Thế giới vốn quá rộng lớn và nhiều điều ẩn sâu trong đó mà con người chưa thể nào khám phá hết được, những hang động khổng lồ kỳ bí chưa thể khai phá hết, cùng với những sinh vật kỳ lạ được tìm thấy ở những nơi mà con người chưa đặt chân được tới.
Chính những thứ này đã tạo nên một nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà làm phim mang tới những tác phẩm về những quái vật khổng lồ, khiến người xem choáng ngợp vì độ hùng vĩ đó.
Dòng phim quái vật mang nhiều ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng nói chung là vô cùng to lớn. Hãy cùng với Moveek khám phá thế giới của những sinh vật to lớn vượt sức tưởng tượng con người này, cũng như cùng tìm hiểu những lí do vì sao thể loại này lại trở thành một điểm đặc trưng không thể thiếu với điện ảnh thế giới.
1. Cảm hứng từ những sinh vật thời cổ đại
Thời kỳ xâm chiếm bởi những sinh vật khổng lồ vào lịch sử điện ảnh thế giới bắt đầu từ khá sớm, từ lúc mà điện ảnh vừa mới chập chững những bước đầu tiên. Hiệu ứng hình ảnh khá thô sơ và cũ kĩ, thời đại mà những kỹ xảo được thực hiện từ các mô hình sử dụng stop - motion hay những bộ đồ hóa trang vô cùng cồng kềnh mà vẫn tạo ra được sự ảnh hưởng vô cùng lớn.
Thế giới của những sinh vật tiền sử vốn là thứ mà các nhà khoa học luôn luôn tò mò ở thời điểm đó, vậy nên việc vẽ ra các viễn tưởng về bối cảnh đó là điều không sớm thì muộn với các nhà văn, nhà làm phim. Thử tưởng tượng thế giới hiện đại bỗng dưng xuất hiện một tàn tích từ một thời kỳ mà thậm chí con người còn chưa xuất hiện, thời kỳ độc chiếm bởi những loài khủng long thì sao, một thế giới hoang sơ đầy rẫy sự đe dọa nhưng vô cùng thu hút.
The Lost World - bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên với bối cảnh hệt như vậy. Phim có định dạng phim câm và là bộ phim dài đầu tiên trên thế giới sử dụng stop motion kết hợp với mô hình thu nhỏ để tạo hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, đặc biệt được thực hiện dưới tay của của nhà diễn họa hiệu ứng đặc biệt Willis H. O’Brien, đặt nền tảng cho những bộ phim mang đề tài tương tự.
Ông tiếp tục thực hiện bộ phim tiếp theo cùng về chủ đề quái vật khổng lồ, King Kong năm 1933 ra đời và trở thành một hiện tượng của thời kỳ đó, pha trộn giữa thể loại phiêu lưu viễn tưởng và tình cảm. Ngay lập tức, chú khỉ đột "quá khổ" trở thành một biểu tượng không thể thiếu của nền điện ảnh Hollywood, trở thành một cột mốc và là khởi đầu bùng nổ của thể loại phim quái vật khổng lồ thời bấy giờ.
King Kong sau này được remake bởi đạo diễn Peter Jackson và đạt được thành công không kém gì phiên bản trước đó của nó. Hình tượng King Kong còn tiếp tục xuất hiện trong nhiều bộ phim khác, mới đây nhất là Kong: Skull Island và đặc biệt là màn crossover đỉnh cao sắp tới với một trong những quái vật khổng lồ cũng nổi tiếng không kém - Godzilla.
Thế giới tiền sử một lần nữa lại được sống dậy và mê hoặc khán giả bởi Jurassic Park của nhà làm phim đại tài Steven Spielberg, thương hiệu bom tấn khủng long huyền thoại, khi hòa trộn giữa hiệu ứng hình ảnh CGI và những con animatronic có hình dáng khủng long, khiến những sinh vật đó như thực sự “sống” trước mắt khán giả.
Jurassic Park tạo ra một chuỗi series những hậu truyện bom tấn kéo dài đến tận ngày nay, đồng thời còn cho ra đời một công viên khủng long “thật sự” dựa trên thế giới của phim, thu hút hàng ngàn người mỗi năm, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi, đủ để thấy sự lôi cuốn từ bộ phim lớn đến mức nào.
2. Sự đe dọa của những sinh vật từ trí tưởng tượng con người
Sinh vật khổng lồ được xuất hiện từ rất lâu trước cả khi nền điện ảnh ra đời, ta có thể thấy những giai thoại về những chủng loại cổ xưa, khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp với những Titan hay quái vật Hydra… hay nổi tiếng nhất là quái vật Kraken, một sinh vật biển khổng lồ với các xúc tu chực chờ nuốt chửng tàu bè qua lại ở khu vực nó sinh sống.
Kraken xuất hiện rất nhiều lần trên màn ảnh rộng và không chỉ gói gọn ở mỗi Hy Lạp mà còn xuất hiện với nhiều dạng từ nhiều bộ phim khác nhau, từ bộ phim Clash Of The Titan (cũng nói về thần thoại Hy Lạp) cho đến đụng độ với chàng hải tặc Jack Sparrow trong Pirates Of The Caribbean dưới dạng một con bạch tuộc khổng lồ. Sinh vật này thậm chí còn là một truyền thuyết có thật ngoài đời, khiến nỗi sợ của khán giả còn tăng lên gấp bội.
Bạn đã bao giờ xem một video clip về những cuộc thám hiểm dưới đáy đại dương, hay nhìn xuống một vùng nước sâu miên man rồi cảm thấy bất an chưa? Cảm giác đó chính là nỗi sợ biển sâu (Thalassophobia) và Kraken chính làm một trong những nguyên nhân khiến nỗi sợ đó trở nên hữu hình hơn bao giờ hết.
Biển sâu vốn dĩ quá đáng sợ và rộng lớn, không ai biết những gì diễn ra dưới đáy đại dương u tối hay sinh vật nào đang chực chờ nuốt lấy những kẻ xấu số đi ngang, hình ảnh một sinh vật to khủng khiếp đột ngột xuất hiện rồi biến mất dưới làn nước u tối đủ để khiến bất kỳ ai yêu thích lặn biển phải rùng mình khi nghĩ tới.
Tận dụng nỗi sợ vô hình này, rất nhiều bộ phim đã thêu dệt lên những sinh vật quái dị và khủng khiếp, có thể kể đến như It Came From Beneath The Sea, Deep Rising, Sector 7 - một đại diện đến từ Hàn Quốc hay gần đây nhất là Underwater, lấy cảm hứng rất lớn từ truyền thuyết Cthulhu (cũng là một trong những quái vật khổng lồ). Tuy bộ phim là một cú flop phòng vé nhưng khiến người xem phải ngộp thở vì không khí ngột ngạt đe dọa từ đáy đại dương.
Hình tượng các sinh vật đó còn xuất hiện khắp nơi qua từng truyền thuyết khác nhau trên thế giới, rắn thần Orochi của Nhật Bản, rồng dạng rắn trong truyền thuyết Trung Hoa, rồng phun lửa của thần thoại Bắc Âu… Điểm chung của những sinh vật này là đều có dáng vẻ khổng lồ và là một thế lực tương tự như những vị thần.
Điều này là do suy nghĩ từ thời cổ đại của xã hội loài người, họ sợ hãi và cảm thấy bị đe dọa bởi những sinh vật không có gốc gác rõ ràng, có dáng vẻ khổng lồ, uy nghiêm, nhiều sinh vật khổng lồ trong thần thoại nhiều nơi trên thế giới còn được coi là những vị thần, chúng có thể phù hộ hoặc gây tận diệt cho toàn thể nhân loại khi thức giấc.
Rồng, đặc biệt là rồng có cánh như nói trên là một trong những sinh vật xuất khá nhiều trên màn ảnh, những bộ phim có xuất hiện của loài rồng như Reign Of Fire, Hobbit, Harry Potter… đều khắc họa hình tượng đó như một thế lực tự nhiên đe dọa con người hơn là một biểu tượng thần thánh như của phương Đông.
Ai từng xem qua những đoạn clip tư liệu hay hình ảnh về những quái vật truyền thuyết bỗng xuất hiện mờ mờ ảo ảo trong khung hình, rồi bất giác cảm thấy lạnh sống lưng vì điều đó, Trollhunter chính là bộ phim mang tới một cảm giác tương tự.
Phim được quay dưới dạng found footage với kinh phí thấp, đồng thời sử dụng hình ảnh những người khổng lồ Troll trong truyền thuyết để mang tới một bộ phim pha giữa kinh dị và thần thoại phiêu lưu sáng tạo. Sự đáng sợ của bộ phim không chỉ nằm ở mỗi tạo hình nhân vật, mà còn là ở cách mà bộ phim tiết lộ những sinh vật hay chạm trán nó, được thể hiện không rõ ràng cùng với một chút shaky cam đặc trưng của thể loại giả tài liệu.
3. Nỗi sợ về chiến tranh và thông điệp về bảo vệ trái đất
Nhắc tới dòng phim quái vật khổng lồ mà không kể đến những Kaiju huyền thoại từ đất nước Nhật Bản là một thiếu sót lớn. Nếu như Mỹ là nơi cho ra đời những nền tảng đầu tiên của thể loại này thì Nhật Bản chính là nơi làm chúng vươn ra tầm thế giới, được nhiều người đón nhận hơn.
Những quái vật như Godzilla hay Ghidorah chắc hẳn là quá quen thuộc với nhiều fan hâm mộ trên thế giới, nhưng nguồn gốc ra đời của chúng còn phức tạp và sâu sắc hơn chúng ta nghĩ.
Godzilla theo nguồn gốc chính xác là một sinh vật sống rất lâu đời, tồn tại hàng chục triệu năm trước khi con người xuất hiện. Nó ngủ sâu trong lòng trái đất và bị đánh thức bởi chính những vụ nổ hạt nhân của con người. Đúng như vậy, Godzilla ra đời trong giai đoạn thế giới đang lo sợ trước những nguy cơ từ vũ khí hạt nhân, thời điểm sau 2 vụ nổ bom nguyên tử của Hiroshima và Nagasaki đã ám ảnh người dân Nhật Bản vào sâu trong tiềm thức. Nói cách khác, Godzilla chính là hiện thân của nước Mỹ, khổng lồ và đầy đe dọa và cũng như đại diện cho sự mối hiểm họa không tránh khỏi của bom hạt nhân thời bấy giờ.
Vai trò đe dọa dần biến chuyển trở thành một hình tượng phản anh hùng hơn ở những phim sau đó, khi mà Godzilla tuy khác với loài người nhưng hỗ trợ họ đương đầu trực tiếp với một mối hiểm họa chung từ các quái vật khác, đe dọa an nguy trái đất.
Hình ảnh này dần trở thành một hiện tượng văn hóa của người dân nước Nhật, một tượng đài sánh ngang với hình ảnh King Kong của Mỹ. Series Godzilla cũng đồng thời tạo ra rất nhiều những quái vật khác cũng nổi tiếng không kém như là King Ghidorah, Rodan…
Tuy vào từng thời đại, nỗi sợ của con người thể hiện trên màn ảnh rộng dần khác đi, Godzilla ở thời đại cũ là một đại diện cho chiến tranh hạt nhân, thì nay trở thành một hình ảnh đại diện cho thiên nhiên của trái đất khi bị con người tàn phá, chúng trở thành mối đe dọa hữu hình và lời cảnh tỉnh cho bất kì ai làm tổn thương đến trái đất quá nhiều.
Series Godzilla còn là nguồn cảm hứng trực tiếp cho bộ phim Pacific Rim của đạo diễn Guillermo Del Toro ra đời. Nhìn vào tạo hình những quái thú, chúng ta có thể thấy rõ ràng sự tương đồng với các quái vật trong Godzilla.
Thế nhưng, Godzilla không chỉ đơn thuần là sự chống trả của trái đất trước những sinh vật ngoài hành tinh liên tục đe dọa, mà còn sử dụng hình ảnh những con Kaiju để đại diện cho một mối thù chung, vì an nguy trái đất nên các quốc gia buộc phải phối hợp và cùng nhau chống lại chúng, một thông điệp hòa bình xóa bỏ chiến tranh ẩn sâu trong một bộ phim mang đề tài quái vật chiến đấu.
Một bộ phim nữa cũng mang đề tài mối hiểm họa ngoài hành tinh và cũng lấy cảm hứng rất nhiều từ dòng phim Godzilla là Cloverfield. Cloverfield tiếp tục sử dụng phong cách found footage nhằm tạo ra bầu không khí bí ẩn, sợ hãi của những người dân khi trực tiếp nằm trong khu vực bị người ngoài hành tinh xâm lăng.
Phim đặt người xem vào góc nhìn của những người dân thường, bất lực trước thế lực ngoại lai, suốt 85 phút đồng hồ của phim là những sự kinh hoàng và hoang mang tột độ của nhóm người khi phải trốn chạy mối hiểm họa mờ mịt. Những cảnh quay giật lắc đặc trưng của found footage tiếp tục phát huy tác dụng vốn có của nó, mang một sự đe dọa thực tế của những bộ phim thảm họa khi không biết liệu đoàn người có thể sống sót nổi cho cú tai họa từ trên trời rơi xuống hay không.
Cloverfield cũng đánh mạnh vào đề tài bảo vệ môi trường, vẫn với chủ đề cũ, con người khai thác quá độ tài nguyên khiến vô tình đánh thức loài quái vật ngủ sâu dưới lòng đại dương. Nói chung, phim xoáy sâu vào việc chính con người đã tàn phá và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, để rồi họ phải tự chống trả yếu ớt với những gì mà tự mình gây ra.
Phim được đón nhận khá tích cực và mang lại được danh tiếng nhất định cho đạo diễn Matt Reeves (người mà sẽ mang lại cho chúng ta bộ phim The Batman sắp tới đây) và thành công đến mức có hẳn một vũ trụ điện ảnh riêng biệt tương tự như Godzilla.
4. Lời kết
Con người "nghiện" cái cảm giác hồi hộp tăng cao khi đối đầu với nguy hiểm và khao khát được chiêm ngưỡng những sinh vật kỳ quái, vĩ đại. Có lẽ vì vậy, di sản mà dòng phim quái vật để lại sẽ không bao giờ bị đánh gục, cho dù bộ phim có nội dung dở tệ hay xuất sắc, chỉ cần được ngắm nhìn những con quái vật gầm rú và chiến đấu lẫn nhau hay những trận thư hùng phá hủy đậm chất Hollywood, là bản thân sẽ bé lại như một đứa trẻ lần đầu xem phim siêu nhân.
Sắp tới đây, 2 siêu phẩm Monster Hunter dựa trên tựa game cùng tên nổi tiếng của hãng Capcom về những quái thú thời tiền sử, cùng với đó là màn đối đầu lịch sử của hai huyền thoại trong Godzilla Vs. Kong, mang một sự đổ bộ trở lại của dòng phim quái vật ăn khách với khán giả, như một món ăn không thể thiếu được trong mùa phim bom tấn.