Tin điện ảnh

Batman v Superman : Khi nữ thần kể câu chuyện về loài người

Sau khi xem xong BvS, tôi đã hiểu tại sao phần lớn lời khen tập trung vào nhân vật Wonder Woman do Gal Gadot đóng. Đơn giản không chỉ vì nhân vật của cô ta quá tuyệt vời, mà bản thân bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice đã mang một nét quyến rũ đầy nữ tính.

Lấy bối cảnh 2 năm sau sự kiện diễn ra trong Man of Steel nhưng bộ phim không đi liền vào triển khai cốt truyện chính. Thay vào đó, bộ phim bắt đầu bằng góc nhìn của Batman về sự xuất hiện của Superman. Và rất nhiều khán giả đã cảm thấy phim dài lê thê khi tập trung nói về suy nghĩ của nhân loại trước Superman. Điều này cũng tương tự cách mà Gal Gadot xuất hiện: đầy bí ẩn và quyến rũ. Những chi tiết trong phim là không hề thừa nếu bạn hiểu về cách nước Mĩ “định nghĩa” Superman: “Truth, Justice and American way.” ( Sự thật, công lí và phong cách Mĩ). Thậm chí chính quyền Mĩ còn dùng Superman làm hình tượng để tuyển mộ lính:

Bộ phim không chỉ nói lên sự e ngại giữa loài người và những thế lực siêu nhiên (Superman), mà còn là sự hoài nghi đến từ nội bộ nước Mĩ (Batman và Superman) hay từ các nước khác. Chính vì thế mà nửa đầu bộ phim là sự đấu tranh giữa những luồng tư tưởng: ôn hòa và cực đoan, dung hòa và bài xích…

Tôi không trách những ai xem đoạn đầu và bảo nó lê thê. Vì nội dung của bộ phim vẫn còn mang hơi hướng của Christopher Nolan với những triết lí tiềm ẩn, những câu chữ lập lờ, cộng với phong cách đặc trưng của Zack Snyder: những cảnh quay chậm, những đoạn hồi ức ma mị…

Nhưng với tôi, đó là một sự khởi đầu tốt cho một bộ phim tuyệt vời. Giống như nụ cười bí ẩn của Wonder Woman trong ảnh, đoạn dạo đầu này nhắn nhủ rằng: “Hãy nhìn kĩ hơn và rộng hơn, bạn sẽ thấy nhiều điều hay của tôi.”

Bạn đã bao giờ xếp một chuỗi domino dài thật dài chưa?  Khi đổ đến con domino cuối cùng, những tràng sóng âm thanh, những thay đổi về màu sắc khiến ta choáng ngợp. Đoạn cuối bộ phim vỡ òa trong những hiệu ứng mãn nhãn, những trường đoạn âm nhạc hớp hồn người xem và những rung động đến từ nhân cách của các anh hùng tạo nên sự sung sướng không thể kềm hãm. Và trường đoạn này dĩ nhiên mang đậm dấu ấn của Wonder Woman khi cô xuất hiện trong bộ áo giáp: thân thể đầy mị lực, đôi mắt biết nói, mái tóc nữ tính nhưng cũng đầy hoang dã. Không phải lửa từ những vụ nổ, mà chính là những cái hất đầu, những nụ cười mỉm chi của Wonder Woman đã “thiêu cháy” màn ảnh, biến sự tàn bạo của cuộc chiến thành một nét quyến rũ chết người.

Và về âm nhạc…tôi chỉ biết câm nín lắng nghe từng đoạn nhạc nền và tự hỏi: “Đâu là giới hạn của Hans Zimmer?” Bạn biết đấy, nếu bạn là một fan bóng đá, bạn sẽ có khả năng nhận ra, và phát biểu về phong cách của các đội bóng khác nhau. Và Hans Zimmer, tôi không biết liệu ông có phải là fan truyện tranh hay không, nhưng cái cách ông cùng với Junkie XL tạo ra nhạc nền mang đầy chất Thần cho Superman, hay nhuốm đầy tang tóc cho Batman, và hoang dã, mê đắm cho Wonder Woman đã “vẽ” nên một thần thái cho nhân vật ngoài ngôn ngữ hình ảnh. Nếu nói bộ phim là lời kể chuyện của một nữ thần, thì nhạc phim, không nghi ngờ gì nữa, chính là chất giọng của nàng, mang đến say mê và minh triết. Tôi dám chắc rằng nếu có một người mù từng biết qua truyện viết về ba nhân vật này, khi nghe nhạc phim anh ta sẽ nhận ra đang nói về ai.

Bên cạnh đó, Warner Bros. và DC Comics đã cho thấy khả năng chọn diễn viên không hề kém cạnh Marvel.

Nếu trước đây, Christian Bale thể hiện một Batman đầy u sầu và hoài nghi, thì Ben Afleck cho chúng ta một Batman đầy mệt mỏi, tàn bạo và quyết chí. Henry Cavill thể hiện sự lạc lõng của một vị Thần, muốn học làm con người nhưng bị gạt ra. Sự hoài nghi, sự đau khổ khi bị nghi ngờ và ruồng bỏ, sự thất vọng, niềm hi vọng, mọi thứ mà Superman từng trải qua chỉ vì quyền năng của mình được hiện ra rất rõ ràng. Có rất nhiều người từng cười chê Superman là siêu anh hùng “tứ chi phát triển”. Bộ phim này đã chỉ ra rằng những người đó nhìn vào Superman như con kiến nhìn vào ngọn núi, chỉ thấy ngọn  núi vĩ đại mà nào thấy hết được những gì ngọn núi đó mang theo!

Và cũng có người so sánh Lex Luthor của Jesse Eisenberg với Joker của Heath Ledger.

Sai!

Vì về cơ bản, mọi sự so sánh là khập khiễng.

Và về nội tâm nhân vật, Lex Luthor của Jesse Eisenberg không điên theo kiểu Joker.

Còn nếu giống nhau, đó là có lẽ là sự chặt chẽ trong kế hoạch phạm tội. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt và giống nhau giữa hai nhân vật này, xin hãy xem phim.

Kết: Joker của Chris Nolan từng nói “It’s not about the money. It’s about sending a message!”.

Tôi thật sự phải cám ơn Zack Snyder và DC Comics đã không hoàn toàn giống hãng phim D., biến mọi phim siêu anh hùng thành món hamburger “dễ nuốt” cho khán giả nhí. Batman v Superman là một hành trình đấu tranh của nhân loại trước thiên nhiên và sự xấu xa của chính mình, và nó đáng được xem vì mỗi chúng ta đều cần tự nhắc mình về những cuộc chiến đó.