Chuyện gì sẽ xảy ra khi những người bạn đồng trang lứa, từng thân thiết phải chém giết lẫn nhau?
Ra mắt vào năm 2000, cố đạo diễn Kinji Fukasaku đã để lại một bộ phim tâm lý, sinh tồn đầy kịch tính cho nền điện ảnh. Lấy bối cảnh Nhật Bản ngày một suy đồi, tỉ lệ tội phạm tăng cao, đặc biệt là trẻ vị thành niên ngày càng vô phép với người lớn, chương trình Battle Royale ra đời với mục tiêu răn đe dân chúng. Khi vừa công chiếu, Battle Royale gây tranh cãi với nhiều cảnh bạo lực đẫm máu khủng khiếp giữa các bạn học sinh còn trong độ tuổi ngây thơ, đáng lẽ phải cắp sách đến trường chứ không phải chém giết nhau.
Tiếp nối chiến thắng của một nữ sinh từ chương trình năm trước, Battle Royale giới thiệu lớp học 3-B (theo hệ thống Việt Nam là lớp 7) với tình trạng vô kỷ luật, một cậu học sinh dám đả thương giáo viên chủ nhiệm không chút sợ hãi. Một năm sau, lớp 3-B được chọn ngẫu nhiên tham gia chương trình Battle Royale. Bị đưa đến một hòn đảo biệt lập đầy xa lạ, 40 học sinh cùng lớp và 2 học sinh khoá trên tự nguyện tham gia phải chiến đấu cùng nhau cho đến khi chỉ còn 1 người sống sót. Các học sinh sẽ được cung cấp vũ khí bất kỳ và họ phải biết tận dụng một cách thông minh nhất để đương đầu lẫn nhau.
Nếu đã xem qua bộ phim The Hunger Games của đạo diễn Gary Ross, hẳn bạn sẽ đoán được những diễn biến tiếp theo của Battle Royale. Cả hai bộ phim đều thành công trong việc khắc hoạ tính nhân văn giữa một đấu trường đầy khốc liệt nhưng có vài điểm mà cá nhân người viết dành nhiều tình cảm cho Battle Royale hơn The Hunger Games. Thay vì chèn ép nhiều thông điệp về chính phủ, truyền thông bóp méo sự thật... Battle Royale tập trung vào cuộc chiến thật sự của những người bạn từng học chung một lớp nhiều năm trời, có khi ưa cũng có khi ghét nhau thật nhiều. Chỉ tiếc rằng vì thời lượng có hạn, các nhân vật phụ buộc phải ra đi sớm để các nhân vật còn lại được khai thác kỹ hơn một chút.
Có lẽ vì khác nhau ở mức độ giới hạn độ tuổi mà những cảnh chiến đấu trong Battle Royale mang lại cảm giác khắc nghiệt, đẩy cảm xúc khán giả đến mức choáng váng vì mức độ tàn bạo của nó hơn The Hunger Games. Bên cạnh đó, việc bỏ qua các yếu tố như drama tình cảm giữa hai diễn viên chính nhằm thu hút khán giả ở Capital, các nhân vật trong đấu trường sinh tử cùng một lớp thay vì bốc thăm ngẫu nhiên trong 12 quận và vũ khí là những món từ vô dụng đến lợi hại nhất thay vì được lựa chọn, giúp Battle Royale có thể vừa tập trung vào những trận chiến, vừa phát huy yếu tố nhân văn hết mức có thể. Tuy nhiên, điểm mà người viết cảm nhận The Hunger Games có thể ăn đứt Battle Royale là nhân vật Katniss. Ít ra nhân vật này cũng được tập trung xây dựng xuyên suốt, có sự đấu tranh nội tâm và biết chiến đấu hơn nữ chính bánh bèo Noriko.
Ngay từ những phút đầu tiên của các học sinh trên đảo, không khí căng thẳng tràn ngập và chỉ sau vài phút là hai cái chết thảm thương của hai học sinh dám chống đối thầy chủ nhiệm cũ. Chính hai cái chết đó thúc đẩy các nhân vật còn lại phải làm gì. Có người thì hoảng loạn quá, sẵn sàng giết bạn mình ngay từ những phút đầu của trò chơi. Có nhóm thông minh hơn, lập một team sở hữu vũ khí hạng nặng nhằm phục kích đàn anh Kiriyama. Song song đó, có những bạn lại tự tử vì quá trầm cảm trước tính man rợ của chương trình, hoặc không muốn tay họ nhuốm máu.
Thay vì phân tích về cặp nhân vật chính Shuya và Noriko, cá nhân người viết lại ấn tượng với nữ phụ xinh đẹp nhưng không kém phần tàn ác Mitsuko. Không mất nhiều thời gian để khán giả nhận ra cô nàng là một trong những phản diện ghê gớm và đúng như thế, Mitsuko là một trong những nhân vật đám gờm nhất trong đấu trường. Với trí thông minh, cô dễ dàng dụ dỗ các con mồi yếu thế hơn và đảo ngược tình thế trong chớp mắt. Giữa một hòn đảo khắc nghiệt mà các bạn cùng lớp lần lượt ngã xuống, Mitsuko vẫn thản nhiên gội đầu, thay bộ đồ khác và chuốt mascara. Mitsuko nhận thức rằng đây là sự thật và chỉ có đấu tranh mới có thể thoát khỏi đây, thay vì chỉ biết ngồi than khóc hoặc núp yên một chỗ chờ mọi chuyện qua đi. Khác với tên phản diện Kiriyama với vũ khí tận răng, từng chiến thắng đấu trường này và trở lại vì cảm giác muốn săn đuổi, Mitsuko lặng lẽ núp một chỗ, đợi thời cơ tốt rồi mới ra tay. Thậm chí, cô còn biết tận dụng nhan sắc để tước đoạt sinh mạng của hai nam sinh xấu số. Khi một phần quá khứ của cô nàng được hé lộ, hẳn không ít khán giả xót thương. Mitsuko từng là nạn nhân của tên già ấu dâm và chính cô dám đẩy hắn vào chỗ chết ngay khi mới ở độ tuổi tiểu học. Chính quá khứ như thế, trong đấu trường khắc nghiệt này, cô không thể làm gì khác hơn ngoài tận hưởng nó.
Trong hoàn cảnh nhuốm máu đó, chút ánh sáng về tình bạn, tình người vẫn còn le lói. Khán giả thấy hình ảnh 3 cậu bạn thân cố gắng phá hệ thống theo dõi và chế bom đánh sập quân đội. Nhờ việc chia sẻ tình bạn với Shuya và Noriko, Kadawa – nhân vật chiến thắng từ trước trở lại đấu trường này vì nhận ra lỗ hổng của chương trình Battle Royale, đã hiểu được nụ cười cuối cùng của Keiko, người yêu đã giúp anh chiến thắng. Tuy nhiên, giữa một nơi đầy lừa lọc, thủ đoạn như thế, tình bạn thật mong manh. Nhóm nữ sinh nơi ngọn hải đăng tưởng chừng thân thiết thế, ấy mà sự nghi kỵ lại len lỏi và chỉ cần một chút xúc tác, nhóm bạn thân sẵn sàng nã súng vào nhau không chút thương tiếc.
Có lẽ, việc đưa vào những nhân vật vốn quen biết và thân thiết với nhau từ trước đem lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ hơn. Xuyên suốt những cảnh bạo lực ấy là những giây phút cả lớp cùng hoà nhịp vào trận bóng rổ, các bạn trai ra sức thi đấu, các bạn nữ cổ vũ nhiệt tình. Cảnh khép lại phim cũng là trận bóng rổ đó nhưng chiếu chậm những biểu cảm hân hoan của các bạn trẻ, một Mitsuko mạnh mẽ, độc ác thế cũng có lúc hoà đồng với các bạn. Có ai ngờ những bạn trẻ vô ưu ấy mà lại có lúc phải chém giết lẫn nhau. Và đau đớn thay, chính phủ lẫn xã hội vẫn để điều đó diễn ra và háo hức theo dõi ai là người chiến thắng.