Đánh giá ban đầu về Ralph Breaks the Internet – Ráp-phờ Đập Phá 2: Phá Đảo Thế Giới Ảo đã được đưa ra, đây là hậu truyện của Wreck-It Ralph – hit hoạt hình năm 2012 của Disney.
Nhìn chung, các nhà phê bình thích cuộc phiêu lưu đầy màu sắc của bộ phim, phản ánh căn bệnh “nghiện” internet, nhưng vẫn cảm thấy rằng phim thỉnh thoảng lạc mình trong thế giới ảo.
6 năm sau phần đầu tiên ra mắt, John C. Reilly và Sarah Siverman trở lại với vai diễn của họ, lồng tiếng cho 2 nhân vật chính là Ralph và Vanellope von Schweetz. 2 nhân vật phải cùng nhau đi tìm một “bản vá” cho trò chơi của Vanellope trong một thế giới khác gọi là internet.
Dưới đây là các đánh giá của các nhà phê bình:
Michael Rechtshaffen – The Hollywood Reporter
Rechtshaffen dành cho bộ phim nhiều đánh giá tích cực, nói rằng phần hậu truyện có thể xứng tầm với phần đầu tiên. Bộ phim từ Walt Disney Studios Animation có những phút hài hước cực kỳ sảng khoái, đồng thời cho thấy “sự quan sát sắc sảo”, chẳng hạn như khi họ để các nàng công chúa của hãng trở thành các “nhà phê bình giễu nhại” câu chuyện, thành công trong việc làm nổi bật cảm giác hoài niệm khi chơi game thùng, cũng như bệnh “nghiện” internet đang tồn tại trong xã hội ngày nay.
Rechtsfhaffen cũng giải thích rằng những khi tưởng chừng như bộ phim đã hết “bài tủ” đưa ra cho khán giả, thì kịch bản của Rich Moore và Phil Johnston tiếp tục đưa bộ phim đi đúng hướng. Ông cũng giải thích rằng giọng lồng tiếng của Gal Gadot và Taraji P. Henson thỉnh thoảng nổi bật hơn 2 diễn viên chính.
Kate Erbland - IndieWire
Erbland khen ngợi bộ phim và nói rằng phim rất vui vẻ và đáng suy ngẫm khi cho thấy được những gì thực sự tồn tại trong thời đại internet ngày nay. Và những gì được thể hiện trong phim sẽ nói hộ lòng của bất cứ ai đang làm việc trên net.
Phim là câu chuyện phiêu lưu quen thuộc của Disney và có sự thay đổi đột ngột trong cốt truyện giữa phim khi giải thích về tình bạn chân thật là thế nào. Cốt truyện nhìn chung rất giải trí và phù hợp với mọi lứa tuổi, chứ không chỉ dành cho trẻ nhỏ.
Brian Truitt – USA Today
Trong khi đó, Truitt cho rằng bộ phim thiếu tính độc đáo của phần phim gốc năm 2012, mặc dù vẫn hấp dẫn và đầy cảm xúc. Các phân cảnh về thế giới internet bận rộn trông quá rối mắt, và câu chuyện của phim vẫn mang đến cảm giác của một bộ phim Disney thời trước.
Dù vậy, Truitt nói rằng các nhà làm phim biết phải làm như thế nào và nói rằng bộ phim là phần hậu truyện rất giải trí. Ông chia sẻ rằng mỗi khi người ta để icon LOL hay emoji khóc, thì chúng sẽ trở nên rất khác biệt và người xem sẽ không còn nhìn các pop-up quảng cáo theo cách cũ nữa. Mặc dù không độc đáo bằng phần đầu tiên, nhưng câu chuyện phiêu lưu và bài học về tình bạn là điểm thắng lớn.
Dana Schwartz - Entertainment Weekly
Schawartz cho biết phần 2 hay hơn phần 1. Tham vọng, đồ họa đẹp và rất sắc sảo, Ralph Breaks the Internet đã vượt qua “lời nguyền” phần 2 dở hơn phần 1 của nhiều phim, nhờ việc hết mình cho câu chuyện. Schwartz giải thích rằng ẩn ý về sự tự ti và sự phụ thuộc trong các mối quan hệ có thể khiến người lớn phải suy ngẫm. Schwartz cũng nói các công chúa Disney tưởng từng như lạc lõng trong phim nhưng hóa ra lại vô cùng phù hợp với tinh thần của Wreck-It Ralph.
Mặc dù Schwartz cũng nói rằng phim có những khoảnh khắc hơi quá cao ngạo (của Disney) nhưng đã vượt ra được ranh giới của một bộ phim “dễ thương đơn thuần” mà không bị giảm giá trị.
Emily Yoshida – Vulture
Nhà phê bình của Vulture có góc nhìn khác khi cho rằng bộ phim “không ổn định” và tập trung vào tiền. Yoshida viết rằng một khi nhân vật của Reilly và Silverman đến internet thì “tiền bước vào khung hình”, nhân vật phải đi tìm “một bản vá” để sửa trò chơi bị hỏng Sugar Rush của Vanellope. Suốt cuộc hành trình, họ đi từ việc nợ eBay cho đến việc kiếm tiền bằng trò lừa đảo chơi game ở nhà. Cốt truyện bị Yoshida đánh giá là ngập tràn các sản phẩm thay thế của eBay, Amazon, Pinterest.
Yoshida cũng nói nhân vật trung tâm của phim - Ralph là ẩn dụ lỏng lẻo cho một người có vấn đề về tính cách. Nếu Wreck-It Ralph là một bộ phim về nghề nghiệp và hình ảnh cá nhân, thì việc thêm vào các yếu tố quảng cáo chỉ khiến phần hậu trở nên hỗn loạn và không ổn định.
Tim Grierson - Screen Daily
Grierson có ý kiến phần nào tương tự khi cho rằng bộ phim mặc dù cảm động và hài hước, nhưng không bằng cảm giác hoài niệm về văn hóa đại chúng và cảm xúc thực sự như phần đầu tiên. Phim đẹp nhưng câu chuyện của nó không hấp dẫn bằng bản 2012. Bối cảnh trong phim quá hỗn loạn với nhiều sản phẩm quảng cáo khác nhau. Phần hậu truyện không có chiều sâu nhiều khi nói về văn hóa internet, và các câu thoại đùa về pop-up quảng cáo, “anh hùng bàn phím” và nội dung trên internet thiếu sự sắc sảo. Tuy nhiên, Grierson khen ngợi nhân vật của Gadot và Alan Tudyk. Nhìn chung, Grierson nói phim rất dễ chịu nhưng không bằng người tiền nhiệm.
Nguồn: The Hollywood Reporter