhởn nhơ đi cứu thế giới với suy nghĩ về việc lập gia đình, trái ngược hoàn toàn với Captain America được hai anh em nhà Russo đầu tư xây dựng trong Captain America: The Winter Solider (2014). Thor (Chris Hemsworth) lại là nhân vật bị dìm xuống nhiều nhất trong phần này, phong thái của một vị vua nơi anh không được phô trương nhiều, đất diễn cũng ít đi và những đoạn ấn tượng nhất của vị thần này lại chủ yếu ở những đoạn hội thoại gây cười. Còn mối quan hệ của Natasa - Black Widow (Scarlett Johansson) và Bruce Banner (Mark Ruffalo) lại quá nhanh và vội vàng khiến cô nàng Black window không còn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong khán giả lúc thì cặp với người này, tán tỉnh với người khác nay lại công khai yêu đương với chàng tiến sĩ của nhóm.

Đặc vụ Clint/ Hawkeye (Jeremy Renner) được ưu ái tặng cho nhiều đất diễn và điểm cộng qua những cảnh quay với gia đình bình dị của mình. Chính anh là người thổi lại luồng sinh khí mới cho dòng phim, một khát khao về cuộc sống bình yên bên những người thân yêu mà chính các thành viên trong nhóm đều muốn hướng tới. Đơn cử như anh em nhà Maximoff, họ tình nguyện trở thành vật thí nghiệm cho Baron vì lòng hận thù với tập đoàn Stark đã giết hết gia đình mình và khiến họ sống trong nỗi sợ hãi suốt tuổi thơ.

Hawkeye

Từng thành viên của Avenger dù thực hiện những việc phi thường, sỡ hữu siêu sức mạnh hay nhìn thấy trước được tương lai suy cho cùng vẫn là con người, vẫn mang những cảm xúc tâm tư riêng và mang trong mình những khao khát về cuộc sống hạnh phúc như bao người. Mặc dù bức tranh tổng thể về vũ trụ phim MCU Avengers: Age of Ultron không thể liên kết lại được nhưng nếu xét trên khía cạnh một phim độc lập thì những chi tiết nhỏ nhặt trong phim đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khắc hoạ các mảng tối con người siêu anh hùng cùng những nỗi sợ hãi của họ đưa khán giả tới gần các nhân vật họ hằng ngưỡng mộ hơn bao giờ hết. 

The Vision cũng là một nhân vật ấn tượng khác mới toanh trong phim do nam tài tử Paul Bettany thủ vai. Dù là một nhân vật mới với thời lượng xuất hiện ngắn ngủi nhưng với tạo hình đẹp, ánh mắt rất có hồn của một nhà tiên tri cùng những câu thoại triết lý về tương quan giữa con người với sự sống đã giúp anh gây được cảm tình tốt với khán giả. Ultron trong phim cũng được sinh ra một cách tương như The Vision nhưng hắn lại có cái nhìn đầu tiên về thế giới sai lệch hoàn toàn dẫn đến những hành vi xấu xa. Thay vì một robot nguy hiểm bậc nhất với mưu đồ hủy diệt thế giới phim lại khắc họa hình ảnh một đứa con đáng thương luôn phải gồng mình tìm cách để vượt trội hơn cha của mình nhưng nó vẫn hành động theo tâm nguyện của cha, một thế giới hòa bình nhưng đi ngược lại với sự nhân văn của thế giới loài người, một phiên bản người máy của Loki. 

The Vision

Và đáng buồn hơn hết, do bộ phim diễn ra với một nhịp độ tương đối nhanh, thiếu sự liên kết gây nên khó hiểu cho các khán giả nếu người xem không phải là fan hâm mộ truyện tranh hay đã theo dõi các phần phim trước sẽ cảm thấy rất khó hiểu và khó lòng bám theo những tình tiết chính cũng như không có nhiều cao trào nên cảm xúc đọng lại là rất ít. Đây có thể đơn thuần chỉ là một chiếc cầu trung gian để dẫn tới những sự kiện lớn hơn cho các phim sau như Civil War, Ragnarok...

Sự đầu tư thỏa đáng cho kỹ xảo và âm thanh

Bỏ qua những thiếu sót ở kịch bản và các  tuyến nhân vật, điểm nhấn thứ hai mà một phim siêu anh hùng luôn phải có đó là hành động và âm nhạc, Avengers: Age of Ultron hiện đang giữ chức vô địch trong thế giới phim Marvel. Phim có tới hơn 3000 hiệu ứng kỹ xảo khác nhau và được quay ở bốn Châu Lục trải dài trên các địa điểm: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Italy, Asutralia và Nam Phi khiến khán giả choáng ngợp trước mức độ quy mô về ngoại cảnh, ấn tượng nhất chính là tòa lâu đài tại Sokovia bao phủ bởi rừng núi trùng điệp đã được nhà sản xuất chọn làm nơi diễn ra trận chiến trung tâm của bộ phim.

Các cảnh chiến đấu của những siêu anh hùng vẫn xuất hiện với tần suất dày đặc cùng các pha phối hợp đẹp mắt như cảnh Thor đập vào khiên của Captain America tạo ra luồng sóng tấn công kẻ thù. Màn giao tranh giữa Iron Man và Hulk đã chinh phục hoàn toàn tâm trí khán giả và cứ thế tiếp tục để mọi người phải há hốc trước những màn trình diễn kỷ xảo vô cùng ấn tượng. Để làm được điều này nhà sản xuất đã phải huy động đến 19 công ty khác nhau chuyên về hiệu ứng hình ảnh và kinh phí khổng lồ lên đến 250 triệu USD.

Thay thế cho nhà soạn nhạc Alan Silvestri của phần đầu, Avengers: Age of Ultron mang đến cho khán giả một không khí âm nhạc hoàn toàn mới bởi bộ đôi Danny Elfman và Brian Tyle. Tang thương hơn, dồn dập, kịch tích và có phần tăm tối hơn nhất là khi ca khúc I've got no strings cải biên lại theo giọng người máy dị hợm của Ultron đúng như tính chất bộ phim khác hoàn toàn với không khí tươi vui, sôi nổi của phần đầu 

Với khán giả đại chúng, Avengers: Age of Ultron là một bộ phim hay nhưng chưa thật thỏa mãn trong số những phim của Marvel. Còn quá nhiều thiếu sót để khán giả có thể chạm đến được sự liên kết mà nhà làm phim đã dày công tạo ra trong suốt hơn 7 năm nay. Để làm được điều này, Marvel cần phải vươn mình thay đổi thật sự và tiến hóa đúng như những gì Ultron đã nói trong phim.