Điện ảnh Hàn trong những năm gần đây đã có những bước tiến rõ rệt. Parasite là bằng chứng Hàn Quốc có thể làm nên một bộ phim điện ảnh mang tính thời đại và được coi là kinh điển của nền phim Hàn. Nhưng về mảng hành động, có vẻ như chúng đang gặp sự suy giảm về mặt chất lượng, do những bộ phim này ngày càng giống với công thức hành động của Hollywood. Và điều đó có thể là điểm yếu khiến phim hành động Hàn ngày càng suy giảm chất lượng.
Điện ảnh Hàn từ lâu đã có tiếng tăm với những series truyền hình, nhưng họ cũng không hề yếu kém trong mảng điện ảnh. Và dù thể loại hành động là một thể loại mà hiếm có người liên tưởng nó với những tiêu chuẩn nghệ thuật, điện ảnh Hàn vẫn có thể nâng cao những bộ phim của họ. Điểm sáng được nhiều người biết đến nhất có lẽ là Oldboy (2003) của đạo diễn Park Chan-wook.
Thập niên 2000s là thời kỳ vàng kim của nhiều nền điện ảnh, trong đó có nền điện ảnh Hàn và những bộ phim hành động của họ không ngoại lệ. Đầu những năm 2000 là thời kỳ phục hung của điện ảnh Hàn với nhiều thể loại được thổi các luồng gió mới. Oldboy là một trong những viên ngọc này. Là một bộ phim hành động, neo noir, thriller, chuyển thể từ manga, Oldboy có đủ những yếu tố cho một siêu phẩm. Kịch bản chất lượng, những góc quay trau chuốt, diễn xuất cứng tay, cú twist lạnh sống lưng và sự bàng hoàng nó để lại về bài học báo thù.
Những bộ phim cùng thể loại tiếp theo đó đều để lại những ấn tượng sâu sắc, dù không phải lúc nào cũng xuất sắc. Sau Oldboy, những bộ phim lấy đề tài báo thù của đạo diễn Park Chan-wook cũng để lại nhiều cảm xúc như bộ phim đầu tiên trong trilogy này. Người viết luôn nói với bản thân, Hollywood làm bom tấn hành động và những nền điện ảnh khác làm phim hành động, kể cả phim Hàn. Bộ 3 báo thù của đạo diễn Park Chan-wook không phải là những điểm sáng duy nhất.
Trước đó còn có JSA (2000) có sự góp mặt của Lee Young-ae và Lee Byung-hun. Tua đến sau 2003, chúng ta có A Bittersweet Life (2005) lấy đề tài xã hội đen, Tidal Wave (2009) kết hợp hành động và thảm hoạ, My Wife is a Gangster (2001) gợi nhớ một chút gì đó từ Kill Bill, Shadowless Sword (2005) – một phim hành động lấy chủ đề giả sử, cổ trang. Out Live (2001) lấy đề tài võ thuật, The Host (2006) kể về một gia đình đối mặt với một con quái vật ngoi lên từ sông Hàn. Nền điện ảnh hành động Hàn quốc chào đón sự xuất hiện của nam diễn viên Ma Dong-seok với Heaven’s Soldier kết hợp hài và hành động. Năm 2019, bộ phim The Gangster, the Cop, the Devil (2019) đánh dấu một màn trình diễn nữa của Ma Dong-seok trong câu chuyện hành động hoà trộn trinh thám và hành động. Train to Busan (2016) và Seoul Station (2016) đặt khởi nguồn cho làn sóng phim zombie của Hàn, theo sau đó là Alive (2020). The Witch: Part 1: Subversion (2018) đã ghi dấu ấn với chủ đề khoa học viễn tưởng với những màn hành động đẫm máu nhất trong điện ảnh Hàn. Bộ phim này có nhiều điểm tương đồng với những bom tấn Hollywood trong cách tiếp cận khoa học viễn tưởng, người nhân tạo và những tổ chức ngầm và vũ khí sinh học. Và đây là vấn đề lớn đang hiện diện trong các phim hành động Hàn hiện tại.
Người viết luôn nói rằng Hollywood làm bom tấn hành động, còn Nhật và Hàn làm phim hành động. Phim hành động, thể loại phim mà tưởng dễ làm nhưng hoá ra không dễ đến thế đâu. Mọi nền điện ảnh đều có những đặc trưng riêng và phim của họ phản ánh điều đó. Phim hành động cũng không ngoại lệ. Không thể phủ nhận Hollywood đã đặt ra các tiêu chuẩn vàng cho một phim bom tấn hành động, nhưng đây không phải là giới hạn duy nhất. Vấn đề là các tiêu chuẩn này dường như đang được xem là một cuốn hướng dẫn chung. Và điều đó khiến các đặc trưng giữa các bộ phim này mờ dần. Điều đó không tốt chút nào.
Một đặc trưng không thể không nhắc tới khi nói đến phim Hàn một cách tổng quát là tính xã hội. Bằng cách này hay cách khác, điện ảnh luôn mang hơi thở thời đại và trong một xã hội còn bảo thủ như Hàn, nói lên nỗi lòng, những nỗi lo âu, thậm chí là phê phán của những khía cạnh xã hội. Các bộ phim Hàn nhìn chung đều chưa từng từ bỏ đặc trưng này. Ví như JSA sinh ra từ mối xung đột với hàng xóm Bắc Triều, The Gangster, the Cop, the Devil phản ánh một xã hội Hàn Quốc với những sóng ngầm và các vùng xám tồn tại trong đó, The Host phản ánh sự thiếu trung thực của chính quyền. Những thông điệp này nhiều khi đóng vai trò là cú twist hoặc những bài học sâu sắc.
Bên cạnh đó, những bộ phim Hàn vì vậy mà được thêm một tầng sâu sắc về nội dung. Một điều nữa mà phim Hàn làm rất tốt là phát triển nhân vật. Các phim Hollywood hiếm khi đứng yên ở một thể loại, phim Hàn cũng vậy, nhưng các nhân vật hành động trong phim Hollywood ít khi có sự chuyển biến gì đáng kể. Các phim Hàn thường có sự quan tâm đến các nhân vật của họ.
Sau thời kỳ hoàng kim của phim hành động trong thập niên 2000, những phim hành động của Hollywood bị phụ thuộc vào những góc quay rung lắc để tạo cảm giác những cảnh hành động đầy năng lượng (Taken, Jason Bourne) hoặc kỹ xảo. Những phim Hàn cho đến những phim gần đây không hề gặp vấn đề này. Họ không lạm dụng các góc quay như Hollywood và việc dành thời gian cho tâm lý nhân vật khiến phim ít sa đà vào vũng bùn kỹ xảo, như việc đảm bảo chúng không xuất hiện quá chằng chịt.
Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi các nhà làm phim Hàn cố gắng làm phim của họ giống với Hollywood, như những bộ phim gần đây đã chứng minh. Ví dụ rõ nhất là Carter (Netflix). Kể từ Train to Busan, làn sóng phim thây ma bùng nổ trong điện ảnh Hàn, nhưng nó cũng mang căn bệnh thường xuyên có mặt trong phim hành động đến với các phim Hàn. Như các dự án tiền John Wick ở kinh đô điện ảnh, Carter cũng sử dụng các cảnh quay rung lắc để nhấn mạnh khía cạnh hành động, phim cũng lược bỏ yếu tố xã hội và tâm lý nhân vật khi để nhân vật chính trong đây không khác gì các hình mẫu người hùng đơn độc của Hollywood. Phim cũng chạm mức bội thực kỹ xảo.
Có vẻ như khi phim Hàn càng làm chính nó trở nên giống với Hollywood hơn, những đặc trưng này biến mất và chất lượng của nó suy giảm. The Witch: Part 2: The Other One cũng là một trường hợp đáng nói đến. Sau phần 1 nhận được nhiều lời khen, thật trớ trêu là phần phim này được xây dựng với năng lượng của John Wick, phần 2 The Witch: Part 2. The Other One lại không thể duy trì chất lượng của phần đầu. Phần 2 xem trọng việc mở rộng vũ trụ hơn là kể một câu chuyện trọn vẹn – thói xấu của các thương hiệu điện ảnh Hollywood, và hầu như bỏ đi những điều điện ảnh Hàn làm tốt nhất. Đó là tập trung vào nhân vật và tính nguyên bản của bản thân bộ phim. Mặc cho tính khoa học viễn tưởng, câu chuyện về The Witch là về khát vọng được hoà nhập, nhưng phần 2 thì chẳng khác gì một bộ phim siêu anh hùng thường thường với kỹ xảo rung lắc và kịch bản lê thê chỉ giới thiệu nhân vật là chính.
Phim Hàn dường như luôn gặp vấn đề khi tập trung làm một phim Hollywood hơn là một phim Hàn. Điều này có vẻ ngày càng phổ biến với sự xuất hiện của Netflix – một nhà đài streaming có vẻ như đang khuyến khích cách làm phim công thức. Thật đáng buồn nếu đây trở thành một thói quen của điện ảnh Hàn.