Tin điện ảnh

Chính quyền Trung Quốc có trung thực khi công bố doanh thu phòng vé?

Chiến Lang 2 có doanh thu cao hơn cả Avatar. Khi đọc được thông tin này, nhiều người chỉ có duy nhất một câu hỏi: “Chiến Lang 2 là cái quái gì vậy?”. Theo những con số được công bố bởi hội đồng điện ảnh Trung Quốc, bộ phim của đạo diễn - diễn viên Ngô Kinh đã mang về $853 triệu, nhiều hơn $100 triệu so với bộ phim Avatar của Mỹ ($760 triệu). Bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại một khu vực là Star Wars: The Force Awakens với $936 triệu tại Mỹ.

Làm thế nào mà Chiến Lang 2 lại trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại mà nhiều người lại không biết đến nó? Làm thế nào mà một bộ phim chỉ xứng đáng được chiếu như một video giải trí tại Mỹ lại có thể trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất mọi thời đại mà Trung Quốc làm ra?

Có thể đây là sự kiện “ngàn năm có một” khi bộ phim được ra mắt ngay đúng “thiên thời địa lợi”. Hoặc câu trả lời cũng có thể khá mờ ám. Cục Quản Lý về Báo Chí, Xuất Bản, Phát Thanh, Điện Ảnh và Truyền Hình Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời về những việc làm mờ ám liên quan đến doanh thu của các bộ phim, cộng với việc Hiệp Hội Điện Ảnh Hoa Kỳ gần đây đang thắt chặt việc kiểm soát sổ sách khiến cho một câu hỏi lớn được đặt ra: Chính phủ Trung Quốc có trung thực khi báo cáo doanh thu phòng vé?

Tình trạng của doanh thu phòng vé Trung Quốc

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt giữa những phim được sản xuất bởi những hãng phim tại Trung Quốc như Chiến Lang và những phim của Hồng Kông như Lạt Thủ Thần Thám (Hard Boiled) hay Điệp Huyết Song Hùng (The Killer) của Ngô Vũ Sâm. Những phim của Hồng Kông không hề bị quản lý bởi chính quyền tại Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nhu cầu xem phim của người Trung Quốc cao hơn bao giờ hết. Giờ đây Trung Quốc đã có hơn 40,000 phòng chiếu, nhiều hơn cả Mỹ và gấp đôi số phòng chiếu mà họ có vào năm 2013. Mặc cho số lượng phòng chiếu gia tăng và dân số nhiều gấp 3 lần Mỹ, kết quả doanh thu phòng vé Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ 2 và không tăng trưởng nhanh như các nhà phân tích đã hy vọng.

Tuy có một vài phim thành công ngoài mong đợi tại khu vực như Fate of the Furious ($392 triệu tại Trung Quốc, $225 triệu tại nội địa) và Transformers: The Last Knight ($228 triệu tại Trung Quốc, $130 triệu tại Mỹ và Canada), thì chúng vẫn chỉ được xem là những trường hợp ngoại lệ, không nằm trong tiêu chuẩn của Trung Quốc. Vẫn còn nhiều điều quan trọng hơn là những con số này.

Tham vọng của Hollywood

Các nhà làm phim của Hollywood không muốn phim của họ đạt doanh thu ở Trung Quốc cao như ở Mỹ, mà họ muốn nó phải cao hơn rất nhiều. Thông thường tại Mỹ, các hãng phim đều chấp nhận việc doanh thu tại nước nhà chỉ chiếm một nửa. Con số thực sự rất hay thay đổi và tùy thuộc vào mỗi bộ phim, thậm chí còn phụ thuộc vào việc bộ phim đó sẽ được chiếu ngoài rạp trong bao lâu bởi các hãng phim đều thu được nhiều tiền vào tuần đầu công chiếu hơn là các tuần tiếp theo. Do thuế và các yếu tố khác mà con số thường giảm xuống tới khoảng 40% ở hầu hết khu vực quốc tế. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các hãng phim chỉ cần chia 25% doanh thu của một phim. Về mặt cơ bản điều này có nghĩa rằng, để một phim Hollywood thu được nhiều lợi nhuận tại Trung Quốc hơn ở Mỹ thì nó phải đạt doanh thu gấp đôi.

Các nhà phân tích của Hollywood đều cực kỳ lo lắng về việc thị trường Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng, mặc cho việc xem phim ở rạp ngày càng trở nên thuận lợi đối với khán giả. Trung Quốc đã từng được xem là một kế hoạch vô cùng tốn kém. Thị trường Trung Quốc rất có tiềm năng nhưng nó không phải là mỏ vàng mà các nhà làm phim Hollywood đặt nhiều hy vọng. Sao chép phim ảnh bất hợp pháp đang lan tràn ở Trung Quốc, nhiều hơn cả ở Mỹ và nhiều người chỉ muốn ở nhà xem phim trực tuyến. Không cần những con số thống kê về tình trạng nghèo đói trên thế giới, chúng ta vẫn có thể hiểu được đi đến rạp xem phim là một thú vui khá xa xỉ và không phải tất cả mọi người đều có khả thể chi tiền cho việc này.

Trung Quốc – Những khách hàng khó chiều

Tuy ngành công nghiệp phim ảnh ở Trung Quốc đang rất phát triển nhưng người dân đều không muốn thị trường của họ tràn ngập phim của Hollywood. Quốc gia này nổi tai tiếng với chính sách hạn chế số lượng phim của Hollywood được nhập vào thị trường nội địa. Trong năm 2012, chỉ có 20 sản phẩm của Hollywood được phát hành tại các rạp ở Trung Quốc. Con số đó đã lên tới 38 nhưng vẫn còn khá khắt khe. Tại sao lại có chính sách này?

Trung Quốc rất nghiêm khắc với những nội dung mà người dân được tiếp xúc, và cái tư tưởng kiểm duyệt hà khắc này từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối. Chính phủ nước này đòi hỏi những phim như Pirates of the CaribbeanSkyfall phải cắt bỏ khá nhiều, trong khi những phim như Deadpool, Mad Max: Fury Road, Ghostbusters Suicide Squad thì bị cấm chiếu hoàn toàn vì không tuân theo tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Có thể dễ dàng hiểu được tại sao chính phủ Trung Quốc lại khó khăn với những tác phẩm như Fast & Furious hay Transformers – chúng không phải là phim do chính người Trung Quốc làm ra và Cục Quản Lý về Báo Chí, Xuất Bản, Phát Thanh, Điện Ảnh và Truyền Hình Trung Quốc đang cố gắng tạo điều kiện cho nền công nghiệp nước nhà phát triển trong khi phải cạnh tranh với những sản phẩm của Hollywood.

Trong bất cứ mối quan hệ nào thì lòng đố kỵ luôn dẫn tới những lựa chọn sai lầm. Trung Quốc đã từng bị vạch trần vì tội gian lận trong việc báo cáo doanh thu phòng vé và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền công nghiệp. Terminator Genisys là ví dụ điển hình. Tại Mỹ, bộ phim chỉ thu được $89 triệu, trong khi tại Trung Quốc, bộ phim lại thu được tới $113 triệu, nâng con số tổng doanh thu của phim lên tới $440 triệu. Nhưng con số này vẫn không đủ để tiếp tục thương hiệu này.

Có lẽ mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn nếu như Terminator không phải là nạn nhân của trò gian lận trên diện rộng. Khách hàng khi đến mua vé xem phim này nhưng lại nhận được vé của phim khác. Họ vẫn sẽ được xem bộ phim mà họ mong muốn nhưng số tiền đó lại được tính vào doanh thu của phim kia. Trong trường hợp này thì Terminator mất doanh thu về tay của Bách Đoàn Đại Chiến (The Hundred Regiments Offensive) – một bộ phim có chủ đề quân đội nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân Trung Quốc. Đối với Hội đồng phim ảnh Trung Quốc thì việc bộ phim ca tụng sự huy hoàng của dân tộc đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé vẫn tốt hơn là một phim khoa học viễn tưởng của người Mỹ. Vì thế họ phải tìm cách cắt giảm doanh thu của Terminator để đảm bảo rằng Bách Đoàn Đại Chiến có thể đánh bại nó trên bảng xếp hạng.

Chúng ta không thể nào biết được Terminator đã mất đi bao nhiêu tiền (theo như ước tính thì ít nhất $11 triệu) và nhiều bài báo cáo khác cũng chỉ ra rằng tình trạng này đã xảy ra với rất nhiều bộ phim khác.

Chiến Lang 2

Khi xem xét tất cả chi tiết thì có thể thấy doanh thu của Chiến Lang 2 rất đáng nghi ngờ. Phần đầu tiên chỉ thu được $81 triệu trong khi phần tiếp theo thu được tới $867 triệu. Những bộ phim có doanh thu vượt mặt phần đầu tiên không phải là trường hợp hiếm có. Terminator 2 đạt tới $205 triệu, lớn hơn rất nhiều so với con số $38 triệu của phần 1. Phần đầu tiên của Austin Powers có doanh thu khá thấp - $53 triệu vào năm 1997, chỉ 2 năm sau, phần tiếp theo đã lập nên cú hit với $206 triệu. Nhưng những bộ phim vẫn có doanh thu có thể tin tưởng được, còn trường hợp của Chiến Lang 2 lại có doanh thu cao hơn phần tiền nhiệm đến mức khó tin.

Chiến Lang 2 chỉ là một phim ca ngợi tinh thần Đại Hán có phong cách khá giống những phim hành động của thập niên 80 và công khai truyền tải thông điệp chính trị, rằng Trung Quốc tốt đẹp hơn những nước phương Tây bị “suy đồi”. Người anh hùng trong phim là một quân nhân dũng mãnh chống lại những tên lính đánh thuê tại châu Phi. Đa số những đánh giá dành cho bộ phim chỉ ở mức trung bình, nhiều người đã vui vẻ thưởng thức bộ phim nhưng cũng có nhiều người khá khó chịu vì những chi tiết vừa bạo lực vừa hiếu chiến đến mức đáng hổ thẹn. Nó vẫn là một phim hành động khá giải trí, nhưng vẫn chưa đạt tới mức như Star Wars hay Titanic.

Trung Quốc có trung thực khi báo cáo doanh thu?

Chúng ta không có đủ dữ kiện để chỉ ra rõ những ảnh hưởng mà chính quyền Trung Quốc đã tác động lên Chiến Lang 2. Có lẽ nó chỉ là một phim hành động đã chạm đến cảm xúc của một lượng dân số khổng lồ. Nhưng vấn đề ở đây là, Hội đồng phim ảnh Trung Quốc đã từng có tiền sử gian lận doanh thu phòng vé. Họ có nhiều tai tiếng đến nỗi Hiệp Hội Điện Ảnh Hoa Kỳ phải trực tiếp kiểm tra lại sổ sách, và kết quả đã chứng minh họ đã gian lận. Chính quyền Trung Quốc đã chiếm giữ 9% doanh thu phòng vé, khiến cho các hãng phim của Hollywood bị mất tới $40 triệu.

Vậy còn Chiến Lang 2 thì sao? Bộ phim này có doanh thu cực khủng, quả thực chưa từng xảy ra trong lịch sử của nền điện ảnh, và chất lượng của nó hoàn toàn không cao hơn những bom tấn khác là mấy. Chắc hẳn chính quyền Trung Quốc đã nâng đỡ bộ phim này rất nhiều khi bởi thời gian công chiếu của nó kéo dài tới vài tháng, còn những phim Hollywood khác thì bị đẩy ra khỏi danh sách khi mới chỉ chiếu được vài tuần. Vậy, khách hàng có phải trả tiền cho Chiến Lang 2 khi đi xem một phim khác? Thực hư như thế nào thì hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết được.

Nguồn: Screen Rant