Tin điện ảnh

Chuyện phim Việt - Đi tìm lối đi tiếp theo cho điện ảnh Việt Nam

Người viết nhận định nền điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh đối mặt với nhiều nỗi sợ. Không chỉ về chất lượng, mà còn về những thể loại còn thiếu ở đây, những diễn viên không đủ năng lực gồng gánh các thể loại nặng đô, nhà đầu tư không đủ tự tin, những cơ sở vật chất không theo kịp đã phát triển của nhu cầu điện ảnh nước nhà, thiếu sự định hướng. Trong đây, chỉ có thái độ ngày càng khắt khe của khán giả là tín hiệu tốt đối với điện ảnh Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc nền điện ảnh nước nhà buộc phải nghiêm túc hơn trong việc làm ra những bộ phim phù hợp, đồng thời tự điều chỉnh những điểm thiếu sót. Đến đây, sự tiếp cận một số thể loại hay “đánh” nhiều nơi lại trở thành một câu hỏi khó nhằn.

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim tại Moveek

Trong những năm gần đây, khán giả Việt chứng kiến sự ra đời của những bộ phim Việt mang những nhãn thể loại chưa từng xuất hiện trong nền điện ảnh nước nhà, hoặc những bộ phim tìm đến các lối kể chuyện khác lạ. Trước Chuyện Ma Gần Nhà thử nghiệm cốt truyện bao gồm các câu chuyện ngắn diễn ra trong một vũ trụ, đạo diễn Trần Hữu Tín đã có một đứa con tinh thần mang tên Rừng Thế Mạng (2021), được coi là phim sinh tồn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Thất Sơn Tâm Linh (2019), một bộ phim dựa trên sự kiện có thật. Năm 2022, điện ảnh Việt chào đón Cù Lao Xác Sống Virus Cuồng Loạn, hai bộ phim lấy đề tài “thây ma”. Từ năm 2015, điện ảnh Việt cũng đón làn sóng remake phim nước ngoài với Yêu – dựa trên The Love of Siam của Thái Lan và đạt được những thành tựu nhất định như sự thành công của Tiệc Trăng Máu – remake từ Intimate Strangers của Hàn Quốc, Tháng Năm Rực Rỡ từ Sunny cũng đến từ xứ xở Kim Chi. Tiếp đến là những phim chuyển thể như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh Mắt Biếc, cả hai đều dựa trên nguyên tác văn học của Nguyễn Nhật Ánh. Em và Trịnh, một bộ phim dựa trên người thật nhưng lại không thể gọi là tiểu sử (???). Maika - Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác như một nét chấm phá pha chút khoa học viễn tưởng….

Có thể thấy, điện ảnh Việt rất chịu khó đổi mới, bằng cách dễ thấy nhất là đa dạng hoá các thể loại phim ảnh nước nhà. Song, thành công không phải lúc nào cũng đến, chỉ một số để lại các thành tựu nhất định, số còn lại vẫn nhận những lời nhận xét tiêu cực. Đơn cử như Rừng Thế Mạng, bộ phim mà người viết đánh giá là bước hụt đáng tiếc nhất.

VnExpress

Bộ phim sinh tồn này đáng lẽ rất triển vọng. Việt Nam có lợi thế về những khu rừng âm u, núi non hiểm trở, còn thể loại sinh tồn vốn không cần những cảnh quay quá điệu nghệ. Yếu tố cần ở đây là diễn xuất và dựng phim thật chân thật. Đạo diến Trần Hữu Tấn trước đó là gây ấn tượng với Bắc Kim Thang với cấu trúc 3 hồi mạch lạc và ý nghĩa nhân sinh dễ “thấm” đã cho người viết hy vọng anh có thể làm một dự án điện ảnh chỉn chu khác. Bên cạnh đó, thể loại phim “sinh tồn” không đòi hỏi quá cao về ngân sách. Nếu được kể đúng đắn, câu chuyện vẫn sẽ thú vị với những màn sinh tồn gay cấn thử thách sức chịu đựng hoặc nhân cách con người trong những lúc khốn cùng nhất. Trần Hữu Tấn có thể học hỏi những bộ phim sinh tồn của những nền điện ảnh hàng xóm. Song, trước những điều kiện như vậy, Rừng Thế Mạng lại thiếu sót vô cùng, mà trong đó, trọng yếu nhất là các phân cảnh khắc hoạ những pha sinh tồn của thể loại.

Điểm yếu lớn nhất của Rừng Thế Mạng nằm ở khâu kịch bản. Đó là một kịch bản được thực hiện với sự vội vã khó hiểu giữa 3 đoạn và thiếu cân bằng giữa yếu tố chính kịch và sinh tồn. Đạo diễn Hữu Tấn đã dành thời gian chăm chút cho mối quan hệ giữa các nhân vật của mình, rồi lại qua loa ở phân đoạn đáng lẽ phải là điểm sáng của bộ phim.

Rừng Thế Mạng có ý tưởng nhưng thực hiện quá mông lung | Báo Thanh Niên

  

Đoạn đường sinh tồn của Kiên trong Rừng Thế Mạng chỉ được thực hiện vỏn vẹn 50 phút cuối, tính luôn cả đoạn kết, mà trong đó, Kiên chỉ việc đi vòng vòng khu rừng, điểm nhấn được nhấn mạnh là ăn thịt ếch sống. Chỉ cần đặt cạnh những phim sinh tồn hạng B của Hollywood, sự thiếu sót của Rừng Thế Mạng càng lộ rõ. Từ một bộ phim đáng lý phải để người xem cảm nhận được thời gian như chậm lại trong khung hình, Rừng Thế Mạng khiến phân đoạn sinh tồn trôi qua trong nửa tiếng. Sự nhấn mạnh thời gian được đạo diễn để cho nhân vật truyền tải qua lời thoại.

Sự thất bại của Rừng Thế Mạng lặp lại ở Cù Lao Xác Sống, tập tành các thể loại của nền điện ảnh nước ngoài nhưng không tập trung vào chủ thể chính, những chi tiết về dựng phim vô cùng ngây ngô, những nhân vật nhạt nhẽo. Thất Sơn Tâm Linh lại gặp kiểm duyệt gắt gao. Em và Trịnh gặp phải nghi án xuyên tạc. Mắt Biếc đẹp nhưng vô hồn. Những phim remake lại không hài lòng những khán giả đòi hỏi phim thuần Việt. Maika - Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác là một phim remake từ phiên bản Thổ Nhĩ Kỳ và không được đón nhận rộng rãi. Và chúng ta đều nhận thức được những cái tên phim nghệ thuật của Việt Nam từ trước đến nay đã luôn chật vật (Đêm Tối Rực Rỡ hiếm hoi được đón nhận nhưng đây lại không phải đứa con tinh thần của một đạo diễn Việt).

Những cái tên kể tên, thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song, năm 2021, điện ảnh Việt có một điểm sáng mang tên Bố Già. Một bộ phim không có gì mới, vẫn cấu trúc 3 hồi liên kết, vẫn chủ đề gia đình-xã hội-đời thường đã được sử dụng đến “nhừ” trong phim Việt, vẫn ý nghĩa về tình cha con đan xen sự xung đột giữa hai thế hệ, những diễn xuất không đòi hỏi quá nhiều, nhưng Bố Già lại thành công rực rỡ. Về tổng thể, Bố Già là một bộ phim chỉn chu, nghiêm túc, nói không với hài nhảm và tiết chế phong cách diễn xuất quá đà của Trấn Thành. Kịch bản tương đối hoàn thiện với tính liên hệ xuyên các thế hệ giúp Bố Già ghi điểm với nhiều bộ phận khán giả. Đến cuối cùng, đây vẫn là một bộ phim thương mại.

Bố Già - bộ phim thương mại thành công của điện ảnh Việt | VnExpress

Những cái tên tiên phong trên và Bố Già phản ánh bức tranh thú vị của điện ảnh Việt hiện tại và tương lai – đa dạng thể loại ngày càng nhiều hay tập trung mài giũa những gì đã biết.

Có một thực tế là Bố Già dù nhận được không ít ý kiến trái chiều về diễn viên Trấn Thành và bộ phim nói chung, bộ phim này vẫn là kết quả đúc kết từ những lần hài - gia đình - xã hội với tính chất dễ coi, dễ quên từng một thời tràn lan ở rạp phim Việt. Bố Già lược bỏ sự thừa mứa đến từ các chi tiết chỉ được thêm vào nhằm chọc cười, thêm thắt các yếu tố xã hội để làm dày câu chuyện, kéo thêm sự dung dị của đời sống lao động, những khúc cua tiếp tục thúc đẩy câu chuyện thay vì để nó dàn trải trong nhịp điệu buồn chán, mặc cho câu chuyện khá dễ đoán.

Cái khó của Bố Già là những tình tiết phim thật ra không mới, được cóp nhặt từ những khuôn mẫu diễn ra mãi ở phim truyền hình Việt, ví như bi kịch gia đình thường đến từ những căn bệnh nan y hoặc khó chữa. Nhưng như đã nói ở trên, về tổng thể, Bố Già là một phim thương mại tròn chỉnh. Trong bối cảnh mà hai thế hệ mâu thuẫn trong Bố Già là một hiện thực các khán giả trẻ đang trải qua, bộ phim đã đánh đúng chỗ, chạm đến cảm xúc của người xem.

Bố Già thành công không phải may mắn

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim tại Moveek

Đây không phải là một cú ăn may. Đánh giá Bố Già có giá trị nghệ thuật hay không là không công bằng. Bố Già không phá cách trong cách làm phim, nó vận dụng những cái có sẵn – lấy cảnh thật để không phải dựng phim quá lớn. Cốt truyện chẳng đột phá mà chắt lọc từ nhân tình thế thái thường thường – vẫn xoay quanh mấy mẩu chuyện yêu đương, gia đình. Kịch bản không độc đáo và dựa vào những sở trường của phim Việt (chủ đề gia đình) để hạn chế sở đoản. Hướng về tính thương mại (cốt truyện đơn giản, hầu như là đi theo một đường thẳng) và đề cao giải trí nhưng mang tính liên hệ cao (mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ, sự phức tạp của gia đình đa thế hệ, đông đúc, xung đột tư tưởng của thế hệ trẻ và già) đồng nghĩa với việc Bố Già không cần bận tâm đến tính nghệ thuật quá nhiều hoặc mất kiểm soát câu chuyện với hàng đống “sáng tạo” mà vẫn đáp ứng được chức năng đầu tiên của phim ảnh – giải trí, sau đó là đến ý nghĩa, thông điệp…

Quay lại vấn đề đề ra. Khi những cái tên mang tính tiên phong hầu như đều gãy cánh giữa chừng, một dự án học hỏi từ những phim tương tự như Bố Già lại thành công. Như vậy có phải đây là dấu hiệu cho thấy điện ảnh Việt Nam nên bám sát những gì bản thân đã có nền tảng để phát triển thêm và tạm thời dừng những bộ phim về các thể loại ít thấy ở Việt Nam? Câu trả lời là không hẳn.

Cù Lao Xác Sống nên được tạo ra sau khi đội ngũ làm phim học hỏi tốt hơn | Ngôisao.net

Như sự sáng tạo, xác định ranh giới là điều cần làm và tính từ tốn là một phẩm chất. Thay vì ngay từ đầu đã tập chạy bằng các thể loại đòi hỏi quá lớn về cơ sở vật chất như các bộ phim lịch sử như dự án Huyền Sử Vua Đinh gần đây, các nhà làm phim Việt có thể học hỏi từ các nền điện ảnh khác và trau dồi những gì mà điện ảnh Việt đã có sẵn nền tảng, như thể loại phim gia đình, xã hội hoặc tình cảm. Thái Lan là một ví dụ những màu sắc mà thể loại được nhắc đến sở hữu trong khi về cơ bản, kịch bản của giữa những bộ phim này không khác là bao.

Với thành công của Bố Già, Hai Phượngđiện ảnh thương mại Việt có cơ hội nhiều hơn khi học tập những gì đã có từ các nền điện ảnh khác. Điều này có thể áp dụng cho những phim thuộc thể loại khác. Thay vì quá tập trung vào bản sắc, những bộ phim Việt hoàn toàn có thể sử dụng các tư liệu của những dự án thành công đi trước, những khuôn mẫu được xác lập lâu đời – ví như tại sao xác sống thường di chuyển chậm hơn người sống, để dành thời gian trau chuốt kịch bản và lời thoại vốn là “gót chân A-sin” của phim Việt. Ví dụ, ngoài Bố Già, Thưa Mẹ Con Đi cũng được coi là bài học thành công khi từ bỏ định kiến về những người đồng tính và tập trung thể hiện mối tơ vò nội tâm của nhân vật thay cho những yếu tố đồng bóng.

Điện ảnh LGBTQ+ thực tế đã vượt qua các khuôn mẫu quen thuộc như mối quan hệ giữa họ và các phụ huynh để nói đến sự tự khám phá hay thức tỉnh về xu hướng tính dục, nhưng vấn đề “come-out” với gia đình vẫn là dễ khai thác nhất. Đây là điều mà Thưa Mẹ Con Đi đã vận dụng. Về tính nghệ thuật thì chưa nói gì nhiều, nhưng về độ tròn trịa của kịch bản là một điểm đáng khen, dù câu chuyện trên thực tế rất dễ đoán, vì đây là khuôn mẫu đã được thể hiện nhiều lần ở các nền điện ảnh khác. Điểm bù trừ ở đây là đặt Thưa Mẹ Con Đi bên cạnh những dự án phim cùng thể loại trong điện ảnh Việt Nam và thấy được sự nghiêm túc khác biệt, cũng như không quá gai góc khiến chủ đề được nhắc đến trong phim trở nên thực tế hơn.

Thưa Mẹ Con Đi vận dụng cái nhìn thực tế hơn về LGBTQ+ | VieOne

Sáng tạo trong khuôn khổ khi tiếp cận những chủ đề, thể loại mới có thể giúp các bộ phim tránh được sai lầm của Cù Lao Xác Sống, trong khi đó, học hỏi và trau dồi những sở trường có sẵn sẽ đảm bảo thành công về thương mại. Tìm được điểm cân bằng giữa hai lựa chọn này sẽ là điểm đến tiếp theo cho điện ảnh Việt Nam. Nói thẳng ra là hãy làm tốt những thể loại không đòi hỏi quá nhiều để khắc phục lỗi kịch bản, đài từ...rồi hãy mơ đến những gì phức tạp như khoa học viễn tưởng, sử thi hay thậm chí là phim dã sử/huyền sử/lịch sử.