Ca dao Việt Nam có câu “Cao su đi dễ khó về - Mỗi cây bón một xác người công nhân” để nói về sự khắc nghiệt của các đồn điền cao su nơi những người phu bị bóc lột, đánh đập tàn bạo. Máu thịt của họ đã thấm vào lòng đất, nuôi dưỡng những mầm cây xanh tốt, để chúng rì rào đến mãi sau này như kể lại câu chuyện đau thương của một thời kì đen tối trong lịch sử Việt Nam.
Hồn ma của những người phu đồn điền trong phim Cô Hầu Gái không chỉ đơn thuần để hù doạ người xem mà còn góp phần kể lại câu chuyện bi thảm đã xảy ra ở Sa Cát trong những năm 50. Do vậy, công tác hoá trang cho những nhân vật này là cực kì quan trọng. Nhà sản xuất của Cô Hầu Gái vừa mới tung ra đoạn clip hậu trường, hé lộ quá trình xây dựng phân cảnh ghê rợn, đầy ám ảnh này cho những người hâm mộ bộ phim.
Nghệ thuật hoá trang Hollywood trong phim Việt
Người đưa những hồn ma ghê rợn từ quá khứ vào Cô Hầu Gái chính là Bradley Greenwood – nghệ sĩ hoá trang cho bộ phim Kong: Skull Island, vừa được quay ở Ninh Bình cách đây không lâu. Nhà sản xuất Timothy Linh Bùi cho biết anh tình cờ gặp Bradley 3 tuần trước khi quay phim, được xem những tác phẩm tuyệt vời của ông cho những dự án trước và đã quyết định mời ông tham gia Cô Hầu Gái. Bradley Greenwood còn được biết đến với vai trò chuyên viên hiệu ứng đặc biệt cho 3 phần phim Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn và người vẽ minh hoạ choScooby-Doo.
Bradley đã mất hai tuần để đổ khuôn, tạo hình cho những hồn ma của những người phu đồn điền. Sau đó ông mới vẽ và trang điểm chi tiết cho khuôn mặt của từng người. Và cuối cùng, khi diễn viên đeo mặt nạ vào, ông lại tiếp tục chỉnh sửa và thêm hiệu ứng cho các hồn ma thêm rùng rợn và đáng sợ. Những bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện trong lớp sương khói mù mịt giữa rừng cao su âm u đã lấy được khá nhiều tiếng thét cũng như góp phần tạo nên những kí ức khó quên cho các khán giả xem phim.