Những ồn ào quanh việc bộ phim Bụi đời Chợ Lớn không được cấp phép phổ biến và ra rạp vào 19-4 như kế hoạch đã khiến Cục Điện ảnh tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 11-4.
Chém giết từ đầu đến cuối
Trước khi bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh lên tiếng về việc này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, đã có những nhận xét khá nặng nề về bộ phim. Theo bà Ngát, từ đầu đến cuối phim là những cảnh quay băng nhóm xã hội đen hàng trăm người "dàn trận" ngang nhiên, chém giết không ghê tay, hỗn loạn bằng dao, kiếm, mã tấu..., máu me vương vãi khắp nơi mà không hề có sự xuất hiện hay tham gia của người dân hay lực lượng xã hội nào.
Bà Ngát cho rằng, chưa nói đến việc quá nhiều hình ảnh bạo lực như vậy đã vi phạm những điều cấm của Luật Điện ảnh, việc phản ánh sai hiện thực về đời sống ở TPHCM cũng đã khiến cho 4/8 thành viên hội đồng thẩm định (1 thành viên vắng mặt) bỏ phiếu đề nghị không cho phép phổ biến, 4 thành viên đề nghị sửa chữa phim.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết thêm: Sau khi Hãng phim Chánh Phương gửi hồ sơ (kịch bản và giấy tờ liên quan) đến Cục Điện ảnh để xin phép hợp tác với nghệ sĩ quốc tịch Mỹ (Charlie Nguyen) thực hiện bộ phim Bụi đời Chợ Lớn vào tháng 10-2012, Cục đã yêu cầu hãng phim này phải sửa chữa kịch bản, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ; loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực để tránh vi phạm của Luật Điện ảnh.
Cục Điện ảnh cũng khuyến cáo nhà sản xuất không nên đưa những cảnh chém giết, thanh toán dã man trên các ngõ hẻm, đường phố của TPHCM, chỉnh sửa kịch bản và trình Cục Điện ảnh thẩm định lại trước khi đưa vào sản xuất. Thế nhưng, phớt lờ yêu cầu của cơ quan quản lý, nhà sản xuất Bụi đời Chợ Lớn đã đưa phim vào sản xuất mà không trình lại kịch bản, tiếp theo đó, tự ý định ngày phát hành bộ phim khi bộ phim chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến. Bà Lan khẳng định, hành động này là vi phạm Luật Điện ảnh. "Trong khi đó, những phản hồi, trả lời phỏng vấn của diễn viên Johnny Trí Nguyễn cũng như đại diện Công ty Chánh Phương về quy trình thẩm định kịch bản, thẩm định phim, về ý kiến của Hội đồng thẩm định phim đã gây ra những hiểu lầm đáng tiếc trong dư luận và khán giả", bà Lan nói.
Người đứng đầu ngành điện ảnh cũng cho rằng, Hội đồng và cơ quan quản lý điện ảnh đang giải quyết đúng trình tự, có lý, có tình đối với một bộ phim đang vi phạm pháp luật với mục đích khuyến khích phim Việt, giúp đỡ nhà sản xuất khắc phục hậu quả do họ gây ra.
"Sai thì phải chịu rủi ro"!
Trước những băn khoăn của phóng viên về định nghĩa "hiện thực cuộc sống" mà Cục Điện ảnh đã đưa ra để từ chối cấp phép cho Bụi đời Chợ Lớn, bà Ngô Phương Lan cho rằng, việc hàng trăm người dùng lưỡi lê đâm chém nhau ngày này qua ngày khác mà không có sự xuất hiện của dân hay bất cứ lực lượng nào là điều không thực tế. TPHCM hằng ngày có thể có những vụ đánh nhau, nhưng không có chuyện băng nhóm thanh toán đẫm máu hằng tháng mà không ai can thiệp. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói thêm: "Đầu phim không biết là ở giai đoạn nào, nhưng đến cuối phim, các "bụi đời" được ra tù và hứa làm lại cuộc đời, như thế là khán giả biết họ đang sống trong giai đoạn hiện nay. Có khi chiếu phim lãnh đạo Chợ Lớn lại phản ứng vì phim chỉ đích danh khu Chợ Lớn".
Để "cứu" bộ phim, bà Ngô Phương Lan cho hay, Cục Điện ảnh chọn giải pháp chỉnh sửa tổng thể Bụi đời Chợ Lớn theo đúng kịch bản được duyệt. Khi phóng viên đặt vấn đề như vậy sẽ rất tốn kém cho nhà sản xuất, bà Lan cho hay: "Khi đã sai thì rủi ro phải chấp nhận. Đạo diễn ở Mỹ cũng phải tuân theo pháp luật". Hiện hai hãng phim Chánh Phương và Thiên Ngân đã có văn bản gửi Cục Điện ảnh giải trình và nhận sai sót vì không chấp hành quy định về sản xuất và phát hành phim, đồng thời cam kết sẽ sửa chữa bộ phim theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Trước băn khoăn liệu bộ phim này có còn "hồn cốt" ban đầu sau khi đã sửa chữa, dưới góc độ của một nhà chuyên môn, bà Ngô Phương Lan nói, nếu phát triển được những mối quan hệ nhân văn còn mờ nhạt trong phim thì Bụi đời Chợ Lớn sẽ cân đối và ổn hơn.
Ưu ái đạo diễn Việt kiều
Trước Bụi đời Chợ Lớn, bộ phim Bẫy cấp ba cũng gây ồn ào dư luận vì không được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến do có quá nhiều cảnh sex, bạo lực. Bà Hồng Ngát cho biết, việc duyệt phim nước ngoài khá đơn giản, trong khi phim Việt thì rất "nhức đầu".
"Nhiều phim hài nhảm, nhạt, chúng tôi vẫn phải đồng ý cho phát hành vì đồng tiền của nhà sản xuất là mồ hôi, xương máu của họ, vả lại họ nhạt chứ không sai. Nếu cần chỉnh sửa gì, chúng tôi sẵn sàng góp ý chân thành vì không thể chỉ vì chi tiết nhỏ mà bỏ cả phim lớn", bà Ngát tâm sự. "Chúng tôi rất yêu quý phim Việt, đặc biệt là các đạo diễn Việt kiều, những người mang làn gió mới với tiết tấu Hollywood về Việt Nam", bà Ngát nói.