Avengers: Endgame (Hồi Kết) đã ra rạp rồi, bạn đã xem nó chưa? Nếu rồi thì hãy cùng Moveek điểm lại những easter egg đã xuất hiện trong bộ phim kết thúc hành trình 11 năm đầy cảm xúc của MCU nhé!
1. Vòng giam tại gia
Ở phân cảnh đầu của bộ phim ta thấy Clint đang đeo một cái vòng ở dưới chân. Đây là chiếc vòng mà Scott Lang/Ant-man đã phải đeo vào khi anh bị giam tại gia theo Hiệp định Sokovia.
2. Hawkeye tập bắn cung cho con gái
Hình ảnh Hawkeye tập bắn cung cho con gái Lila của anh có thể là gợi ý cho series sắp tới của Hawkeye và Kate Bishop trên dịch vụ Disney+.
3. Tan biến và tiếng sấm
Khi gia đình của Clint tan biến đi có xuất hiện tiếng sấm, gợi nhớ lại phân cảnh cuối của Infinity War khi Thanos búng ngón tay để xóa sổ nửa vũ trụ.
4. Dear Mr. Fantasy
Bài hát được phát trong phần xuất hiện logo của Marvel Studios là bài Dear Mr. Fantasy của nhóm Traffic. Lời bài hát được phát là:
"Dear Mr. Fantasy play us a tune
Something to make us all happy
Do anything, take us out of this gloom."
Bài hát ám chỉ nỗi buồn của nhóm Avengers sau khi Thanos đã cướp đi những người thương yêu của họ cũng như gợi ý về việc nhóm sẽ làm mọi cách để đưa họ trở về.
5. Bóng bầu dục giấy (Paper football)
Ở phần đầu của bộ phim, Tony và Nebula đang chơi một trò gọi là Paper football. Trò chơi này yêu cầu bạn gặp một tờ giấy thành một hình tam giác để bắn nó qua bên phía đối phương để ghi điểm.
6. Chiếc mũ của Iron Man
Hình ảnh Iron Man ghi hình bản thân qua chiếc mũ gợi nhớ đến phân cảnh Pepper đội lên chiếc mũ để nghe tin nhắn của Tony trong phần 3 của Iron Man. Ngoài ra, việc Tony kêu Pep đừng đăng lên mạng xã hội khá giống với đoạn Tony kêu người lính đừng đăng tấm hình hai người họ chụp chung lên Myspace trong phần đầu của Iron Man.
7. 21 và 22
Hai con số này được nhắc đến ở phần đầu của bộ phim khi Tony nói rằng anh đã mắc kẹt trong không gian khoảng 21 hay 22 ngày. 22 chính là tổng số bộ phim trong MCU, tính cả Endgame. Để đến được 22 thì phải có 21, đồng nghĩa với việc Endgame chính là cái kết của 21 bộ phim trước đó, một điều phi thường chưa từng có trong lịch sử điện ảnh.
8. Blue Meanie
Tony gọi Nebula là là Blue Meanie, nhân vật phản diện trong bộ phim hoạt hình Yellow Submarine vào năm 1968 của nhóm nhạc The Beatles. The Beatles cũng từng được nhắc đến trong Infinity War khi Bruce Banner so sánh sự chia rẽ của Avengers với nhóm nhạc này.
9. Luôn luôn là em
Chi tiết Tony nói rằng anh sẽ luôn mơ thấy Pepper gợi nhắc đến phân cảnh Tony trao cho Pep chức vụ CEO của tập đoàn Stark trong Iron Man 2, khi anh nói rằng: "Chính là em. Luôn luôn là em."
10. Age of Ultron
Khi Tony tranh cãi với Steve, anh có nhắc đến một bộ giáp bảo vệ thế giới và việc họ sẽ cùng nhau thất bại, gợi nhắc đến phần phim Age of Ultron.
11. Build-a-bear và Ratchet
Tony gọi Rocket là một con gấu bông Build-a-bear, một xưởng sản xuất gấu bông ở Mỹ. Sau đó ở phần giữa của bộ phim, Tony cũng gọi Rocket với cái tên Ratchet, một nhân vật trong tựa game nổi tiếng Ratchet & Clank.
12. Bước nhảy vũ trụ
Hình ảnh chiếc tàu Benatar nhảy từ Trái Đất đến hành tinh của Thanos qua chiếc lỗ của tổ ong giống với khi Rocket, Groot và Yondu nhảy qua các hành tinh khác nhau trong Guardians the Galaxy Vol.2.
13. Bộ đồ của Captain America và hình ảnh của Peggy
Khi cả nhóm Avengers chuẩn bị bay xuống hành tinh của Thanos, ta thấy Steve đang mặc bộ đồ Steath Suit của anh trong Winter Soldier và tay của anh đang cầm cái la bàn có hình ảnh của Peggy, một vật mà anh đã cầm kể từ phần phim Captain America đầu tiên.
14. Khu vườn của Thanos
Hình ảnh bộ giáp của Thanos được treo như một cái bù nhìn và Thanos mặc áo hái quả để đem về nấu ăn gợi nhắc đến chi tiết hắn lui về ở ẩn trong đầu truyện Infinity Gauntlet năm 1991.
15. Cha tôi không phải người nói dối
Cảnh Nebula nói rằng cha của cô có thể là nhiều thứ nhưng chắc chắn không phải là kẻ nói dối gợi nhớ đến phân cảnh trong Infinity War khi Thanos nói rằng hắn không hề dạy Gamora nói dối.
16. Thanos bị chặt đầu
Hình ảnh Thanos bị chặt đầu đã xuất hiện trong đầu truyện Infinity Wars #1 vào năm ngoái khi hắn bị Gamora, dưới cái tên Requiem, hạ thủ. Ngoài ra, câu nói "Tôi nhắm vào đâu của hắn" ám chỉ đến việc Thor bị trêu đùa suốt 1 năm vừa qua.
17. Jim Starlin, Joe Russo và series Community
Phân cảnh 5 năm sau khi Cap đang ngồi nói chuyện với một nhóm người có sự xuất hiện của một nhân vật đồng tính. Nhân vật này được thủ vai bởi Joe Russo, một nửa của anh em đạo diễn nhà Russo. Ngoài ra, người đàn ông với cái đầu hói và bộ râu vàng chính là tác giả đã tạo ra Thanos, Jim Starlin. Bên cạnh đó, bộ đôi đạo diễn còn đưa một số diễn viên từng đóng trong series hài Community của hai người vào trong bộ phim, điển hình là Ken Jeong trong vai người bảo vệ ở phân đoạn Scott trở về từ thế giới lượng tử và Yvette Nicole Brown trong vai nữ nhân viên da màu ở trụ sở của S.H.I.E.L.D khi Steve và Tony trở về năm 70.
18. Bia đá khắc tên những người đã tan biến
Khi Scott đi tìm tên của con gái mình trên những tấm bia, có hiện lên cái tên Charlotte Lee. Cô là một người đi mua và thu thập những vật dụng để trang trí cho phim trường của các bộ phim Marvel, trong đó có Endgame. Có vẻ như những cái tên khác được khắc cũng là tên của những thành viên tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim, hoặc cũng có thể là tên của một nhân vật nào đó trong truyện tranh.
19. Cassie Lang/Stature
Khi Scott gặp lại con gái của anh, cô bé bây giờ đã lớn hơn rất nhiều. Chi tiết này cũng gợi ý đến khả năng cô sẽ kế thừa bố của mình và trở thành người anh hùng Stature trong truyện tranh.
20. Bộ đồ của Rocket
Khi Nebula, Rocket, Okoye, Captain Marvel và War Machine trình diện với Natasha, Rocket đang diện một đồ mới giống với phiên bản của anh trong truyện tranh.
21. Mái tóc của Captain Marvel
Sau khoảng thời gian 5 năm, Carol Danvers/Captain Marvel đã bỏ đi mái tóc dài và thay vào đó là một mái tóc ngắn nhìn rất ngầu. Đây là một trong những tạo hình của nhân vật này đã từng xuất hiện trong truyện tranh và dĩ nhiên fan vẫn sẽ muốn cô giữ mái tóc này trong các bộ phim tiếp theo.
22. Tình cảm giữa Captain Marvel và War Machine
Khi mọi người chào tạm biệt Natasha, Carol đã nhìn Rhodes và chúc anh may mắn. Đây là chi tiết gợi nhắc đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người trong truyện tranh, một phần do hai người cũng đều từng là quân nhân. Chi tiết này khiến fan nghi ngờ Rhodey sẽ có thể xuất hiện trong các bộ phim tiếp theo của Captain Marvel.
23. Morgan H. Stark
Sau 5 năm, Tony đã có một đứa con gái và tên của cô là Morgan. Tony đã nhìn thấy ước mơ có con trong Infinity War và nói được đặt tên theo một người chú của Pepper. Trong truyện tranh, Morgan Stark là một người anh/em họ của Tony. Chữ H có lẽ là Howard bởi vì chúng ta biết Tony yêu quý cha của anh như thế nào. Ngoài ra, Tony còn gọi con gái của anh là Maguna nhưng chưa rõ cái tên này có liên quan gì đến truyện tranh hay không. Cuối cùng, ta thấy Morgan đang đeo cái mặt nạ từ bộ đồ của Pepper ở cuối bộ phim và hình ảnh này rất giống với Peter Parker đeo mặt nạ lúc nhỏ trong Iron Man 2.
24. Professor Hulk
Khi ta gặp lại Bruce sau 5 năm, anh bây giờ đã hợp với Hulk thành một cá thể duy nhất. Trong truyện tranh, cá thể này được gọi là Professor Hulk, nhân vật sở hữu trí óc của Bruce Banner và sức mạnh của Hulk.
25. Hình ảnh của Tony và Peter Parker
Khi Tony đang rửa chén thì anh tìm thấy bức hình mà anh chụp chung với Peter, gợi nhớ đến Spiderman: Homecoming khi Peter giả vờ tham gia vào một chương trình thực tập ở tập đoàn Stark Industries.
26. Liệu anh có ngủ được không?
Pepper hỏi Tony câu này khi anh đã tìm được cách để du hành thời gian và khiến người xem nhớ lại hình ảnh anh mất ngủ vì căn bệnh PTSD trong Iron Man 3. Chi tiết này cũng dự báo về cái chết của Tony ở cuối bộ phim.
27. Tony trao cho Steve chiếc khiên
Khi Tony trở về trụ sở Avengers, anh đã trao lại cho Steve chiếc khiên, gợi nhớ về hình ảnh bố của anh Howard đã tạo ra chiếc khiên cho Steve trong Captain America: The First Avenger.
28. New Asgard
Sau khoảng thời gian 5 năm kể từ cái búng tay của Thanos, Thor và người dân Asgard đã xây dựng một quê hương mới trên Trái Đất. Trong truyện tranh thì New Asgard nằm ở thành phố New York, tuy nhiên trong bộ phim thì thị trấn nhỏ này lại nằm ở Tønsberg, Na-Uy do đây là nơi Thor gặp Odin lần cuối cùng trong Ragnarok, cũng như rõ ràng đây là nơi bắt nguồn của thần thoại Bắc Âu.
29. Supersonic Rocket Ship
Khi Rocket và Hulk bay đến New Asgard để tìm Thor, bài hát Supersonic Rocket Ship của nhóm The Kinks đã nổi lên. Nội dung của bài hát là về một con tàu tị nạn với sự bình đẳng cho tất cả mọi người và không có sự đàn áp các nhóm người thiểu số, ám chỉ Trái Đất là nơi tị nạn cho người dân Asgard khi quê nhà của họ bị nổ tung.
30. Fortnite
Khi Hulk và Rocket gặp lại Thor ở New Asgard, anh và Korg cùng với Miek đang chơi trò chơi phổ biến nhất năm 2018, Fortnite. Còn nữa, khi các đứa trẻ bu lại để chụp hình với Hulk, anh đã thực hiện một cú Hulk-dab.
31. Cái áo của Korg
Korg được thủ vai bởi đạo diễn của Thor: Ragnarok Taika Waititi và cái áo mà anh đang mặc trong bộ phim rất giống với cái áo của vị đạo diễn này.
32. Lebowski
Ngoài biệt danh Point Break ra thì khi Thor trở về căn cứ Avengers từ New Asgard, Tony đã gọi Thor là Lebowski. Tên gọi này gợi nhắc đến bộ phim nổi tiếng vào năm 1998 của anh em đạo diễn Joel và Ethan Coen, The Big Lebowski, với nhân vật chính Jeff "The Dude" Lebowski là một người rất mập, có mái tóc dài và râu ria rậm rạp. Nhân vật này được thủ vai bởi Jeff Bridges, người đã từng đóng tên phản diện Obadiah Stane/Iron Monger trong phần đầu của Iron Man.
33. Ronin
Khi Natasha đến Tokyo để đi tìm Clint, anh đang mặc một bộ đồ giống với Ninja và chiến đấu với một băng nhóm Yakuza. Tạo hình này lấy cảm hứng từ nhân vật Ronin, một nhân dạng khác của Clint trong truyện tranh.
34. Back to the Future và các bộ phim du hành thời gian
Back to the Future là bộ phim về du hành thời gian được nhắc tới nhiều nhất trong Endgame, sở dĩ nó là nguồn cảm hứng cho các bộ phim du hành thời gian khác được làm ra sau đó và việc du hành thời gian trong Endgame lại khác hoàn toàn so với các bộ phim này. Nếu trước đây ta biết rằng thay đổi quá khứ sẽ thay đổi tương lai thì trong Endgame, việc thay đổi quá khứ sẽ tạo ra một dòng thời gian khác và không hề thay đổi dòng thời gian ở hiện tại.
35. Time Heist
Nhiêm vụ đi về quá khứ để lấy các viên đá vô cực trong bộ phim được gọi là Time Heist hay Vụ cướp thời gian, ám chỉ đến tập thứ 5 trong series thứ 8 của Doctor Who, ra mắt vào năm 2014. Nội dung của tập phim xoay quanh một chuyến du hành thời gian để cướp một nhà băng.
36. Jolly Green
Tony có vẻ như rất thích đặt biệt danh cho người khác khi anh gọi Hulk là Jolly Green ở phân cảnh cả đội Avengers chuẩn bị du hành thời gian. Jolly Green là một biểu tượng của nhãn hiệu Green Giant, chuyên sản xuất các loại rau đóng hộp.
37. Budapest
Khi đang trên đường đến Vormir, Clint có nói với Natasha rằng: "Chúng ta đang ở rất xa Budapest". Chi tiết này gợi lại phân cảnh hai người nhắc đến Budapest khi đang chống lại đội quân Chitauri ở New York trong phần phim Avengers đầu tiên.
38. Rối lượng tử (Quantum entanglement)
Khi Nebula của hiện tại trở về năm 2014 để lấy viên đá Power Stone, cô hình thành một liên kết với Nebula của năm 2014. Hiện tượng này gọi là rối lượng tử, gợi nhớ về phân cảnh Scott Lang/Ant-Man nhìn thấy ký ức của Janet van Dyne sau khi anh gặp gỡ bà ở thế giới lượng tử và trở ra ngoài thế giới thực.
39. Temple of the Power Stone
Khi Nebula và James Rhodes/War Machine đến Morag để lấy viên Power Stone, Rhodes có nhắc tới ngôi đền, ám chỉ tới các bộ phim thám hiểm truy tìm kho báu như Indiana Jones khi trong ngồi đền chứa kho báu thường có đặt bẫy ở dưới chân hay hai bên tường.
40. Come And Get Your Love
Hình ảnh Starlord nhảy múa và hát theo bài Come And Get Your Love của Redbone được lấy từ đoạn mở đầu của Guardians of the Galaxy và ta được nghe giọng hát vô cùng "ngọt ngào" của Sao Chúa.
41. Hồn lìa khỏi xác
Hình ảnh Hulk bị The Ancient One đánh hồn lìa khỏi xác gợi nhớ về lúc Dr. Strange còn là một người kiêu ngạo trong phim riêng của anh.
42. Người cũ của Hydra
Khi quay trở về trận chiến New York, ta thấy sự xuất hiện của ba thành viên quen thuộc của Hydra đó là Brock Rumblow, đặc vụ Sitwell và Alexander Pierce.
43. Hail Hydra
Hầu hết các phân cảnh của Steve Rogers/Captain America khiến fan hò hét đều được lấy cảm hứng từ sự kiện gây tranh cãi vào năm 2016, Secret Empire. Hình ảnh Captain America thốt lên câu "Hydra muôn năm" chắc hẳn là một trong những câu nói gây chấn động nhất trong lịch sử truyện tranh khi nó khiến người hâm mộ nhân vật này trở nên giận dữ vì đã biến một biểu tượng của nước Mĩ thành đồng minh của quân Phát-xít. Tuy nhiên, bộ đôi biên kịch Christopher Markus và Stephen McFeely đã lồng ghép chi tiết này rất hay vào trong bộ phim khi Steve đã tận dụng sự hiểu biết của anh trong tương lai để đối phó với chính Hydra, và nó càng chứng minh Steve không chỉ là một nhân vật chỉ biết dùng nắm đấm mà còn rất thông minh. Ngoài ra, hình ảnh Steve đứng giữa trong thang máy cùng với đám người của Hydra cũng gợi nhớ đến phân cảnh đánh nhau trong Captain America: The Winter Soldier.
44. Hai Captain America
Bên cạnh đó, hình ảnh hai Captain America đối đầu với nhau cũng được lấy cảm hứng từ sự kiện Secret Empire. Trong truyện tranh, Red Skull đã lợi dụng Kobik, một thực thể sinh ra từ Cosmic Cube để xóa ký ức của Captain America và thay vào đó là ký ức khi Steve là một điệp vụ của Hydra. Thế nhưng, sau khi được giải thoát, Kobik đã tạo ra một Steve Rogers mới, với ký ức cũ của Steve Rogers ban đầu. Sau đó, Steve mới đã đánh bại Steve của Hydra và tống hắn vào tù.
45. I can do this all day
Khi hai Captain America trạm chán nhau, Cap của hiện tại đã phản ứng rất buồn cười trước câu nói quen thuộc "Tôi có thể làm điều này cả ngày" của anh, câu nói truyền cảm hứng đã từng xuất hiện trong The First Avenger và Civil War.
46. Chiếc mũ của Ant-man
Khi bộ phim dạo qua phòng nghiên cứu và làm việc của tiến sĩ Hank Pym ở năm 70, ta có thể thấy chiếc mũ tròn rộng với hai cái ăng-ten dài, gợi nhớ đến tạo hình trong truyện tranh của nhân vật này.
47. 'Nuff Said!
Khi bộ phim quay về năm 70 ở New Jersey, ta thấy một chiếc xe đang chạy với cái nhãn 'Nuff Said! ở đuôi xe. 'Nuff Said! là một album nhạc của nghệ sĩ Nina Simone được phát hành vào năm 1968. 'Nuff Said! còn gợi nhớ đến cảnh cameo của Stan Lee trong Spiderman 3 của đạo diễn Sam Raimi, cũng như là khẩu hiệu thường được Stan Lee sử dụng trong các trang truyện của ông.
48. Make love, not war
Câu nói này đến từ vai cameo của Stan Lee. "Hãy yêu nhau đi và ngừng gây chiến" là khẩu hiệu được khởi xướng ở Mỹ từ những năm 1960 trong phong trào phản đổi chiến tranh Việt Nam, sau đó đã lan rộng ra khắp thế giới và được sử dụng trong các cuộc chiến tranh khác. Ngoài ra, nếu để ý kĩ thì nhân vật của Stan Lee có tạo hình rất giống ông những năm 70. Vậy phải chăng ông đang đóng vai chính ông?
49. Bees Gees hay Mungo Jerry
Khi các nhân viên bảo vệ ở S.H.I.E.L.D năm 70 nhắc đến bộ râu của Tony giống như Bee Gees hay Mungo Jerry, ám chỉ đến hai nhóm nhạc nổi tiếng ở thời điểm đó.
50. Jarvis
Ở phân đoạn chia tay giữa Tony và bố của anh, có một người trợ lý xuất hiện với cái tên Jarvis. Tên của nhân vật này là Edwin Jarvis, người quản gia trung thành của Howard Stark. Jarvis được thủ vai bởi James D'Arcy, từng xuất hiện trong series Agent Carter và dĩ nhiên là nguồn cảm hứng cho trợ lý A.I đắc lực của Tony.
51. Mjolnir
Trong sự kiện Secret Empire cũng xuất hiện hình ảnh Cap mới nâng được cây búa Mjolnir để đánh bại Cap của Hydra. Chi tiết này cũng từng xuất hiện trong đầu truyện Fear Itself năm 2011. Ngoài ra, phân cảnh này trong bộ phim cũng gợi nhớ về chi tiết Cap đã khiến cây búa nhúc nhích trong Age of Ultron, và có lẽ chúng ta đều biết rằng Cap đã luôn xứng đáng suốt bấy lâu nay.
52. On your left
Khi Cap đang trong thời khắc của sự tuyệt vọng, Sam Wilson/Falcon đã lên tiếng: "Ở bên trái anh". Câu nói này gợi nhắc đến Captain America: The Winter Soldier, khi Steve cứ trêu trọc Sam ở phân cảnh đầu của bộ phim, cũng như ở phân cảnh cuối phim khi Steve đang nằm viện.
53. Instant Kill
Trong lúc giao chiến với đội quân của Thanos, Peter Parker/Spider Man đã sử dụng tính năng Instant Kill của bộ đồ Iron Spider, một chi tiết đã được nhắc tới trong Spider Man: Homecoming.
54. Wasp gọi Captain America là Cap
Chi tiết này gợi nhớ về cảnh Hope van Dyne/The Wasp tỏ ra mỉa mai đối với Scott khi anh gọi Captain America là Cap.
55. Black Panther cầm găng tay vô cực
Khi T'Challa kêu Clint quăng cho anh chiếc găng tay vô cực, fan không thể không liên tưởng đến hình ảnh nhân vật này sử dụng chiếc găng tay trong đầu truyện Secret Wars vào năm 2015 của hai tác giả Jonathan Hickman và Esad Ribic.
56. A-Force
Một trong những phân cảnh khiến fan không cưỡng lại được đó là các nữ anh hùng cùng đứng chung trong một khung hình để chống lại Thanos và đội quân của hắn ta. Đây là sự tri ân dành cho những nhân vật nữ đã xuất hiện trong MCU 11 năm qua và cũng là một gợi ý cho sự xuất hiện của biệt đội A-Force, một nhóm bao gồm các nữ siêu anh hùng của Marvel.
57. You took everything away from me
Khi Wanda/Scarlet Witch đối mặt với Thanos, cô đã nói rằng ông đã cướp mọi thứ khỏi cô ấy, ý chỉ ở đây là Thanos đã giết Vision. Chi tiết này gợi nhớ đến phân cảnh giữa Wanda và Ultron trong Age of Ultron khi anh trai Pietro của cô vừa bị Ultron giết.
58. Tony đeo găng tay vô cực
Hình ảnh Tony sử dụng chiếc găng tay vô cực cũng đã xuất hiện trong đầu truyện Avengers #12 vào năm 2011 của hai tác giả Brian Michael Bendis và John Romita Jr.
59. I am Iron Man
Trước khi búng tay để tiêu diệt Thanos và đội quân của hắn, Tony đã thốt lên câu nói vô cùng nổi tiếng trong phần phim Iron Man đầu tiên. Một câu nói rất hay để kết thúc câu chuyện của anh trong MCU.
60. Hình ảnh ghi lại của Tony
Phân cảnh mọi người cùng nhìn lại đoạn ghi hình của Tony trước đám tang của anh gợi nhớ về lúc Tony sử dụng công nghệ B.A.R.F trong Captain America: Civil War để nhớ lại cuộc nói chuyện giữa anh và ba mẹ trước lúc họ ra đi. Phân cảnh vô cùng cảm động bởi vì trong khi Tony không thể nói rằng anh yêu cha mình trước khi họ chết, anh đã tự sửa lỗi lầm đó với con gái của mình, mặc dù bây giờ con gái của anh cũng trở thành một người đã mất cha.
61. Bằng chứng Tony Stark có một trái tim
Ở phân cảnh đám tang của Tony, cái lò phản ứng hồ quang cùng với dòng chữ "Bằng chứng Tony Stark có một trái tim" được đặt trên vòng hoa chính là lò phản ứng cũ đã được Pepper giữ lại và tặng cho Tony trong phần đầu tiên của Iron Man.
62. Harley Keener
Ở phân cảnh đám tang của Tony, có một chàng trai trẻ đứng phía trên Maria Hill và Thiếu tướng Ross. Chàng trai này chính là Harley Keener, nhân vật đã giúp đỡ Tony trong Iron Man 3.
63. Natasha và Vision
Khi Clint và Wanda cùng trò chuyện sau đám tang của Tony, Wanda nói rằng cả hai người họ đều biết, ám chỉ Natasha và Vision. Ngoài ra, có một chút gì đó giống nhau giữa cái chết của Nat và Vis khi họ đều chấp nhận hi sinh bản thân và cùng an ủi Clint và Wanda bằng câu nói "Sẽ không sao đâu".
64. Bánh burger phô mai
Ở phân cảnh sau đám tang của Tony, khi Happy hỏi con gái của Tony muốn ăn cái gì, cô bé đã trả lời là bánh burger với phô mai, món ăn yêu thích của Tony. Chi tiết này từng xuất hiện trong Iron Man 1 khi anh trở về từ Afghanistan và yêu cầu người vệ sĩ mang cho anh một cái bánh burger phô mai. Ngoài ra, chi tiết này cũng gợi nhớ đến cái bánh Burger King tệ khủng khiếp mà Robert Downey Jr. đã ăn phải và khiến cho anh suy nghĩ lại về cuộc đời của mình. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đạo diễn Jon Favreau cũng khiến người xem liên tưởng đến bộ phim Chef vào năm 2014 do ông đóng vai chính với món bánh sandwich phô mai nướng vô cùng nổi tiếng.
65. Asgardians of the Galaxy
Trong khi Valkyrie được phong làm Nữ Hoàng của Asgard, Thor dường như lại gia nhập các Vệ binh dải ngân hà. Thế nhưng thay vì gọi họ là Guardians of the Galaxy, Thor lại sử dụng cái tên Asgardians of the Galaxy. Những tưởng đây chỉ là một câu nói đùa được hai nhà biên kịch tự thêm vào, thế nhưng cái tên lại được lấy cảm hứng từ đầu truyện cùng tên ra mắt vào hè năm ngoái. Nhóm này bao gồm các thành viên: Angela (chị/em thất lạc của Thor), Brunnhilde/Valkyrie, Annabelle Riggs, Kevin Masterson/Thunderstrike, Skurge, Throg, The Destroyer và Kid Loki.
66. Steve Rogers già
Ở phân đoạn cuối của bộ phim, Steve đã ở lại trong dòng thời gian khác để sống với Peggy và sau đó mới trở về dòng thời gian của anh. Hình ảnh của Steve gợi nhớ về Old man Rogers trong truyện tranh, khi anh bị hút mất huyết thanh siêu chiến binh và trở nên già đi. Trong sự kiện Secret Empire, chính Kobik là người đã khiến Steve trẻ lại và dĩ nhiên trong Endgame, ta cũng biết nếu cho thời gian chảy qua mình, ví dụ như lúc Scott Lang thử nghiệm cùng Hulk để đi vào thế giới lượng tử, cơ thể ta có thể trẻ lại, thế nên nếu Marvel Studios muốn mang Chris Evans trở lại trong tương lai thì không phải là không có cách.
67. Captain America mới
Khi trở về dòng thời gian chính của anh, Steve đã mang cái khiên theo để trao cho Sam. Trong truyện tranh, Sam được chọn làm Captain America sau khi Steve trở nên già đi và tuy không ít người muốn Bucky được trao cho biệt danh đó trong MCU, tình bạn giữa Sam và Steve cũng được xây dựng rất tốt và dĩ nhiên người xem sẽ hài lòng với quyết định này. Ngoài ra, chi tiết này cũng khiến fan càng mong đợi hơn vào series Falcon & The Winter Soldier sắp tới trên dịch vụ Disney+.
68. It's been a long, long time
Bài hát được phát ở phân cảnh cuối của bộ phim khi Steve có được điệu nhảy với Peggy chính là bài It's been a long long time của Harry James và Kitty Kallen. Bài hát này đã từng được phát trong Captain America: The Winter Soldier ở phân cảnh Nick Fury đang trốn ở trong căn hộ của Steve và là một bài hát vô cùng cảm động để kết thúc câu chuyện của Steve.
69. Tiếng búa đập
Ở đoạn post credit của bộ phim, ta chỉ nghe thấy tiếng búa đập và logo của Marvel Studios. Đây là sự tri ân dành cho Tony Stark và Robert Downey Jr., người đã đặt nền móng cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Nguồn: Tham khảo và tổng hợp