Châu Tinh Trì là nam diễn viên, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất nổi tiếng Hồng Kông và là cố vấn chính trị của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Châu được mệnh danh là ông hoàng điện ảnh, vua phòng vé, vua hài kịch trong giới showbiz Hoa ngữ với hàng tá tác phẩm mang lại tiếng cười cho khán giả. Mặc dù vướng vào nhiều scandal và bị nhiều người trong giới nói xấu, chỉ trích, Châu vẫn đáp trả bằng sự im lặng. Ít ai biết rằng, để gầy dựng được sự nghiệp và được phong làm “vua hài” như ngày nay, Châu Tinh Trì đã phải sống trong cảnh bần hàn, thiếu ăn kém mặc và những ngày đầu bước vào làng giải trí chỉ được giao cho những vai phụ và quần chúng.
Từ bát cơm chan dầu và miếng đùi gà dính đầy bụi cho đến giấc mộng trở thành diễn viên chân chính
Châu Tinh Trì được sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn cả vật chất và tình cảm tại khu phố nghèo ở Cửu Long, Hồng Kông. Gia đình bên ngoại của Châu có gốc ở Quảng Đông nhưng bị xếp vào thành phần phản cách mạng nên khi chạy trốn đến Hồng Kông phải sống trong cảnh nghèo đói. Thời thơ ấu, mỗi ngày Châu đều phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ do nhiều mâu thuẫn được sinh ra từ cái nghèo đói. Đến năm 7 tuổi thì Châu lại tiếp tục chứng kiến cảnh cha ruồng rẫy mẹ con ông và đẩy hết trách nhiệm nuôi con cho mẹ ông. Mẹ ông một mình nuôi hết 3 đứa con ăn học. Sự nghèo khó hiện diện trong mỗi bữa cơm chan dầu hoặc chỉ toàn rau với cháu mà gia đình ông phải ăn. Mẹ ông không bao giờ dám ăn no, mọi món ăn ngon mà bà tìm được đều nhường cho con nhỏ.
Châu Tinh Trì từng kể, có lần ông giả vờ làm rơi miếng đùi gà xuống đất, sau đó chê bẩn không ăn. Ông chịu để mẹ trách mắng rồi rơi nước mắt khi thấy mẹ mình ăn miếng đùi gà dính đầy bụi bẩn, nhưng ông biết chỉ có làm như vậy thì mẹ mình mới được ăn đùi gà. Ký ức về tuổi thơ thiếu ăn, nghèo đói đã theo Châu suốt cả cuộc đời, chính vì thế khán giả luôn thấy phim của ông có các cảnh nhân vật ăn uống ngấu nghiến. Những cảnh phim này khiến khán giả bật cười, nhưng ít ai biết rằng đằng sau mỗi cảnh phim đó là câu chuyện đầy nước mắt về tuổi thơ của Tinh Gia.
Do nghèo khó nên Châu không có điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn mà phải theo bà ngoại bán đồ làm móng tay trên vỉa hè. Mỗi buổi bán hàng, ông đều ngồi xổm nhìn dòng người qua lại và quan sát biểu cảm khác nhau của mỗi người. Ông nhận ra rằng mỗi người đều có số phận và câu chuyện riêng, và cách hay nhất để người đời thấu hiểu được những số phận này chính là qua phim ảnh. Rồi có lần, mẹ Châu dẫn ông đến rạp phim, đúng lúc đang chiếu phim Đường Sơn Đại Huynh của Lý Tiểu Long, chính bộ phim này và Lý Tiểu Long đã truyền cảm hứng cho Châu trở thành ngôi sao võ thuật. Thế là giấc mộng làm diễn viên của Châu Tinh Trì được nuôi dưỡng từ lúc mới 9 tuổi.
Thuở mới vào nghề đầy cay đắng và tủi nhục
Sau khi tốt nghiệp trung học từ trường San Marino năm 1983, Châu Tinh Trì quyết tâm lên thành phố lập nghiệp và phải làm đủ mọi nghề từ bưng bê, bồi bàn cho đến nhân viên dọn vệ sinh. Cũng trong năm đó, Châu và bạn thân lúc bấy giờ là Lương Triều Vỹ đăng ký khoá đào tạo diễn xuất của TVB. Tuy nhiên, chỉ có một mình Lương Triều Vỹ là nhanh chóng nổi tiếng, trở thành thành viên của Ngũ Hổ Tướng và sự nghiệp thăng hoa, còn Châu Tinh Trì vẫn phải chật vật với những vai quần chúng và những vai không thể nào phụ hơn được nữa.
Thời gian đầu, Châu Tinh Trì chỉ được giao làm những việc nhỏ nhặt trong đoàn phim. 3 năm sau ông mới được giao cho những vai quần chúng không lời thoại hoặc xuất hiện thoáng qua như lính canh, xác chết… Không chỉ vậy, Châu còn bị đồng nghiệp mỉa mai là vô dụng, không có tương lai, còn giới truyền thông thì nói ông chỉ biết nhảy múa điên khùng, làm mặt nhăn nhó, mua vui nhạt nhẽo và sẽ mãi không ngóc đầu lên được.
Đến lúc trong tay có tất cả nhưng vẫn hoàn cô độc
Trải qua gần 5 năm và 50 bộ phim với những vai diễn mờ nhạt, sự nghiệp của Châu Tinh Trì mới có bước ngoặt khi tham gia bộ phim Phán Xét Cuối Cùng (Final Justice) vào năm 1988. Với vai tên trộm xe tên Boy trong phim này, Châu Tinh Trì đã chiến thắng giải Kim Mã cho Nam phụ xuất sắc nhất. Sau Phán Xét Cuối Cùng, tên tuổi của Châu Tinh Trì ngày càng đuược biết đến nhiều hơn qua các bộ phim như Thánh Bài, Tân Lộc Đỉnh Ký, Đường Bá Hổ điểm Thu Hương, Tế Công, Tân Tây Du Ký 1…
Khi sự nghiệp có tiến triển, từ năm 1994, Châu Tinh Trì bắt đầu tự viết kịch bản, làm đạo diễn và kiêm luôn vai chính trong các phim mà anh thực hiện. Đây cũng là giai đoạn tài năng của Tinh Gia đạt đến đỉnh cao nhất khi những phim mà anh thực hiện đều thuộc hàng bom tấn ăn khách nhất Hồng Kông, thu về hàng triệu USD doanh thu phòng vé.
Năm 2001, bộ phim Đội Bóng Thiếu Lâm đã phá vở kỉ lục doanh thu phòng vé của Hồng Kông, chiến thắng giải Phim hay nhất, Nam phụ xuất sắc nhất,, mang về cho Châu Tinh Trì giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Điện ảnh Hồng Kông. Ngoài ra, Đội Bóng Thiếu Lâm còn được xếp vào danh sách 20 phim hay nhất trên thế giới về đề tài thể thao.
Đến năm 2004, kỷ lục của Đội Bóng Thiếu Lâm bị phá vỡ, nhưng bộ phim phá vỡ kỷ lục đó lại tiếp tục là một sản phẩm khác của Châu Tinh Trì – Tuyệt Đỉnh Kungfu. Mặc dù bị cấm chiếu tại Trung Quốc nhưng doanh thu của Tuyệt Đỉnh Kungfu vẫn lên đến hơn $100 triệu trên tổng kinh phí $20 triệu. Phim chiến thắng tới 5 giải Kim Tượng và 5 giải Kim Mã vào năm 2004 ở các hạng mục Hình ảnh đẹp nhất, Âm thanh, Kỹ xảo, Múa, Biên tập và Đạo diễn xuất sắc nhất. Đây còn là bộ phim có nhiều chi tiết hồi tưởng thời thơ ấu của Tinh Gia nhiều nhất, từ giấc mơ trở thành anh hùng, khu Chuồng Heo, những căn nhà xập xệ, cửa hàng bán gạo cho đến tiệm cắt tóc…
Ngoài 2 bộ phim được kể trên, khán giả còn nhớ đến Châu Tinh Trì ở những phim hài khác như Quốc Sản 007, Thần Ăn, Vua Hài Kịch, Siêu Khuyển Thần Thông, Mỹ Nhân Ngư. Trong đó, Mỹ Nhân Ngư (2016) là bộ phim gần đây nhất mà anh thực hiện và doanh thu đạt tới $550 triệu.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực điện ảnh, Châu Tinh Trì còn là triệu phú bất động sản với khối tài sản có giá trị lên đến $200 triệu. Tuy nhiên, mặc cho đứng trên đỉnh cao của danh vọng, Châu Tinh Trì lại sống trong cô độc khi không có vợ con, bạn bè cũng ngày càng ít. Ngoài đời, ông cũng là người trầm tính, nói năng chậm rãi, khác hoàn toàn với hình ảnh trên phim.
Ở tuổi ngũ tuần, Châu Tinh Trì dính đến vô số tin đồn nói xấu từ bạn bè, đồng nghiệp, người yêu cũ. Nhiều người nói về ông với đủ các loại từ miệt thị: phản bội, ích kỉ, keo kiệt, bủn xỉn, tâm thần phân liệt, lăng nhăng, bay bướm… Nhưng cho dù ai có nói thế nào, thì ông vẫn chỉ đáp trả lại bằng sự im lặng và dành thời gian để làm phim mang lại tiếng cười cho hàng triệu người ngoài kia.
Cho dù báo chí có nói xấu về Châu Tinh Trì như thế nào, trong mắt người hâm mộ, ông vẫn luôn là vua hài với lòng yêu nghề vô tận và không bận tâm những điều tiếng bên ngoài.