Nhắc đến thể loại phim hành động hoặc viễn tưởng, chắc chắn phần lớn chúng ta sẽ mường tượng được những hình ảnh hoành tráng, đầy mê hoặc và cực kỳ ảo do ekip làm phim tạo ra. Và Vice là sự kết hợp của hai thể loại trên, nhưng theo cách tệ nhất mà bạn có thể hình dung.
Nội dung: Vice nói về một thế giới khi con người đạt thành tựu to lớn về mặt người máy sinh học và để giảm thiểu tỷ lệ phạm tội, hay nói một cách chính xác hơn là để thỏa mãn nhu cầu tăm tối nhất của con người mà không bị pháp luật kiềm chế, một resort tên Vice được lập nên, nơi mà tất cả mọi người có thể đến thỏa mãn bất kỳ điều gì họ muốn mà không bị ảnh hưởng bởi luật pháp với những cỗ máy sinh học giống hệt người thật về hình dáng, tính cách lẫn cảm xúc. Tất nhiên, khi một trí tuệ nhân tạo có được cảm xúc và suy nghĩ, dần dần bản năng khiến chúng vùng dậy và phản bội lại sự lập trình của mình.
Có thể thấy nội dụng sơ bộ của Vice cực kỳ ổn, và hoàn toàn có thể trở thành một bom tấn nếu như nó được đầu tư một cách đúng đắn. Nhưng thật đáng tiếc rằng chữ "nếu" không được dùng cho tác phẩm này của đạo diễn Brian A Miller.
Hình ảnh, kỹ xảo: đây được xem như linh hồn của một bộ phim thuộc thể loại hành động, viễn tưởng. Mặc dù tạo nên một công nghệ rất vĩ đại như người máy sinh học, nhưng dường như đó là tất cả những gì phim có thể đã đề cập đến, đừng trông mong những tòa nhà cao trọc trời, những chiếc xe mang hơi hướng của tương lai hay bất kỳ một thứ công nghệ máy móc, vũ khí hiện đại nào cả. Xét về mặt viễn tưởng, phim đã thất bại, vì sự nhàm chán đến từng khung hình.Thế nên sẽ chẳng có bất kỳ kỹ xảo hoành tráng nào để chiêm ngưỡng cả. Điều đáng nói nhất ở đây một bộ phim được gắn mác hành động nhưng bạn không thật sự thấy một cảnh hành động nào đáng nói ngoài màn đấu súng bị cường điệu đến thảm hại.
Nhịp độ: một bộ phim hành động dài hơn 90 phút nhưng nhịp phim diễn ra rất lê thê, như đã nói ở trên sẽ không có màn hành động nào thật sự cũng vì một nguyên do, diễn viên nói quá nhiều. Có lẽ đạo diễn muốn người xem có thể hình dung ra được thế giới diễn ra trong phim như thế nào, nên hết diễn viên này đến diễn viên khác nói và kéo dài từ đầu phim cho đến cuối phim. Đừng ngạc nhiên khi bắt gặp những cảnh ngủ gật trong phim.
Diễn xuất: nữ diễn viên xinh đẹp Ambyr Childers đã thể hiện tròn vai một người máy sinh học với gương mặt cứng đơ và thiếu tự nhiên. Nam diễn viên chính Thomas Jane đóng một thanh tra cảnh sát đậm phong cách Mỹ, một chút dở hơi, một chút bất cần đời và một chút khó chịu đến cực kỳ nhàm và nhảm. Về Bruce Willis, danh tiếng của tài tử hầu như không thể cứu được bộ phim, từ một diễn viên hành động gạo cội ông lại trở thành một anh chàng ngồi bàn giấy chỉ tay năm ngón, ngoài việc ra lệnh trong phim với tư cách ông chủ của resort Vice, ông ấy hầu như không làm gì cả. Trong phim này Bruce Willis chuyển sang vai phản diện để thử thách thêm bản thân, nhưng tốt nhất nên là một diễn viên hành động, bởi vì phong cách tỏ ra nguy hiểm, cố gắng thể hiện sự đáng sợ của một nhân vật xấu không thực sự hiệu quả. Như nhiều bộ phim Mỹ khác, nhân vật nữ chính thuộc kiểu yếu đuối bỗng trở nên mạnh mẽ, một anh chàng dở hơi trở thành người hùng, một nhân vật phản diện luôn tỏ ra nguy hiểm lại bị giết một cách lãng nhách. Và dàn diễn viên phụ của phim ngoài việc góp mắt cho vui thì hầu như đều bị bắn chết theo kiểu dễ nhất có thể.
Xét về góc độ kịch bản, logic của phim ổn, nhưng việc ôm đồm nhiều thứ, cũng như hạn chế về mặt hình ảnh và diễn xuất các diễn viên làm phim trở nên khá tệ. Khán giả không nên trông mong quá nhiều nếu là người thích thể loại viễn tưởng và hành động.
Vice (tựa Việt: Người Nhân Tạo) đã khởi chiếu từ ngày 27/2/2015. Xem thông tin chi tiết, lịch chiếu và đặt vé tại đây: https://moveek.com/phim/vice/