Ở đây người viết đang muốn so sánh giữa hai phong cách triển khai cốt truyện của dòng phim siêu anh hùng. Đây cũng là hai phong cách chủ đạo của hai hãng comic lớn đang nắm trùm thị trường phim ảnh siêu anh hùng: DC và Marvel.
Phong cách “xếp hình” hay còn gọi là qui nạp: gần gũi với khán giả phổ thông, thú vị nhưng dễ đoán.
Đây là phong cách chính của Marvel vì rõ ràng đối tượng mà Marvel nhắm đến là nhóm khán giả phổ thông đi xem phim theo kiểu giải trí gia đình. Họ đã làm các phim riêng lẻ về Captain America, Iron Man và Thor trước khi tập hợp tất cả trong bộ phim crossover: The Avengers.
Ưu điểm của cách làm phim này rất rõ ràng: khán giả lần đầu tiên tiếp xúc với phim siêu anh hùng có được những khái niệm cơ bản về các siêu anh hùng trong phim. Nhà sản xuất đo được phản ứng của khán giả với từng siêu anh hùng để tính toán sự xuất hiện của họ trong phần phim “tổng hợp” tiếp theo. Rõ ràng nhất chính là việc Loki của Tom Hiddleston là ác nhân chính trong The Avengers (2012).
Bộ phim Thor hẳn đã là thảm họa phòng vé nếu không có diễn xuất tài tình của Tom trong vai Loki. Và vì thế, không gì tuyệt vời hơn việc cho biệt đội siêu anh hùng Avengers “tập dợt” với nhau bằng cách chống lại tên Loki xấu xa (nhưng đẹp trai).
Bạn mê mẫu anh hùng cổ điển? Có Captain America.
Bạn mê mẫu anh hùng láu cá? Có Iron Man.
Bạn là thiếu nữ mê những chàng soái ca? Thor sáu múi và Loki mắt long lanh sẽ lượn qua lượn lại trong film.
Bạn là người đàn ông đơn giản? Có ngay Black Widow.
Khán giả thỏa mãn, nhà sản xuất cũng thỏa mãn với hơn 1,5 tỉ doanh thu toàn cầu.
Có thể nói, với phong cách qui nạp này, mỗi hero là một mảnh ghép tạo nên một bức tranh tổng thể chỉnh chu, thỏa mãn người xem nên tôi gọi nói là “xếp hình”. Tuy nhiên, cũng giống như một trò chơi xếp hình, khi bạn đã gom góp đủ các mảnh ghép thì tổng thể bức tranh trở nên dễ đoán hơn bao giờ hết. Đặc biệt với phong cách cung cấp thông tin tràn ngập thị trường của Marvel, người xem có cảm giác rằng những bộ phim của Marvel đã bị spoil bằng hàng loạt những bài báo, những thông báo úp mở của các diễn viên. Điều đó dẫn đến sự trải nghiệm các bộ phim trở nên thiếu đi hào hứng.
Ví dụ: Iron Man là một SAH (siêu anh hùng) có đẳng cấp không kém gì Đấng Vô Đối aka Batman của DC (nhà giàu, có bất ổn tâm lý, thông minh cực kì). Nếu Batman có hẳn kế hoạch để hạ gục từng thành viên trong Justice League thì Iron Man cũng có kế hoạch đề phòng từng thành viên trong Avengers (bộ giáp của anh ghi nhớ tất cả chiêu thức của Captain America, nhân bản được cả Thor (trong truyện Civil War) và anh có cả bộ giáp Hulkbuster để đề phòng Hulk nổi điên - cho nên chi tiết Hulkbuster xuất hiện trong Avengers 2 có rất nhiều ý nghĩa). Tuy vậy, bản thân tôi đã mất hẳn sự hào hứng khi Hulkbuster xuất hiện trong Age of Ultron, đơn giản vì có quá nhiều clip sneakpeek, teaser trên mạng trước cả khi phim ra.
Phong cách “bung lụa” hay còn gọi là diễn dịch: ấn tượng mạnh, gợi suy nghĩ nhưng khó nhằn.
Ra đời trước nhưng DC lại khá chậm trong việc triển khai một vũ trụ điện ảnh của mình như Marvel. Có lẽ vì các phim siêu anh hùng của DC tập trung khai thác mặt tối trong tâm lí con người, nên việc đưa họ vào chung một phim sẽ khó thỏa mãn hết cá tính của nhân vật. Chính vì thế mà dù có Watchmen (2009) hay Dark Knight Trilogy (2006-2012), DC phải chờ đến Man of Steel (2013) mới khởi động việc xây dựng vũ trụ điện ảnh cho riêng mình.
Và họ chọn cách diễn dịch: bộ phim qui tụ các siêu anh hùng chính (Batman v Superman) sẽ xuất hiện trước, đặt tiền đề cho các bộ phim riêng lẻ sau này.
Có thể thấy để các phim sau như Wonder Woman, Suicide Squad hay một phim riêng về Batman ra đời, thì điều kiện tiên quyết là Batman v Superman phải hay, và kích thích được người xem.
Nhưng với lập trường của một khán giả phổ thông, tôi cảm thấy DC đã thất thế ngay trong nước cờ đầu tiên của mình. BvS tăm tối quá mức cần thiết (đặc biệt là trong một bộ phim nói về Superman, người có khả năng giúp cho nhân loại tin vào điều tốt nhất trong họ), quá nhiều chi tiết mà chỉ fan DC mới hiểu, cách khai thác cốt truyện bị chậm và rời rạc. Đây là lý do tại sao tôi gọi cách làm phim diễn dịch là “bung lụa”: khi bạn tung hê mọi thứ lên, bạn có một quang cảnh hoành tráng. Nhưng chỉ xem qua 1 lần thì rất khó để nắm bắt hết tất cả quang cảnh đó. Khán giả phổ thông muốn hiểu các bộ phim của DC thì phải xem comic hoặc xem lại phim nhiều lần. Nhưng BvS sẽ khó khiến cho người ta xem thêm lần nữa.
Thậm chí, ngay cả fan của DC cũng lên tiếng chê rằng Zack Snyder, đạo diễn của BvS đã không hiểu được nhân vật Superman.
Doanh thu của BvS đã nói lên phần nào sự thất thế này: khoảng 851 triệu USD trên toàn cầu. Tuy doanh thu đó vẫn có thể gọi là cao, nhưng quan trọng là ở thái độ của khán giả. Tôi tin rằng 70% doanh thu đó đến từ fan “gộc” của Batman và Superman, những kẻ có thể xem 2, 3 lần như tôi. Số còn lại đến từ những người chỉ biết Superman là anh chàng quần lót đỏ, Batman là thằng cha có xế ngon ghệ đẹp nổi tiếng lâu nay. Và tiếc thay, 30% khán giả của DC đã chê rằng BvS “buồn ngủ”, “khó hiểu”, “chán” v.v. chứ không phải là những câu như: “Thằng cha đi báo mộng cho Batman là ai? Tò mò quá!”.
Ngoài Wonder Woman của Gal Gadot và hai nhân vật chính vốn đã là tượng đài, thì không một siêu anh hùng nào được gợi ý trong BvS có khả năng gợi lên sự tò mò của khán giả. Điều đó đồng nghĩa với việc những phim sau về họ (Flash, Aquaman, Cyborg) vẫn chỉ có thể kiếm tiền vé từ fan lâu năm chứ không phải những gia đình muốn giải trí cuối tuần.
Diễn dịch, hay “bung lụa”, không hẳn là một cách triển khai tồi. Nhưng nó đòi hỏi sự tinh tế gấp nhiều lần qui nạp để tiết chế thông tin, mời chào người xem. DC đã chọn đúng cách, nhưng tiếc thay lại triển khai quá vụng về.
Vậy kẻ chiến thắng sau cùng là?
Nhìn từ mặt doanh thu, Marvel đã thắng DC rõ ràng. Nhưng kẻ chiến thắng sau cùng không phải là Marvel.
Mà đó chính là khán giả. Nói cách khác, đó chính là bạn!
Bạn có những bộ phim tươi sáng, có cách kể chuyện dễ hiểu để dẫn bạn bè đi xem cùng của Marvel. Nhưng khi muốn tìm hiểu về những tượng đài comic, những nhân vật “độc và dị”, bạn vẫn có phim của DC để xem. Và quan trọng hơn hết, qua những bộ phim này, bạn hiểu được rằng khi nào cần giải thích sự việc theo hướng qui nạp-xếp hình, và khi nào cần diễn giả theo hướng diễn dịch-bung lụa.
Bạn vẫn chưa tin bài viết này? Đơn giản lắm, xách ví lên và ra rạp xem Captain America: Civil War nhé.
Sau đó hãy so sánh với Batman v Superman vừa chiếu trong tháng 3 xem tôi có nói sai chỗ nào không.