Sau thành công của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (Crazy Rich Asians), Lời Từ Biệt (The Farewell) là bộ phim về sự khác biệt văn hoá giữa những người gốc Á nhưng sống ở phương Tây từ nhỏ lại tiếp tục ghi điểm trong mắt khán giả. Khác với bộ phim của đạo diễn Jon M. Chu, Lời Từ Biệt do chính Lulu Wang đạo diễn và viết kịch bản từ trải nghiệm có thật của gia đình cô, đào sâu vào cảm xúc của một người con trong gia đình nhiều thế hệ, buộc phải xa xứ từ nhỏ và qua đó, làm bật lên những giá trị văn hoá tinh thần của phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Lời Từ Biệt xoay quanh câu chuyện bi hài của gia đình của nữ chính Billi (Awkwafina) khi tổ chức một đám cưới giả để con cháu có thể gặp mặt bà lần cuối, vì bà mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối và bị chẩn đoán không sống được quá 3 tháng. Khi quây quần tại một căn hộ nhỏ ở Trung Quốc, khán giả (đặc biệt là khán giả châu Á) dễ dàng nhận ra những nét quen thuộc trong gia đình 3 thế hệ, đông thành viên như nhà Billi. Chính vì thế, không cần nhịp điệu quá cao trào, tình tiết kịch tính hay các pha chọc cười rẻ tiền, phim vẫn mang lại sự đồng cảm cho người xem và giữ chân họ trong suốt 1 tiếng rưỡi.
Là câu chuyện của cả gia đình nhưng Lời Từ Biệt lấy Billi là nhân vật trung tâm chứ không phải người bà, qua đó làm nổi bật lên sự xung đột văn hoá Đông – Tây, tuy cách truyền tải rất giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Trước hết là sự xung đột trong nhận thức khi Billi – vốn sống tại New York từ năm 6 tuổi và suy nghĩ như một công dân Mỹ, cho rằng không nên che giấu bà nội về căn bệnh bà đang mắc phải. Tuy nhiên, theo phong tục của người Trung Quốc thì người bệnh không nên được biết vì “Người ta không chết vì bệnh ung thư mà chết vì nỗi sợ hãi mà ung thư mang lại.”
Nói dối người thân là chuyện nên hay không nên, đó là câu hỏi mà Lời Từ Biệt để mỗi khán giả tự có câu trả lời cho riêng mình? Cảm xúc và bầu không khí đối lập giữa người bệnh và người thân trong các buổi gặp mặt vừa có chút hài hước, vừa có phần bi kịch khi người còn sống được vài tháng lại cứ vô tư, hỏi han con cháu, trong khi họ chỉ chực chờ cười ra nước mắt. Lời nói dối đó chân thành hay bất hợp pháp, tuỳ thuộc vào góc nhìn văn hoá. Gia đình Billi cũng không sai khi muốn người phụ nữ được cả nhà yêu thương nhất sống vui vẻ trong những giây phút cuối đời, nhưng với Billi, việc nói dối này không chỉ sai trái mà còn là gánh nặng cho những người đang giữ bí mật.
Một sự đối lập khác được thể hiện rất rõ trong Lời Từ Biệt là cách thể hiện cảm xúc. Khán giả có thể thấy nhiều đoạn tranh cãi kịch liệt giữa Billi và mẹ – người phụ nữ sống ở Mỹ nhưng vẫn còn mang nặng tư tưởng truyền thống. Ngay từ đầu, ba mẹ Billi quyết định giấu cô về căn bệnh của bà vì cô là người dễ dàng bộc lộ cảm xúc, như phần đông người phương Tây không ngại thể hiện thái độ của họ. Chính vì thế, trước căn bệnh của bà, Billi dễ dàng rơi nước mắt, khác với các thành viên còn lại của gia đình luôn giữ được vẻ mặt bình tĩnh, dù trong lòng vô cùng cắn rứt.
Tuy nhiên, trong đám ma, con cháu phải càng khóc to thì mới càng có bày tỏ sự hiếu thảo cho người đã chết để chứng minh với cộng đồng. Như mẹ Billi đã dạy cô rằng tuy bà có thể bình tĩnh trước căn bệnh của bà nhưng trong đám tang, mẹ phải khóc thật to. Hoá ra, cả cuộc đời con người ta phải đóng kịch trước mặt người khác sao? Việc bà tự tay tổ chức đám cưới cho người anh họ của Billi cũng vừa cho thấy sự yêu thương, vừa phô trương với xã hội. Suy cho cùng, người ta có thể sẵn sàng thể hiện cho người ngoài, nhưng lại thích che giấu với người trong nhà. Nếu Lời Từ Biệt do một đạo diễn hay biên kịch người Mỹ chấp bút, người viết chắc chắn rằng sự xung đột trên không được thể hiện tinh tế như vậy đâu.
Một điểm thú vị khác trong Lời Từ Biệt là những đoạn nói chuyện, cà khịa lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình trong các buổi gặp gỡ. Nào là “Bên Mỹ có mau trở thành triệu phú như bên Trung không?”, “Con đã có ai để ý chưa, nay con gầy quá, béo quá...” chẳng khác nào các gia đình đông thành viên ở Việt Nam. Gia đình nhiều thế hệ, đông thành viên thì thật khó để chiều lòng hết mọi người nhưng ít ra, khán giả cũng thấy ở gia đình Billi là sự nương tựa lẫn nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn và hơn hết, tất cả cùng đồng lòng về người bà mà họ kính yêu.
Lời Từ Biệt đượm màu buồn với những hình ảnh đầy luyến tiếc của một người trẻ phải xa quê hương từ nhỏ. Cảnh quay cuối khi Billi bịn rịn chia tay bà, lên xe taxi và nhìn ngắm những toà nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên, thay thế cho mảnh sân thời ấu thơ của cô. Với những người di cư từ nhỏ, thời thơ ấu là một thứ gì đó xa xôi và đầy hoài niệm. Đông thành viên là thế, nhưng cũng như Billi, họ chẳng biết đâu là lần cuối cùng họ gặp người anh chị em họ thân thiết, và rồi nét mặt của người đó từ từ phai dần trong tâm trí. Chính vì thế, Billi không muốn ký ức về bà cũng trôi tuột như thế.
Với sự tinh tế và sâu sắc như thế, Lời Từ Biệt vừa chinh phục được khán giả quốc tế, gây tiếng vang tại các Liên hoan phim, vừa mang lại sự đồng cảm cho những người châu Á, đặc biệt là những người đã, đang và sắp di cư. Không chỉ nội dung, diễn xuất, mặt hình ảnh và âm thanh của phim cũng được khai thác hợp lý, đong đầy cảm xúc cho khán giả.
Nguồn: Ảnh IMDb