Bi, Đừng Sợ (2011) là phim nghệ thuật của đạo diễn Phan Đăng Di và chiến thắng nhiều giải thưởng lớn tại các LHP lớn trên thế giới như LHP Cannes, LHP Quốc tế Busan, LHP Quốc tế Vancouver và LHP Quốc tế Stockholm. Trước khi được ra mắt vào năm 2011, Bi, Đừng Sợ từng được quảng cáo rùm beng và sau khi công chiếu cũng nhận được rất nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh "bộ phim nghệ thuật danh giá" này, đa số những câu từ hoa mỹ khen ngợi nó đều đến từ giới phê bình, còn khán giả đại chúng thì có vẻ như không "mặn mà" với bộ phim này cho lắm, không chỉ bởi đây là một phim nghệ thuật, mà nó còn là một phim nghệ thuật cực kì trần trụi mà không phải ai cũng có thể cảm thụ nổi. Và tôi là một trong số những khán giả đó.
Bi, Đừng Sợ lấy bối cảnh mùa hè Hà Nội, trong một gia đình gồm có 3 thế hệ. Bi là đứa bé 6 tuổi luôn nhìn thế giới với ánh mắt đầy tò mò, thích khám phá những thứ xung quanh cậu. Bố Bi là người đàn ông trung niên đã có công việc ổn định, nhưng luôn vắng mặt trong mỗi bữa cơm gia đình và chỉ trở về sau những buổi nhậu say bí tỉ. Anh ta lãnh cảm với vợ và dửng dưng với mọi việc trong gia đình, nhưng lại có tình cảm cuồng nhiệt lạ thuờng với một cô gái làm nghề gội đầu massage. Ông nội Bi thì đã già yếu, trở về sau bao nhiêu năm bôn ba ở nước ngoài nhưng lại không có chút tình cảm thương yêu gì với con cháu. Còn mẹ Bi thì là một người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, cam chịu sự hờ hững của chồng và chăm sóc cho bố chồng mặc cho nụ cười thâm hiểm, trơ tráo và vẻ mặt sung sướng của ông ta. Ngoài ra còn có người cô quá lứa lỡ thì của Bi, hằng ngày đi dạy học, bắt đầu làm quen một người đàn ông qua mai mối nhưng lại yêu thầm cậu học trò trong lớp.
Cuộc sống mỗi ngày trong phim cứ thế tiếp diễn bằng kĩ thuật tự sự. Nội dung phim không hề có chút dữ kiện gì của quá khứ, không hề nói về lí lịch của các nhân vật và lý do tại sao bố của Bi lại trở thành người đàn ông bê tha, lãnh cảm với vợ và vô cảm trước cái chết của chính bố ruột mình. Những nỗi niềm, những mảng tối trong mỗi nhân vật dần dần được hé lộ thông qua những sự kiện diễn ra trong cuộc sống thường nhật.
Chính bởi kĩ thuật tự sự này mà phim không hề có cốt truyện hay thông điệp rõ ràng, chỉ đơn giản là phản ảnh hiện thực cuộc sống. Thế nhưng, cái hiện thực này lại trần trụi và...bệnh hoạn đến mức khiến nhiều khán giả (trong đó có tôi) cảm thấy phát sợ. Mục đích của đạo diễn Phan Đăng Di khi thực hiện bộ phim là muốn tạo ra một thế giới của những con người bình thường, nhưng hoá ra họ lại không bình thường chút nào.
Bố của Bi đáng lẽ ra là trụ cột cho gia đình, không chỉ về mặt tài chính mà còn về mặt tình cảm. Thế nhưng suốt ngày anh chỉ như một cái xác không hồn, vật vờ ở những quán bia hơi sau giờ làm, vui thú với tiệm gội đầu massage và cô nàng ở đó. Anh thờ ơ với vợ con, bố ruột, chỉ muốn tống khứ người em gái ế chồng ra khỏi nhà. Anh lạc lối trong mọi mối quan hệ. Anh bị cô nàng gội đầu massage từ chối và đập đầu đến chảy máu, sau đó về tìm vợ chỉ để thoả mãn nhu cầu tình dục và trút hết mọi bực dọc. Từ một người đáng lẽ phải làm trụ cột, anh lại trở thành nguồn cơn của mọi vấn đề trong gia đình này.
Mẹ của Bi vì sự hờ hững, lạnh nhạt của chồng mà sinh ra nhiều ẩn ức, để rồi khi bố chồng trở về cô lại đón tiếp, chăm sóc bằng một cách cực kì không bình thường. Cô chăm sóc bố chồng bằng những viên đá giữa thời tiết oi bức của mùa hè, chườm đá rồi lau người, ve vuốt ông đến mức ông nảy người lên vì kích thích. Sau đó còn hỏi ông có muốn ra ngoài đi dạo với biểu cảm đầy mời gọi và bỏ bé Bi rong chơi một mình ở cánh đồng lau, còn hai người làm gì trong suốt cả buổi chiều thì không ai biết được.
Cô của Bi vì đã trở thành "gái già" nên phải tìm bạn đời thông qua mai mối, nhưng chỉ mới ở buổi gặp mặt thứ 2 đã làm tình với anh chàng đó ngay tại bãi đá giữa ban ngày. Tuy nhiên, cô vẫn bị hấp dẫn tình dục bởi cậu nam sinh, mê cậu ấy đến nỗi vào lớp thấy mặt cậu là bỏ chạy ngay lập tức, thậm chí còn bò trườn trong đám lau sậy để lén ngắm nhìn thân thể cậu học trò trong lúc cậu đang đá bóng. Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, cô còn dùng cả...nước đá để làm giảm cơn khát tình của mình. Dẫu biết rằng bên trong mỗi con người đều có những ẩn ức tình dục và những góc tối riêng, thế nhưng việc đạo diễn cố đẩy nhu cầu và bản năng tình dục của nhân vật này lên đến đỉnh điểm như thế này lại vô tình khiến cho cô trở nên méo mó và có phần hơi đáng sợ đối với khán giả.
Phan Đăng Di xây dựng hình ảnh của bé Bi, cậu nam sinh, bố Bi và ông Bi để tượng trưng cho những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của một người đàn ông. Đạo diễn muốn tạo ra một thế giới bình thường với những con người bình thường mà khi xem vào, khán giả có thể bất chợt thấy mình đâu đó trong phim. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể nhận ra được những gì mà đạo diễn muốn truyền đạt cho đến khi ông giải thích, bởi các chi tiết và nhân vật trong phim quá rời rạc và thiếu cảm xúc. Hơn thế nữa, đạo diễn đã vô tình tạo ra một mô hình cứng nhắc và rập khuôn, bởi cuộc đời của mỗi người là những dòng chảy với những hướng khác nhau, không phải ai cũng sẽ lạc lối, bế tắc trong các mối quan hệ và nhìn cuộc đời với con mắt bi quan đến như vậy.
Dòng phim nghệ thuật vốn dĩ đã rất "khó nuốt" đối với khán giả đại chúng, chẳng trách một bộ phim khô khan và đầy những chi tiết méo mó, bệnh hoạn như Bi, Đừng Sợ lại không nhận được phản ứng tích cực từ nhiều khán giả. Ngoài một vài góc quay đặc sắc và tính sáng tạo trong việc sử dụng hình ảnh quen thuộc thường ngày - nước đá, để làm biểu tượng xuyên suốt bộ phim, thì Bi, Đừng Sợ chẳng có gì để có thể lay động được trái tim của khán giả.