Chuyện ở Hollywood - Bộ luật kiểm duyệt đưa kinh đô điện ảnh đến thời hoàng kim

Giống như Miền Tây hoang dã hay những ngày đầu của Internet, những bộ phim của giai đoạn năm 1920 đến đầu những năm 1930 - thời kỳ được gọi là Hollywood tiền luật Code - có ít quy tắc và ít gây ức chế hơn. Do đó, Bộ luật Sản xuất Điện ảnh (The Motion Picture Production Code), hay còn được biết đến vói cái tên nổi tiếng hơn là Bộ luật Hays, được thành lập để kiểm duyệt bộ phim Mỹ lẫn các nhà làm phim và hi vọng mang lại một số quy tắc đàng hoàng trở lại, các giá trị đúng đắn cho phim ảnh và nó đã mang đến thời kỳ hoàng kim đến kinh đô điện ảnh Hollywood – nhưng không phải theo cách bạn nghĩ.

1. Một Hollywood “hoang dại”

The Sign of the Cross ()

Luật Hays - Hays Code, lấy cảm hứng từ các quy tắc giáo lý của Thiên Chúa giáo (Catholic), đã muốn và thành công trong việc kiểm duyệt, kiểm soát nội dung phim và “thuần hóa” Hollywood trong suốt 3 thập kỷ.

Bộ luật này đã thay đổi nền công nghiệp điện ảnh và cuối cùng là dẫn đến sự sáng tạo của hệ thống phân loại phim ảnh ngày nay. Nhưng để hiểu Bộ luật Hays và các phân nhánh của nó, chúng ta cần hiểu thế giới Hollywood mà nó, đúng hơn là những người đứng sau bộ luật này, đang cố gắng thuần hóa đương thời.

Xem một bộ phim vào đầu những năm 1900 có thể khiến khán giả hiện đại bị sốc. Không phải vì bản thân nội dung, mà vì sự suy đồi và tăm tối mà những bộ phim giai đoạn này được trình chiếu tự do trên màn ảnh. Bên cạnh đó là những phân cảnh tự sát, nhục dục, phân biệt chủng tộc tràn lan trên phim ảnh.

Red Dust (1932) - Gồm chủ đề chính là mại dâm, ngoại tình, rượu bia (Taste of Cinema)

Lý do sự ra đời của những phim như thế này (Thee on March, Freak, Scarface…) đều là vì cuộc Đại suy thoái toàn cầu (1929-1933). Trong thời gian này, kinh tế đổ vỡ nghĩa là có rất ít người để tâm đến phim ảnh hay đến rạp phim. Nên các nhà sản xuất đã làm mọi thứ để kéo người ta ra rạp. Và không có yếu tố nào hiệu quả hơn để làm điều đó là tình dục, bạo lực, rượu chè (thời đại cấm rượu ở Mỹ (1920 - 1933) giao thoa với cuộc đại suy thoái này. Sử dụng rượu trong phim ảnh được xem là một sự an ủi thõa mãn hiếu kì của người xem). Thời đại của các bộ phim điên rồ ấy kéo đến tận 1934.

Khỏa thân ở các mức độ khác nhau cũng tràn lan trong các bộ phim như The Sign of the CrossThe Legend of Tarzan, nơi người đàn ông sống trong rừng mặc một chiếc khố mỏng manh lên hình. Thêm vào danh sách gây sốc còn có lối sống đồng tính luyến ái, sự bóc lột, sự lạm dụng, ăn thịt người, cũng như việc sử dụng tình dục phụ nữ như một vũ khí trong các bộ phim như Gold Diggers Of 1933Baby Face kinh điển.

Scarface - Bộ phim nhấn mạnh bạo lực băng đảng và nhân vật loạn luân (Taste of Cinema)

Hollywood những năm đầu 1900 đã bắt đầu được coi là một vương quốc trụy lạc và suy đồi. Tai tiếng này còn được củng cố bởi vụ bê bối của Virginia Rappe và Fatty Arbuckle. Rappe, một nữ diễn viên trẻ, đã thiệt mạng do vỡ bàng quang mà nhiều người cho rằng đó là lỗi của nam diễn viên hạng A Arbuckle. Những lời thì thầm đồn đoán rằng anh ta đã gây thương tích cho cô trong một vụ cưỡng hiếp tàn bạo sau một đêm tiệc tùng thác loạn. Mặc dù chưa bao giờ bị kết tội một cách chính thức, lời đồn ấy nhanh chóng bị xem như lời buộc tội mà Arbuckle không bao giờ có thể rũ bỏ được. Sự nghiệp của anh ta coi như chấm hết. Trước đó, Hollywood đã bị chỉ trích vì vụ sát hại William Desmond Taylor. Tất cả những tai tiếng này trong Hollywood đã trở thành những lý do thúc đẩy sự ra đời của một bộ luật kiểm duyệt trong tương lai gần.

2. Hình thành

Studio Binder

Và bộ luật kiểm duyệt ấy được biết đến là Motion Picture Production Code – Bộ luật sản xuất phim ảnh, được viết từ năm 1922. Đây là những gạch đầu dòng mà 2 người soạn thảo bộ luật, gồm nhà xuất bản tạp chí phim ảnh Martin J. Quigley và cha sứ Daniel A. Lord soạn thảo. Mặc dù được gọi là “luật”, Motion Picture Production Code (hãy gọi tắc là Production Code) trên thực tế chỉ là các “hướng dẫn” được chính những người trong ngành, nhất là bộ 5 vĩ đại gồm Warner Bros., MGM, Paramount, Universal, Walt Disney, và Columbia, đã đi tắt đón đầu tạo ra, nhằm tránh sự can thiệp trực tiếp của chính phủ liên bang dưới dạng một bộ luật thực sự.

Năm 1930, Production Code được trình lên Motion Picture Producers and Distributors of America (MPPDA) (tiền thân của Motion Picture Association – Hiệp Hội Điện Ảnh Hoa Kỳ ngày nay). Người đứng đầu MPPDA lúc này là Will H. Hays đã đồng ý thông qua bộ luật. Từ lúc ấy, Production Code được gọi là Hays Code nhằm vinh danh vị chủ tịch này.

Joseph Green (Men Health)

Dĩ nhiên, những điều lệ mang đậm ảnh hưởng của giáo lý Thiên Chúa Giáo nhanh chóng mâu thuẫn với những cái đầu tự do tư tưởng của nền công nghiệp phim ảnh. Hollywood đã tỏ rõ thái độ khi liên tiếp mặc kệ những điều lệ này. Bực tức, Giáo hội Thiên Chúa Giáo – tổ chức đức tin quyền lực nhất nước Mỹ bấy giờ - trả đũa bằng cách lập nên Nation Legion of Decency (tạm dịch: Quân đoàn Khuôn phép Quốc gia) và kêu gọi sự đứng đắn trong phim ảnh.

Sự ủng hộ của hơn 20 triệu tín đồ khắp các thành trì Thiên Chúa Giáo – nhiều trong số đó là các đô thị tấp nập, cũng là thị trường của các hãng phim, quyết sẽ không xem những bộ phim mà nhà thờ Công Giáo đánh giá là không phù hợp, thậm chí là báng bổ, các cuộc biểu tình diễn ra với biểu ngữ “Chúng tôi muốn phim (một) tử tế” sau đó cuối cùng cũng buộc Hollywood phải nhượn bộ, nếu không muốn bị phá sản.

The Fire.org

Những tiếng nói phản đối này đã lớn mạnh đến mức Chính phủ liên bang không thể làm ngơ được nữa và bắt đầu cân nhắc thành lập một ủy ban chuyên kiểm duyệt phim ảnh. Tuy nhiên, các studio một lần nữa chủ động tự thành lập Production Code Administration (tạm dịch: Uỷ ban Sản xuất Phim ảnh) để củng cố và thi hành bộ luật năm 1930. Họ còn đặt một tín đồ Thiên Chúa Giáo vào vị trí đứng đầu Uỷ ban là Joseph Breen để thực thi Hays Code một cách nghiêm túc. Đến năm 1934, Hays chính thức giao lại cho Breen toàn quyền việc kiểm duyệt.

3. Bộ luật “tự nguyện” ghìm cương Hollywood

History Daily

Mặc dù là một bộ luật nội bộ mang tính tự nguyện nhiều hơn là pháp lý, Hays Code được tuân thủ đến tận chữ cuối cùng nhờ vào sự nghiêm khắc của Breen. Nếu các bộ phim bấy giờ muốn được trình chiếu, chúng phải có logo của văn phòng này đính kèm ở đoạn credit đầu, chứng tỏ nội dung phim đã được kiểm duyệt và phù hợp với tiêu chuẩn đứng đắn của xã hội. Ngược lại, không có logo này, những bộ phim dù hay đến đâu cũng không bao giờ thấy ánh mặt trời.

Sự nghiêm khắc của Breen – người đến từ dòng Irish Catholic – nổi tiếng qua tác phẩm kinh điển It’s a Wonderful Life (1946). Breen đọc qua từng dòng của kịch bản và ghi chú chằn chịt cả trang. Ví như ông đã “nhắc nhở” một nhân vật phải uống rượu để giải sầu nhưng không được cho người xem thấy cảnh anh ta say xỉn, nhắc đến việc bất lực (về mặt sinh lý) trong phim là không phù hợp… Không chỉ vậy, Uỷ ban này còn kiểm soát luôn cả trang phục, bối cảnh và quá trình quảng bá của phim nữa. Bộ luật này, kết hợp với sức ép công chúng, biến Breen và ủy ban kiểm duyệt Production Code Administration trở thành người quyền lực nhất Hollywood.

It's a Wonderfull Life

Hays Code đã thành công thuần hóa Hollywood từng một thời hoang dại. Sự ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo vô cùng nổi trội trong các bộ phim thời ấy. Bộ luật đã cho phép, dù gián tiếp, can thiệp, tái tạo Hollywood theo hình ảnh mà họ muốn, với các giá trị đạo đức theo tiêu chuẩn nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Và thời đại của những băng đảng, rượu chè, tính dục đã khép lại.

Hays Code ngăn cấm việc giết người được đưa lên màn ảnh. Nó nhắc rằng “các hành vi giết người không được diễn giải theo cách mà người xem có thể bắt chước”. Tội ác và sự vô luân không bao giờ có thể được miêu tả bằng góc nhìn tích cực. Tội phạm không nên được coi là anh hùng. Các phương pháp phạm tội không thể được trình bày rõ ràng. Không thể trình bày việc sử dụng ma túy bất hợp pháp. Các phương thức phạm tội có thể được trình bày rõ ràng. Chính quyền, cảnh sát, lực lượng hành pháp không nên bị bôi nhọ.

Casablanca (CR Fashion Book)

Hays Code cũng nhất quyết ngăn cấm tình dục ngoài hôn nhân và bảo đảm rằng “tuyệt đối không mô tả ngoại tình và các cảnh tình dục cụ thể, nhiều khi cần thiết cho cốt truyện, một cách hợp lý hay thu hút”. Luật cũng không chấp nhận sự miêu tả của các mối quan hệ (thân mật) giữa các chủng tộc, tức một người da trắng không thể yêu một người da màu; thể chế hôn nhân phải được miêu tả đúng đắn; đồng tính luyến ái không được phép lên hình; ngoại tình là một chủ đề cần phải tránh; không bao giờ được phép khỏa thân hoàn toàn; vệ sinh tình dục và các bệnh hoa liễu không phải là đối tượng thích hợp; những cảnh sinh nở không bao giờ được chiếu; cảnh “tình dục” chỉ nên xuất hiện khi cần thiết và không được quá rõ ràng.

Về tôn giáo, Không cho phép những lời nhạo báng của giới tăng lữ; tôn giáo không bao giờ có thể được mô tả một cách chế giễu; không thể sử dụng những từ như "Chúa", "Chúa", "Chúa Giêsu", "Chúa Kitô", "địa ngục" và "chết tiệt" trừ khi nó liên quan đến các nghi lễ tôn giáo.

Gone With The Wind (Daily Mail)

Để nói rõ nội dung của Hays Code có lẽ cần đến cả một cuốn sách trắng dày, nhưng những điều lệ ảnh hưởng nhất đánh mạnh vào phụ nữ và chủng tộc lẫn các tôn giáo thiểu số. Các bộ phim không thể tuyển nữ diễn viên da màu, người gốc Á hay Latin, dù cô ấy có tài năng đến đâu, nếu nam chính là một người da trắng. Và nếu có được mời tham gia một bộ phim, các phụ nữ này phải đảm nhận vai trò “phù hợp” với “vai trò xã hội” của họ, tức người da đen chỉ có thể vào vai người hầu hoặc nô lệ. Hays Code cũng ngăn cấm thứ được gọi là “nô lệ hóa” người da trắng – tức phim ảnh không được vấy bẩn hình ảnh người da trắng.

Hình ảnh của phụ nữ bị gắn liền với vai trò nội trợ, khiêm tốn, hiền hòa và có khi là ít học, ước mơ lớn nhất của họ là gia đình. Đáng chú ý là các bộ phim ở thời gian này đã cài cắm tình tiết ngụ ý sự nghiệp và học vấn làm người phụ nữ, và chỉ phụ nữ, khốn khổ. Những người phụ nữ ngược lại, như hình tượng bombshell, femme fatale… đều không có kết cục tốt đẹp trong phim hoặc đến cuối, họ đều phải kết hôn, như một cách để truyền tải sự giải phóng tình dục ở phụ nữ là điều hết sức cấm kị, cũng như đe dọa thể chế gia đình và vai trò giới truyền thống của phái nữ. Một ví dụ có thể kể đến vai diễn Rose trong Niagra (1953) do Marylin Monroe thể thiện.

Hình tượng femme fatal nổi tiếng trong thể loại Noir thời điểm Hays Code có một thông điệp “tế nhị” phản ảnh sự khó chịu của xã hội đối với những phụ nữ chọn sự nghiệp và rời xa vai trò truyền thống – điều được định hình bởi Thế Chiến II, khi họ phải thay thế đàn ông trong công việc nhà máy, được trả lương và được chọn nghề nghiệp bên ngoài căn bếp. Các phim noir đã ám chỉ sự độc lập mà họ có được ấy đe dọa sự an tâm của nam giới và là nguyên nhân dẫn đến cảm giác mất mát quyền lực của họ. Cái chết ở cuối phim hoặc việc các phụ nữ này kết hôn là giải pháp duy nhất giải quyết vấn đề. Các thông điệp này làm phim noir bấy giờ như một công cụ tuyên truyền phụ nữ nên ở nhà làm vợ, nội trợ và làm mẹ, nếu không hậu quả là rất khủng khiếp. Tất nhiên, nếu phim noir ủng hộ những nhân vật nữ giới độc lập như thế sẽ được coi là mối hiểm họa với cấu trúc gia đình và vai trò giới truyền thống. 

Không có cách nào mà Ilsa có thể chạy trốn với Rick trong Casablanca, bất chấp những gì trái tim cô ấy mách bảo, ngay cả khi chính chồng cô thúc giục, vì trong kịch bản, cô ấy là một phụ nữ đã có gia đình. Cuối cùng, vẫn là cô đoàn tụ với chồng với sự hối thúc của chính Rick – phân cảnh nổi tiếng nhất của phim để cho thấy phim không cổ xúy ngoại tình, dù sự thật phức tạp hơn thế. Breen cũng buộc cánh làm phim bỏ chi tiết ngụ ý Rick và Ilsa đã ngủ với nhau ở Paris hay vị Đại úy Renault cưỡng ép người khác về mặt tình dục. Ngay cả những bộ phim hoạt hình cũng không được tha - bộ đầm nổi tiếng của Betty Boop đã được biến tấu thành một bộ đồng phục khiêm tốn mà những bà nội trợ khi đó hay mặc.

Betty Boop Wiki

Tóm lại, bằng cách thay đổi hiện thực trên màn ảnh, những người viết luật và củng cố nó mong rằng có thể thay đổi và làm xã hội ngoài đời thực tốt hơn. Ví dụ, Hays Code còn nói rõ phim ảnh không nên “hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của người đi xem chúng (phim)” “sự cảm thông của khán giả không bao giờ được hướng đến các hành vi tội phạm, quỷ dữ hay tội lỗi”. Điều đáng nói, lại không được nhắc đến thời ấy, là giá trị đạo đức hoặc những gì được xã hội chấp nhận luôn có tính thay đổi.

4. Bộ luật “tự nguyện” giải phóng Hollywood

The Malteses Falcon (Off Screen)

Nhưng Hays Code không hẳn là kìm kẹp Hollywood đến không thở nổi. Các nhà làm phim nơi đây đã học cách sống chúng với bộ luật này và cuối cùng là vượt lên các điều lệ. Theo một cách nhìn, Hays Code đã giải phóng Hollywood khỏi tiêu chuẩn tầm thường của phim ảnh. Những bộ phim ra đời trong thời đại của Hays Code là những dự án được trau chuốt đến từng khung ảnh và điệu nghệ trong kịch bản.

Hays Code đã buộc các nhà làm phim phải bước ra khỏi vùng an toàn khi các yếu tố dễ dàng cuốn hút khán giả không còn nữa. Thời gian này, Hollywood chào đón những kỹ năng làm phim ẩn ý vô cùng tinh tế, thêu dệt các hàm ý hay ngụ ý một cách phức tạp vào kịch bản để được chấp nhận bởi Uỷ ban kiểm duyệt nhưng không thỏa hiệp ý nghĩa của chúng. Phim ảnh này cũng đạt được tính nghệ thuật để trở thành những dự án kinh điển nhất của lịch sử Hollywood.

Citizen Kane (Robert Ebert)

“[Bộ luật] đã có một hiệu ứng rất tốt vì nó khiến chúng tôi phải suy nghĩ,” theo Edward Dmytryk từng nói. “Nếu chúng tôi muốn vượt qua điều gì đó bị kiểm duyệt… chúng tôi phải làm điều đó một cách thận trọng. Chúng tôi phải thông minh. Và nó thường trở nên tốt hơn, và vui hơn, nhiều so với khi chúng tôi đã làm điều đó một cách thẳng thắn"

Thật vậy, một số bộ phim kinh điển nhất của thời đại này, bao gồm Roman Holiday (1953), Casablanca (1942) và It’s a Wonderful Life (1946), Citizen Kane (1941). Trong 3 thập kỷ của Hays Code, khái niệm queer coding – ngụ ý các xu hướng tính dục thiểu số -  ra đời thông qua The Maltese Falcon (1941) cũng minh chứng cho kỹ năng ám chỉ điêu luyện của các nhà làm phim khi đó. Đến thập niên 60, tức thập kỷ thứ 3 của Hays Code, bộ luật này lỏng lẻo dần do Breen về hưu vào năm 1954 và xã hội cởi mở dần đã kéo theo một chút tự do và tràn ngập tính nghệ thuật trước đó hòa vào nhau, dẫn đến sự ra đời của The Anatomy of a Murder (1959), Psycho (1960), Some Like It Hot (1959) – phim lồng ghép yếu tố đồng tính – được xem là 1 trong 100 bộ phim hay nhất do các nhà phê bình ngày nay bầu chọn vào 2015 – trở thành bộ phim đánh dấu cái chết của Hays Code.

Some Like It Hot (1959)

Cho đến thập niên 60, sự cạnh tranh của truyền hình – không nằm trong kiểm duyệt của Hays Code, dòng phim từ châu Âu, các phong trào cấp tiến về phụ nữ, sắc tộc và xu hướng tính dục khiến Hays Code trở nên lỗi thời. Nếu muốn tiếp tục cạnh tranh, Hollywood phải thay đổi thêm lần nữa. Và sau 30 năm, kỷ nguyên của Hays Code kết thúc với sự ra đời của hệ thống phân loại phim ảnh được áp dụng đến ngày nay. MPPDA đổi tên thành Motion Picture Association và quản lý hệ thống phân loại trao cho khán giả quyền tự lựa chọn và đánh giá phim nào phù hợp với họ.

Mặc dù những điều luật gắt gao về phụ nữ và chủng tộc, Hays Code không được coi là ảnh hưởng tiêu cực đến nền phim ảnh của Hollywood, nhưng cũng không được coi là tích cực, mà nó là cả hai và được các cá nhân trong ngành xem là điều tất yếu với thời đại. Hays Code kìm kẹp Hollywood, nhưng cũng thúc đẩy kinh đô điện ảnh bước vào thời kỳ hoàng kim với kỹ thuật làm phim, bối cảnh và kịch bản thượng thừa. Dĩ nhiên, sự nghiêm túc và nghệ thuật này cũng sản sinh nhiều ngôi sao cho Hollywood bất kể rào cản giới tính và chủng tộc.

Tham khảo: Allthatnteresting.com, Vox, Menhealth, npr.com, The Take...