Trong sự nghiệp điện ảnh sáng chói, Trương Quốc Vinh (thường được bạn bè và các fan yêu mến gọi bằng tên thân mật, Ca Ca) có hàng chục vai diễn xuất sắc. Nhưng được nhắc tới nhiều hơn cả, chắc chăn là Trình Điệp Y trong kiệt tác Bá Vương biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca - vai diễn đã khẳng định tầm vóc quốc tế của Ca Ca.
Ít ai biết ý tưởng thực hiện bộ phim Bá Vương biệt Cơ xuất phát từ chính Trương Quốc Vinh năm 1988, khi anh đọc được cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Lý Bích Hoa - cũng là tác giả của tiểu thuyết chuyển thành kịch bản phim Yên Chi Khâu (1988) mà anh vừa đóng vai chính. Anh liên lạc với cựu nữ minh tinh Đài Loan, Từ Phong - lúc này đang là một nhà sản xuất phim khá mát tay - hỏi bà có muốn hợp tác thực hiện một bộ phim dựa theo tiểu thuyết này không. Từ Phong đánh tiếng với đạo diễn danh tiếng nhất Trung Quốc lúc ấy là Trần Khải Ca, và mời ông làm đạo diễn. Vào thời điểm đầu thập niên 1990, Trung Quốc đang dè dặt mở cửa ra thế giới, khoảng cách chính trị giữa Trung Quốc và Hong Kong đang xích gần lại nhau, nên dự án hợp tác này rất được chú ý.
Các vai chính nhanh chóng được xác định đều là những tên tuổi sáng giá nhất của điện ảnh Trung Quốc lúc bấy giờ: Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu), Củng Lợi (vai Cúc Tùng), Cát Ưu (vai Viên đại nhân). Nhưng hóc búa nhất là phải tìm cho được người thủ vai diễn Trình Điệp Y - linh hồn của bộ phim.
Tìm những chuyên gia thủ vai Đán (nam đóng giả nữ trong kinh kịch Bắc Kinh) ở Trung Quốc không khó, nhưng các nhà sản xuất lại muốn người thủ vai này phải là một ngôi sao tầm cỡ. Đến năm 1991, ứng cử viên hàng đầu cho vai Trình Điệp Y là nam diễn viên Mỹ gốc Hong Kong, Tôn Long - người đang có danh tiếng quốc tế khi thủ vai hoàng đế Phổ Nghi trong siêu phẩm đoạt 9 giải Oscar năm 1987, The Last Emperor (Vị hoàng đế cuối cùng).
Tôn Long xuất thân là một diễn viên kinh kịch được đào tạo căn bản từ bé, anh lại có thừa kinh nghiệm thủ vai Đán khi vừa đóng một vai tương tự như Trình Điệp Y, trong một phim của đạo diễn David Cronenberg, M.Butterfly (Hồ Điệp). Chỉ có Tôn Long là phù hợp nhất từ kinh nghiệm cho đến tên tuổi mà các nhà sản xuất mong muốn. Nhưng Trần Khải Ca lại do dự, vì Tôn Long không đủ đẹp cho vai Trình Điệp Y, vai Đán mà anh đóng trong phim M.Butterfly hơi cứng, không có nét mềm mại uyển chuyển. Người xem có thể thấy lờ mờ dấu râu ở quai hàm và cái xương cổ khi ẩn khi hiện của Tôn Long.
Điều quan trọng nhất xảy ra vào giờ chót khi nhà văn Lý Bích Hoa kiên quyết: Nếu không mời được Trương Quốc Vinh vào vai Trình Điệp Y thì bà sẽ không đồng ý để tiểu thuyết của mình lên phim. Trương Quốc Vinh dù rất khát khao được đóng vai này, nhưng anh vẫn băn khoăn mình chưa đủ đẹp để diễn một Trình Điệp Y được mô tả rất mỹ miều trong tiểu thuyết.
Trong lúc Trần Khải Ca cũng không tin Trương Quốc Vinh có thể phù hợp với vai này, thì một người bạn từ Hong Kong gửi đến cho ông tờ tạp chí City Magazine (số kỷ niệm 15 năm phát hành năm 1991), với trang bìa là hình Trương Quốc Vinh trong lớp hóa trang và trang phục vai Đán của vở kinh kịch Kỳ Song Hội, kèm theo là dòng chú thích của người gửi: “Khải Ca, thế này đã mê hoặc được anh chưa!”.
Chính tấm ảnh bìa này đã khiến Trần Khải Ca quyết định tức tốc bay sang Hong Kong để gặp gỡ và giao vai Trình Điệp Y cho Trương Quốc Vinh. Đánh dấu cột mốc quan trọng, khi lần đầu tiên một diễn viên Hồng Kông được mời đóng phim Trung Quốc quay tại đại lục, đặc biệt chủ đề đồng tính là điều cấm kỵ ở đây.
Trương Quốc Vinh chỉ nói được tiếng Quảng Đông, trong khi yêu cầu bắt buộc của một diễn viên kinh kịch là phải nói tiếng Quan Thoại. Anh đã đến Bắc Kinh trước khi bấm máy 6 tháng để học nói lưu loát tiếng Quan Thoại và học kinh kịch từ những nghệ nhân giỏi nhất của nghệ thuật này. Đến Bắc Kinh với tư thế của một ngôi sao danh tiếng châu Á, nhưng Trương Quốc Vinh lại rất khiêm tốn, giản dị và cầu tiến. Sự chăm chỉ đã giúp anh có thể học diễn một trích đoạn tuồng chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày, trong khi với các diễn viên khác phải mất gần 3 tháng trời để học.
Trong những ngày đầu quay tại Bắc Kinh, thành viên đoàn phim người Trung Quốc có vẻ coi thường Trương Quốc Vinh, vì cho rằng anh chỉ là một ca sĩ bảnh trai gặp thời, được mời đóng phim để câu vé khán giả. Nhưng ý nghĩ tiêu cực đó đã nhanh chóng được thay thế bằng sự kính nể bởi tác phong làm việc cực kỳ chuyên nghiệp và lối diễn xuất thần của anh.
Có thể nói, diễn xuất của Trương Quốc Vinh trong phim Bá Vương biệt Cơ có một không hai. Anh hoàn toàn làm lu mờ tất cả những gì thuộc về bộ phim, khi khán giả xem xong dù choáng ngợp, nhưng sau đó chỉ nhớ đến vai diễn Trình Điệp Y của anh. Từ cái liếc nhìn, sự đam mê được kiềm chế, dáng đứng yểu điệu, bước đi nhỏ ngắn, đến những cử chỉ mềm mại yêu kiều… tất cả đều được anh lột tả tinh tế đến hoàn hảo.
Trên màn ảnh từ xưa đến giờ, vẫn chưa có một nam diễn viên nào đóng vai nữ hay như Trương Quốc Vinh. Đến mức tại LHP Cannes 1993, một thành viên trong ban giám khảo đã bỏ phiếu cho anh trong cả hai hạng mục Nam và Nữ diễn viên xuất sắc nhất! Dù anh không đoạt giải (một bất công khó hiểu!), nhưng từ Bá Vương biệt Cơ, Trương Quốc Vinh đã trở thành một cái tên tầm cỡ được kính trọng trên ảnh đàn quốc tế.
Trong nhiều kiểu poster của phim Bá Vương biệt Cơ, được nhiều người yêu thích và được sử dụng rộng rãi là tấm mô tả cận cảnh con mắt đang vẽ tuồng của Trương Quốc Vinh. Người ta thường ca ngợi sức mạnh của tài tử Lương Triều Vỹ là ở đôi mắt biết nói của anh. Còn đôi mắt của Trương Quốc Vinh? Xin nhường lời cho đạo diễn Trần Khải Ca:
“Tôi lần đầu gặp Trương Quốc Vinh ở Hong Kong. Anh ngồi đối diện tôi, vừa hút thuốc vừa lắng nghe tôi kể nội dung phim Bá Vương biệt Cơ. Tôi để ý thấy ngón tay cầm thuốc của anh run run. Đôi chân anh gập lại một cách tao nhã và trông rất điềm tĩnh. Tôi nói với anh rằng tôi sẽ rất vui nếu anh đóng vai Trình Điệp Y - nhưng lúc đó, tôi không quá tự tin rằng anh có thể diễn tốt vai này. Trương Quốc Vinh nói anh có thể diễn tốt vì chính mình là Trình Điệp Y, một người không thể phân biệt đâu là diễn xuất và đâu là đời thực, và là người có những đặc điểm của cả nam lẫn nữ… Tôi đáp lại với anh chỉ bằng một nụ cười.
… Một vài tháng sau, sau khi quay cảnh Đoàn Tiểu Lâu kết hôn với Cúc Tiên, khiến Trình Điệp Y cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, chúng tôi quay tiếp cảnh Trình Điệp Y trong đêm đó mang thanh kiếm mà anh hứa tặng cho Tiểu Lâu lúc họ còn thơ ấu. Trên đường mang nó lại cho Tiểu Lâu, anh gặp phải lính Nhật. Camera bắt đầu quay… Tên lính Nhật dùng con dao vén tấm màn lên. Trương Quốc Vinh đang ngồi bên trong chiếc xe kéo, trong lớp hóa trang tả tơi với vệt son lem đỏ như máu nằm gần miệng anh. Nỗi tuyệt vọng và đau khổ hiện lên trong đôi mắt anh thật là buồn thảm… Sau hiệu lệnh “Cắt!”, Trương Quốc Vinh vẫn ngồi đó, bất động và lệ rưng trong mắt. Tôi không dám chạy đến an ủi anh, nhưng ra hiệu cho đèn đóm tắt hết, để anh chìm trong bóng tối… Mãi tới khi ấy tôi nhận ra, phải là một diễn viên như Trương Quốc Vinh, thì mới có thể trao trọn con tim và tâm trí cho vai diễn mà anh sẽ đóng, mà có lẽ nó đã đạt tới một sự chuẩn mực của diễn xuất. Chính sự biểu cảm này trong đôi mắt anh đã giải thích đầy đủ chủ đề của nội dung phim, về sự ám ảnh và phụ bạc.
Với tư cách đạo diễn, Bá Vương biệt Cơ là bộ phim tôi thực hiện với những xúc cảm mạnh mẽ nhất. Sau khi đã hoàn thành bộ phim được một thời gian, tôi cảm thấy rất khổ sở vì không thể thoát được nó. Rồi một đêm nọ, tôi mơ thấy Trương Quốc Vinh trong bộ trang phục của Trình Điệp Y. Nhìn tôi với đôi mắt biết nói quen thuộc ấy, anh bảo, “Tôi sẽ nói lời vĩnh biệt với anh”. Tôi bừng tỉnh mà đôi mắt ướt đẫm. Tôi không thể phân biệt anh ấy là Trình Điệp Y hay Trương Quốc Vinh… 10 năm sau (2003), lời vĩnh biệt của anh trong giấc mơ của tôi dường như ứng nghiệm với số phận của anh. Vâng, đúng vậy, Trương Quốc Vinh chính là Trình Điệp Y.
"… Sau khi anh thả mình vào cõi chết từ tầng 24 của một khách sạn ở Hong Kong, bạn bè tôi kể rằng thân thể của anh bị bầm dập nhưng mặt mũi thì vẫn nguyên vẹn. Trong số nhiều tấm ảnh chụp anh lúc ấy, riêng có một tấm anh mỉm cười nhẹ nhàng với đầu và đôi mắt hướng xuống. Trớ trêu thay, anh dường như đã biết kết cuộc tương lai của mình. Chúng ta không thể thấy cặp mắt này nếu đầu anh hướng lên, và nhìn bạn với nhiều cảm xúc. Đôi mắt như thế làm sao Chúa nỡ lòng nào hủy hoại!
Tôi luôn nghĩ Trương Quốc Vinh thuộc về thời đã qua. Đó là vì anh có một đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta”.